ĐINH TẤN LỰC - BẠO LỰC SỢ BẤT BẠO ĐỘNG
Bạo Lực Sợ Bất Bạo Động
. Đinh Tấn Lực
Chuyện bên Mỹ:
Bà Rosa Parks, người da đen, làm nghề thợ may, ngụ tại thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama ở miền Nam nước Mỹ, có lần đã quyết không chịu nhường ghế đang ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng như luật định, vào thời nước Mỹ còn coi người da đen là nô lệ.
Chuyện ngược đời đó xảy ra cách đây đã tròn 57 năm, vào ngày 01 tháng 12 năm 1955. Bà Rosa Parks là người da đen đầu tiên dám thách thức những điều luật phân biệt chủng tộc tại Alabama lên tới Tối Cao Pháp Viện cấp liên bang Hoa Kỳ, bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Và thành công, sau khi người da đen ở Alabama đồng lòng tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng của tiểu bang này suốt 381 ngày. Đưa tới quyền bình đẳng sắc tộc ở Mỹ vào những năm sau đó.
Bà Rosa Parks được trao tặng Huân Chương Danh Dự của Quốc hội Mỹ, Huân chương Tự Do của Tổng thống Mỹ, và được nước Mỹ chính thức vinh danh là “Bà Mẹ Của Đấu Tranh Nhân Quyền”. Ngay cả chiếc xe buýt mà bà Rosa Parks từng tỏ lời chối từ làm nên lịch sử năm 1955 đó cũng được giữ nguyên trong viện bảo tàng của ông tổ xe hơi Mỹ Henry Ford.
Bà Rosa Parks và cả nước Mỹ đều may mắn ngang nhau: Một phụ nữ kiên cường đẩy cả nước Mỹ vượt qua tệ nạn kỳ thị màu da để cất cánh và giữ vững vị trí siêu cường trong nhiều thập niên dài. Bởi, ngược lại, chỉ cần Montgomery là một thành phố ven đô của CHXHCNVN, thì chắc chắn bà Rosa Park đã bị bắt cóc/bắt giam/thẩm cung/mớm cung/ép cung/buộc đọc lời nhận tội trước máy truyền hình và nhận được một bản cáo trạng 19 trang của viện kiểm sát nhân dân tối cao về tội “tuyên truyền lật đổ chính quyền nhân dân”, vì đã biết đến phương thức đấu tranh bất bạo động!
Vẫn chuyện bên Mỹ:
Tháng 4 năm 1960, một nhóm sinh viên (cả da đen lẫn da trắng) thuộc các đại học Vanderbilt University, Fisk University, và một số trường cao đẳng khác ở thành phố Nasville, tiểu bang Tennessee, đã thành lập một Ủy Ban Điều Hợp Sinh Viên Đấu Tranh Bất Bạo Động. Mục tiêu họ nhắm tới là quyền được phục vụ bình đẳng tại các quầy ăn uống trong các thương xá, vào thời nước Mỹ còn cấm người da đen vào các nơi đó. Phương thức đấu tranh bất bạo động được chọn lựa là tọa kháng. Cẩm nang hướng dẫn họ có tên là “10 quy luật hành động của phong trào Tọa Kháng đấu tranh cho dân quyền”.
Theo đó, họ thành lập nhiều nhóm sinh viên ăn mặc đẹp và giữ phong thái lịch sự, tuần tự vào ngồi ở các quầy ăn trưa trong các thương xá Woolworth, và sẽ không tỏ lộ bất kỳ phản ứng gì khi bị từ chối phục vụ/bị xua đuổi/bị mắng chửi/bị hành hung… thậm chí, cả khi bị bắt về bót tạm giam. Họ sẵn sàng về bót cảnh sát, hết đợt này đến đợt khác, cho tới khi các đồn bót đầy ứ, hết chỗ. Khi các báo đăng tin càn quét, họ dấy lên phong trào tẩy chay việc mua sắm ở các thương xá kỳ thị đó.
Sau cùng, ngay sau vụ đặt bom phá nhà ông Alexander Looby, một luật sư da đen trong thành phố, hơn 2500 dân chúng địa phương, cả da đen lẫn da trắng, đồng loạt kéo đến tòa thị chính biểu tình để chất vấn chính quyền. Ở đó, cô sinh viên nho nhã từng là á hậu của bang Illinois là Diane Nash đã hỏi thẳng viên Thị trưởng Ben West: “Ông có cảm thấy rằng đó là điều sai quấy khi kỳ thị một người khác chỉ đơn thuần vì chủng tộc hay màu da của họ không?”. Ông West, ở vị trí của một con người chứ không nhất thiết là một thị trưởng, đã chân tình và thẳng thắn trả lời là ”Có!”. Báo chí tường thuật rõ điều đó. Thế là tất cả các quầy ăn trưa trong thương xá thành phố đều phải đón nhận và phục vụ người da đen.
Mười quy luật hành động của Phong trào Tọa kháng này lan sang các bang lân cận, làm nền cho cuộc mít-tinh tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, quy tụ hơn một triệu người Mỹ, cả da đen lẫn da trắng, cùng chấm dứt vĩnh viễn nạn kỳ thị màu da ở Mỹ.
Cô Diane Nash được vinh danh nhiều lần trên sách, trên phim, và tại các viện bảo tàng Dân Quyền Quốc Gia, thư viện của Tổng thống J. F. Kennedy, thư viện của Tổng thống L. B. Johnson… Tựa sách của tác giả David Halberstam đã ghi tên cô là “Ngọn lửa của Phong trào Đấu tranh cho Dân Quyền”.
Nước Mỹ, bấy giờ, lại thêm một may mắn có cô Diane Nash quyết chí lấp đầy hố sâu kỳ thị để cùng nắm tay nhau phát triển vượt bực như một quốc gia tiến bộ và nhân bản. Những con người cô thế đó đã thắng chính quyền nhờ vào ý chí đấu tranh bất bạo động nhưng quyết liệt đến cùng, đã chinh phục được số đông và dư luận báo chí, và đã gây áp lực đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi, ngay từ những suy nghĩ của đối phương. Họ chẳng cần lật đổ chính quyền. Họ chỉ áp dụng kiến thức đấu tranh bất bạo động để làm cho sinh hoạt xã hội nhân bản hài hòa và tiến bộ hơn.
Ngược lại, nếu thương xá Woolworth nằm cạnh bờ hồ Gươm, hoặc nếu ngài thị trưởng Ben West có thẻ CMND mang tên Nguyễn Thế Thảo hay Phạm Quang Nghị, thì ắt hẳn cô Diane Nash cũng đã được sở hữu một bản cáo trạng 19 trang khác của viện kiểm sát nhân dân tối cao về tội “tuyên truyền lật đổ chính quyền nhân dân”, vì đã rao truyền phương thức đấu tranh bất bạo động! Hoặc chí ít cũng là một bản án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội “tọa kháng tại gia”, như anh thư Phạm Thanh Nghiên của thành phố hoa phượng ngấy màu đỏ ở đây.
Tới chuyện xứ mình:
Đấu tranh bất bạo động, cho dù là để đòi nhà/giữ đất/kêu oan/vạch mặt cường hào/tố cáo tham nhũng/giành quyền làm người… đều tự động biến thành tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bản cáo trạng mới nhất từ viện kiểm sát nhân dân tối cao của CHXHCNVN đã chính thức tố cáo nhiều điều và kết án tại chỗ nhà nước này:
Thứ nhất là đã vạch mặt đảng và nhà nước CHXHCNVN vi phạm hiến pháp và luật pháp do chính nó đẻ ra: Tùy tiện bắt cóc/giam giữ/cách ly/thẩm cung dài hạn 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành không theo đúng trình tự pháp lý.
Thứ hai là đã dàn trải ra hàng loạt dữ kiện về danh tính, nơi chốn, thời gian, sinh hoạt… mà không một ai có thể kiểm chứng được. Tức là nhà cầm quyền xứ này tùy tiện mớm cung/ép cung theo kịch bản đầy sáng tạo của công an, sao cho đạt thành phẩm là những bản chép lại cùng chữ ký nhận tội của nạn nhân. Kỹ thuật này vừa phi nhân vừa lỗi thời và cần được dẹp bỏ.
Thứ ba là đã khẳng định trước dư luận thế giới rằng đảng và nhà nước CHXHCNVN chủ trương dấu dốt để cai trị và đẩy mạnh chính sách ngu dân để toàn trị. Cho nên, tri thức trở thành điều cấm kỵ, và mọi loại kỹ năng thuyết trình hay kỹ năng lãnh đạo đều là phạm pháp. Cũng từ đó, bất kỳ kiến thức đấu tranh bất bạo động nào cũng đều là vi hiến/vi luật, cho dù đó là những kiến thức nhằm xây dựng ý thức công dân để giúp đổi mới xã hội theo hướng tích cực.
Thứ tư là đã tự chứng minh trước dư luận quốc tế về ý chí độc tài và khả năng trấn áp nhân dân bằng bạo lực, thông qua các cuộc diễn tập quy mô chống lại đám đông, và thông qua những bản cáo trạng ghép tội mơ hồ cho những thanh niên nhiệt tình vận động thêm người đồng ý với giải pháp bất bạo động để đổi mới đất nước. Thậm chí, sử dụng danh tính của một đảng khác để lồng ghép thành tội danh cho những cá nhân nặng lòng với dân tộc và chỉ mong ra sức dân chủ hóa đất nước bằng phương thức ôn hòa. Ở một tương lai gần, sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy hiến pháp VN được tu chính bằng một điều khoản mới lạ: Tất cả những công dân nào chống lại sự tụt hậu và đặc biệt là chống hiểm họa ngoại xâm đều mắc tội …Việt Tân.
Thứ năm là đã lấy nỗi ám ảnh của lãnh đạo ra làm lý cớ đàn áp nhân dân. Thế nào là “lật đổ chính quyền nhân dân”? Chính quyền này có thực sự do nhân dân bầu ra để phục vụ nhân dân theo từng nhiệm kỳ không? Nếu nó đã từng thay đổi nhân sự theo từng nhiệm kỳ, chỉ bằng hiệp thương hay bằng nghị quyết đại hội mà không cần bạo lực, thì có được coi là tự mình lật đổ không?
Nếu không coi đó là lật đổ thì tại sao những người chủ đất nước vận động thay đổi hệ thống và nhân sự quản lý đất nước (cho hữu hiệu hơn nhiệm kỳ trước) lại bị nhà nước bắt cóc/bắt giam/ép cung/lên cáo trạng “lật đổ chính quyền nhân dân”?
Nếu đủ tự tin rằng đảng và nhà nước XHCN này là mẫu mực và được lòng dân thì hà cớ gì lại không dám cạnh tranh lành mạnh với đảng phái khác bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý để dân chọn lựa?
Tại sao lại hèn hạ dùng tên gọi của đảng phái khác để ghép tội cho những người bất đồng chính kiến với mình?
Tại sao lại phải dùng đến nỗi sợ hãi của chính mình để dán nhãn cho người khác rồi lấy đó làm lý cớ đàn áp họ bằng bạo lực vũ trang?
Thứ sáu là những bản cáo trạng loại này đã không chứng minh được tội trạng của các nạn nhân, mà ngược lại, đã tự triển lãm tội ác có tổ chức về nỗ lực chà đạp nhân quyền và dân quyền trên phạm vi cả nước, và đã biểu lộ toàn vẹn sự khiếp hãi của lãnh đạo đảng và nhà nước này khi thấy nhân dân tự tìm hiểu và quán triệt được phương thức đấu tranh hiệu quả mà không cần vũ lực.
Thứ bảy là nó đã hiển thị bằng độ phân giải cao bộ mặt phản quốc, một khi đảng và nhà nước cực lực lên án người dân viết những chữ “HS-TS-VN”, tức “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” là phạm pháp. Pháp đó là pháp của nước nào mà nhân dân vi phạm khi họ ra sức giành lấy chủ quyền cho Việt Nam?
Cáo trạng như thế thì chẳng hóa ra, nhân dân chỉ được hành xử như dàn lãnh đạo bán nước là thi đua xum xoe 16 chữ vàng/bốn tương/bốn tốt? Hoặc phải viết “HS-TS-TQ”, tức “Hoàng Sa
Trường Sa là của Trung Quốc”… thì mới hợp hiến hợp pháp?
Thứ tám là đã tự rọi đèn vào tính hàm hồ và hám quyền cố hữu của lãnh đạo đảng và nhà nước xứ này, một khi nó dám mạnh dạn tỏ bày với thế giới rằng ngay trong thời đại ứng dụng kỹ thuật số để phát triển hôm nay thì …viết blogs là có tội.
Nhà nước tự minh xác rằng nó không có khả năng chứng minh các blogs viết sai sự thật chỗ nào, bởi không thể bưng bít được dữ kiện về nợ xấu/lạm phát/Vinashin/Vinalines/ruộng Văn Giang/đầm Cống Rộc/đập sông Tranh/tàu Bình Minh bị cắt cáp gần bờ… Nó chỉ đuối sức chạy đua với làng dân báo, thấy ra cả dàn tuyên giáo lẫn 4T bỗng dưng đột quỵ sau khi tiêu sạch ngân sách (điển hình là tạp chí hội nhà văn chuyên viết “sự thật” theo định hướng của đảng). Và nó động kinh/lồng lộn lên một khi thấy giới dân báo đã chiếm gần hết số lượng độc giả quan tâm của VN cả trong lẫn ngoài nước.
Nó bó tay với xu thế thời đại là tẩy chay báo đảng mà không cần biểu ngữ hay loa cầm tay.
Còn nếu ghép tội blogs chỉ vạch cái xấu của đảng… thì thử hỏi mấy cái đại hội phê và tự phê nhằm quán triệt nghị quyết 4 vừa qua, tốn hao biết bao là tiền của của nhân dân, chỉ nhằm để khuyến khích quan chức các cấp tự vạch trần mặt tiêu cực của nhau và của đảng, ở ngay cả cấp bộ cao nhất là chủ tịch nước và tổng bí thư đảng hay đồng chí “X”, thì tại sao không gô cổ khẩn cấp chúng lại về tội phơi trần cái xấu cần giấu?
Mà không làm được điều đó thì làm sao trả lời khi thế giới phỉ nhổ về hành vi chà đạp quyền tự do ngôn luận và trù úm những người ngoài đảng dám nói lên sự thật?
Đọ chuyện:
Từ những chuyện tây lẫn chuyện ta vừa kể, đều có liên hệ mật thiết tới đấu tranh bất bạo động, người ta rút ra được những kết luận nào?
Một là đấu tranh bất bạo động không nhằm lật đổ chính quyền. Cáo trạng để áp án vào tội danh đó đồng nghĩa với sự sợ hãi cao độ của cái tự nhận là chính quyền đối với kiến thức đấu tranh bất bạo động giành lấy quyền sống đúng nghĩa con người.
Hai là kỹ năng thuyết trình/vận động người khác hay kỹ năng lãnh đạo không nhằm lật đổ chính quyền, mà là nhu cầu trau dồi của những người quản lý từ cấp công ty tới cấp quốc gia. Cáo trạng để áp án những người ham học hỏi đó đồng nghĩa với tố chất bất cần sự thuyết phục và bất chấp cả khả năng quản lý ở dàn lãnh đạo của cái tự nhận là chính quyền hiện nay.
Ba là luật pháp CHXHCNVN không có điều khoản nào kết tội chống xâm lược. Cáo trạng để áp án những công dân biểu tỏ ý chí chống xâm lược đích thị đồng nghĩa với sự rao truyền chủ trương bán nước của cái tự nhận là chính quyền, và đích thị là kỹ thuật tự đánh bóng bảng hiệu Hèn Với Giặc - Ác Với Dân.
Bốn là các đảng phái khác ở VN, kể cả Việt Tân, chưa từng tạo ra những tội ác có tổ chức đến mức kinh thiên động địa như Đấu tố cải cách ruộng đất/Chôn sống tập thể đận Mậu Thân/Diệt tư thương/Tù cải tạo/Đẩy dân ra biển/Bỏ mặc ngư phủ sống chết ngư trường Biển Đông… Tức là, Việt Tân không gây tội và nhất định không phải tội. Cáo trạng để áp án bằng tội danh Việt Tân cũng đồng nghĩa với sự phô trương nỗi khiếp sợ đối với chính nghĩa của đại khối nhân dân quyết tâm chống tụt hậu, chống hiểm họa ngoại xâm và chống cả sự hèn hạ trước lũ giặc ngoại xâm.
Tóm lại, đó là bản cáo trạng 19 trang của chính cái tự nhận là Chính quyền của bạo lực, bằng bạo lực và cho bạo lực là nó đang khiếp sợ phương thức đấu tranh bất bạo động và những người chủ xướng đấu tranh bất bạo động.
Chưa bao giờ rõ thế và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ rõ hơn thế!
Nó sợ!
08-12-2012. Kỷ niệm 50 năm ngày báo chí Mỹ bắt đầu cuộc đình công 114 ngày tại New York – Đánh dấu vượt mức 127.000 người ký tên TNT “Triệu con tim-Một tiếng nói” gửi LHQ.
Blogger Đinh Tấn Lực