Tranh chấp bãi cạn Scarborough: Quả bom nổ chậm đang chờ Trung Quốc
Manila
đang tính đến hành động pháp lý nhằm đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế
trong tranh chấp Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, phương án này cũng hàm
chứa những rủi ro có thể gây ra những kết quả ngược lại.
Những căng thẳng
giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh vụ tranh chấp Bãi cạn
Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, Philíppin gọi là Bãi cạn
Panatag ) đã tạm thời lắng dịu sau khi hai bên cùng rút các tàu thuyền
khỏi khu vực này với lý do “thời tiết xấu.” Tuy nhiên, theo báo Bưu Điện
Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Công) , xen giữa những cuộc tập trận và những
cuộc khẩu chiến ngoại giao làm quan hệ Trung Quốc – Philíppin lạnh nhạt,
cuộc tranh chấp chủ quyền Bãi cạn Scarborough là một “quả bom nổ chậm”
về mặt pháp lý vẫn đang chờ Trung Quốc, ngay cả khi căng thẳng giữa hai
nước đã được xoa dịu.
Vào lúc tình hình
căng thẳng lên tới đỉnh điểm, Bắc Kinh đã bác bỏ (một hành động đã được
dự báo) đề nghị của Manila đưa vụ tranh chấp Bãi cạn Scarborough ra Tòa
án Công lý quốc tế, đồng thời khăng khăng cho rằng vấn đề này cần phải
được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và các cuộc thương lượng
song phương.
Bề ngoài, hành
động này của Trung Quốc dường như gây lúng túng cho phía Philíppin. Theo
quy định, Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu một thỏa thuận song phương
giữa hai nước trước khi có thể tiến hành một phiên xử về tranh chấp chủ
quyền lãnh thổ tại cơ quan này. Vì vậy, sự phản đối của Trung Quốc trên
thực tế đã “giết chết” ý đồ của Philíppin từ trong trứng nước.
Tuần này, căng
thẳng giữa Trung Quốc và Philíppin đã lắng dịu khi cả hai nước rút các
tàu thuyền khỏi Bãi cạn Scarborough, nhưng tranh chấp chủ quyền rộng lớn
hơn vẫn duy trì, cùng với câu hỏi được đặt ra là Philíppin sẽ “nuôi
dưỡng” ý đồ giải quyết tranh chấp qua con đường pháp lý như thế nào?
Được sự ủng hộ của các cố vấn luật pháp quốc tế, các quan chức Philíppin
đang lặng lẽ tìm kiếm những con đường pháp lý mà ở đó họ có thể buộc
Trung Quốc phải chấp nhận ra tòa hoặc chịu sự tài phán, kể cả trong
trường hợp đi ngược lại ý muốn của Trung Quốc.
Khi nói về vụ
tranh chấp khiến quan hệ hai nước băng giá trong hơn hai tháng qua,
Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario đặt câu hỏi: “Liệu chúng tôi
có cần phải có Trung Quốc cùng song hành trong việc lập ra những cơ
chế?” và ông tự đưa ra đáp án: “Câu trả lời là không!”
Những phát biểu
như vậy đã làm sôi động các phòng họp cấp cao và các trường đại học của
các nước trong khu vực những tuần gần đây, gợi ra một số câu hỏi hấp
dẫn: Một hành động như tuyên bố của Philíppin liệu có thực sự khả thi?
Và hành động đó sẽ có tác động như thế nào? Theo một số luật sư quốc tế
và các học giả nắm vững Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS),
xét một cách cơ bản, Ngoại trưởng Rosario đã đúng về mặt nguyên tắc pháp
luật – Philíppin có thể đơn phương hành động. Sự cân nhắc về mặt chính
trị, dĩ nhiên, khi đưa Trung Quốc vào tình thế phải giải quyết theo con
đường này, có thể giảm bớt những thách thức pháp lý đáng kể.
Không giống như
Tòa án Công lý quốc tế, UNCLOS không thể được sử dụng để dàn xếp các vấn
đề về chủ quyền, nhưng nó có thể giải quyết những tranh chấp liên quan
trên một phạm vi rộng lớn. Nó cho phép một quốc gia tranh cãi với một
quốc gia khác về các hành động, lập trường mà không cần sự đồng ý của
quốc gia đó, thông qua cái gọi là “dàn xếp tranh chấp bắt buộc.”
Trung Quốc, nước
đã ký và phê chuẩn UNCLOS ngay sau khi công ước này có hiệu lực năm
1994, dường như lâu nay vẫn thận trọng với hành động đơn phương như vậy.
Năm 2006, Trung Quốc đã thực hiện bước đi chính thức thể hiện quyền của
nước này tránh một hành động như vậy trong một số trường hợp, chủ yếu
tập trung vào các hoạt động quân sự, ranh giới trên biển và các vùng
nước lịch sử.
Tuy nhiên, như một
số học giả nghiên cứu luật pháp quốc tế đã nhấn mạnh, những sự lảng
tránh như vậy không đủ ảnh hưởng để trở thành điều không thể bác bỏ
được. Một hành động đơn phương trong tranh chấp sẽ vẫn có thể xảy ra
xung quanh các tranh chấp xoay quanh quyền đánh bắt cá trong vùng đặc
quyền kinh tế theo tuyên bố của một quốc gia, hoặc ví dụ là một tảng đá,
dải đá ngầm có thể được xem như một hòn đảo theo UNCLOS. Và do vậy,
những vùng tranh chấp đó có thể được gắn với vùng đặc quyền kinh tế.
Một số luật sư tin
rằng vụ tranh chấp Bãi cạn Scarborough và những quyền đầy tranh cãi của
ngư dân Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo tuyên
bố của Philíppin, có thể là một trường hợp như vậy. Các quan chức Trung
Quốc nói rằng Trung Quốc có quyền lịch sử đối với Bãi cạn Scarborough và
việc đảo này ở gần Philíppin không được bảo vệ theo luật pháp quốc tế.
Ông Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc
gia Xinhgapo, trong bài viết công bố tại một hội nghị ở Cuala Lămpơ
(Malaixia) đã nhấn mạnh: “Những tranh chấp liên quan đến sự phản đối của
Trung Quốc đối với các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các
nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có lẽ khó tránh
khỏi hệ thống dàn xếp tranh chấp bắt buộc.”
Bãi cạn
Scarborough nằm ngoài quần đảo Trường Sa và do vậy chỉ có Trung Quốc và
Philíppin tranh chấp khu vực này. Tuy nhiên, vụ tranh chấp này được các
bên cùng có tranh chấp ở Biển Đông theo dõi chặt chẽ. Một phái viên kỳ
cựu ở Đông Nam Á cho biết: “Luật pháp quốc tế là một cách giải quyết
tranh chấp. Chúng tôi biết rằng đó có thể là một giải pháp tốt hơn là
từng nước thương lượng với một cường quốc như Trung Quốc. Tất cả chúng
tôi đều đang quan sát xem liệu Philíppin có đủ dũng cảm để thực hiện
bước đi đầu tiên trên con đường đó – và đối mặt với một sự phản ứng dữ
dội từ Bắc Kinh.”
Trong khi đó,
chuyên gia Jonathan Gimblett thuộc Công ty Luật Covington & Burling ở
Oasinhtơn (Mỹ) đã cảnh báo rằng chặng đường để buộc một quốc gia phải
ra tòa án đối mặt với những điều đi ngược lại mong muốn của họ, nhiều
khả năng sẽ rất dài và phức tạp, đồng thời kéo theo những rủi ro chính
trị lớn.
Trong bài phát
biểu tại một hội nghị ở Tôkyô (Nhật Bản), ông Robert Beckman đã nhấn
mạnh đến một chính sách “mơ hồ có tính toán” mà Trung Quốc đang áp dụng
đối với tuyên bố về các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Ông Beckman đặt
câu hỏi: “Vấn đề nghiêm túc đã được đặt ra trong các nước ASEAN là liệu
Trung Quốc có định tôn trọng luật pháp quốc tế nói chung và Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển nói riêng khi giải quyết tranh chấp với các
nước láng giềng nhỏ hơn hay không? Điều này gây ra lo ngại đáng kể trong
ASEAN. Một trong những nguyên tắc cơ bản mà các quốc gia ASEAN tuân
theo khi giải quyết vấn đề với các nước lớn là bất kỳ sự hợp tác nào đều
phải tuân theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về
Luật Biển.” Tuy nhiên, theo ông Beckman, Trung Quốc “dường như muốn
giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua thương lượng, đặc biệt là tại
các cuộc thương lượng song phương, nơi các yếu tố liên quan như lịch sử,
có thể được tính đến.”
Một vụ xử tranh
chấp theo UNCLOS liên quan đến một ủy ban phân xử của Liên hợp quốc sẽ
có sự ràng buộc pháp luật. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng một tòa
án được thành lập theo UNCLOS sẽ đồng ý phân xử một vụ việc như vậy. Khi
các tòa án quốc tế có những quyền lực về phạm trù đạo đức và lương tâm
nhiều hơn là quyền lực thực chất, việc bắt buộc tuân theo phán quyết
cuối cùng lại là vấn đề khác. Thậm chí, theo nhiều luật sư, các nước sẽ
tuân theo quyết định cuối cùng của chính họ.
Một học giả giấu
tên tại Bắc Kinh nói rằng hiện vẫn có những hoài nghi về khả năng
Philíppin thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy tiến trình pháp lý chống
lại Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Bãi cạn Scarborough không chỉ bởi
vì Manila biết rằng việc này “đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh, mà
còn bởi vì họ cũng có nguy cơ đối mặt với một phán quyết chống lại chính
họ.” Do vậy, học giả này tin rằng Philíppin sẽ không thực hiện tiến
trình pháp lý như đã nhiều lần đe dọa./.
Văn Cường (gt)
Tin mới hơn:
- Biển Đông: Phép thử sự đoàn kết của ASEAN[20/07/2012 06:00]
- Nga với vấn đề khai thác dầu khí ở thềm lục địa Bắc cực[19/07/2012 00:00]
- Giải quyết tranh chấp biển: Cách thức của Bangladesh – Myanmar[18/07/2012 00:00]
- Đã đến lúc chấm dứt sự mơ hồ chiến lược tại Biển Đông[12/07/2012 00:00]
- Biển Đông: Phép thử cho mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN[10/07/2012 00:00]
- Trung Quốc: Một thế lực biển mới trỗi dậy[09/07/2012 00:00]
- Bộ Quy tắc Ứng xử ASEAN có thể giúp Biển Đông tránh bão[06/07/2012 00:00]
- Biển Đông: Câu chuyện về cá[04/07/2012 00:00]
- Các quan điểm của chính giới Mỹ về việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển[28/06/2012 10:00]
Tin cũ hơn:
- Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Biển Đông [26/06/2012 00:00]
- Chiến lược "xoay trục" đang hướng về Biển Đông?[19/06/2012 00:00]
- Bế tắc tại bãi cạn Scarborough[19/06/2012 00:00]
- Tại sao tranh chấp chủ quyền Trung-Phi không thể giải quyết?[15/06/2012 00:00]
- Mỹ - Trung: Tỷ số 1 - 0[12/06/2012 00:00]
- Manila đương đầu với gã khổng lồ Goliath[11/06/2012 19:52]
- Khó khăn của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông[07/06/2012 00:00]
- Nhật Bản hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng an ninh hàng hải của ASEAN[06/06/2012 16:16]
- Vai trò của Scarborough đối với Mỹ[06/06/2012 00:00]
No comments:
Post a Comment