Thursday, October 4, 2012


Anh Thiện ơi, hãy ngơi nghỉ!
Wednesday, October 03, 2012 4:57:43 PM




Nhật Tiến

Sáng ngày 2 Tháng Mười, 2012, tôi vào Internet đọc Người Việt Online thì sửng sốt thấy bản tin “Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bệnh nặng” với một vài chi tiết như sau: “Sáng sớm ngày Thứ Tư, 26 Tháng Chín 2012, ông cảm thấy ngộp thở nên được đưa gấp vào bệnh viện.


Nhà văn Nhật Tiến (trái) và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tại nhà hàng Nguyễn Huệ, California. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tại đây, bệnh viện điều trị chứng nhiễm trùng đường phổi nhưng ông vẫn thấy đau ở ngực. Một số xét nghiệm về tim mạch, chụp phim và lấy mẫu phổi (biopsy) truy tìm ung thư cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, những tin tức cho đến sáng ngày Thứ Hai, 1 Tháng Mười 2012, thì xét nghiệm mẩu phổi chưa rõ ràng để kết luận là ông bị ung thư hay không trong khi ông vẫn thấy đau và cần thuốc giảm đau. Mấy ngày đầu, ông nói rất khó, không ra lời, nhưng nay đã có thể nói tương đối dễ dàng.”
Nhưng rồi bản tin lại cho biết: “Mười giờ sáng Thứ Hai, Linh Mục Cao Phương Kỷ đã làm các nghi thức cần thiết để ông trở thành một tín đồ Công Giáo theo ước nguyện trước sự chứng kiến của ông bà Bác Sĩ Trần Văn Cảo, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Trang, bà Lâm Thiên Hương, nhà văn Trần Phong Vũ.”
Tôi hoảng hốt vì nếu nhà thơ đã nhận phép Xức Dầu Thánh như thế thì tình hình nguy ngập mất rồi. Tôi hết sức đau buồn khi anh Nguyễn Chí Thiện đã nằm trong bệnh viện hơn cả tuần nay rồi mà tôi không hề hay biết để có cơ hội vào thăm anh.
Thế rồi, sáng nay 2 Tháng Mười, XNV Nhã Lan gọi cho tôi thông báo là nhà thơ vừa mất. Tin đau thương này do nhà báo Ðinh Quang Anh Thái text qua điện thoại cho Nhã Lan vì Thái đang đi công tác ở miền Ðông. Rồi cũng một lát sau, chính nhà báo Ðinh Quang Anh Thái gọi cho tôi khi anh đang còn trên một chuyến xe bus từ Philadelphia về Washington DC. Anh xác nhận tin nhà thơ đã mất và cho hay báo Người Việt sẽ ra số đặc biệt về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Anh cũng đề nghị tôi viết một bài cho số báo đặc biệt này. Ðây là lý do tôi ngồi khởi thảo ngay những dòng chữ này, trong lòng còn vô cùng xúc động khi nghĩ đến sự thật đau lòng, “Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã không còn nữa,” và càng đau buồn hơn khi tôi đã không có cơ hội được nhìn anh lần cuối khi anh đang hấp hối trên giường bệnh.
Thái có bảo tôi bài viết chỉ cần độ 1,000 chữ thôi. Tuy ngắn ngủi vậy, nhưng tôi biết viết gì đây, khi mà toàn bộ cuộc đời đầy gian nan và khổ ải của nhà thơ đã được mọi phương tiện truyền thông đề cập tới trong suốt vài chục năm qua với những nội dung đầy đủ về cuộc đời cũng như tác phẩm, trong đó vui ít, buồn nhiều, nhất là trong những thời gian anh bị nhục mạ, vu khống, cáo gian và vấy bùn lên cả cuộc đời lẫn sự nghiệp thơ, văn sáng chói của anh.
Về tác phẩm của Nguyễn Chí Thiện, tôi có tạm đầy đủ, cả truyện (Hỏa Lò - Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông-2001) lẫn thơ.
Riêng về thơ, tuy tôi không còn giữ được ấn bản đầu tiên mang tên “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” do Thời Tập in vào Tháng Chín 1980, nhưng tôi có bản in 1 tháng sau đó, tức Tháng Mười 1980 với tựa “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” do báo Văn Nghệ Tiền Phong ấn hành. Trong cả 2 ấn bản kể trên, chưa một ai biết tên tác giả, đến nỗi có nhiều người, khi cần nêu tên tác giả thì đành phải lấy cái tên nghe rất ngộ, là “Ngục Sĩ.”
Cho đến Tháng Mười Một năm 1995, Nguyễn Chí Thiện sang được miền đất tự do, độc giả mới biết ông là tác giả của tập thơ nói trên, mà tên chính thức của nó ngay từ dạng bản thảo đã là “Hoa Ðịa Ngục” (Fleurs de L' enfer). Tập này do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông in năm 2006 rất trang trọng và đầy đủ, gói trọn “ba mươi năm thơ” là bốn chữ mà chính tác giả viết ra khi ký tặng tôi một bản.
Dù đã nghiền ngẫm rất nhiều bài thơ của Nguyễn Chí Thiện, nhưng tôi không hề bỏ qua một chương trình on air nào ghi lại những cuộc đàm thoại về Thơ giữa Ðinh Quang Anh Thái và Nguyễn Chí Thiện được phát trên đài Little Saigon Radio từ nhiều năm trước đây. Riêng đối với tôi, đọc thơ của Nguyễn Chí Thiện đã thấy hay, nhưng phải nghe được chính anh diễn tả bài thơ và phân tích nội dung thì mới thấy hết được cái thế giới hãi hùng đã bao phủ lên cuộc đời khốn khổ của anh trong suốt 27 năm bị cầm tù trong chế độ CS. Có thể nói, không một buổi phát thanh nào về cuộc đàm thoại này mà khi nghe tôi không ràn rụa nước mắt.
Về chuyện đời thường, thỉnh thoảng tôi có tới nhà anh Nguyễn Chí Thiện ở đường Flower, thành phố Santa Ana, khu building 11 tầng dành cho những người có lợi tức thấp, để chở anh đi dùng chung một bữa cơm trưa ở vùng Little Saigon.
Hai nơi mà chúng tôi hay lui tới là quán Nguyễn Huệ và nhà hàng Song Long, ở cùng trên một con đường. Thời gian ngắn ngủi cho một bữa trưa, thế mà cũng đủ cho chúng tôi trao đổi được những thông tin cần thiết về sức khỏe, về đời sống hằng ngày, và cả về công việc của nhau đang tiến hành . Ðấy là những giây phút ấm áp mà tôi tìm được ở nơi anh, và những phút trầm ngâm ở bên cạnh tôi trên đường tôi lái xe chở anh về, hẳn anh cũng nhận biết được như thế.
Nhân đã viết bài về anh, tôi tìm thêm được tấm hình mới nhất, chụp chung với anh ở ngoài cửa quán ăn Nguyễn Huệ vào Tháng Tư 2012. Nom anh vẫn giữ phong độ trầm tĩnh, tự tin nhưng cũng trĩu nặng những tâm tình u uất. Mà không u uất sao được, khi mà cuộc đời sau 27 năm bị vùi dập trong chốn lao tù CS, tưởng qua đến bên này sẽ chỉ gặp toàn những tình nghĩa, tình người. Nhưng hỡi ơi, anh đã lại bị vùi dập tiếp bằng những luận điệu giả trá, xuyên tạc... không chỉ một lần mà nhiều lần, không chỉ thu gọn trong một khoanh báo mà um sùm, nhốn nháo.
Tuy nhiên, anh cũng biết rõ đấy chỉ là thiểu số. Còn những người quý anh, trọng anh, kể cả nhớ ơn anh về những đóng góp của anh trong lãnh vực thi ca thì là số rất đông, nhất là đa số thầm lặng.
Cho nên, tôi hy vọng là anh đã từ giã cõi đời hệ lụy này với một tâm trạng an bình và tha thứ.
Lịch sử Việt Nam sẽ mãi mãi ghi tên tuổi của anh.
Và trong lòng mọi người thân quen hẳn sẽ ghi nhớ mãi mãi hình bóng của anh, một vì sao trên trời đi lạc xuống bể trầm luân và nay đã tìm thấy đường trở lại cõi bình an vĩnh hằng.
Vậy, anh Thiện ơi! Hãy ngơi nghỉ nhé!

Garden Grove ngày 2 Tháng Mười 2012

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155877&zoneid=414#.UG0DjJgmc64

__._,_.___

No comments:

Post a Comment