Friday, March 1, 2013

  Hiến Pháp Việt Nam: Sửa Đổi Hay Thay Mới?
 
Quý bạn đọc thân mến,
Bài mới xin được gởi đến quý vị. Bên dưới bài viết của tôi LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO, tôi đã ký và xin gởi đến quý vị tham khảo, nếu quý vị muốn tham gia ký tên xin gởi về địa chỉ email: tuyenbocongdantudo@gmail.com
Nguyễn Quang Duy
Hiến Pháp Việt Nam: Sửa Đổi Hay Thay Mới?
Nguyễn Quang Duy
Đầu năm 2013, đảng Cộng sản cho phát động phong trào góp ý “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Mặc cho thông tin chính thống ra rả tuyên truyền, phong trào bị dư luận xã hội xem là trò bịp, trò hề, trò khỉ, sửa đổi thì cũng như rắn lột da, rắn lại hòan rắn, chả mấy người tin.
Theo một hướng khác, ngày 19-1-2013, 72 người, hầu hết là các quan chức từng có chân trong đảng và nhà nước cộng sản, cho công bố một kiến nghị và khởi xướng một phong trào thu thập chữ ký. Đến nay họ đã thu được trên 5,659 chữ ký, phần đông những người ký hiện đang sống tại Việt Nam.
Bản Kiến Nghị gồm 7 điểm, trong đó có điểm nhấn mạnh quyền lập hiến:
Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội.”
Đến ngày 21-2-2013, một nhóm sinh viên và cựu sinh viên luật ở Hà Nội cho công bố một bản kiến nghị khác cho rằng:
Quyền lập hiến là quyền tự nhiên thuộc về nhân dân và vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp đương nhiên cũng là của nhân dân… một bản Hiến pháp ban hành mà không thông qua thủ tục phúc quyết sẽ mất đi phần lớn ý nghĩa vốn có và không được nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận.”
Bài viết này mong chia sẻ đôi điều suy nghĩ về quyền lập hiến và quyền phúc quyết (trưng cầu dân ý) của người Việt chúng ta.
 
Hiến Pháp Là Gì?
Hiến pháp là một văn kiện vạch ra một viễn kiến, một hướng vươn tới cho xã hội, cho chính trị, cho kinh tế, cho giáo dục, cho văn hoá... là văn kiện nền tảng xây dựng một quốc gia.
Hiến pháp quy định các nguyên tắc để xây dựng chính phủ, các giới hạn của chính phủ và đề ra các thủ tục họat động cơ bản cho chính phủ.
Nói một cách bình dân, hiến pháp là một hợp đồng giữa dân và chính phủ. Cũng như mọi hợp đồng, hiến pháp quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên, vì thế hiến Pháp phải được đồng thuận của đại đa số ngừơi dân. Nói rõ hơn quyền lập hiến và quyền phúc quyết là quyền của tòan dân.
 
Hiến Pháp Việt Nam
Vì nhận rõ vai trò quan trọng của hiến pháp, ngay khi lên ngôi, vua Bảo Đại đã tỏ ý muốn có một hiến pháp, xây dựng một thể chế Quân Chủ Lập Hiến cho Việt Nam, nhưng ý nguyện của nhà vua không được người Pháp đồng ý.
Sau khi thoái vị, vua Bảo Đại đã giữ một vai trò trong việc sọan thảo Bản Dự Thảo Hiến Pháp 1945. Bản dự thảo được phổ biến trên báo vào cuối tháng 11 năm 1945. Nó được sửa đổi và được Quốc Hội thông qua vào tháng 11 năm 1946, nhưng lại không được chủ tịch nước cho ban hành.
Ban hành hiến pháp là một thủ tục luật pháp để xác nhận rằng hiến pháp đã được biểu quyết một cách hợp lệ. Hiến pháp sẽ có hiệu lực từ lúc được ban hành và mọi người phải tuân theo. Mặc dù không được ban hành đa số người Việt vẫn đồng thuận xem Hiến Pháp 1946 như hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.
Trên tạp chí Bách Khoa, Đòan Thêm một người chuyên ghi lại các sự kiện lịch sử, một chứng nhân trong việc xây dựng và thông qua Hiến Pháp 1946, cho biết Hiến Pháp 1946 chỉ có giá trị ba ngày, nhưng ông không cho biết lý do vì sao hiến pháp này chỉ có giá trị ba ngày.
Điều rõ nhất là Hồ chí Minh và đảng Cộng sản chỉ sử dụng những sắc lệnh và nghị quyết của đảng, không hề đếm xỉa đến những điều ghi trong Hiến Pháp 1946.
Trong kỳ họp thứ 11 Quốc Hội khoá I, Hồ chí minh thông báo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1946. Ngày 31-12-1959, quốc hội đã đồng ý thông qua hiến pháp sửa đổi. Và ngày 1-1-1960, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố, không màng đến việc “đưa ra tòan dân phúc quyết” theo đúng khỏan c điều thứ 70 của Hiến Pháp 1946.
Quyền lập hiến cuả người dân đã bị đảng Cộng sản sang đoạt qua Hiến Pháp 1946 và bị chiếm đoạt trong các Hiến Pháp 1959, 1980 và 1992.
Tại miền Nam hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng được xây dựng dựa trên hai Hiến Pháp 1956 và 1967.
 
Hiến Pháp Hay Cương Lĩnh
Đảng Cộng sản dùng hiến pháp như một phương thức để thể chế hóa các sách lược cai trị trong từng giai đọan, luật hóa nhiệm vụ chính trị và bảo đảm vai trò lãnh đạo.
Các sách lược và nhiệm vụ của đảng Cộng sản đều được Bộ Chính Trị họp kín quyết định, được các Đại Hội, Hội Nghị Đảng thông qua, rồi đưa ra Quốc Hội, đưa vào Hiến Pháp. Vì thế dưới chế độ cộng sản Hiến Pháp chỉ là Cương lĩnh của đảng Cộng sản.
Chính vì thế các Hiến Pháp 1959, 1980 và 1992 càng ngày càng xa lìa thực tế xã hội, càng xa cách người dân và càng trở nên lạc hậu. Cụ thể là Đại Hội Đảng 6 ra quyết định giải tán hai đảng ngọai vi: đảng Xã Hội và đảng Dân chủ. Sang đến Đại Hội 7 quyết định bắt chước Liên Xô đưa điều 4 vào Hiến Pháp, công khai đặt “Đảng” trên Hiến Pháp trên Quốc Hội.
Bản Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp lần này còn đặt “Đảng” trên Tổ Quốc, trên Nhân Dân, buộc Quân Đội phải “trung” với “Đảng”. Việc thể chế hóa Quân Đội phục vụ “Đảng” lại bộc lộ nỗi lo tự chuyển biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình đang ngấm ngầm xẩy ra bên trong Quân Đội thách thức sự tồn vong của đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Hiến Pháp trong Diễn Biến Hòa Bình
Vì không có một Hiến pháp vạch ra một viễn kiến, một hướng vươn tới cho xã hội, cho chính trị, cho kinh tế, cho giáo dục, cho văn hoá... đảng Cộng sản đã và đang đưa đất nước vào cuộc khủng hỏang tòan diện và bế tắc, với nguy cơ mất nước.
Trước tình thế thay vì trao trả quyền lập hiến cho dân, đảng Cộng sản lại dở trò góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992. Việc đảng Cộng sản tuyên truyền giữ điều 4 Hiến Pháp đã được nhà báo Huy Đức ví đảng Cộng sản lấy điều 4 Hiến Pháp làm hầm trú ẩn.
Suy rộng ra các chiến sĩ thông tin tự do là pháo binh từ xa liên tiếp pháo vào hầm. Các chiến sĩ dân chủ đang cùng đồng bào ngày đêm vây hãm quanh hầm. Còn các nhân sĩ “Kiến Nghị 72”, các sinh viên “Kiến Nghị Sinh Viên” là các chiến sĩ công khai “diễn biến hòa bình” ngay trong hầm trú ẩn.
Thứ hai tuần này, 25-2-2013, Nguyễn Phú Trọng công khai xác nhận việc góp ý điều 4, đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa quân đội đều là những biểu hiện suy thóai chính trị tư tưởng đạo đức. Đảng cần “lãnh đạo”, cần “xem ai” có những biểu hiện đòi hỏi nói trên.
Khổ nỗi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý lại từng tuyên bố: "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả."
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng, còn nói rõ hơn: “Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia. Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước.”
Thế ra tư tưởng chính trị của hai viên chức cao cấp Quốc Hội suy thóai hay họ đã “phản động” tiếp tay với nhân dân mở cửa hầm trú ẩn.
Ngay tối ngày 25-2-2013, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng, biên tập viên báo Gia đình và Xã hội, phổ biến trên facebook năm điều muốn nói với Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Ngay điều thứ 1 ông Kiên tuyên bố: “Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.”
Ngày 26-2-2013, báo Gia đình và Xã hội ra Quyết định kỷ luật, buộc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên phải thôi việc. Ông Kiên cho biết đã lên tiếng vì đạo đức và đã chọn con đường đến với dân chủ tự do dẫu biết con đường ấy đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và hy sinh.
Trước đây Nguyễn Minh Triết còn nhìn nhận bỏ điều 4 cũng như bỏ hầm trú ẩn là tự sát. Ông Triết không nhận ra nếu họ tiếp tục cầm cự, buộc cách mạng xẩy ra, tạo thêm rủi ro cho họ và gia đình. Chỉ có diễn biến hòa bình để chuyển tiếp sang thể chế tự do dân chủ mới có thể giúp họ tồn tại và quay về với dân tộc.
 
Tiến Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam
Trước tình trạng đảng Cộng sản càng ngày càng bị cô lập, tháng 9 năm 2005, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm duy Nghĩa , Đại Học Quốc Gia Hà Nội, lên tiếng kêu gọi đảng Cộng sản cần quay về giá trị Hiến Pháp 1946, bởi mỗi câu chữ trong đó đều "vang vọng tiếng dân".
Trên diễn đàn đài BBC, người viết có bài “Hiến pháp đúng mực sẽ giúp người dân làm chủ”, giải thích mô hình nhà nước trong Hiến Pháp 1946 còn rất nhiều khiếm khuyết: tam quyền không phân lập, mọi quyền lực đều tập trung trong tay chủ tịch nước, mà chủ tịch nhà nước lại không được dân chúng trực tiếp bầu. Mô hình này tạo cơ sở xây dựng thể chế độc tài cộng sản.
Từ đó người viết kêu gọi cùng vận động một hiến Pháp mới tự do dân chủ với tam quyền phân lập, với viễn kiến, với hướng đi rõ ràng cho dân tộc Việt Nam.
Đến ngày 08 tháng 4 năm 2006, Khối 8406 công bố một Tiến Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam gồm 4 giai đoạn. Giai đọan cuối là việc thành lập Hội đồng soạn thảo hiến pháp lâm thời, soạn thảo hiến pháp mới và đưa dự thảo hiến pháp mới ra trưng cầu dân ý; thành lập Hội đồng thi hành Hiến pháp mới, Hội Đồng Tổ chức bầu cử Quốc Hội; Quốc hội đầu tiên họp để thông qua và ban hành Hiến Pháp này.
Tiến Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam của Khối 8406 đã được hằng chục ngàn người đồng ý và ghi tên gia nhập. Từ đó nhiều Tổ chức chính trị được hình thành và công khai họat động đưa cuộc đấu tranh lên một cao trào đòi lại quyền lập hiến và quyền phúc quyết đã bị đảng chiếm đọat bấy lâu nay. Luật sư Lê Công Định còn sọan một Tân Hiến Pháp để tương lai có thể dễ dàng tham khảo.
Kiến Nghị 72, Kiến Nghị Sinh Viên và tiếng nói của những người như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là dấu hiệu mới của Tiến trình cách mạng Dân Chủ Hóa Việt Nam trong ôn hòa nhưng triệt để, giải thể chế độ độc tài cộng sản xây dựng một thể chế tự do dân chủ.
Một Hiến Pháp được đưa ra trưng cầu và được đồng thuận của đa số người Việt trong và ngòai Việt Nam sẽ là giải pháp tốt đẹp nhất cho tòan dân tộc Việt Nam, trong đó có các đảng viên đảng Cộng sản.
Đã đến lúc, để mọi người Việt chúng ta đồng tâm, đồng chí, đồng lực Vận Động một Hiến Pháp Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
27/2/2013

LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO
Chúng tôi, những người khởi đầu ký tên sau đây, sát cánh bên Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và kêu gọi những công dân khác cùng với chúng tôi đồng tuyên bố:

1. Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.

2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.

3. Chúng tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.

4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.

5. Chúng tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Chúng tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản ban cho, nên đảng cộng sản không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, chúng tôi có thể xem những lời phán xét nào nếu có hướng đến chúng tôi là một sự phỉ báng chúng tôi. Và chúng tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

*
Danh sách những người ký tên:

1. Blogger Nguyễn Hoàng Vi, Sài Gòn
2. Phạm Thanh Nghiên, Hải Phòng
3. Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nha Trang
4. Blogger Gió Lang Thang - Trịnh Anh Tuấn, Đak Lak
5. Blogger Hành Nhân - Vũ Sỹ Hoàng, Sài Gòn
6. Blogger Binh Nhì - Nguyễn Tiến Nam, Yên Bái
7. Ts Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
8. Bs Nguyễn Đan Quế, Sài Gòn
9. Linh Mục Giuse Đinh Hữu Thoại - Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
10. Blogger Trịnh Kim Tiến, Sài Gòn
11. Blogger Paulo Thành Nguyễn - Nguyễn Hồ Nhật , Sài Gòn
12. Blogger Nguyễn Chí Tuyến, Hà Nội
13. Nhà thơ Bùi Chát, Sài Gòn
14. Blogger Huỳnh Công Thuận, Sài Gòn
15. Nhà thơ Phan Bá Thọ, Sài Gòn
16. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Sài Gòn
17. Blogger Phan Bá Hải - Human Right Defender, Sài Gòn
18. Doanh nhân Lê Quốc Quyết, Sài Gòn
19. Hoàng Dũng - Phong trào Con Đường Việt Nam, Sài Gòn
20. Blogger Lê Thiện Nhân, Hà Nội
21. Đặng Sinh - Phóng viên tự do, Sài Gòn
22. Facebooker Lê Công Vinh, Vũng Tàu
23. Facebooker Võ Trường Thiện, Nha Trang
24. Sinh viên Nguyễn Vũ Hiệp, Hà Nội
25. Facebooker Lâm Mạnh Di, Vũng Tàu
26. Blogger SeaFree - Phạm Văn Hải, Nha Trang
27. Blogger Bùi Thị Minh Hằng, Vũng Tàu
28. Facebooker Miu Mạnh Mẽ - Nguyễn Nữ Phương Dung - Sinh viên, Sài Gòn
29. Facebooker Văn Ngọc Trà - Mai Văn Tuất, Sài Gòn
30. Sinh viên Nguyễn Thành Tiến, Hải Phòng
31. Nhiếp ảnh gia Lê Hải, Đà Nẵng
32. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Sài Gòn
33. Facebooker Trầm Tử - Lê Khánh Duy, Buôn Hồ, Đăk Lăk
34. Blogger Huỳnh Thục Vy, Buôn Hồ, Đăk Lăk
35. Facebooker Kaiz Az - Trần Xuân Huyền, Nghệ An
36. Facebooker Sao Biển - Đặng Ngọc Sao, Hà Tĩnh
37. Facebooker Michael Ngo - Ngô Tuấn, Sài Gòn
38. Facebooker Dung Dang - Đặng Huy Dung, Sài Gòn
39. Nhà thơ Phan Đắc Lũ, Sài Gòn
40. Facebooker Yêu Nước Việt - Châu Văn Thi, Sài Gòn
41. Facebooker Tran Hien - Trần Hiền, Sài Gòn
42. Blogger / Nhạc sỹ Tô Hải, Sài Gòn
43. Lê Thăng Long - Phong trào Con đường Việt Nam, Sài Gòn
44. Nhà báo Hồ Trung Tú, Đà Nẵng
45. Trần Khuê, người sáng lập Đảng Dân Chủ Thế Kỷ XXI, Sài Gòn
46. Blogger Phạm Văn Điệp, Sầm sơn - Thanh Hóa
47. Blogger Nguyễn Lân Thắng - Kỹ sư Xây Dựng, Hà Nội
48. Blogger Uyên Vũ, Sài Gòn
49. Facebooker Huỳnh Thái Học, Nha Trang
50. Blogger Khoai Lang - Nguyễn Tấn Dung, Lộc Thủy - Lệ Thủy, Quảng Bình
51. Cựu phóng viên Hoàng Thanh Trúc, Đà Lạt
52. Facebooker Hiếu NTH - Nguyễn Trung Hiếu, Sài Gòn
53. Phạm Phương Nam - Kỹ sư xây dựng, Đà Nẵng
54. Trần Tiến Đức - Nhà báo, đạo diễn truyền hình (đã nghỉ hưu), Hà Nội
55. Ngô Kim Hoa - Nhà báo tự do, Sài Gòn
56. Lương Văn Bình - Sinh viên Đại học Luật, Hà Nội.
57. Nguyễn Văn Ý - Sinh viên năm 2, Trường ĐH Đà Lạt
58. Nguyễn Tiến Dũng - kinh doanh, Vinh, Nghệ An
59. Nguyễn Hoàng Long, Saigon
60. Nguyễn Trúc Sơn, Hiệp Hoà, Đức Hoà, Long An
61. Nguyễn Đức Phổ - Nông dân, F. Đông Hưng Thuận, Q. 12 Sài Gòn
62. Facebooker Bahung Vo - Võ Bá Hùng, Sài Gòn
63. Đào Tấn Phần, giáo viên THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên
64. Nguyễn Trường Sơn - Sinh viên, Bắc Ninh
65. Trịnh Hoàng Thanh, Z176, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội
66. Đặng Vũ Lượng, Hà Nội
67. Facebooker Nguyễn Tiến Hưng, Biên Hoà
68. Blogger Aduku Nguyễn Văn Dũng, Việt Trì - Phú Thọ

Xin hãy chung tay để cho LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO này trở thành sợi dây bền vững kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam. Xin cùng lên tiếng nói bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ email: tuyenbocongdantudo@gmail.com

(Danh sách đang tiếp tục cập nhật)


__._,_.___
Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topic Messages in this topic (1)
Recent Activity:
.

__,_._,___

No comments:

Post a Comment