Monday, November 19, 2012


Tổng thống Mỹ tới Myanmar: “Nhất tiễn hạ song điêu”

(Dân trí) - Ngày 18/11, ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Myanmar, quốc gia đang trải qua những thay đổi nhanh chóng sau khi quân đội chấm dứt gần nửa thế kỷ cầm quyền cách đây 2 năm. Bắn một mũi tên, nhưng ông Obama hạ được nhiều đích.
 >>  Vì sao Obama vội vã công du Myanmar ngay sau tái đắc cử?

Tổng thống Mỹ tới Myanmar: “Nhất tiễn hạ song điêu”

Tổng thống Mỹ Obama vẫy chào các phóng viên tại sân bay quốc tế Don Muang ở thủ đô Bangkok, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du Đông Nam Á tới cả Myanmar và Campuchia.

Chuyến thăm được thực hiện trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Đông Nam Á, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Barack Obama kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ II, đưa ông tới cả Thái Lan và Campuchia - nơi ông sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và lãnh đạo của 8 nước đối tác của ASEAN.
Theo nhận định của giới phân tích, chuyến thăm của ông Obama là nước cờ chiến lược, vừa thể hiện quyền lực mềm vừa chứng tỏ chính sách rắn.
“Nhất tiễn…
Sở dĩ ông Obama chọn tới thăm Myanmar là vì quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể từ hơn một năm nay, sau khi chính phủ dân sự mới của Myanmar chính thức khởi động các biện pháp cải cách, mở cửa mạnh mẽ.
Chính vì vậy, ngoài yếu tố bất ngờ, chuyến thăm còn mang tính tượng trưng rất lớn thể hiện sự coi trọng của Washington trong việc bình thường hóa quan hệ với Myanmar sau hơn 20 đóng băng, đồng thời cho thế giới thấy rằng Hoa Kỳ sẵn sàng “chìa cành ô liu” với bất kỳ nước nào đi theo các giá trị và quỹ đạo của Mỹ
Ngay trước thềm chuyến công du lịch sử, chính phủ Mỹ đã “hào phóng” dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận kéo dài 20 năm qua đối với hàng hóa nhập khẩu từ Myanmar, thành viên nghèo nhất Đông Nam Á.
“Mục đích dỡ bỏ cấm vận là để ủng hộ những cải cách đang diễn ra tạiMyanmar, khuyến khích những thay đổi hơn nữa và tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước”, tuyên bố của chính phủ Mỹ cho biết.
Cũng trong tuyên bố trên, chính quyền Obama khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mở cửa cho hầu hết các sản phẩm của Myanmar, trừ mặt hàng đá quý vốn được xem là nhân tố gây tham nhũng và bạo lực ở quốc gia này.
Theo kế hoạch, trong chuyến thăm chớp nhoáng Myanmar một ngày, Tổng thống Obama sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Chính phủ Myanmar cho rằng chuyến thăm của ông Obama là sự chứng thực tốt nhất cho chính sách mở cửa đang được Tổng thống U Thein Sein tiến hành, còn người dân nước này ngập tràn tự hào khi được nhìn thấy nhân vật quyền lực nhất thế giới sau nhiều năm bị “bế quan, tỏa cảng”.
… hạ song điêu”
Mới 2 năm trước, một chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới nước này là điều không tưởng. Vì vậy giới chuyên gia nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Obama và động thái nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận Myanmar hàm chứa rất nhiều mục đích.
Trước tiên, chuyến thăm thể hiện sự công nhận của Mỹ đối với nỗ lực cải cách và dân chủ hóa được khởi động ở Myanmar từ tháng 3/2011.
Đối với Tổng thống U Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, cả hai mới vừa gặp ông Obama trong thời gian gần đây. Vì vậy, chuyến viếng thăm của ông Obama không hoàn toàn vì cần phải hội đàm với các nhà lãnh đạo Myanmar, mà vì muốn thông qua chuyến thăm này để phát đi thông điệp với thế giới rằng tất cả những quốc gia nào hướng theo quỹ đạo của Mỹ đều sẽ được đáp lại một cách tích cực.
Ở mức độ khác sâu hơn, chuyến thăm còn nằm trong khuôn khổ chiến lược của Mỹ tập trung trở lại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.
Đây là chiến lược đã được Mỹ “thai nghén” từ lâu và được chính quyền Obama chính thức triển khai từ năm 2009, sau khi nhận thấy cuộc chiến kéo dài một thập kỷ qua tại Afghanistan và Iraq vô hình chung đã tạo ra khoảng trống chính sách khiến Trung Quốc ngày càng lấn lướt. Sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc đã gây ra nhiều vấn đề, không chỉ những căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, mà còn ở cả những dự án đầu tư khổng lồ gây tác động lớn đến môi trường đang được Bắc Kinh ráo riết triển khai ở Myanmar, Lào hay Campuchia.
Tất nhiên, Mỹ có nhiều điểm tựa vững chắc tại Đông Nam Á, ví như Thái Lan, Philippines hay Singapore. Tuy nhiên, với vị trí địa chiến lược của mình, Myanmar cũng có vai trò quan trọng nhất định đối với tương lai trở lại châu Á –Thái Bình Dương của Mỹ, nếu như viễn cảnh chính trị ở nước này tiếp tục đi theo con đường hiện nay.
“Rõ ràng những thay đổi chính trị ở Myanmar hiện nay sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nước Mỹ hơn là Trung Quốc. Vì vậy, Washington cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để kéo Nay Pi Taw rời xa dần khỏi quỹ đạo vốn có của Bắc Kinh”, nhà phân tích Arnaud Dubus nhận định.
Cũng theo nhà phân tích, đây là nguyên nhân chính lý giải sự mau lẹ bất thường trong việc ông Obama đến thăm một đất nước mà mới đây còn bị xếp vào diện những quốc gia bị cô lập trên thế giới.
Trong phản ứng hiếm hoi, Bắc Kinh đã cố tình giảm nhẹ mức độ quan trọng của chuyến thăm bằng cách nói rằng Trung Quốc không thấy có bất kỳ áp lực nào từ sự xuất hiện của ông Obama tại Nay Pi Taw. Tuy nhiên trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể làm ngơ trước nguy cơ bị “đối thủ đáng gờm” lôi kéo đồng minh xa rời dần quỹ đạo mà Bắc Kinh đã cố công gây dựng lâu nay, đặc biệt sau khi Tổng thống Myanmar U Thein Sein đột ngột cho dừng dự án thủy điện Myitsone của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng quyết định đột ngột (nhưng không bất ngờ) của ông U Thein Sein là bước ngoặt lịch sử nhằm tìm kiếm sự cân bằng đối ngoại cho Myanmar, hầu có thể giúp nước này giữ vững tự chủ trước một nước láng  giềng lớn ở phía Bắc đang ngày càng mạnh và có phần lấn lướt trong khu vực.
Và có lẽ, bước ngoặt này chính là một trong các lý do kéo Tổng thống Obama tới Myanmar trong chuyến thăm lịch sử  mang nhiều ý nghĩa cho cả hai phía.
Việt Giang

No comments:

Post a Comment