Thương nhớ Nhà Thơ.
Tác giả Hoa Địa Ngục qua đời
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2012-10-02
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ nổi tiếng Hoa Ðịa Ngục,
vừa qua đời lúc 7 giờ 17 phút sáng Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012, tại một
bệnh viện ở thành phố Santa Ana, quận Cam, California, thọ 73 tuổi.
Photo courtesy of chinhnghia
Cố nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (giữa)
Ông Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông bị tù cộng sản
tổng cộng 27 năm. Lần ra khỏi tù sau cùng của ông là ngày 28 Tháng Mười
1991.
Năm 1979, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mang tập thơ tới Tòa Ðại Sứ Anh
tại Hà Nội xin tị nạn chính trị. Nhưng viên chức tòa đại sứ chỉ nhận tập
thơ để chuyển ra ngoại quốc. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này
là lá thư mở đầu với lời ngỏ:
“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã
gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong
gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này
trên mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả 20 năm làm việc của tôi,
phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.”
Vào năm 1980, “Ủy Ban Tranh Ðấu cho Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam”
xuất bản tập thơ mang tựa đề “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” mà tác giả được ghi
là là “Ngục sĩ” hay khuyết danh. Ít tuần lễ sau, tạp chí Văn Nghệ Tiền
Phong đưa ra một ấn bản cùng một nội dung nhưng với tựa đề “Bản Chúc Thư
Của Một Người Việt Nam”.
Tựa đề tập thơ Hoa Ðịa Ngục có từ khi Yale Center for International
& Area Studies ấn hành bản Anh ngữ Flowers From Hell do ông Huỳnh
Sanh Thông dịch. Sau người ta mới biết tác giả tập thơ là Nguyễn Chí
Thiện.
Nhà thơ đã bị công an Việt Nam bắt giữ ngay sau khi ra khỏi tòa đại
sứ. Nhờ sự can thiệp đặc biệt của nhiều nhân vật quốc tế, ông đã được
chế độ Hà Nội thả cho đi Mỹ định cư Tháng Giêng 1995.
Thông tín viên Ngọc Lan của đài Á Châu Tự Do đã có cuộc phỏng vấn nhà
văn Trần Phong Vũ, người kề cận, chăm sóc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
trong những ngày ở bệnh viện, về sự ra đi của nhà thơ.
Ngọc Lan: Được biết nhà văn Trần Phong Vũ là người đã ở bên cạnh nhà
thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày vừa qua, xin chú cho biết về tình
trạng hiện tại của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.
Nhà văn Trần Phong Vũ: Tôi rất lấy làm đau buồn để thưa rằng giây
phút này thì người bạn của cộng đồng Việt Nam tị nạn, người bạn riêng
của cá nhân tôi cũng như một số anh em quý mến, anh Nguyễn Chí Thiện đã
ra đi thực sự vào lúc 17 giờ 17 phút sáng hôm nay. Cá nhân tôi sau khi
trao đổi với bác sĩ mấy lời trước khi vội vã ra xe chạy lên đây nhưng
tôi vẫn không kịp gặp anh lần cuối. Nhưng anh vẫn còn mở mắt. Tôi đưa
tay vuốt mắt anh thì anh khép mắt lại. Đấy là niềm đau chung cho tất cả
mọi người. Đó là điều chúng tôi muốn được thông báo đến tất cả quý vị
thính giả, đặc biệt đến những anh em từng có quen biết với nhà thơ
Nguyễn Chí Thiện.
Ngọc Lan: Là người ở bên cạnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
trong những ngày cuối đời của ông, xin chú tóm tắt lại diễn biến tình
trạng sức khỏe cũng như những ý nguyện của nhà thơ trong thời gian vừa
rồi.
Nhà văn Trần Phong Vũ: Thực sự nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là một
người rất gan dạ, can trường về nhiều mặt, ngay cả cái chết đối với anh
cũng coi thường. Ở anh có một sự quyết liệt, kể cả sự quyết liệt trong
những ngày cuối. Khi mà Thứ Tư tuần vừa qua khi anh được đưa vào cấp cứu
ở trong này, thì anh gọi tôi vào và nhắc nhở với tôi vài điều là anh
muốn được theo về với đạo Công Giáo. Anh nhắc tới cha Nguyễn Văn Lý là
người đã dạy cho anh rất nhiều những bài học về giáo lý. Về người mà anh
kính phục nhất là cha Chính Vinh là một linh mục đã bị chết ở trong nhà
tù Cổng Trời. Anh cũng nhắc tới người bạn thân thiết của anh là anh
Kiều Duy Vĩnh, người cùng ở tù với anh một thời gian, cũng là người đi
trước anh theo về với niềm tin Công Giáo. Tâm nguyện của anh đã được
thực hiện khi mà cách đây mấy ngày, theo yêu cầu của anh, Linh Mục Cao
Phương Kỷ, linh hướng của Diễn Dàn Giáo Dân, đã tới để cử hành nghi thức
bí tích cho anh và xức dầu lần cuối cho anh.
Ngọc Lan: Là một người bạn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chú có suy nghĩ như thế nào về con người nhà thơ Nguyễn Chí Thiện?
Trần Phong Vũ: Những suy nghĩ của tôi về Nguyễn Chí Thiện có
lẽ đã gói ghém đầy đủ trong hai bài tôi viết vào những giây phút, những
năm tháng mà anh bị người ta dùng những lời lẽ để mạt sát, miệt thị anh,
tôi đã thẳng thắng trình bày những suy nghĩ của tôi rồi. Riêng trong
giây phút này, tôi chỉ muốn nói một điều thôi: anh tên Nguyễn Chí Thiện,
tôi nghĩ anh đã không hổ với song thân anh khi các ngài đã đặt cái tên
đó cho anh. Anh là người chí thiện. Sáng hôm nay, tôi có nhắc lại điều
này trước các bạn hữu của tôi và nói rằng: xin anh nếu hồn thiêng của
anh còn phảng phất đâu đó và được Thiên Chúa đưa về với Người thì xin
anh dạy cho chúng tôi bài học sống lương thiện như anh, sống ngay thẳng
tròn đầy như anh với con người bởi vì anh đã sống trọn vẹn cái ân tình
của người yêu thương trọn đời.
Nhà thơ "ngục sĩ" Nguyễn Chí Thiện từ trần
RFA
2012-10-02
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, được mệnh danh “Ngục sĩ”, nhà thơ phản
kháng nổi tiếng nhất của Việt Nam, vừa từ trần tại Santa Ana,
California, Hoa Kỳ lúc 7 giờ 17 phút sáng ngày 2/10/2012, hưởng thọ 73
tuổi.
Courtesy VietAmReview
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và tác phẩm "Hoa Địa Ngục".
Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm 1939 tại Hà Nội, học hành và sinh
sống ở Hà Nội, Hà Nam, Hải phòng với song thân phụ mẫu và một người chị.
Ông từng bị chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà bắt giam từ năm 1961, vì
tội “phản tuyên truyền” bằng những bài thơ phê phán chế độ. Được trả tự
do vào tháng 11 năm 1964, đến tháng 2-1966 ông lại bị tống giam đến
tháng 7-1977. Ông viết lại bằng tay tập thơ “Hoa địa ngục” sáng tác và
ghi nhớ trong tù.
Tháng 7-1979, ông đem đưa được tác phẩm này vào bên trong toà đại sứ
Anh. Ông không đi tị nạn ở Anh và bị bắt ngay trước cổng toà đại sứ, bị
tống giam thêm 12 năm, với chế độ giam giữ khắc nghiệt hơn hết so với
những khoảng thời gian bị giam cầm trước đó.
Tập thơ “Hoa địa ngục” từ toà đại sứ Anh ở Hà Nội được chuyển tới
giáo sư Patrick Honey (1925-2005) dạy tại đại học Luân đôn. Sau đó thơ
ông được phổ biến trên báo chí, sách vở của người Việt hải ngoại, được
dịch và xuất bản bằng Anh, Pháp, Việt ngữ. Năm 1985 ông được tặng thưởng
khiếm diện giải thưởng thơ quốc tế tại Rotterdam.
Từ năm 1981 Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền Human Rights Watch và Tổ chức nhân quyền Quê Mẹ cùng
phát động chiến dịch kêu gọi quốc tế can thiệp với nhà cầm quyền Việt
Nam về trường hợp của ông.
Suốt thời gian đó ông bị giam tại Hoả Lò, Hà Nội, đến năm 1985 bị đưa
đi biệt giam giữa rừng, kiệt sức và gần chết đói. Năm 1990 ông được đưa
tới trại tù Ba Sao săn sóc thuốc men, và được trả tự do vào tháng 10
năm 1991.
Được anh ruột bảo lãnh sang Hoa Kỳ từ năm 1995, ông ghi lại và phổ
biến tập “Hoa địa ngục” thứ nhì, gồm những bài ông sáng tác và ghi nhớ
trong thời gian cầm tù sau . GS Nguyễn Ngọc Bích dịch tác phẩm nay sang
Anh ngữ và xuất bản song ngữ. Ông viết tự truyện bằng Anh ngữ, được đại
học Hawaii xuất bản trong “Beyond Works: Asian Writers on Their Works.”
Thi sĩ "ngục sĩ" Nguyễn Chí Thiện được giải thưởng của Hội Nhà văn
Quốc tế vào năm 1998. Ông sang Pháp, ở lại đó 3 năm để viết “Hoả Lò tập
truyện”. Tác phẩm được dịch sang Anh ngữ, đại học Yale xuất bản năm
2007.
Nhà thơ cư ngụ tại quân Cam California từ năm 2004, phải phấn đấu
thường xuyên với những di chứng bệnh tật trong suốt 27 năm tù ngục,
nhưng vẫn đi nhiều nơi để nói chuyện về kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam.
Ông là một người độc thân, mất đi trong sự săn sóc của bạn bè thân
hữu và những cuộc thăm viếng của những đồng bào Việt Nam ái mộ thơ văn
của ông, ngưỡng mộ ý chí bất khuất của ông trước chế độ cộng sản của Nhà
nước Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa.
|
|
No comments:
Post a Comment