KÍNH THƯA CÁC NT VÀ CÁC BẠN.
ĐIỀU LỆ , NỘI QUY  MỤC ĐÍCH CHÍNH LÀ DUY TRÌ VÀ BẢO VỆ CÁC THÀNH VIÊN TRONG CÁC HỘI ĐOÀN.
 
NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI LẦM TRẦM TRỌNG VỀ “HỘI ÁI HỮU” TRÊN ĐẤT MỸ
 
Chu Tất Tiến.
 tka23 post
    Theo những nguyên tắc căn bản của các Hội Ái Hữu (The Principles of Alumni Associations) của các trường Đại Học cũng như Trung Học tại Hoa Kỳ, thì các Hội Ái Hữu được thành lập với những mục tiêu chính như sau:
-Tăng cường quan hệ giữa Hội và các cựu học sinh, sinh viên cũng như với các Hội Ái Hữu của các trường khác.
-Tăng cường sự hợp tác giữa các đồng môn, khuyến khích họ tham gia vào các cuộc gặp gỡ hàng năm. Giúp tìm bạn cũ và duy trì tình thân giữa người cùng trình độ với nhau.
-Trợ giúp các hội viên tìm việc làm, giới thiệu các sinh hoạt cộng đồng trong khu vực, thông tin về những thay đổi trong nghề nghiệp cũng như những khám phá hoặc thay đổi trong lãnh vực xã hội.
-Yểm trợ các cá nhân gặp khó khăn trong nghề nghiệp bằng cách chia xẻ những kinh nghiệm trong đời sống, những thành công hay những thất bại, để các hội viên cùng tiến bộ.
Ngoài ra, với những Hội Ái Hữu các ngành nghề chuyên môn còn có mục tiêu chia xẻ kỹ thuật cao trong thế kỷ hiện đại để tất cả thêm vững mạnh trong nghề nghiệp.
Đó là những mục tiêu đơn giản nhưng hữu ích cho những ai tham gia vào Hội Ái Hữu. Vì thế, những Hội Ái Hữu của người Mỹ vẫn hoạt động rất mạnh và kéo dài hầu như trường cửu. Riêng với người Việt Nam di tản, có những Hội Ái Hữu các trường Quân Sự, Ái Hữu từng Khóa học Quân Sự, Ái Hữu Quân, Binh, Chủng… còn đặt thêm mục tiêu là đoàn kết chống Cộng Sản và đòi Tự Do, Dân Chủ cho đất nước.
Về phương diện tích cực, trong sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại, các Hội Ái Hữu là những thực thể đóng góp rất lớn vào việc duy trì và phát huy tiềm năng của người xa quê, làm nên một động lực khá mạnh trong những sinh hoạt chống Cộng, và ảnh hưởng lớn trên các chính khách bản xứ, khiến cho họ phải chú trọng nhiều hơn đến các yêu cầu của người Việt.
Tuy nhiên, khi nói về phương diện tiêu cực, thì chỉ có một số không lớn Hội Ái Hữu còn tồn tại với sự thành lập ban đầu, còn đa số các Hội Ái Hữu đã tan vỡ, hoặc chia làm 2,3 nhánh sau môt thời gian hình thành và con số các vụ tái hợp lại rất hiếm hoặc vì thầm lặng quá, nên người bàng quan không rõ.
  Thường thường, trước khi tan vỡ, một trận chiến kịch liệt đã nổ ra trên các diễn đàn ảo, đôi khi một số phương tiện truyền thông cũng nhập cuộc, và có thể đưa đến việc kiện tụng nhau trước tòa án. Tại sao như vậy? Theo suy luận có tính cách cá nhân của người viết, lý do chính tạo nên các thể hiện tiêu cực đó là quan niệm sai lầm về việc thành lập Hội Ái Hữu, hoặc đôi khi, có trình độ hiểu biết nhưng vì những mưu định cá nhân nên cố tình làm chệch hướng của việc thành lập Hội. 
1-Quan niệm sai lầm về “Quyền”: Trừ những “Hội Trưởng” và “Chủ Tịch” có trình độ hiểu biết thâm sâu, tư cách đáng quý, nên duy trì được Hội một cách bền vững, lâu dài và làm cho Hội thành nổi tiếng, nhưng cũng có một số người, sau khi được anh chị em “chỉ định” làm Hội Trưởng thì lập tức lìa xa bạn hữu và oai vệ ra những mệnh lệnh có tính cách quan liêu, văn phòng, hay như một tổ chức quân sự! Một số cá nhân nhập nhằng giữa Hội Ái Hữu vô quyền vô lợi với một Tổ chức có quyền hạn chỉ huy, nhất là những cá nhân thiếu khả năng nhưng gặp “thời”, thì sự xa cách của vị “Chủ Tịch” đó với anh chị em trong Hội thật đáng ngại! Có những anh “Chủ Tịch”, sau khi in xong tấm danh thiếp thì biến thành một nhân vật khác, trịnh trọng, trầm ngâm, và lúc nào cũng thủ sẵn tấm danh thiếp trên tay để “trình làng” bất cứ khi nào có dịp liên lạc với hội đoàn hay cá nhân khác. “Tôi là Chủ Tịch của Hội!” Từ đó, đã điều hành Hội với một bàn tay nhựa, không thích lắng nghe, và phủ quyết mọi ý kiến đóng góp của hội viên, nếu ý kiến đó chưa được “Chủ Tịch” nghĩ ra, cho dù đó là ý kiến đứng đắn...
   Trong trường hợp này “Quyền” là yếu tố chủ chốt làm các hội viên hiểu biết phải nản chí, bỏ cuộc. Các vị “Chủ Tịch” ham quyền này quên rằng Hội Ái Hữu là hội tự nguyện, nghĩa là thiên hạ thích đến thì đến, thích đi thì đi, không ai có “quyền” buộc người khác tham gia, do đó, với hội mà “Quyền” bị ông hay bà “Chủ Tịch” lạm dụng, thì dần dần số hội viên mỗi ngày mỗi thưa thớt đi. “Bạn” không còn mà chỉ còn “Bè” mà thôi. Thân Hữu không còn mà chỉ toàn là Địch Thủ.
2-Quan niệm sai lầm về “Lợi và Lộc”. Một số hội có kêu gọi đóng góp niên liễm, gây quỹ. Từ đó mà nẩy sinh ra lòng tham “Lợi” làm một số vị lãnh đạo quên luôn mục tiêu của Hội là giúp đỡ lẫn nhau mà muốn biến Hội thành cơ quan kiếm chút cháo cho cá nhân mình. Đã có nhiều lần kiện cáo về các cá nhân “lãnh đạo” dấu tiền chung vào túi riêng, chẳng hạn như thu tiền đóng góp cho các bàn ăn ngày hội nghị, sau khi trừ phí tổn, còn lại chút đỉnh thì được ban tổ chức kiếm cớ để chia chác cho nhau. Đã có Hội tổ chức giúp Thương Phế Binh được vài chục ngàn, cũng bị Ban Tổ Chức dấm dúi bỏ túi vài ngàn, mặc cho lòng tin của các hội viên phai lạt, mặc cho cái “Lộc” này không đáng để làm mất đi danh dự.
3-Quan niệm sai lầm về “Danh”: Nhiều vị “lãnh đạo” đã có cơ sở tài chánh ổn định, thì không đụng chạm đến “Lợi”, cũng không căng thẳng vì “Quyền”, nhưng lại thích “Danh”. Có lẽ vì trước 75, chưa bao giờ có “Danh”, nên gặp cơ hội, được “Danh”, cho dù “danh hão” cũng nhất quyết bảo vệ cái “danh” “Chủ Tịch”, “Phó Chủ Tịch”, “Hội Đồng Quản Trị” này bằng mọi giá, kể cả việc “chiến đấu” sống còn với đối phương là những người cùng lớp với mình. Các phương tiện chiến đấu có thể là dùng “email” để bôi lọ, chụp mũ người có thể kế vị mình, rỉ tai, tuyên truyền, kết bè kết đảng qua việc mời nhau đi “uống cà phê, ăn nhậu”…Mới đầu thì chỉ chụp mũ đối phương sơ sơ, nhưng khi bị bên kia tấn công lại, thì gia tăng cường độ biến thành chửi bới lẫn nhau bằng những ngôn từ thô tục, mất hết giá trị của một người trí thức.
Một số vị lại nhầm lẫn vai trò của “Hội đồng Quản Trị” một hội Ái Hữu với chức vụ tương đương của các cơ sở thương mại lớn ngoài thị trường. Trong khi Hội Đồng Quản Trị của các cơ sở thương mại lớn chính là những người bỏ tiền đầu tư cho cơ sở đó, vì thế, họ có thực quyền bãi chức một Giám Đốc (Director, Manager), ngay cả Tổng Giám Đốc (CEO), nhưng với Hội Ái Hữu, thì vai trò của Hội Đồng Quản Trị, thật ra, đặt cho oai thôi, chứ cũng là một hội viên như người khác, và phải tôn trọng ý kiến của mọi hội viên, nếu không, thì toàn thể hội viên có thể truất phế bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là vì mê danh như thế, nên đã nhiều trường hợp, sau khi ghi danh ứng cử bị thất cử, thì rỉ tai kêu gọi một số “bè bạn” lập thành tổ chức mới, để người thất cử kia đương nhiên biến thành “Chủ Tịch!”
Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng trong các cuộc tranh cãi đến chia rẽ Hội ra làm hai, ba mảnh là “Nội qui”. Và vì thiếu chuyên môn, nên đôi khi Nội Qui được soạn thảo mù mờ, khiến cho hai, ba phe đối lập đều có thể viện dẫn Nội Qui theo ý mình để dành quyền làm “Chủ Tịch”. Những thành phần dính líu trong các cuộc tranh cãi thường viện dẫn “Nội qui” ra làm chứng, mà quên rằng “Nội qui” chỉ là “Kim Chỉ Nam” cho việc tập họp những người đồng môn ngồi lại với nhau, chứ không phải là một thứ “luật pháp cứng ngắc” dùng để trói tay chân đồng môn lại, cấm đoán điều này, bắt buộc điều khác. Một vị Chủ Tịch đã nghiêm trọng phát biểu rằng: “Nội qui tương đương với Hiến Pháp của một Quốc Gia!” Một vị khác nói: “Nội qui là xương sống của tổ chức! Không có Nội qui thì Hội không thể sinh hoạt được!” Họ đã coi “Nội qui” của một Hội Ái Hữu tương đương với Nội Qui của một Đảng chính trị!
Một điều quan trọng mà tất cả những cá nhân “tham, sân, si” ấy đều quên rằng, Hội Ái Hữu là các “Hội Cờ Tàn”, giống như khi đánh cờ tướng, khi cờ tàn thì còn quân nào là hay quân đó, không có thay thế hay bổ sung. Số Hội Viên mỗi ngày mỗi ít đi, kẻ thì mắt yếu không thể lái xe được nữa, kẻ đổi địa chỉ theo con cháu, người thì bệnh run tay chân, và người khác thì di tản ra Peek Family (*) Như vậy, thì nhu cầu của Hội dần dần chỉ còn là chia xẻ tình thân hiếm hoi còn sót lại, gặp gỡ nhau được lần nào hay lần ấy, tạo dịp ôn kỷ niệm vui vẻ khi xưa, hoặc chia vui với đám cưới con cháu, và chia buồn với người còn lại một khi hội viên hoặc thân nhân hội viên mãn phần. Còn gì nữa đâu mà tranh với chấp? Còn quyền hạn gì, lợi lộc chi mà kiện với cáo? Sao không bình tĩnh mà ngồi lại với nhau, phân tích khuyết điểm của cả hai bên, rồi bỏ qua cho nhau, dung hòa vài điều khác biệt? Nếu không trực tiếp nói chuyện phải trái được thì nhờ một trung gian, một vị Thầy nào đó, để nói chuyện thiệt hơn rồi làm lại từ đầu?  Sao không nghĩ rằng ai cũng có lỗi, không nhiều thì ít, chẳng ai hoàn hảo, mà rồi dung thứ lẫn nhau?
Điều cay đắng là đa số các cuộc tranh cãi, kiện cáo ấy đều được thực hiện bởi những người từng mệnh danh là trí thức, là những nhân vật chỉ huy thực sự khi xưa. Vì đã là trí thức, nên họ có thể tìm ra những nguyên cớ có vẻ như chính đáng để đánh nhau, thí dụ như “để bảo vệ Hội!”, “để bảo vệ danh dự trường Mẹ” hoặc kêu vang hơn là “để duy trì văn hóa Việt nam”, trong khi chính họ đã làm cho tên tuổi trường Mẹ bị thiên hạ coi thường với những chửi bới, kiện cáo;  làm cho cộng đồng mất tin tưởng, và quan trọng hơn nữa, họ đã làm cho khối thầm lặng càng ngày càng đông, mờ nhạt, khiến cho công cuộc tìm kiếm sự đoàn kết để chống Cộng Sản bán nước, hại dân kia dần trở thành tuyệt vọng.
Kết luận như thế, việc tranh cãi và chia rẽ trong các Hội Ái Hữu, nhìn bề ngoài thì tưởng chừng như chỉ là cục bộ, không ý nghĩa gì, nhưng khi nhìn đến tổng thể của sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, những người tạo nên sự chia rẽ chỉ vì ích kỷ cá nhân, tham quyền cố vị, là những kẻ có tội với lịch sử Việt Nam. Vì chính họ đã làm cho thế hệ thứ 1 của cộng đồng chán ngán, thế hệ thứ 2 khinh rẻ, rồi từ đó, mạnh ai nấy sống, không còn ai lo lắng cho ai, hoàn tất Cá Nhân Chủ Nghĩa, trái với truyền thống của dân tộc là thương yêu, đùm bọc lẫn nhau mới đúng là Việt Nam. Và, từ đó, công cuộc chiến đấu chống Cộng sản, đòi Tự do cho đất nước trở thành vô vị. Người Việt Nam mãi mãi bị bọn Cộng sản ác ôn kia trù dập.. cho đến nhiều thế kỷ sau…..
 
Chu Tất Tiến.
Tháng 9, 2012.
 
(*) Nhà quàn tại Quận Cam.
__._,_.___