Người Phật
tử trước hiểm họa xâm lăng
Thuyết trình tại Đại hội GHPGVNTN kỳ 9 – Khoáng đại I
Võ Văn Ái
Thua quý vị Đại biểu,
Chủ nghĩa bá quyền Đại Hán với âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung quốc là
chuyện từ nghìn năm. Mấy mươi năm trước ta từng nhập tâm với câu hát “Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu / Một trăm năm
nô lệ giặc Tây / Hai mươi năm nội chiến từng ngày…”. Quả thực vậy, 2000 năm
lịch sử Việt là 2000 năm dồn lực chống ngoại xâm. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ
chủ quyền dân tộc, người Phật tử Việt Nam tham dự rất sớm. Chẳng cần nhắc lại
các minh chứng lịch sử dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần… Hãy nhìn vào cuộc
kháng chiến Vệ quốc đầu tiên của Hai Bà Trưng nửa đầu thế kỷ thứ nhất Tây lịch,
thì năm 37, Sư Bà Thiều Hoa đã mộ 500 quân đến ứng chiến với Hai Bà. Sau cuộc thất trận, nhiều nữ tướng rút về các chùa viện ẩn náu, như Bát
Nàn phu nhân, nữ tướng Tiên La, v.v... Đã có các nữ tướng Phật tử, ắt phải có sự
tham gia đông đảo của quần chúng Phật tử. Sư bà Thiều Hoa tu ở chùa Phúc Khánh,
nay là chùa Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Ngày nay đến thăm chùa ta
còn thấy ở đền thờ bà treo bức đại tự “Diệt
Bạo Tướng Phật” và nhiều câu đối nhắc việc bà phò tá cuộc kháng chiến vệ quốc
hai mươi thế kỷ trước.
Từ cuộc kháng chiến của hai Bà Trưng kéo dài cho đến
những cuộc kháng chiến sau đó của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và
Trụ thiên tướng quân thế kỷ II Tl., anh em bà Triệu Thị Trinh năm 248 Tl., Phật
tử Lý Nam Đế dựng lên Nhà nước độc lập Vạn Xuân năm 544 Tl…. Lúc nào cũng có sự
tham gia của người Phật tử.
Đó là nói chuyện xưa. Ngày nay tình hình đổi khác,
hình thái xâm lược cũng khác đi và phức tạp, phiền toái hơn. Ngày xưa đối ứng với
hàng chục vạn quân Tàu xâm lấn, toàn dân nổi lên chống kháng. Gặp triều chính
trung nghĩa, trên dưới một lòng nên chủ quyền không mất. Ngày nay Trung quốc
không đưa quân đội đến xâm lấn. Thế giới phân chia từng khối, từng vùng ảnh hưởng,
các quốc gia nhỏ khó một mình đảm trách lấy việc mình khi thiếu sự khôn khéo và
đảm lược, thiếu sự hậu thuẫn của các thế lực cường quốc.
Bằng quyền lực nhuyễn (soft
power) chứ không bằng súng đạn, Trung quốc xâm lược thế giới qua hình thức văn
hóa. Chưa kể đến chủ trương di dân và kinh tế tài chính.
Quyền lực nhuyễn là khái niệm của nhà triết gia chính trị Hoa Kỳ Joseph S.
Nye phát kiến năm 1990, là phương lược thu phục nhân tâm bằng trái tim, khi lý
luận không thể lôi kéo, mà văn hóa được dùng như vũ khí. Đây cũng chính là
sách lược tâm công mà Nguyễn
Trãi áp dụng thành công chống quân xâm lược Minh đầu thế kỷ XV[1].
Phát kiến từ Tây phương nhưng lại được nước Cộng sản khổng lồ Trung quốc áp
dụng triệt để, hơn xa các nước Âu Mỹ.
Cuộc di dân của người Hán vào Tây Tạng đã làm cho một dân tộc hiền hòa Phật
giáo bị bật gốc, mà Đức Dalai Lama gọi là cuộc diệt chủng văn hóa. Tại Việt Nam
khởi sự với hàng chục nghìn công nhân Trung quốc đổ vào Tây nguyên khai thác
bô-xít, rồi tràn khắp các tỉnh trên toàn quốc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng
Ngãi, Cà Mau. Những làng người Hoa dựng lên sinh sống như nơi quê hương họ.
Công nhân chính thức và rất nhiều công nhân “chui”, vì người Hoa Không cần
chiếu khán nhập cảnh. Hôm nay là thợ thuyền (như Tung đội thứ Năm), ngày mai là
Hồng quân xâm lấn. Ai biết được ? Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã báo
động sớm nhất về đại nạn bô xít Tây nguyên qua “Lời
Kêu gọi Một Tháng Biểu tình Tại gia” [2] chống đề án
Bô xít Tây nguyên từ ngày 29.3.2009.
Khai thác bô xít không những gây đại nạn sinh thái cho riêng vùng Tây
nguyên của các sắc tộc ít người, mà chất độc thải từ bô xít theo mưa thấm vào
lòng đất lan xuống miền nam Trung Việt, tới tận đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng
nguy cơ an ninh quốc gia là điều đáng lo hơn cả. Vì Tây nguyên là yết hầu quân
sự của ba nước Lào, Cam Bốt, Việt Nam. Ai nắm được yết hầu này có thể khống chế
ba nước Đông Dương cũ.
Hiện nay khắp thế giới, công nhân Trung quốc đều có mặt như thế, nửa triệu
công nhân ở Phi châu, 300 nghìn ở Nam Mỹ, 700 nghìn ở Liên bang Nga, v.v…
Hình thức văn hóa nói trên đây mà Bắc Kinh sử dụng là xuất cảng ông Khổng
Tử.
Vì sách Đỏ và tư tưởng Mao không còn ăn khách ở Âu Mỹ như thời thập niên 60
thế kỷ trước. Nên Trung quốc xuất cảng ông Khổng
Tử. Hiện có 322 Viện Khổng Tử
thiết lập trong 96 nước trên năm châu. Tân Hoa xã phỏng vấn cựu Thủ tướng Pháp
Jean-Pierre Rafarin cuối năm ngoái, ông này cho biết vợ ông đang theo học Hán
ngữ từ 4 năm qua tại Viện Khổng Tử rộng bốn nghìn mét vuông ở Paris quận 8. Viện
Khổng Tử ở Poitiers, vùng của ông cựu Thủ tướng Pháp, dựng lên với số tiền một
triệu Euros, Bắc kinh góp thêm 792.000 Euros. Thế là tiền thuế người dân Pháp đóng
cho quốc gia được đem dùng cho việc tuyên truyền của Bắc Kinh ! 14 Viện Khổng học
tại Pháp thu hút 260.000 học viên.
Hiện
đang có 250 đơn xin lập Viện Khổng Tử gửi về Bắc Kinh, người ta vui vẻ đón mời
chiếc dây thòng lọng thắt vào cổ mình.
Giáo
sư Sử học ở Đại học Oregon Hoa Kỳ, Glenn Anthony May báo động hiện trạng này
qua bài viết “Quyền lực nhuyễn (Soft
power) của Trung quốc tại các đại học Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ có 70 Viện Khổng Tử.
Giáo sư May cho biết hiệp ước ký kết giữa hai đại học Hoa Kỳ và Bắc Kinh bó buộc
Viện Khổng Tử ủng hộ đường lối chính trị của Bắc Kinh. Tại các đại học Hoa Kỳ,
giáo sư và sinh viên tự do thảo luận mọi vấn đề, kể cả chính sách của Hoa Thịnh
Đốn. Thế nhưng tại các Viện Khổng Tử ba chữ T trở thành cấm kỵ (Taiwan, Tibet,
Tianmen – Đài Loan, Tây Tạng và Thiên An Môn).
Từ học
chữ Hán, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, học hội họa Tàu, viết chữ thảo, tập Tai Chi… người
địa phương dành hết cảm tình mình cho văn hóa lâu đời của Trung quốc mà quên đi
chế độ hiện hành độc tài Cộng sản, quên đi các cuộc đàn áp nhân quyền, đàn áp
công nhân, quên đi các trại Lao Cải địa ngục ở Trung quốc. Cuộc thăm dò qua 27
quốc gia của Đài BBC Quốc tế Vụ tháng 3 đầu năm nay cho thấy cảm tình người dân
Tây phương gia tăng đối với Trung quốc. Anh quốc đứng hàng thứ 8 sau Hoa Kỳ,
Pháp đứng hàng thứ 5. Tại Phi châu, 85% dân chúng Nigeria có cảm tình nồng hậu
với Trung quốc. Hơn cả người dân Trung quốc vốn chỉ có 77%.
Ngoài di dân và văn hóa Khổng Tử, còn sự xâm nhập kinh tế tài chính. Trung
quốc đang giàu tiền. Ai cũng biết Trung quốc hiện là chủ nợ của Hoa Kỳ. Cuộc
khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp, tại Châu Âu, đang được Trung quốc đem đồng nhân
dân tệ mua lại khá nhiều công ty của Châu Âu.
Trở lại với đất nước Việt Nam chúng ta thì nguy cơ Biển Đông rõ ràng hơn
cả.
Đành rằng trong tầng lớp nhân dân và giới trí thức Trung quốc ý thức dân
chủ Tây phương đang manh nha và đề xuất. Như ta nhận thấy qua một số lên tiếng
gần đây. Ví dụ trường hợp Tướng hai sao Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc
phòng, thuộc con giòng cháu giống cộng sản. Cha vợ ông là cố thủ tướng Lý Tiên
Niệm. Trong bài phỏng vấn của tuần báo Phượng Hoàng (Phoenix Weekly) ở Hồng Kông hôm 12.8.2010, Lưu Á Châu cho rằng Trung Quốc
phải cải tổ dân chủ theo mô hình hiện hành tại Mỹ nếu không muốn bị sụp đổ theo
kiểu Liên Xô trước đây. Ông cực lực đả kích tình trạng chạy theo tiền bạc đang
ngự trị ở Trung Quốc, khi so sánh chế độ chính trị hiện hành ở Trung Quốc với
thể chế dân chủ tại Hoa Kỳ. Lưu Á Châu nói : « Nếu một thể chế không
cho người dân được hít thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo, nếu hệ thống
ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân
để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy tất yếu phải diệt vong ». Ông ca
tụng tinh thần quốc gia mạnh mẽ, cường tráng, đồng tâm nhất trí của nhân dân
Hoa Kỳ khi vụ Twin Towers bị phá sập ngày 9.11, và cho rằng « Bí quyết thành
công của Hoa Kỳ nằm ở hệ thống nhà nước pháp quyền tồn tại lâu đời và ở thể chế
chính trị làm cơ sở cho hệ thống đó, chứ không nằm ở trung tâm tài chánh Wall
Street hay ở trung tâm công nghệ Silicon Valley ». Ông tiên đoán là
nếu không cải cách dân chủ, Trung Quốc sẽ không thể nào tiếp tục đà vươn lên như
hiện nay.
Một ví dụ khác là cuốn sách của ông Triệu Tử Dương « Quốc gia đích tù phạm » (Người
tù của Nhà nước) bản dịch tiếng Anh ra đời năm 2009. Sách ghi lại 30 giờ đồng hồ
thu băng bí mật lúc ông còn sống trong tình trạng quản chế. Ông nói nhiều tới phong
trào Lục Tứ, tức sự biến Thiên An Môn mà ông là người hậu thuẫn. Tuy nhiên ông cũng
phê phán nhiều đến cơ chế Cộng sản Trung quốc và tiên liệu Trung quốc phải áp dụng
nền dân chủ Hoa Kỳ mới đem lại tiến bộ cho nhân dân.
Từ thực tế này, chúng ta cần nhận thức cuộc tranh đấu
của chúng ta hiện nay chống chủ trương xâm lược của Đảng Cộng sản ở Bắc kinh. Nhưng
chúng ta không chống nhân dân Trung quốc. Vì hai khối nhân dân đều là nạn nhân
của Đảng Cộng sản quốc tế. Đừng đi quá xa trong vấn đề « Chống Tàu »
cực đoan biến thành chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi kiểu Sô-vanh (Chauvinisme). Chúng ta phục vụ dân tộc nhưng quan điểm dân
tộc của chúng ta là quan điểm dân tộc sáng suốt của tính tương duyên tương sinh. Chúng ta cần liên minh với giới trí thức và
nhân dân yêu chuộng tự do, dân chủ Trung quốc. Cho nên cần nỗ lực liên hệ với khối dân chủ đang
lên này để tạo thế liên minh dân chủ Châu Á.
Đành rằng chúng ta biết những tiếng vọng dân chủ nói
trên còn phôi thai dù được âm thầm chuẩn bị, và mối lo cấp cứu của chúng ta là
đương đầu với phe Diều hâu của các tướng lãnh quân sự Bắc Kinh - phe đại biểu cho giấc mộng Đại Hán. Phe diều
hầu này đang cố tín rằng
tương lai Trung quốc là ở biển, và đặt vị trí chiến lược ở Nam Hải như một Địa
Trung Hải của Á châu. Xem Nam hải là trục thông hai đại dương : Thái Bình dương
và Ấn độ dương. Từ đây bao khắp Phi châu, sang Đại Tây dương. Họ bảo đây là « hòn
đá tảng », là « đồng tiền sinh mệnh » trên biển của Trung quốc.
Sự kiện chiếm đóng hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa và bản đồ 9 điểm hay đường
Lưỡi bò nằm trong âm mưu vét hết Biển Đông vào vùng biển Trung quốc.
Từ tháng sáu năm nay kéo ròng trong ba tháng hơn, học sinh, sinh viên, nhân
sĩ, trí thức, quần chúng các giới trong nước đã xuống đường biểu tình rầm rộ
chống Trung quốc xâm lược ở Saigon và Hà Nội. Sự kiện chưa hề thấy trong giới
trẻ sinh ra lớn lên trong khuôn đúc Cộng sản hay giới thân chính. Thế mới biết
lòng yêu nước thương nòi là chất keo son sắt kết nối người Việt. Tôi đã gọi
những cuộc biểu tình này là Diên Hồng Trên Đường Phố.
Thế nhưng nhà cầm quyền Cộng sản đã cấm đoán và đàn áp người yêu nước, đàn
áp những người chỉ muốn dùng kéo cắt chiếc Lưỡi Bò Tàu thò trên Biển Đông.
Đọc trên Nhân dân Võng bên Trung
quốc ta thấy sự xác định của nhóm Diều hâu rằng, chỉ cần Trung quốc kiểm soát
Nam Hải là kiểm soát mạch sống trên biển của các vùng Đông Á, Đông Bắc Á và
Đông Nam Á. Họ nói Nam Hải là thanh gươm sắt chĩa vào Đông Nam Á. Phe diều hâu
đã hình thành tổ chức có tên “Liên Minh Thu phục Lãnh thổ”. Không
phải thu hồi những lãnh thổ Trung quốc mất, mà là thực hiện bản đồ Đại Hán từ
Bắc Kinh lan xuống Miến Điện qua khắp vùng Đông Nam Á. Liên Minh lập dự án xây
dựng Trường thành trên biển. Ngày xưa tổ tiên người Tàu xây dựng Vạn lý trường
thành, thì nay họ xây trường thành đó trên đại dương để thu hồi biển Đông vào
các vùng biển Trung quốc. Từ đây khống chế và kiểm soát con đường hàng hải ra
năm châu thế giới. Liên Minh Thu phục
Lãnh thổ chủ xúy tăng cường lực lượng quân sự vô địch ở Nam Hải với giấc
mộng vẽ lại bản đồ Trung quốc theo hình chữ Y thay cho hình thế con gà trống
hiện nay.
Nước ta như con cờ dưới tay chơi Đại Hán. Chúng ta đã đọc được trên Hoàn
cầu Thời báo tiêu ngữ “Hãy giết chết bọn giặc Việt để tế cờ cho
trận chiến Nam Sa”. Chẳng lạ gì, vì chính sách được phác họa từ thời
ông Mao cho đến Đặng Tiểu Bình. Tiêu chí của Đặng Tiểu Bình khi nói “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp và cùng
khai thác” là sách lược xâm chiếm biển, đảo Việt Nam bằng kế hoạch củ cà
rốt Hòa bình. Không tránh chấp khiến
đối phương nhỏ yếu khỏi sợ hãi đến phải đối đầu. Chỉ đem món mồi lợi hại nhất
thời là “cùng khai thác” dầu hỏa, hải
sản mà chẳng cần biết sở hữu chủ biển, đảo đó vốn thuộc quốc gia mình. Gác tranh chấp không bởi chủ nghĩa hòa
bình, mà chỉ vì chính trị thế giới ràng buộc không cho phép kéo hàng vạn quân
“vào Đông Đô” như trước. Đành trá hàng với con mồi “gác tranh chấp”.
Từ sách lược “Chủ quyền của ta, gác
tranh chấp và cùng khai thác” đẻ ra chiến thuật ngoại giao “đối thoại song phương”.
Các nước tranh chấp với Trung quốc trên Biển Đông gồm có Việt Nam, Phi luật
tân, Mã lai á, Brunei, Đài Loan, là các quốc gia, trừ Đài Loan, thuộc Hiệp hội
các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thay vì dùng Luật biển 1982 điều chỉnh tranh
chấp ở LHQ, hoặc dùng các điều ước ký kết giữa Trung quốc với
ASEAN như DOC (Declaration of Conduct, Tuyên
bố ứng xử của các bên trên Biển Đông) tại Nam Vang năm 2002, và mới
đây COC (Code of Conduct, Bộ Quy tắc hướng
dẫn thực thi DOC) ký kết giữa
Trung quốc với các nước ASEAN tại hội nghị Bali ở Nam Dương từ ngày 19 đến 23.7.2001
để ngăn chận Trung quốc xâm lăng biển, đảo, thì Việt Nam lại cúi đầu quy phục Bắc
Kinh chấp nhận « đối thoại và thương
thảo song phương ».
Một nước nhỏ, chậm tiến và nghèo như Việt Nam đối diện
với anh khổng lồ đại phú Bắc phương thì cuộc « đối thoại song phương » đưa về đâu nếu không là cúi qùy và
bái lạy để dâng đất, dâng biển cho Thiên triều ?!
Cuối tháng 7.2010 khi bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đến Hà Nội dự
Hội nghị Diễn đàn An ninh
khu vực (ARF) đồng thời kỷ niệm 15 năm quan hệ Mỹ Việt. Tại đây lần đầu
tiên bà tuyên bố chủ trương Hoa Kỳ “đối
thoại đa phương” trong các tranh chấp Biển Đông. Lời tuyên bố khai mào cho chính sách mới của Hoa Kỳ đối với Châu
Á mà người ta ngờ vực trước đây khi Tổng thống Obama lên nhậm chức. Bây giờ thì
đã rõ, chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ vừa chuyển sang Châu Á. Bài phát biểu
của Tổng thống Obama tại Quốc hội Úc Đại Lợi không còn là lời nói suông có tính
cách ngoại giao, mà là một dấn thân bảo vệ an ninh Châu Á và Biển Đông. Đồng
thời với lời tuyên bố, ông Obama điều quân đội Hoa Kỳ đến đảo Darwin, Úc. Tôi
xin mở ngoặc tại đây để nói rằng Hội nghị các Quốc gia Dân chủ ở cấp ngoại
trưởng và thủ tướng tại Krakow, Ba Lan, đầu tháng 7.2010, ngoại trưởng Hilary
Clinton đã mời tiếp riêng 9 phái đoàn Phi chính phủ trong số hàng trăm phái
đoàn Phi chính phủ có mặt. Tôi được mời đại diện cho Việt Nam trong cuộc tiếp
riêng này, và tôi đã trình bày tình trạng nhân quyền Việt Nam, nhấn mạnh các
tôn giáo lớn tại Việt Nam là những xã hội
dân sự còn tồn tại dưới chế độ công an trị mà Hoa Kỳ cần hậu thuẫn, đặc
biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Điều bất hạnh của chúng ta hiện nay là không có một Nhà nước đại biểu chống
xâm lược và bảo vệ chủ quyền như các thế kỷ xa xưa dưới các triều Đinh, Lê Lý,
Trần, Lê.
Nhà nước Cộng sản ở Hà Nội đã quy phục Trung quốc của ông Mao từ lâu. Không
nhắc ai cũng nhớ Công hàm ô nhục bán biển, đảo của ông Phạm Văn Đồng năm 1958
gửi Tổng lý Chu Ân Lai. Đây không là hớ hênh ngoại giao một thời, mà cả một
chính sách làm tay sai cho nhà Hán. Đầu thập niên 80 chúng ta từng đọc những
kiến nghị của những người cộng sản thâm căn cố đế ở Hà Nội như Nguyễn Khắc
Viện, hay trên ba chục trí thức theo Hà Nội tại Pháp, trong đó có học giả Hoàng
Xuân Hãn, báo động tình trạng theo Trung Cộng là đi vào chốn diệt vong. Ấy thế
mà tình trạng vẫn không thay.
Quý vị đại biểu nên tìm đọc cuốn “Hồi
ức và Suy nghĩ”của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ phát hành chui đầu
thập niên 2000, để biết quá trình lệ thuộc Tàu của toàn thể lãnh đạo Hà Nội với
những khuôn mặt không nhỏ như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ
Mười, Lê Duẩn, Lê Đức Anh, v.v…
Tôi đơn cử ba ví dụ lệ thuộc chính trị Bắc Kinh của Hà Nội mà tôi nghĩ có
tính cách lịch sử cận và hiện đại:
- Giữa
năm 1954, Chu Ân Lai triệu Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sang Liễu Châu nhằm chỉ
thị bắt Phạm Văn Đồng không được đòi hỏi Pháp thái quá tại hội nghị Genève. Những
yêu sách của Hà Nội sau cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ đã phải răm rắp tuân
theo tiêu chuẩn Bắc Kinh mà chủ đích nhằm rao hàng và mở đầu cho cuộc ra mắt
Ngoại giao Trung quốc trên trường quốc tế thay vì bảo vệ quyền lợi Việt Nam.
- Bắc
kinh triệu tập Phạm Văn Đồng và tập đoàn Hà Nội sang Thành Đô tháng 9 năm 1990
để o ép Hà Nội chấp nhận giải pháp Cam-bốt của Trung quốc.
-
Ngoại trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không được có mặt tại hội nghị trên, vì
khuynh hướng muốn thương thảo với Hoa Kỳ để thoát cảnh cấm vận, sau đó bị Bắc
Kinh cách chức vào năm 1991.
Do
cuồng tín ý thức hệ mà lãnh đạo Hà Nội đánh mất quan điểm dân tộc, nên bó tay trước
các vấn nạn. Hà Nội khăng khăng xem Bắc Kinh như đàn anh lãnh đạo Xã hội Chủ
nghĩa để chống đế quốc. Trong khi quan hệ Bắc Kinh với Việt Nam chỉ là thân
nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau - thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi
bất đấu !
Hai Hiệp ước Biên giới trên đất ký năm 1999 và trên Biển ký năm 2000 đã
đánh mất hàng nghìn cây số vuông trên vùng biên giới, hàng chục nghìn cây số
vuông trên biển, mất Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, v.v…
Trước thực trạng này, GHPGVNTN thông qua tiếng nói của Đại lão Hòa thượng
Thích Quảng Độ luôn đi đầu trong ưu tư bảo vệ chủ quyền. Ngài thấy nguy cơ mất
nước, mất tổ quốc, đưa tới hậu quả đạo Phật Việt cũng bị tiêu diệt khi Bắc Kinh
xâm lấn. Điều ta đã chứng kiến dưới thời Minh xâm lược.
Người Công sản không có khái niệm tổ quốc như chúng ta. Việt Nam bị Trung
quốc xâm chiếm thì họ có mất mát gì đâu, họ vẫn phây phây sống dưới trang thờ
Mao-Mác-Lê-Hồ. Tổ quốc của họ là Tổ Quốc tế Cộng sản theo quan điểm “dân tộc”
mà Staline đề xướng[3],
chẳng dính líu chi với con cháu Vua Hùng.
Chúng ta không nên quên ba chuyến đi Bắc Kinh của lãnh đạo Hà Nội gần đây để
cúi qùy nhận lệnh Bắc Kinh mà chẳng có phản ứng gì bảo vệ dân và nước trước thế
lực xâm lăng. Khiến Đức Đệ Ngũ Tăng Thống phải viết Thư Ngỏ gửi ông Tổng Bí thư
Đảng Nguyễn Phú Trọng[4]
nói lên quan điểm người dân trước nguy cơ mất nước.
Chuyến đi
thứ nhất của Hồ Xuân Sơn ngày 25.6.11 thương thảo vấn đề Biển Đông với Bắc Kinh.
Cần nhớ trước kia Hồ Xuân Sơn ở trong phái đoàn ký kết hai Hiệp định biên giới
và trên biển năm 1999- 2000 làm mất những địa danh như Ải Nam quan, Thác Bản
Giốc, v.v… Hồ Xuân Sơn hiện là Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Chủ nhiệm
Biên giới Quốc gia. Lần này Hồ Xuân Sơn gặp Đới Bỉnh Quốc là người quyết định
về đối ngoại của Bắc Kinh. Một chuyến đi chuẩn bị cho sự chấp nhận mọi điều
kiện Trung quốc đặt ra mà ta sẽ thấy rõ qua hai chuyến đi sau.
Chuyến đi
thứ hai hôm 28.8.2011 là cuộc “Đối thoại
chiến lược An ninh và quốc phòng lần 2”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ
trưởng Quốc phòng Hà Nội gặp Thượng
tướng Mã Hiếu Thiên. Họ nói với nhau những gì ? Tân Hoa Xã cũng như báo Quân
Đội Nhân Dân cho biết Nguyễn Chí Vịnh hứa nhất trí đánh giá quan hệ hai nước dưới
sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ vàng
và Bốn tốt. Xin nói ra cho những đại
biểu nào chưa biết, 16 chữ Vàng gồm có Láng
giềng hữu nghị / Hợp tác toàn diện / Ổn định lâu dài /, Hướng tới tương lai.
Còn Bốn tốt, là Láng giềng tốt /Bạn bè tốt / Đồng chí tốt / Đối tác tốt.
Chi cũng tốt, cũng vàng. Nhưng thực tế là ta mất tất cả. Điều thứ hai Nguyễn
Chí Vịnh bảo đảm với Bắc Kinh là tuyên bố “Kiên
quyết xử lý tập trung đông người ở Việt Nam không cho tái diễn”.
Như ta biết từ đầu tháng sáu năm nay, tiếp diễn ròng rã cho đến ba tháng
sau, học sinh sinh viên nhân sĩ trí thức xuống dường biểu tình tại Saigon và Hà
Nội hô những khẩu hiệu chống Trung quốc xâm lược. Thế nhưng nay Nguyễn Chí Vịnh
sang Tàu lại hứa dẹp biểu tình, đến khi về ông ta làm thật. Những người biểu tình
này là ai ? Họ là những người sinh ra, lớn lên, làm việc và phục vụ chế độ Cộng
sản mấy mươi năm trường. Thế mà nay tinh thần yêu nước của cha ông sống dậy
trong huyết quản họ, khiến họ không thể làm ngơ trước sự bất động và bán nước
của lãnh đạo Hà Nội. Họ đứng dậy và xuống đường như một cử chỉ nghìn năm của
người dân Việt chống ngoại xâm.
Chuyến đi
thứ ba của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng, sang Trung quốc hôm 11.10.11. Sang
đây ông ký thỏa thuận với Bắc Kinh cái gọi là “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên
biển”. Tinh thần thỏa thuận mà báo chí hai nước như Tân Hoa Xã, Quân đội
Nhân dân tiết lộ là sự lập lại kế sách của Đặng Tiểu Bình : “Gác tranh chấp, cùng chung khai thác”.
Tuy nhiên vế đầu của kế sách họ Đặng thì giấu đi, không nói ra. Không nói ra
nhưng đôi bên ngầm hiểu và công nhận : “Chủ
quyền của ta - của Trung quốc”. Điều
bi thương là trong ngày ký kết, các cơ quan truyền thông truyền hình Trung quốc
loan tin họ vừa thiết lập một trạm quân y trên đảo Chữ Thập, Trung quốc gọi đảo
Vĩnh Thử, là nơi xẩy ra cuộc hải chiến giữa Trung quốc và Việt Nam năm 1988, giết
72 hải quân Việt Nam khi chiếm đảo. Ông Nguyễn Phú Trọng chẳng có một lời bình
luận hay phản bác !
Không chỉ Việt Nam hay chuyện trong vùng, mà tất cả những biến động thế
giới đều không thoát khỏi con mắt và sự sắp đặt của Trung quốc. Chẳng hạn như
Mùa Xuân Ả Rập. Những cuộc xuống đường của giới trẻ, dùng điện thoại di động,
Facebook đánh đổ những tên độc tài 40, 50 năm ngự trị tại Trung Đông, Tunisie,
Ai Cập, Lybie…
Một hình ảnh chúng ta chưa quên trong cuộc đấu tranh Phật giáo cho tự do
tín ngưỡng năm 1963, là Ngọn lửa tự thiêu của Bồ Tát Quảng Đức. Trung Đông cũng
khởi đầu với một ngọn lửa tự thiêu. Một người bán rau ở Tunise vì chế độ ức
chế, cuộc sống lâm cảnh cùng đường, anh đổ xăng lên người tự thiêu. Ai ngờ Ngọn
lửa tự thiêu của một người bán rau tại Tunisie đã thiêu đốt tất cả các chế độ
độc tài toàn trị Trung Đông. Biết đâu ảnh hưởng này không đến từ Phật giáo Việt
Nam ?
Bắc Kinh rất lo âu trước sự kiện Trung Đông, nên Bộ trưởng Công an Trung
quốc Meng Zhangxu bay sang Miến Điện gặp gỡ giới tướng lãnh đã đàn áp chư Tăng
Miến năm 2007 trong cuộc xuống đường đòi hỏi dân chủ. Cuộc gặp gỡ không riêng
cho việc ngoại giao, trao đổi ý kiến, mà để bày cho Miến Điện phương cách ngăn
chận Internet của giới hoạt động dân chủ, nhằm chận đứng thanh niên xuống đường
như đã xẩy ở Trung Đông. Điều cho thấy, Trung quốc không những kiên quyết áp
đặt sự “ổn định chính trị” tại Trung quốc, mà còn cấm đoán mọi phong trào đòi
hỏi dân chủ trong vùng Trung quốc ảnh hưởng. Sau chuyến đi Miến Điện ông ta bay
sang Lào gặp Thong bang Sengaphon, Bộ trưởng Công an Lào trong cùng mục tiêu ổn
định xã hội dưới chế độ độc tài cộng sản, không cho thanh niên xuống đường. Sau
đó bay tới Việt Nam gặp thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam chỉ thị việc ngăn chận
mọi cuộc nổi dậy chống độc tài ở Việt Nam.
Trong bức Thư Ngỏ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi ông Nguyễn Phú
Trọng, ngài chất vấn sao lãnh đạo Hà Nội không có phản ứng quốc tế trước các âm
mưu xâm lấn biển đảo của Trung quốc ? Dù ngài biết câu trả lời đã được ông
Nguyễn Chí Vịnh xác định khi tới Bắc Kinh là “Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề trên biển”, tức chấp nhận yêu
sách “thương thảo song phương” của Trung quốc, chứ không là “đa phương” để có lợi
thế hậu thuẫn quốc tế. Muốn có lợi thế quốc tế, trước phải tạo thế liên minh
với các khối cường quốc, tiếp đến là dùng Luật Biển 1982 tại LHQ và hai Hiệp
ước DOC và COC của ASEAN mà chúng ta đề cập lúc nãy.
Cho nên sự tham gia của người Phật tử làm cho công luận thế giới thông tỏ
hiểm nguy Bắc Kinh xâm lược Việt Nam để bảo vệ chủ quyền dân tộc vô cùng quan
trọng.
Chúng ta không cô thân độc ảnh, tình hình khách quan và quốc tế rất thuận
lợi. Hoa Kỳ đã có sách lược Châu Á bảo vệ Biển Đông. Các nước ASEAN bắt đầu ý
thức tới sức bành trướng chính trị và quân sự của Trung quốc. Trục liên minh Ấn
– Nhật – Úc đang hình thành. Mặt khác, hiện nay, Trung quốc chưa đủ sức mạnh
quân sự đối đầu Hoa Kỳ.
Tôi bỗng nhớ ngày xưa đọc chuyện Tàu, lấy làm lạ mỗi khi đánh nhau hai quân
không xáp chiến ngay. Dàn quân xong, hai tướng lên tiếng thách thức, xỉ vả, bêu
riếu, chửi bới, hạ nhục nhau một hồi rồi mới thúc ngựa hoa long đao tỉ thí tới
chết.
Ngày nay cũng vậy, những động thủ mà Trung quốc hăm dọa, hoạnh họe, ra quân
chiếm đóng đảo này, biển kia, mới là màn giáo đầu so gân mong làm mất vía đối
phương. Mới là ngồi trên ngựa thách thức, xỉ vả, bêu riếu, hạ nhục đối
phương - một chiêu tâm lý chiến. Đối
phương sợ hãi, không dám sừng sỏ phản ứng, thì Trung quốc tiến tới làm bá chủ
tình hình.
Ngày xưa cha ông chúng ta có xuống ngựa quy hàng trước cơn thịnh nộ của các
tướng Tống, Nguyên, Minh, Thanh đâu ? Nay sao Bộ Chính Trị của Đảng “bách chiến
bách thắng” Cộng sản lại có thể dễ dàng mất vía sớm vậy ?!
Trong Thư Ngỏ gửi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại lão Hòa thượng
Thích Quảng Độ đưa ra giải pháp cứu nước ngày nay là Dân chủ hóa Việt Nam. Đúng vậy, đây là cẩm nang cứu nước. Có dân
chủ đa nguyên đa đảng, các gia đình tôn giáo, chính trị và mọi tầng lớp nhân
dân mới có thể tham gia ý kiến bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.
Là người Phật tử, chúng ta hãy hết mình tham gia đẩy mạnh tiến trình dân
chủ hóa Việt Nam ngày nay, thông qua Chương trình 8 điểm đề ra trong “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” của
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ năm 2001[5].
Võ Văn Ái
Los Angeles, 19.11.2011
[1] Xem Sách lược Tâm
Công, tr. 99, trong Nguyễn Trãi, Sinh thức
và Hành động, Võ Văn Ái, Quê Mẹ xuất bản lần thứ 3,
Paris 1992.
[2] Xem Thông cáo Báo chí ngày 30.3.2009 của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc
tế. Tại Khoáng đại I khi sang phần hội thảo có đại biểu nhắc tới “Lời Kêu Gọi Biểu Tình Tại Gia” và cho
biết một số nhỏ chừng 2, 3 người viết bài bêu riếu “Biểu tình tại gia”. Tuy 2,3
kẻ bêu riếu không đáng kể vì các bài viết hạ cấp với ngôn ngữ thất học, chợ
búa, nhưng cũng có người chưa hiểu hết nội dung nên yêu cầu có một khoáng đại
riêng đi sâu vào nội dung và hình thức “Biểu tình tại gia”. Nhân đây xin giới
thiệu bài ký giả Triều Thanh phỏng vấn tôi trên Đài Phát thanh Phật giáo Việt
Nam ngày 11.9.2009 được đăng trên Thông cáo Báo chí của Phòng Thông tin Phật
giáo Quốc tế cùng ngày. Cũng nên nhớ rằng “Lời Kêu Gọi Biểu Tình Tại Gia” đã được
sự hậu thuẫn nồng nhiệt của đồng bào hải ngoại, với chữ ký của 148 hội đoàn, tổ chức, đảng phái, và 3670 chữ
ký cá nhân trong và ngoài nước.
Sau đây xin ghi một số trích đoạn của bài phỏng vấn
tôi liên quan đến ý nghĩa cuộc “Biểu tình tại gia” : “Cuộc đấu tranh cho dân chủ là một
tiến trình. Tiến trình là khoảng thời gian chuyển hóa các hiện trạng tha hóa, xấu
ác thành một xã hội công bằng, huynh đệ. Ta thấy rất rõ công cuộc dân chủ hóa
Liên xô và các nước Đông Âu cũ là một tiến trình kéo dài trên 70 năm kể từ cuộc
Cách Mạng Nga tháng Mười. Chuyện thành quả tức khắc trong đời chỉ thấy ở sòng bạc,
hay ở các cuộc thi đấu. Như thi đấu bóng đá kéo dài 90 phút, tỉ thí trên võ đài
kéo dài 12 hiệp, kết quả ai thắng ai thua được biết ngay. Đấu tranh cho dân chủ,
giác ngộ thành đạo, hoặc phấn đấu lên thiên đàng, thì không thể có kết quả
ngay, mà phải kinh qua một tiến trình đầy nỗ lực cam go và bền chí.
“Từ ngày người Cộng sản Bắc Việt xâm chiếm Việt
Nam Cộng hòa đến nay đã 34 năm. Thử hỏi có ai, có tổ chức, đảng phái nào dám
tuyên bố mình đã thành công cái gọi là Chống Cộng hay chưa ? Đương nhiên là
chưa, bởi vì Cộng sản vẫn thống trị dân lành 54 năm tại miền Bắc, 34 năm tại miền
Nam. Có ai thành công đâu, dù rằng giới tranh đấu đã thí nghiệm đủ thứ vũ khí
chiến đấu, khi thì kháng chiến quân sự, lúc thì nhân quyền, dân chủ. Nhưng chưa
có một người hay một phong trào chống Cộng nào thành công cả. Tất cả đang trên
đà thử lửa. Cho nên, đứng từ phạm trù này bêu riếu phạm trù kia chỉ là việc làm
vô bổ của kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn cư vi bất thiện, chứ không là ưu tư khiêm
tốn và nung nấu ý chí của người chiến đấu.
“Từ nhận định thất bại này, và trong vị thế của
một Tăng sĩ, nhà tu hành Phật giáo, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đưa ra “Lời
Kêu gọi Tháng 5 Bất tuân dân sự - Biểu tình Tại Gia” như một mô thức đấu
tranh bất bạo động mới. Mô thức này đã thành công giành độc lập từ tay Đế quốc
Anh tại Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thánh Gandhi, và tại Hoa Kỳ Chống Kỳ thị Chủng
tộc của Mục sư Martin Luther King.
“Người ta đã thử đủ thứ phương pháp, mô thức,
nhưng vẫn chưa thành công. Thì sao lại có thể phê phán hay vội vã kết luận về
mô thức mới mà chưa ai tham gia thực hiện ?
“Phật giáo là đạo Từ bi, đạo hòa bình, đạo
khoan dung, nên người Phật giáo sử dụng vũ khí bất bạo động trong cuộc đấu
tranh. Cuộc đấu tranh đánh đuổi Đế quốc Anh của Thánh Gandhi ở Ấn Độ thập niên
40 hay cuộc đấu tranh Chống kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ thập niên 60 của Mục sư
Martin Luther King đều sử dụng phương pháp bất bạo động. Và họ đã thành công. Tại
sao ta tự khinh để xác quyết là không thể thực hiện ở Việt Nam hôm nay ?
“Nhìn vào lịch sử cận đại của thế giới, tôi nhận
xét và thấy giữa thế kỷ XIX có hai bản Tuyên ngôn quan trọng làm thay đổi bộ mặt
nhân loại trong thế kỷ XX. Đó là hai bản Tuyên ngôn của Marx-Engels và của
Henry David Thoreau.
“Bản Tuyên ngôn Cộng sản của Marx-Engels ra đời năm 1848 đưa tới
phương thức lấy căm thù làm sức mạnh để cướp chính quyền, tức chủ thuyết đấu
tranh giai cấp. Người cộng sản sử dụng khủng bố và thảm sát để “cải tạo” nhân
loại. Kết quả cuộc đấu tranh này như thế nào tại mẫu quốc Liên Xô lan tới các
nước chư hầu Âu Á, chúng ta không cần bàn sâu. Vì bản kết toán đã thực hiện cuối
thập kỷ 80 với sự sụp đổ của chủ thuyết chống-con-người kéo theo sự tan rã của
các Nhà nước Liên Xô và Đông Âu. Bản kết
toán cộng sản, là chủ nghĩa Cộng sản, được tính bằng con số hàng trăm triệu người
bị thảm sát, hàng nghìn quần đảo ngục tù, lò Lao Cải hay tập trung Cải tạo.
“Tuyên ngôn thứ hai nằm trong tập sách “Bất
Tuân Dân sự” do Henry David Thoreau công bố năm 1849 tại Hoa Kỳ. Bản
Tuyên ngôn Cộng sản đặt trọng tâm đấu tranh vào tập thể, một thứ tập thể trại
lính, ở đó con người cá thể bị truy diệt. Còn Tuyên ngôn Bất Tuân Dân sự của
Thoreau lấy đơn vị cá thể của con-người-ý-thức làm năng lực thăng tiến xã hội
loài người. Tập sách “Bất tuân Dân Sự” của Henry David Thoreau đã ảnh hưởng lớn
và làm kim chỉ nam hành động có ý thức cho những khuôn mặt lớn trên địa cầu như
Léon Tolstoi, Gandhi, Martin Luther King, John Kennedy, v.v… làm nên châm ngôn
mẫu mực là Một Con Người Ý Thức Có Khả Năng Đánh Đổ Một Bạo Quyền.
“Tôi xin trích một vài câu trong sách Bất Tuân
Dân sự của Henry David Thoreau nói lên tinh thần chiến đấu bất bạo động của
con-người-ý-thức trước các chính quyền bất hảo. Thoreau nói “Chính quyền tốt
lành nhất là chính quyền ít sử dụng quyền thống trị”. Ông cũng nói “Chúng
ta phải là con người trước khi trở thành công dân”. Về tinh thần cách mạng,
Thoreau quan niệm : “Mọi người thừa nhận quyền cách mạng của mình, quyền này
là quyền chối bỏ sự trung thành và thần phục với một chính quyền. Đây chính là
quyền đối kháng trước bạo quyền hay sự bất lực hiển nhiên và bất nhẫn của bạo
quyền này (…) Khi một phần sáu nhân dân của một quốc gia tự khẳng định họ là
căn cứ địa của tự do, nhưng thực tế căn cứ địa ấy được cấu thành qua một đám
dân nô lệ, và toàn quốc đang là miếng mồi vô cớ cho sự xâm lăng, bị lính ngoại
quốc xâm chiếm rồi đem quân luật bao trùm lãnh thổ, thì tôi nghĩ rằng những người
lương thiện phải cấp tốc nổi dậy để biến mình thành lực lượng chống kháng”. Cho
nên Thoreau kết luận “Khi người dân bất tuân dân sự, khi các viên chức từ
quan, đó là lúc cuộc cách mạng thành công”. Đối với bạo chính, Thoreau quan
niệm “Dưới một chính thể bắt người một cách tùy tiện, bất công, thì chỗ
chính đáng cho con người cương trực cư ngụ là nhà tù”. (…) Ông cũng xác định
“Chẳng bao giờ có một Nhà nước thực sự tự do và sáng suốt, bao lâu Nhà nước ấy
chưa công nhận cá thể con người với quyền tối thượng và độc lập của cá thể, để
từ đó dựng lên quyền lực và uy thế của một chính quyền biết hành xử tương xứng
với con người cá thể”.
“Tôi vừa dẫn vài quan điểm về vai trò của
con-người-ý-thức trước những chính thể bạo ác viết trong tập sách “Bất Tuân
Dân Sự” của Henry David Thorau đã ảnh hưởng và đưa tới thành công trong cuộc
tranh đấu giành độc lập tại Ấn Độ thập niên 40, và công cuộc chống kỳ thị chủng
tộc tại Hoa kỳ thập niên 60. Hai ví dụ thành công điển hình của con đường đấu
tranh bất bạo động. Gandhi không làm đổ máu dân Ấn mà đế quốc Anh phải cuốn gói
ra đi. Trong khi ấy, cuộc chiến đấu bạo động hung tàn của ông Hồ Chí Minh chỉ
đưa dân tộc vào tròng ách ngoại lai cộng sản với cái giá mười triệu người chết
thảm.
“Như vậy, chúng ta thấy hai bản Tuyên ngôn
cùng cất lên giữa thế kỷ XIX. Nhưng một tuyên ngôn đưa nhân loại vào cõi chết,
một tuyên ngôn đưa con người vào sự sống có ý thức, đưa nhân loại vào thế giới
Chân Thiện Mỹ.
“Lời Kêu Gọi Tháng 5 Bất tuân dân sự - Biểu tình Tại gia” của Đại lão
Hòa thượng Thích Quảng Độ là nhận thức mới về con đường đấu tranh bất bạo động
của Henry David Thoreau, Gandhi, Martin Luther King áp dụng vào hiện tình Việt
Nam”.
[3] Quan điểm của Staline là, « Trên thế giới còn có loại dân tộc khác. Đó là dân tộc kiểu mới,
tức dân tộc Xô-viết” (…) “Dân tộc loại ấy nên gọi là Dân tộc Xã hội Chủ nghĩa”.
Xem tác phẩm của Staline về vấn đề dân tộc, như “Chủ nghĩa Mác với vấn đề dân tộc” (1913); và “Vấn đề dân tộc với chủ nghĩa Lê-nin” (1923).
[4] Xem Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc
tế phát hành ngày 24.10.2011.
[5] Lời Kêu
gọi đã được cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân
chủ Việt Nam & Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đệ trình Ủy hội Nhân
quyền LHQ tại Genève tháng 4.2001 tại khóa họp lần thứ 57, với sự hẫu thuẫn chưa từng có của hàng trăm nhân vật quốc tế bao gồm Giải Nobel Hòa bình, nhà văn, nhà
dân chủ, Thượng nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Dân biểu Quốc hội Châu Âu,
Pháp, Ý, v.… và đặc biệt 308.027 chữ ký của người Việt trong và ngoài nước, một
con số chưa bao giờ đạt được từ sau năm 1975. Xem Thông cáo báo chí của Phòng
Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 27.2.2001, và Tham luận của Võ Văn
Ái “Thâm nhập “Lời Kêu Gọi Cho Dân chủ Việt
Nam” của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN”
trình bày tại Đại lễ Phật Đản, Los Angeles, ngày 21.4.2001.
__._,_.___
Reply via web post | Reply to sender | Reply to group | Start a New Topic | Messages in this topic (1) |
Recent Activity:
No comments:
Post a Comment