Monday, November 5, 2012

 KHÓ KHĂN  ĐANG CHỜ TỔNG THỐNG MỸ TƯƠNG LAI 
tka23 post
    Cho dù ai, Barack Obama hay Mitt Romney chiến thắng trong cuộc bầu cử tối mai, thì vị Tổng Thống tương lai của nước Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với một đất nước bị phân cực và chia rẽ sâu sắc.
Tân Tổng thống Mỹ sẽ phải điều hành một chính phủ mà rất có thể có tới một nửa dân số đã không bỏ phiếu ủng hộ nó. Đó là một chướng ngại  khổng lồ cho bất kỳ một nhà lãnh đạo nào khi khởi hành một tiến trình mới.
   Thực tế khắc nghiệt đó đang được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết qua các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử. Kết quả thăm dò dư luận trên toàn quốc mới đây nhất của Washington-ABC News cho thấy cả Obama và Romney cùng đạt 48%. Thăm dò của CNN cho biết Obama dẫn trước Romney 1 điểm sít sao 48%-47%. Tại các bang chiến trường như Ohio và Florida, Obama đang giành lợi thế, nhưng vô cùng mong manh (Ohio: 50%-47%, Florida: 50%-49%). Sai số của các kết quả này là +-3.5%.
 
OBAMA
 
 
ROMNEY

Điều mỉa mai ở chỗ, một chiến dịch tranh cử vượt mọi kỷ lục về sự tốn kém, với hơn 6 tỉ đô la đã được cả hai bên rót ra và kéo dài suốt hơn 1 năm , lại không giúp bất kỳ ứng viên nào có đủ khả năng phá vỡ thế giằng co cho đến sát ngày chung cuộc. Nói cách khác, không ứng viên nào đủ thuyết phục đối với các cử tri rằng họ xứng đáng dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tới.
Đối với những nhà quan sát bên ngoài, nghịch lý này có thể làm nên nét hấp dẫn của bầu cử Tổng thống Mỹ, bởi  cuộc đua tranh đến phút chót, bởi sự khó đoán trước khiến cuộc bầu cử giống như một trận đấu thể thao của hai đấu thủ “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
   Nhưng đối với những người dân Mỹ, tính chất sít sao của cuộc đua chỉ nói lên một nước Mỹ đã bị chia rẽ thành hai màu xanh đỏ từ mấy năm qua (màu xanh tượng trưng cho Dân chủ, màu đỏ tượng trưng cho Cộng hòa). Cùng với nền chính trị bị phân  hóa mạnh mẽ là sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cử tri độc lập, những người tự nhận mình là “không ưa Dân chủ mà cũng chẳng thích Cộng hòa”.
Chia rẽ sâu sắc
4 năm trước, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên thệ nhậm chức với lời hứa sẽ đem hòa giải hai đảng đang chia rẽ, đem họ trở lại ngồi cùng chiếc bàn ,vì hòa bình và thịnh vượng cho nước Mỹ.
4 năm sau, cuộc chiến Dân chủ - Cộng hòa, khơi mào từ nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Bush tiếp tục leo thêm những nấc thang căng thẳng mới. Ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Obama, giới lãnh đạo Cộng hòa, dưới sức ép và sự cổ vũ của nhóm cử tri bảo thủ và giới truyền thông cánh hữu, đã quyết định bằng mọi giá phản đối và cản trở mọi quyết định của chính quyền Obama. Vị Tổng thống trẻ tuổi, với đầy lòng nhiệt huyết và quyết tâm thay đổi Washington, ngay lập tức đã bị dội gáo nước lạnh.
Lẽ ra, thời khắc khó khăn của đất nước, khi nền kinh tế đứng bên bờ vực suy sụp phải trở thành nhân tố xích hai đảng lại gần nhau để đưa ra những quyết sách nhanh chóng, kịp thời. Nhưng những người Cộng hòa biết rằng họ có thể tận dụng triệt để cơ hội chính trị từ vận đen của Tổng thống khi phải lãnh đạo một đất nước với di sản là một đống hỗn độn kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm. Và họ đã quyết định làm như vậy.
Thậm chí, TNS McConnell tuyên bố thẳng thừng vào năm 2010 rằng: mục tiêu tối thượng của đảng ông là biến Obama trở thành tổng thống một nhiệm kỳ.
Hai năm cuối trong nhiệm kỳ đầu của Obama, chính quyền gần như tê liệt bởi Cộng hòa, nắm đa số ở Hạ viện, đã phủ quyết hầu hết các quyết sách của Tổng thống. Tình hình càng tồi tệ hơn với sự trỗi dậy của phong trào Tea Party, một sự tập hợp của những nhóm nhà hoạt động bảo thủ trên khắp đất nước. Tea Party đe dọa bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào nếu tỏ bất kỳ dấu hiệu đối thoại hay thỏa hiệp nào với Dân chủ sẽ bị cử tri tẩy chay và thất cử. Áp lực bầu cử đè nặng đến mức ngay cả những nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa nhất cũng trở nên ngại ngần bắt tay với Dân chủ. Thật oái oăm khi người đứng đầu siêu cường hùng mạnh nhất thế giới có lẽ lại là một trong những nguyên thủ ít quyền lực nhất.
Cuộc chiến Cộng hòa - Dân chủ càng trở nên nóng bỏng khi vào mùa bầu cử Tổng thống. Gần như suốt cả năm trời, hai ứng viên chỉ thi nhau công kích, bôi xấu đối phương.
 
 Romney, để làm hài lòng nhóm ủng hộ viên trung thành nhất của Cộng hòa, luôn phải giương cao ngọn cờ bảo thủ và chỉ trích tổng thống đương nhiệm bằng mọi cách. Ở phía bên kia,
Obama, người luôn nhấn mạnh đến sự hợp tác lưỡng đảng cũng không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để chỉ trích đảng Cộng hòa và chế giễu đối thủ Romney, thậm chí cũng giống như đối thủ của ông, sẵn sàng bẻ cong sự thật.
   Nhưng rốt cục, chiến dịch bôi nhọ lẫn nhau tốn kém hàng tỷ đô đó chỉ khiến cử tri thêm chán ngán với giới chính trị gia. Đó cũng là một phần lý do khiến không ai vượt lên giành lợi thế rõ ràng trong cuộc bầu cử lần này.
Tương lai nào?
Tương lai của một đất nước đoàn kết lưỡng đảng thật khó .
Nếu Obama tái đắc cử, ông sẽ phải lãnh đạo một quốc gia đã bị chia rẽ sâu sắc. Ông cũng sẽ không có nhiều thời gian để hàn gắn những vết thương hậu bầu cử bởi ngay trước mắt ông là cuộc đối đầu với Quốc hội về cắt giảm ngân sách và điều chỉnh chính sách thuế. Cuộc chiến này thậm chí có nguy cơ khiến cho sự rạn nứt giữa đôi bên càng trở nên lớn hơn. Và những ủng hộ viên nhiệt thành của “nước Mỹ đỏ” sẽ gặm nhấm sự cay đắng và chờ đợi 4 năm nữa để giành lại Nhà Trắng.
Nếu Romney giành chiến thắng, cam kết hàn gắn quốc gia, “đưa những tư tưởng mâu thuẫn” ngồi lại với nhau để xây dựng đất nước của ông sẽ vấp phải những thực tế khắc nghiệt. Điều hành một đất nước khác với điều hành bang Massachusets, hành dinh của Dân chủ, nơi Romney đã tìm được tiếng nói chung với đối phương. Những người Dân chủ đã ngay lập tức bác bỏ khả năng hợp tác với chính quyền Romney. Rất có thể, những ai ủng hộ “nước Mỹ xanh” sẽ lặp lại chính xác những gì mà đảng Cộng hòa đã làm với Obama trong quá khứ: cản trở mọi kế hoạch của Romney. Thách thức nghiệt ngã hơn với một tổng thống Romney còn là làm sao vượt qua được sự chống đối quyết liệt từ Tea Party, lực lượng chính trị đang có ảnh hưởng ngày càng lớn trong đảng Cộng hòa.
Tình thế sẽ càng khó khăn hơn đối với tân tổng thống, Obama hay Romney khi thế cân bằng tại quốc hội hiện nay có thể không suy suyển sau ngày bầu cử. Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện trong khi Hạ viện nắm đa số. Dù bất kỳ sự việc  nào xảy ra thì tân tổng thống đều phải đối mặt với sự khó dễ từ Hạ viện hay Thượng viện và sự đồng thuận lưỡng đảng càng trở nên xa vời.
Tối mai, người dân Mỹ sẽ cho thế giới biết họ chọn ai làm người lãnh đạo mình trong nhiệm kỳ tới. Nhưng dù chọn ai, họ hẳn đều trông đợi một nhà lãnh đạo sẽ hàn gắn bất đồng, dẫn dắt đất nước vượt qua giai đoạn suy thoái. Có điều, đó vẫn là một giấc mơ nếu xét thực tế chính trường hiện tại.
Việt Lâm (từ Washington DC)
__._,_.___
Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topic Messages in this topic (1)
Recent Activity:

No comments:

Post a Comment