Thursday, October 18, 2012

From: Minh Pham <>To:KimAnh.NaUy
.MA CHIẾN HỮU của MẠC NGÔN.


huy

Đọc lại Ma chiến hữu của Mạc Ngôn

Nhân việc nhà văn Mạc Ngôn vừa đoạt giải Nobel, tôi bỗng nhớ ra nhà văn này chính là tác giả cuốn tiểu thuyết Ma chiến hữu, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam cách đây ít lâu. Và cũng đã từng gây tranh cãi om xòm trên thế giới mạng. Nói chung, đa số bạn đọc (là gọi như vậy theo thói quen thôi, chứ có thể họ chưa thực sự đọc) đều phản đối việc NXB Văn học cho dịch và phổ biến cuốn sách này, vì đó là cái nhìn của TQ về cuộc chiến 1979 giữa VN và TQ, một cuộc chiến mà cho tới giờ hầu như vẫn chưa có nhà văn Việt Nam nào dám đề cập đến (vì sợ cái gì chẳng rõ).

Chính vì những om xòm của dư luận nên lúc ây tôi cũng đi tìm cuốn Ma chiến hữu để đọc, và thấy sự phản đối kia có lẽ không hoàn toàn chính xác. Đúng, bạn đọc có thể phản đối việc nhà nước cấm cuốn Rồng đá của một nhà văn Việt trong đó có câu truyện được viết trên bối cảnh của cùng cuộc chiến tranh nói trên. Nhưng không thể nói vì Rồng đá bị cấm mà Ma chiến hữu cũng phải bị cấm cho công bằng, vì sự công bằng này là công bằng dựa trên thân thế của tác giả (Mạc Ngôn là người TQ, vậy nếu tác giả VN bị cấm thì tác giả TQ cũng bị cấm, cho nó công bằng?), chứ không dựa trên chính tác phẩm của họ. Thật là một cái nhìn mang nặng "chủ nghĩa lý lịch" mà bao lâu nay chúng ta đã lên án.


Một điều khác cũng có thể làm cho cuốn sách bị phản đối là lời giới thiệu cuốn sách của nhà xuất bản ở trang  ngoài bìa sau (trang bìa số 4). Lời giới thiệu ấy nói, cuốn sách này là "một cách ca ngợi riêng chủ nghĩa anh hùng"! Cái gì, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những kẻ thù của chúng ta trong cuộc chiến ư, quả là xúc phạm thật, đặc biệt là trong bối cảnh TQ đang leo thang xâm lược biển đảo của VN, mà nhà nước ta thì cứ lúng ba, lúng búng như ngậm hột thị trong miệng, không phát biểu được câu nào cho dõng dạc ngoài mấy câu "chủ quyền không thể tranh cãi" vv.


Nhưng dù có hiểu được những tâm tình đó đến đâu thì tôi cũng thấy mọi người phản đối Ma chiến hữu có lẽ chỉ vì thành kiến mà thôi, vì cuốn sách ấy không hề xúc phạm Việt Nam. Nếu quả nó có xúc phạm ai đó thì phải là cuốn sách ấy xúc phạm Trung Quốc thì đúng hơn. Vì đây là một cuốn sách rõ ràng là viết với mục đích phản đối sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh ấy.


Chứ chủ nghĩa anh hùng cái quái gì mà như thế này:


Ái da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá, 

Thân hình con đã bị đạn xuyên qua. Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa, 

Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi! 

Tiếng kêu thương ấy vẫn văng vẳng bên tai con: 

Tôi chẳng tội tình gì, sao bắn vỡ đầu tôi, 

Nó ngăn trở dòng máu trong tôi, tôi sắp chết! 

Vĩnh biệt mẹ, mẹ yêu, vĩnh biệt, 

Đâu phải mẹ đưa con xông thẳng đến chiến trường 

Bao bài ca đều là tưởng tượng hoang đường. 

Viên đạn xuyên qua tôi 
lại đâm thẳng vào đầu mẹ, 

Mẹ tôi lại bị thương! 

Tiếng mẹ kêu thương còn dài hơn cả Hoàng Hà Trường Giang: 

Hãy để cho tôi hứng viên đạn đoạn trường, 

Đầu bạc tiễn đầu xanh, 

Ôi sao mà đau thuơng! 

Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá! 

Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá! 


(Bài thơ của một linh hồn người lính TQ đã chết trong cuộc chiến)


Cảm nhận về sự vô nghĩa của cuộc chiến được Mạc Ngôn nêu rất rõ ngay từ đầu cuốn sách, ví dụ như qua đoạn này:

- Trong tờ báo này có một bản tin, chỉ cần đọc qua là tôi không thể kiềm chế được nữa. 

- Tin gì? - Tiểu đoàn trưởng La hỏi. 

- Anh hãy tự xem đi! - Hoa Trung Quang đưa tờ báo cho La Nhi Hổ. 

Tôi cũng nghiêng đầu nhìn vào tờ báo, trông thấy trên tờ báo rách lỗ chỗ có một bản tin cũng bị rách lỗ chỗ. Nội dung bản tín này là, căn cứ vào tin của Bộ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa. Tôi quay đầu lại hỏi Hoa Trung Quang: 

- Bản tin này làm cho cậu khóc như thế sao? 

- Chính trị viên, - Nước mắt Hoa Trung Quang vẫn còn đọng trên mắt - Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật là oan uổng. 


Vâng, hôm nay đọc lại Ma chiến hữu, tôi chỉ càng cảm thấy Mạc Ngôn xứng đáng được nhận giải Nobel (dù có những ý kiến này khác), chứ hoàn toàn không tức giận gì. Vì ông đã dũng cảm viết lên những điều mà chắc chắn nhà nước TQ, và cả những người dân TQ, những người đã bị xua vào cuộc chiến tranh này, sẽ không thể hài lòng. Nếu có ai tức giận, tôi nghĩ những người đó phải thuộc phía TQ, chứ không thể là phía VN.


Có một điều mà khi tôi nói ra có thể sẽ bị mọi người phản đối, đó là khi đọc cuốn sách này tôi cũng không còn thấy oán trách những người lính TQ bị xua qua biên giới VN để gây chiến, mặc dù họ đã bắn phá, giết hại không biết bao nhiêu người VN của chúng ta. Bởi suy cho cùng, họ cũng là những nạn nhân, nạn nhân của chính sách bá quyền nước lớn của nhà cầm quyền của họ  vào thời đó (lúc ấy đang là thời của Đặng Tiểu Bình). Và trên hết, họ cũng là những con người, có tình cảm, có những niềm vui, nỗi khổ y hệt như chúng ta. Ví dụ như trong đoạn sau đây, kể về tình cảnh của một gia đình người lính TQ mà anh ta đã đau đớn chứng kiến khi anh ta về phép thăm gia đình:


Đến khuya vợ mình mới về. Cô ấy vứt cái bao đầy bông nặng trình trịch trên vai xuống, lạnh lẽo gật đầu chào mình, chẳng quan tâm gì đến chuyện ăn một miếng cơm, ôm lấy con bé. Nó vội vàng dụi đầu vào ngực mẹ để tìm cái ăn, và cuối cùng nó đã tìm ra. Mình nghe tiếng nó mút, nghe tiếng nó nuốt sữa. 


Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, vợ mình nhắm nghiền đôi mắt ngồi trên chiếc băng dài, sắc mặt vàng võ, bất động, còn đứa con gái thì miệng mút, tay chụp, chân đạp... Cuối cùng thì con bé đã ngủ trong lòng mẹ nó. Vợ mình mở mắt, đặt con bé xuống chiếc giường ọp ẹp. Mẹ nói: Mẹ con Phân Phân à, ăn cơm đi! Cô ấy nói vâng rồi khoát nước trong khay nước để cho gà uống rửa tay qua loa, lau tay vào chiếc khăn đen. Dây phơi động đậy khiến hàng trăm con ruồi đang đậu trên dây bay vù loạn xạ dưới ánh đèn mờ tỏ, lát sau lại quay về vị trí cũ tiếp tục ngủ.


Những trận gió đêm thổi từ ngoài cánh đồng vào mang theo mùi lá mục. Ngọn đèn chỉ lớn hơn hạt đậu dao động, leo lét và có thể tắt bất cứ lúc nào, trông thật đáng thương. Mẹ lại giục: Ăn cơm đi! Chiếc bàn ăn nhỏ xíu đặt trên giường mẹ, trên bàn chỉ có một đĩa rau với một bát nước tương. Bố ngồi ở đầu giường, vừa hút thuốc lá cuốn vừa ho. Mẹ gắt: Đã ho thì đừng hút nữa. Bố chẳng nói chẳng rằng, đôi mắt thi thoảng lại lóe lên khi đốm thuốc lá rực đỏ lên. Mẹ nói: Mẹ của Phân Phân à, con mở vung lấy cơm đi, chân mẹ đau quá đứng lên không được - Nói xong, mẹ vịn thành giường bò lên giường. Vợ mình mở nắp vung bê ra một đĩa khoai và hai bát cơm... Thôi thôi, mình cứ lan man về chuyện này làm gì nhỉ. Chỉ chớp mắt là mười ngày phép đã qua, phải trở lại đơn vị thôi. Bố khóc, mẹ cũng khóc, làm như đưa mình vào chỗ chết không bằng. Vợ mình chẳng khóc, chỉ lặng lẽ ôm lấy Phân Phân trông như một bức tượng gỗ... Mình sờ mặt con bé, nói: Phân Phân, chờ nửa năm nữa là bố về... Lúc này nước mắt vợ mình mới trào ra... Có ai ngờ lần ấy ra đi... 


Thật là đáng thương, đúng không? Nhưng có phải tôi đang mơ hồ, không phân biệt ta, địch hay không? Không, hoàn toàn không phải thế. Hơn ai hết, tôi sẵn sàng chống lại TQ xâm lược trong điều kiện hiện có của tôi, ví dụ như tẩy chay hàng TQ từ mấy năm nay rồi. Tuyệt nhiên không mua thứ gì của TQ cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải căm ghét mọi người TQ. Và tẩy chay không đọc sách của người TQ viết ra, cho dù người ấy có đoạt giải Nobel đi chăng nữa.


Tôi nghĩ, đúng ra, càng ghét TQ thì chúng ta càng phải đọc về TQ để hiểu họ. Và văn học theo đúng nghĩa của nó phải làm cho con người xích lại gần nhau hơn, kể cả những cựu thù như VN với TQ. Văn học phải làm cho con người ta nhân đạo hơn, tôi đã đọc được ở đâu đó một câu như thế. Mà VN với TQ và những nước theo chủ nghĩa cộng sản khác thì lâu nay đã quá thiếu tính nhân đạo rồi. Suốt ngày chỉ ca ngợi chiến tranh, chiến đấu, anh hùng, hy sinh vì tổ quốc, vì Đảng quang vinh gì gì đấy thôi. Nên mới ra bao nhiêu là vấn nạn mà chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay. Không, chúng ta cần phải khác đi, rõ ràng là thế. Bắt đầu từ những việc nhỏ, những suy nghĩ nho nhỏ.


Nếu ai chưa đọc cuốn Ma chiến hữu thì có thể tìm đọc ở đây này: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://kinhdotruyen.com/tac-gia-mac-ngon/truyen-ma-chien-huu.html. Các bạn đọc đi rồi cho tôi biết ý kiến nhé.





Xin delete Email nếu nó làm phiền bạn.  Cám ơn!    Mh

 



No comments:

Post a Comment