Wednesday, September 26, 2012

Kẻ cắp gặp bà già
 
Alan Phan
 
Trong tiểu thuyết hay phim ảnh, những câu chuyện về kẻ cắp đụng phải bà già có những tình tiết luôn gây thú vị cho người xem. Tuy vậy, những mẩu chuyện kẻ cắp-bà già xẩy ra hàng ngày trong thực tế  của đời sống cũng không kém phần hào hứng. Đây thực sự là những liều thuốc cười cần cho tim mạch.
Ngân hàng Âu Mỹ và Hy Lạp
Trong những xứ sở đã phát triển có tình trạng tiêu xài bê bối nhất từ chánh phủ đến người dân phải kể đến Hy Lạp. Trước khi gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), các ngân hàng quốc tế thường né tránh nợ công xứ này và không nhà đầu tư nghiêm túc nào có thể tin tưởng vào sự bền vững của đồng drachma. Chánh phủ Hy Lạp luôn luôn thiếu hụt về ngân sách và cử tri Hy Lạp luôn luôn thiên về các ứng cử viên xã hội (thích quốc doanh hóa các xi nghiệp thành công và tái phân chia tài sản tư nhân bằng thuế vụ hay bội chi cho các chương trình chánh phủ).
Kết qủa sau cùng là một nền kinh tế tụt hậu so với các quốc gia khác ở Âu Châu và những doanh nhân hay các tài năng về mọi ngành thuờng có khuynh hướng rời bỏ Hy Lạp để đi lập nghiệp ở các xứ khác. Nhửng người còn lại thì tìm đủ mọi cách để bòn rút tiền từ chánh phủ và có một câu nói phổ thông ở đây là,”Nếu bạn đóng thuế thì chắc bạn không phải là dân Hy Lạp.” Tuy vậy, sự suy sụp của tài chánh Hy Lạp không trầm trọng lắm vì nợ vay của nước ngòai hiếm và tốn kém.
Mọi chuyện đều thay đổi vào năm 2001, sau khi Hy Lạp gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU) và bắt đầu sử dụng đồng Euro như bản vị chính. Các kẻ cắp đánh hơi và nghĩ đây là một miếng mồi ngon. Kẻ cắp số 1 là tập đòan Goldman Sachs và các kẻ cắp nhỏ hơn như Credit Lyonnais, BNP, Deutsche Bank, UBS…chạy theo sau bước chân đại ca không cần suy nghĩ.
Trước hết, báo cáo tài chánh công của Hy Lạp không đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn đòi hỏi pháp lý của EU, nên Goldman Sachs phải tư vấn cho họ cách thức để dấu nợ và thổi phồng số liệu tốt nhằm mục đích vay tiền qua trái phiếu. Sau đó, Goldman Sachs phân phối các trái phiếu này cho đàn em là các ngân hàng Âu Châu. Mọi người hạnh phúc. Chánh phủ Hy Lạp có số tiền lớn để tiêu xài thỏai mái, người dân và cò dự án hưởng bao nhiêu là lợi ích từ những chương trình tiêu xài ngắn và dài hạn, các ngân hàng Âu Mỹ thu về bao nhiêu là phí tư vấn và phí phát hành trái phiếu.
Nhưng giống như chuyện tiểu thuyết, ngày vui lúc nào cũng chóng tàn. Mọi người quên đi một chi tiết rất nhỏ nhặt: nợ đáo hạn thì phải trả. Các kẻ cắp quên nhắc nhở các quan chức chánh phủ điều này; và đa số người dân cũng nghĩ rằng họ không liên hệ gì đến việc trả nợ khi họ bỏ phiếu chấp nhận những khỏan vay. Nhưng bà già Hy Lạp cũng không vừa. Họ nói với kẻ cắp là họ sẽ tuyên bố phá sản và để mặc cho các ngài ăn cắp lo liệu.
Các ngân hàng Âu Mỹ sợ tái người. Mất đi hơn 400 tỷ dollars sẽ khiến vài ngân hàng cỡ lớn đi theo Lehman Bros ra nghĩa địa và các vị giám đốc ngân hàng sẽ mất job, mất nhà, mất xe, mất vợ, mất nhân tình. Họ thống nhất lại và lobby các chánh phủ Âu Châu phải bỏ tiền ra cứu trợ Hy Lạp. Gói tài trợ năm 2010 với 160 tỷ dollars không đi đến đâu, và gói thứ nhì 170 tỷ dollars giữ tình hình tạm yên lúc này. Tuy vậy, với số nợ lên đến 580 tỷ dollars hoặc hơn nữa (khỏang 150% của GDP) và lãi suất hơn 14%, Hy Lạp sẽ chẳng bao giờ trả nổi hết nợ. Vấn đề có phá sản hay không chẳng còn là “câu hỏi” nữa, mà đề tài bây giờ là “khi nào thì phá sản”.
Ít nhất, các kẻ cắp trong chuyện này, cũng đã “đẩy cây” 330 tỷ dollars cho người dân các nước Đức, Pháp…đóng thuế trả dùm Hy Lạp.
Chánh phủ Mỹ và Trung Quốc
Trong câu chuyện này, thật khó mà biết ai là kẻ cắp, ai là bà già? Kẻ nửa cân, người tám lạng? Lịch sử bắt đầu khi Mao Trạch Đông nắm quyền ở Hoa Lục vào năm 1949. Người Mỹ hỏang sợ nghĩ là con rồng Tàu đã trổi dậy. Tuy nhiên, Chủ Tịch Mao lại trở thành người bạn tốt của đế chế Mỹ bằng cách kềm hãm Trung Quốc trong 30 năm dài với một chánh sách kinh tế tập trung và thóai trào. Trong khi những công dân Tàu ở các nước nhỏ bé như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…học cách làm ăn của Âu Mỹ và tiến nhanh để bắt kịp người da trắng về thu nhập, thì Hoa Lục lại thoi thóp với lợi tức không quá 200 USD mỗi đầu người mỗi năm (1975).
Năm 1972, kinh tế Mỹ gặp khó khăn khi đà phát triển bị tắc tị với chính sách dầu hỏa của OPEC, với chiến tranh Việt Nam và với một thị trường nội địa đã bão hòa. Kissinger, đại diện cho nhóm quyền lực Do Thái, thúc đẩy Nixon bắt tay Hoa Lục để các “kẻ cắp” có cơ hội tiến vào một thị trường 1.2 tỷ dân. Muốn làm một nhân vật lịch sử và cũng bắt đầu gặp rắc rối với cử tri vì kinh tế, Nixon hăng hái “mở cửa” Trung Quốc. Mao và các đồng chí cũng hờ hởi vì đất nước đã quá tiêu điều sau cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại. Vả lại, “bà già” cũng chẳng có gì để mất.
Bà già đón nhận rồi tìm đủ thủ thuật để bòn rút và gặm nhắm tiền nong và công nghệ của kẻ cắp. Bà trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Sau 30 năm, Trung Quốc giữ giá lao công và tỷ giá hối suất rẻ mạt để các nhà tư bản Âu Mỹ vui vẻ đầu tư và mở cửa thị trường cho hàng hóa Tàu. Các chính trị gia Âu Mỹ cũng hoan hỉ vì cử tri họ có một đời sống sung túc hơn nhờ giá quá rẻ của hàng hóa. Thêm vào đó, tiền Trung Quốc kiếm được từ xuất khẩu lại quay về Âu Mỹ qua việc mua trái phiếu của các chánh phủ Âu Mỹ và các khỏan tiền “rửa” của các đại gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, kẻ cắp và bà già luôn luôn quên những chi tiết nhỏ nhặt rất bất tiện. Một là nợ lúc nào cũng phải trả khi đáo hạn. Hai là khi anh cho một “kẻ cắp” vay, thì rủi ro mất tiền là điều không sao tránh khỏi.
Trong 35 năm qua, chánh phủ Trung Quốc đã lợi dụng sức lao động của hơn tỷ người dân để kiếm được hơn 4 ngàn tỷ dollars cho quỹ ngọai hối. Các đại gia và quan chức Trung Quốc cũng thừa nước đục để “câu” hơn 1.8 ngàn tỷ dollars (ước lượng trên các mạng Internet). Con số này đã bốc hơi hết 720 tỷ khi Mỹ áp dụng chính sách hạ giá dollar (khỏang 12%) trong 3 năm qua để kích cầu kinh tế nội địa (thực ra là để cứu các ngân hàng Âu Mỹ). Hiện nay, các công ty thẩm định tín dụng như Moody, S&P, Fitch…dọa là sẽ hạ cấp tín dụng của trái phiếu quốc gia Mỹ; và đảng Cộng Hòa cũng như phong trào Tea Party cũng đang áp lực để Obama không thể vay thêm tiền cho chánh phủ. Đồng dollar sẽ mất thêm khỏang 18% nữa nếu 1 trong 2 điều này xảy ra.
Dĩ nhiên, khi nền kinh tế quá tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu và túi tiền tiết kiệm có thể bay hơi theo đồng dollar, thì kẻ cắp Trung Quốc lại trúng kế của bà già Mỹ. Thế gộng kềm tạo ra sự đổi ngôi liên tục giữa hai siêu quái này.
Chuyện chúng mình
Một doanh nhân trẻ kể với tôi những thành công và thất bại của anh ta trong 10 năm qua và xin ý kiến vì anh muốn tìm một định hướng mới cho sự nghiệp. Tôi khuyên anh nên đọc đi đọc lại binh pháp của Tôn Tử và chiến thuật của Machiavelli nếu muốn thắng trên thương trường. Nếu anh chỉ muốn làm người tử tế và văn minh, thì nên đọc sách Lão Tử và Og Mandino. Vấn nạn lớn nhất của anh trong thời đại kim tiền và đám mây kiến thức (cloud computing) này là anh chưa định vị rõ ràng vai trò của mình trong màn kịch của thế giới. Anh sẽ thủ vai kẻ cắp hay bà già? Hay chỉ là một nạn nhân lương thiện và ngu dốt? Bi kịch sẽ xẩy ra khi người nham hiểm và mê tiền lại không biết làm kẻ cắp hay bà già.
Alan Phan
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment