Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 31.8.2012
Chuyện ông giáo nghèo với ngân hàng và doanh nghiệp
Bạn có thể hiểu đây chỉ là câu chuyện lẩm cẩm của những anh nghèo ngồi tính quẩn sự đời trong thời bão giá. Nhất là vào ngày 28-8 vừa qua, giá xăng tăng lên 650 đồng một lít càng làm cho người dân nghèo thêm điêu đứng. Nhưng như vậy vẫn là … chưa đủ, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng nhiên liệu huyết mạch lại rậm rịch lên kế hoạch... xin tăng giá nữa. “Bài ca con cá” này dân VN đều hiểu hết, nó chỉ là sự chuẩn bị dư luận, rồi trước sau cũng tăng. Bởi theo biên độ cho phép là có thể tăng giá xăng 20% trong vòng một tháng, cơ quan quản lý đã chọn giải pháp là cho tăng ... từ từ. Người dân lại thót tim. Các cây xăng lại tiếp tục găm hàng chờ tăng giá móc túi dân.
Nhưng chuyện đó gây ảnh hưởng như thế nào với xã hội, xin bàn vào một kỳ sau khi đã có đầy đủ dữ liệu.
Trong khi chờ xăng tăng giá, nhiều cửa hàng treo bảng “hết xăng”
Ở đây tôi chỉ đề cập đến “quả bom” ngân hàng (NH) và “dư âm” còn đang nóng sau khi đại tỷ phú Nguyễn Đức Kiên và ông chủ tịch NH Á Châu bị tóm. Cứ cho rằng hai ông này là hai vụ án khác nhau, có nghĩa là mỗi ông vi phạm pháp luật theo một kiểu nào đó vốn là “nghề tay trái” của các các đại gia giàu địch quốc. Thế nhưng nó vẫn có liên quan mật thiết với nhau qua cái nhìn của người dân bởi cả hai ông đều là những nhân vật then chốt của các NH. Ngoài ra còn xuất hiện những tin đồn thất thiệt, khiến chính những nhân vật bị đồn cũng bất ngờ. Đó chỉ là những tin đồn vô căn cứ, có thể là do các “đại gia” trả miếng nhau, nhưng nó cũng chứng tỏ tình trạng hoang mang lây lan rất nhanh.
Niềm tin tạm bợ
Việc làm trong sạch hóa các NH là môt việc làm quá cần thiết, trừng trị bất cứ kẻ nào dù ở chức vụ nào lũng đoạn nền tài chính, thâu tóm quyền lợi cho cá nhân hay phe nhóm đều được mang ra xử công khai trước pháp luật. Đó là sự mong đợi của hầu hết người dân Việt. Điều đó mang lại ít nhiều niềm tin của người dân.
Nhưng bên cạnh đó vẫn là những hoang mang, lo ngại về việc gửi tiền vào các ngân hàng. Sự lo ngại ban đầu có thể là “bấn xúc xích”, nhưng được trấn an bằng những biện pháp cụ thể nên cũng nguôi ngoai dần. Tuy nhiên, sự nguôi ngoai đó không phải là niềm tin vững chắc mà nó chỉ là tạm bợ, rất tạm bợ thôi. Buổi sáng còn tin, buổi chiều có thể “ôm sô chạy làng” vì bất cứ một lý do nào đó.
Tôi không có hân hạnh được quen biết nhiều với các vị nhà giàu, ở đây tôi chỉ kể lại một câu chuyện rất thật của dân nhà nghèo trước hiện tượng này. Dân nghèo không cần biết đến những vần đề về “kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, đừng tưởng tất cả dân nghèo đều ngu, khối ông nghèo nhưng hiểu biết rất rộng, nhưng quá nhiều “lý thuyết gia” bàn về kinh tế vĩ mô cứ loạn cào cào, chẳng biết đường nào mà lần. Còn một số lớn dân nghèo, họ chỉ quan tâm đến đời sống trước mắt là cơm, gạo, áo, tiền. Và ở đây tôi cũng chỉ nhắc tới những “chuyện vặt” đó. Vì thế bạn đọc có thể hiểu đây chỉ là chuyện lẩm cẩm của những anh già rách, còn nó có phản ảnh được điều gì mặt sau của xã hội, tùy bạn nhận định.
Ông giáo già và… rau lang chấm nước mắm cáy
Lâu lắm tôi mới có dịp đến nhà ông anh ở Gò Vấp. Ở khu này thường là những dân nghèo hoặc đủ ăn đủ tiêu, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt. Nhà ông anh tôi là hàng xóm của một ông giáo già. Ông giáo có một cậu con trai, muốn có việc làm, công ty đưa lên tuốt Komtum và một cô con gái lấy chồng nước ngoài. Ông giáo trước dạy ở một trường trung học, thời đó học sinh gọi là “giáo sư”. Bây giờ ông đã 75 tuổi, gần đây hai người con bàn nhau, để khỏi phải đóng góp tiền chu cấp bố mẹ hàng tháng, hai chị em gom góp một số tiền cho bố gửi ngân hàng kiếm lời hàng tháng.
Một lần tôi xách ký nho vài trái táo, sang nhà ông thăm hỏi bà vợ ông bị bệnh, gặp bữa cơm vừa dọn lên, có món rau lang luộc chấm với nước mắm cáy, một đĩa tép rang khế, một đĩa thịt heo kho mặn. Gia đình ông cũng như gia đình tôi, từ Thái Bình vào Nam từ hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng mấy cái món này vẫn là món ăn “truyền thống quê hương” do bà con gửi từ ngoài Bắc vào.
Ông bà giáo mời tôi dùng cơm. Dùng dằng chút xíu cho phải phép, tôi ngồi xuống ăn cùng ông bà vì thèm món rau lang chấm nước mắm cáy này. Từ đó thỉnh thoảng ông lại điện thoại cho tôi tán chuyện “thiên hạ sự”. Ông cũng có cái computer cũ và thường lên internet cho qua ngày tháng. Lâu rồi, cả hai chúng tôi đều có tuổi, ngại đi xa, hôm qua tôi mới có dịp ghé thăm ông giáo. Ông mừng rỡ lắm vì gặp người đồng hội đồng thuyền, cùng quê hương xứ sở, chuyện gì cũng có thể thổ lộ với nhau được, không sợ bị bới móc.
Rút hay không rút?
Câu chuyện đầu tiên của ông đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng mà người dân nghèo có ít tiền để dành vẫn còn “thắc mắc” là chuyện “thời thế ngân hàng”. Ông hỏi ngay:
– Bác ạ, tôi có một số tiền gửi ở ACB, có nên rút ra không?
Tôi lúng túng vì khó có thể “cố vấn” cho ai trong tình hình những ngày đầu nổ ra vụ ngân hàng ACB. Người nhanh chân rút tiền, người trù trừ e ngại. Ông anh tôi và ông giáo già cùng rủ nhau gửi tiền ở NH ACB tại một chi nhánh gần nhà. Ông anh tôi hỏi, tôi cũng chưa dám có ý kiến dứt khoát về vấn đề này. Hầu hết những người dân nghèo có tí tiền gửi NH vì hai lý do: thứ nhất gần nhà để hàng tháng rút ta cho tiện; thứ hai đó là một NH lớn, còn lớn cỡ nào, tôi cũng như nhiều người bình dân khác, hoàn toàn mù tịt.
Bởi vậy tôi lưỡng lự rồi trả lời lửng lơ con cá vàng:
– Tùy bác thôi, xem ra vụ này cũng gay go đấy.
Ông giáo thở dài:
– Tôi đã tính điện thoại lên hỏi bác, may lại gặp bác xuống chơi. Bác trả lời thế càng làm tôi lúng túng thêm. Nếu bác gửi ở NH ACB bác có rút không?
Tôi lại ngây mặt, chẳng biết nên gật hay nên lắc. Ông giáo thôi không dồn tôi vào “bước đường cùng” nữa. Ông bắt đầu kể lể:
– Chẳng nói giấu gì bác, các cháu cho tôi ba trăm triệu từ mấy năm nay rồi. Hồi đó mua được cái nhà cấp 4 đầu hẻm đấy, nhưng bây giờ chỉ mua được cái chòi. Cũng may, tôi có cái nhà này rồi, tính toán mãi, tôi đem gửi ngân hàng, không bị lỗ vốn vì mất giá và có tiền chi tiêu hàng tháng.
Ông giáo tính toán chi ly:
– Cách đây một năm, tiền lời hàng tháng là 14%, ngân hàng “tự động” cho tôi 16% một năm – có ông còn được đến 17-18% hay hơn thế ấy chứ. Mỗi tháng tôi cũng có được khoản hơn 4 triệu, tiêu pha cũng tạm đủ. Ốm đau lặt vặt thì lấy số tiền hưu ít ỏi đề dành mang ra chi dùng. Vậy là ốm đau nặng phải đi bệnh viện thì dĩ nhiên phải trông vào các con rồi. Tôi bị bệnh tim, nhưng cứ cù cưa, không dám đi bệnh viện. Vào đấy, chỉ thấy người và người, chờ và đợi, “thủ tục đầu tiên”, nay “viện phí” lại tăng… cũng muốn ốm thêm rồi. Thôi thì cuộc sống như thế cũng là tạm đủ, còn hơn vô số người quanh đây, cứ ngày một nghèo thêm. Họ khổ hơn mình nhiều.
Tôi đưa đà:
– Bác “tri túc” như thế là phải. Nhìn lên chỉ tổ gãy cổ, nhìn xuống không ai bằng mình.
Khi ông giáo nói tục, ông cười để lộ hàm răng đã bị thời gian vặt đi, thủng lỗ chỗ. Ông nói:
– Thôi bác ạ, bây giờ chẳng còn thì giờ đâu nhìn lên hay nhìn xuống nữa. Nhìn ngay vào chính mình đây này. Từ khi ông Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) bắt phải hạ lãi suất, tiền gửi NH chỉ được 12% rồi tụt xuống 9% chỉ trong vòng vài tháng. Bác có biết nhà tôi mất bao nhiêu một tháng không?
Tôi chưa kịp tính, ông giáo đã trả lời ngay:
– Từ 16% xuống 9%, tức là mất đứt 7% rồi. Từ có 4 triệu một tháng, chỉ còn hơn 2 triệu. Lại gặp lúc cái gì cũng leo thang, từ điện nước, xăng dầu cho đến rau cỏ ở chợ, cái gì cũng lên vù vù. Mất đứt gần 2 triệu một tháng nhưng tiền lời ở NH cũng phải tính đến cả tiền mất giá. Phải để ra ít lắm cũng 30% bù vào cái khoản đó. Tiêu hết tiền lời kể như cắn vào tay mình, nên chỉ dám tiêu chừng 2 triệu.
Nhà tôi lâm vào cảnh túng thiếu. Vậy mà không dám than với các con bởi chúng nó cũng “xuống” như mình chứ thời buổi này có thằng nào làm lao động, kể cả lao động chữ nghĩa ngoi lên đến hàng đủ ăn đủ tiêu đâu. Ngay đến con gái tôi ở nước ngoài cũng phải tằn tiện, tôi biết vậy nên không dám hé môi với các con.
Ông giáo chỉ cái computer cũ phủ một lần vải cho đỡ bụi, để chiếc bàn gỗ:
– Bác còn có khả năng chơi internet, máy của tôi bị server nó cắt rồi, chỉ cần thiếu tiền 1 tháng là… a lê hấp, nó cúp đường truyền của mình luôn. Thế là tôi thua, dù tôi chơi theo kiểu chơi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Vậy mà mỗi tháng cũng mất gần trăm ngàn. Tiền tiêu còn chưa đủ, lấy tiền đâu ra mà trả internet. Thế là tôi đành làm thằng “dân ngu” vậy. Ngu vì bị “thiến” mất số tiền lời hàng tháng mà cóc làm gì được nhau, đếch kêu ca với ai được bác ạ.
Ông giáo vốn là người cẩn trọng, không nói tục bao giờ, nhưng ông phải thốt mấy tiếng “cóc” và “đếch” là tôi hiểu sự cay cú, sự bất mãn trong lòng ông dồn nén lâu nay như thế nào. Tôi chẳng còn biết an ủi ông bạn già như thế nào nữa.
Câu hỏi đằng sau sự thật
Chưa hả cơn giận, ông “nhằn” tiếp:
– Tôi không đến nỗi ngu mà không hiểu được đôi chút về kinh tế, các ông ấy gọi là “vĩ mô”. Nhưng quả thật tôi ngu vì không tài nào biết được chính xác tình hình lạm phát là bao nhiêu phần trăm. Các ông ngân hàng nhà nước (NHNN) và mấy bố “lý thuyết gia” nói sao thì biết vậy thôi.
Tôi chỉ nhìn vào giá cả sinh hoạt và nhìn vào cái túi tiền của chính mình cùng mấy anh hàng xóm để đo lường mức độ lạm phát. Xuống thì đôi lúc có xuống, nhưng xuống đến cái mức mà các ông ấy gọi là có thể giảm bớt lãi suất tiền gửi của dân nhiều như thế thì hơi ép nhau quá.
Tôi hoàn toàn đồng ý lãi suất thỏa thuận giữa các NH kỳ trước với người dân là cao, là tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các NH lớn và nhỏ. Cần phải có sự can thiệp của NHNN để làm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp (DN). Người dân cũng cần chia sẻ với các DN để nền sản xuất không bị đình đốn. Đã có hàng chục ngàn DN ngưng hoạt động, hoặc chủ bỏ trốn để người lao động bơ vơ, mất việc làm. Đó là điều hợp lý.
Ông giáo tỏ ra người hiểu biết chứ không cố chấp. Ông ngừng lại, uống môt ly nước trà thấm giọng rồi ông lắc đầu:
– Nhưng thực tế, sự việc lại không xảy ra như thế. Bác thử tính xem, từ khi lãi suất của dân hạ thấp, số tiền đó đã giúp được bao nhiêu DN đứng lên nổi, có bao nhiêu DN vay được tiền NH với lãi suất thấp, tương ứng với số tiền NH đã được lời từ hạ lãi suất của dân? Đến bây giờ mà hầu hết DN vẫn kêu toáng lên không “tiếp cận” được vốn vay của NH. Về phía NH, tất nhiên thằng cho vay phải “nhìn giỏ bỏ thóc” chứ anh trọc đầu không còn tí tài sản nào đáng giá để thế chấp làm sao nó dám cho vay. Rồi nợ xấu lai chồng nợ xấu, NH cũng chết. Còn ông NHNN không thể bắt buộc NH cho anh trọc đầu vay được bởi nếu DN không trả NH được, ông có trả nợ đậy giùm cho nó không? Và cái mức lãi suất 15% đưa ra cũng chỉ có tính cách “đề nghị”. Thực tế thì chẳng anh nào vay được với cái triển vọng sáng choang mà các ông ấy đã đưa ra. Rồi các NH tìm đủ cách lách trần lãi suất bằng xổ số, bằng tri ân khách hàng, bằng giải thưởng … hàng trăm cách mà các ông ấy chịu thua. Và “luật bất thành văn” lại diễn tiến như trước, muốn vay tiền NH thì phải quen biết lớn, phải có “cò” đưa đường. Lâu lâu NH lại “xì ra” kiểu cho vay ưu đãi một dự án nào đó để ra cái điều có thực hiện lời đề nghị của NHNN. Song, mọi chuyện cứ i xi boong. Tôi nói vắn tắt nhưng ông thừa sức hiểu một sự thật quá thật.
Câu hỏi đặt lên bàn thờ
Ông giáo bỗng nhổm người dậy, hai tay chống xuống mặt bàn, làm cho cái xương vai nhô lên, trông ông có vẻ “hùng” hơn một tí. Ông hất hàm hỏi:
– Còn một câu hỏi cần hỏi, đứng đằng sau sự thật, là số tiền các NH bớt được của thằng gửi tiền, cứ tính trung bình là 7% như tôi thôi, nằm ở đâu? Mỗi tháng, thằng rách như tôi bị “thiến” gần 2 triệu, vậy tổng số tiền của “khu dân cư” bị “thiến” là bao nhiêu tỉ? Mà theo tính toán của các NH, số tiền của dân gửi NH lại chiếm đại đa số. Bỗng dưng anh NH vớ bở, có lý do để bớt tiền lãi suất mà khách hàng đành câm, sướng quá. Đúng là ngồi mát ăn bát vàng. Còn chúng tôi ăn… gì? Thà hy sinh quyền lợi cho dân cho nước, chứ hy sinh cho NH, cho anh nhà giàu thì đau quá. Bác có thấy không?
Tôi đâu dám trả lời. Ông giáo nhìn lên cái tường gỗ mốc thếch mà rằng:
– Câu hỏi này chắc tôi chỉ đặt lên cái bàn thờ kia được thôi.
Đúng là trên bức tường gỗ có cái bàn thờ cũng mốc thếch.
Khi nhà ông giáo “xuống dốc”
Bà Giáo thấy chúng tôi ngồi lâu bèn dọn cơm trưa, Bà giả lả:
– Bác ngồi ăn cơm với ông nhà tôi cho vui. Có bác đến chơi hôm nay ông nhà tôi mới nói nhiều thế đấy, mọi ngày ông ấy lầm lì có khi con ruồi đậu mép cũng không buồn đuổi.
Ông giáo kéo tôi sang cái sạp gỗ, rồi sợ tôi từ chối, ông nói phăng ngay:
– Chỗ người nhà với nhau, nói thật với bác là hồi này chúng tôi lấy rau làm chuẩn, tép riu kho là món mặn thường xuyên, hết tiền mua thịt rồi. Không như năm ngoái nữa đâu, rau lang chấm nước mắm cáy chỉ là món quê hương khoái khẩu thôi, còn mua được vài lạng thịt tẩm bổ cho hai cái thân già. Cứ tự an ủi rằng ăn uống như thế đỡ trúng độc đủ mọi thứ thực phẩm của anh Trung Quốc tuồn vào.
Bác tính hai vợ chồng già chỉ có 2 triệu một tháng kể cả mọi thứ tiền thuốc men, điện nước không bắt cái mồm hà tiện thì chẳng còn biết hà tiện cái gì nữa. Mấy anh xăng dầu vừa tăng giá lại ca bài con cá lỗ lã để tăng giá nữa, rồi chẳng biết còn tăng mấy lần nữa và điện nước cùng mọi thứ khác theo đà này tăng giá nữa, đó mới là đáng sợ. Bác có nghe hay có tin gì ở internet không?
Có cửa hàng treo bản “máy hỏng”, “mất điện” để chờ giờ móc túi dân
Vẫn có những nơi bán xăng lẻ ngay bên cạnh cây xăng, giá 30 ngàn đồng 1 lít
– Tôi cũng đọc loáng thoáng thôi. Cái “kịch bản” kêu lỗ và mấy cây xăng găm hàng chờ tăng giá là nhẵn mặt rồi, ai cũng biết. Nơi treo bảng hết xăng, chỗ mất điện, nơi hỏng máy, chỗ nhỏ giọt! Anh nào cũng chờ dịp may là móc tiền dân, chỉ có anh dân đen chết. Khối kịch bản đã mòn nhẵn nhưng người ta vẫn phải dùng. Chưa biết kịch bản này sẽ đưa tới đâu?
Cứu doanh nghiệp nào?
Ông giáo nhún vai gầy:
– Thôi thì làm luôn một lượt đi cho nó tiện việc sổ sách, đỡ mất công giải thích lòng vòng. Nhưng để giúp cho các doanh nghiệp (DN) hồi sinh cũng có lắm vấn đề bác ạ. Giúp cho anh nào làm ăn chân chính bị thua lỗ vì lạm phát còn được, chứ giúp cho mấy anh DN “tay không bắt giặc”, đưa tiền vào những chỗ chết thì uổng công vô ích thôi.
Tôi nói thí dụ như gia đình một anh ở xóm trên, chẳng có nghề ngỗng gì. Ấy vậy mà đùng một cái lập DN làm da giày xuất khẩu. Thì ra thằng con lớn trước học được nghề vá giày ở Bờ Hồ, quen biết được vài anh có máu mặt, tụ tập mấy “đồng nghiệp” ngồi lê ở đường Lê Lợi làm công ty. Sửa lại mấy cái chuồng nuôi heo cũ làm xí nghiệp. Nhưng sau đó có một công ty nước ngoài đến điều đình mua lại cái xí nghiệp èo uột đó với giá cả chục tỉ đồng. Thế là anh em nó thấy dịch vụ nhà đất kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn, bèn nhảy ra kinh doanh nhà đất. Thằng anh vẫn giữ cái mác công ty xuất khẩu, thằng em làm văn phòng môi giới nhà đất. Vài năm sau, anh em nó phất lên hơn cờ khởi nghĩa, anh nào cũng ba bốn cái nhà lầu, vài cái xe “ô tô con”, một hai cô chân dài, nay đi Mỹ, mai đi Nhật, mốt đi Singapore... Thằng nào cũng là đại gia hết. Nó nhìn chúng tôi như rác.
Ông lại tủm tỉm cười mỉa mai:
– Có thằng lên chức đại gia rồi bỏ vợ. Con trai, con gái học kiểu tiểu thư ăn chơi trác táng, vợ ôm mớ vàng đi theo thằng khác. Nhưng cái giá của nó phải trả chưa đau bằng thời kỳ này.
Những dầy phố xây lên rồi nằm im lìm, chẳng ai thèm ngó tới
Khi nhà đất đóng băng, hàng loạt biệt thự nhà cao tầng, khuyến mãi toàn vàng là vàng cũng ế khách. Hàng loạt lô đất mua rồi để đấy cho cỏ mọc hoang, không ai thèm hỏi tới. Trong khi tiền lời NH vẫn phải trả mấy tỉ đồng một tháng, có DN phải trả cả mấy chục tỉ đồng. Nhà cửa xe cộ, của chìm của nổi, đem cầm cố hết, bây giờ không vay được tiền NH, không có tiền trả nợ.
Tôi hỏi ông, nếu cứu những cái DN như thế thì mang lợi ích gì cho dân? Khi nó giàu sụ, ăn chơi như đế vương, dân có được gì không mà bây giờ lại mang tiền của dân đi cứu nó?
Khi các tỷ phú có nhà lầu xe hơi thì dân chúng tôi được cái gì?
Tôi phải “trấn an” ông giáo kẻo sợ ông lên cơn đau tim. Bây giờ mấy ông già hay chết bất ngờ (ở đây gọi là…chết đột xuất) vì đột quỵ:
– Dù thế nào cũng cần phải cho các DN đứng đắn hồi sinh, người dân lao động có việc làm. Chứ để thất nghiệp thì tệ nạn xã hội sẽ ngày càng cao, cướp bóc, mại dâm, lừa đảo lan tràn, dân còn khốn khổ hơn. Hàng hóa tồn đọng làm kinh tế trì trệ. Tất nhiên các giải pháp đưa ra phải có hiệu quả mới tránh được đổ vỡ.
Tịch thu hết tài sản của bọn sâu dân mọt nước trả lại cho dân
Ông giáo lại chắp tay nhìn lên bàn thờ:
– Lạy Trời cho các ông điều hành “kinh tế vĩ mô”, chỉ đạo “tài chánh vĩ đại” cũng khôn ngoan được như thế.
Trước khi tôi ra về, ông giáo còn đưa ra tận cửa, nói tiếp:
– Tôi cũng mong rằng các cơ quan có trách nhiệm sớm điều tra và công bố rõ tội trạng của các can phạm. Đồng thời đề nghị tịch thu hết tài sản của bọn sâu dân mọt nước, trả lại cho dân. Số tiền ấy chắc chắn là rất lớn, thừa sức bù vào tiền xăng điện khỏi tăng giá, đỡ gánh nặng đè lên vai người dân nghèo.
Câu chuyện của ông giáo ám ảnh tôi mãi nên không thể không viết để chia sẻ cùng bạn đọc, dù là “chuyện vặt” nhưng ít ra cũng mời bạn đọc đi “thăm dân cho biết sự tình”.
Thăm dân rách, nói chuyện bình dân vui hơn là nghe lý thuyết suông. Phải không bạn?
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___
No comments:
Post a Comment