Thursday, March 28, 2013

Chủ nghĩa phục hận của Trung Quốc

Bởi   /   March 17, 2013  /   No Comments

Bởi John Lee, project-syndicate.org

Mai Xương Ngọc chuyển ngữ

John Lee là giáo sư và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, trường Đại học Sydney. Ông cũng là một học giả không thường trú của Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington DC, Hoa Kỳ, và là giám đốc của Quỹ Kokoda tại Canberra, Úc.
SYDNEY – Ngày 22 tháng 2, trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washingtion DC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo trước các quan chức, chuyên gia, và các nhà báo rằng Nhật Bản đã “trở lại”, nước này sẽ không nhường bước trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước những hành động khiêu khích ngày càng tăng của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong vai trò chủ nhà đối với ông Abe, kêu gọi cả hai bên kiềm chế và giữ bình tĩnh.

Trật tự khu vực của các quốc gia có chủ quyền ở Đông Á (Ảnh: Internet)

Nhật Bản có thể sẽ đồng tình – một cách miễn cưỡng – trước yêu cầu của Mỹ, vì Nhật vẫn còn phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ để bảo đảm an ninh của nước này. Nhưng sẽ rất khó thuyết phục được Trung Quốc nên nhường bước.
Sự quyết đoán của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền biển đảo không chỉ phản ánh ước muốn khai thác tài nguyên dưới đáy biển, hoặc chiếm giữ được cửa ngõ chiến lược mở rộng ra đến khu vực Tây Thái Bình Dương, mà còn cho thấy việc phục hưng và đổi mới quốc gia mới là lý do tồn tại cốt lõi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Từ bỏ một cuộc chiến với kẻ từng chiếm đóng trước kia, cũng là đối thủ lịch sử, sẽ là một bước lùi trong những nỗ lực kéo dài từ 6 thập kỷ qua.
Ý tưởng về sự phục hưng hay đổi mới của Trung Quốc được Thủ Tướng Triệu Tử Dương phổ biến rộng rãi vào cuối những năm 1980, sau đó được Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào thường xuyên thúc đẩy. Gần đây nhất, khi đến tham quan cuộc triển lãm “Đường tới Đổi Mới” của Trung Quốc ở Bảo tàng Quốc gia, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cam kết tiếp tục hướng tới “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.”
“Phục hưng” và “Đổi mới” có ý nghĩa gì với đối với người Trung Quốc? Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều là hiện thân của những liên kết giữa thực tế lịch sử và huyền thoại. Trong trường hợp của Trung Quốc, góc nhìn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc về sự đổi mới dựa trên niềm tin rằng đỉnh cao quyền lực của Trung Quốc dước thời nhà Minh và nhà Thanh đại diện cho trật tự tự nhiên, công bằng và vĩnh cửu của một nền văn minh đã 5.000 năm tuổi.
Khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949, mục tiêu trước mắt của ông ta là thiết lập lại một “Trung Hoa Đại Lục” như triều đại nhà Thanh (1644 – 1912), nhấn mạnh rằng đế chế Mãn Châu là một Trung Quốc bền vững và lâu dài. Tuy nhiên, trong khi cuộc tấn công nhằm vào nhà Thanh của các cường quốc bên ngoài là một thực tế lịch sử, thì quan niệm cho rằng luôn có một Trung Quốc kiên trì chống lại những kẻ ngoài cuộc tham lam xuyên suốt nhiều thiên niên kỷ là một quan niệm sai lầm, có mục đích riêng.
Mao Trạch Đông đạt được mục tiêu của ông ta sau cái gọi là cuộc giải phóng hoà bình đối với Cộng hòa Đông Turkestan (nay là Tân Cương) vào năm 1949, sau đó là cuộc xâm chiếm Tây Tạng năm 1950, giúp Trung Quốc nhanh chóng mở rộng thêm hơn 1/3 diện tích lãnh thổ. Từ đó đến nay, tất cả các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp nối ảo tưởng của Mao về một “Trung Hoa Đại Lục”, điều chỉnh và phát huy nó tùy theo tài lực phát triển của đất nước. Ví dụ, Trung Quốc không mấy quan tâm đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước năm 1968 – thời điểm xuất hiện một nghiên cứu địa lý chỉ ra một nguồn dự trữ dầu to lớn dưới đáy biển.
Điều tương tự cũng có thể lý giải cho những yêu sách ngày càng gây ồn ào của Trung Quốc tại Biển Đông. Vào năm 2009, chủ yếu dựa vào một yêu sách lịch sử mơ hồ, Trung Quốc chính thức đệ trình bản đồ “đường lưỡi bò” lên Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa, từ đó cho đến nay quy cho hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc.
Từng thống trị toàn bộ vùng Đông (Bắc) và Đông Nam Á trong suốt hai thiên niên kỷ, ngoại trừ hai thế kỷ cuối vừa qua, Trung Quốc lại đang thách thức trật tự khu vực của các quốc gia có chủ quyền dưới sự lãnh đạo hiện tại của Mỹ, mà theo đó, ngay cả quốc gia dù nhỏ nhất cũng được hưởng các quyền, đặc quyền, và sự bảo vệ tương đương với quốc gia lớn nhất. Một Trung Quốc hiện đại đã hưởng lợi rất lớn từ cuộc sắp đặt này, mặc dầu vậy vẫn nuôi oán hận sâu sắc rằng những thành tựu to lớn hàng ngàn năm của nền văn minh dân tộc Trung Hoa không mang lại địa vị đặc biệt nào cho nước này.
Đối với một dân tộc đã thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của giá trị đạo đức ưu việt, của thành tựu lịch sử, của sự ngược đãi bởi các cường quốc bên ngoài, trật tự chính trị này là không công bằng và không bình thường. Điều này có nghĩa là nếu bị đẩy lui trong bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào với các quốc gia nhỏ và yếu hơn đều có thể được xem là một thất bại nhục nhã, hơn là một bước tiến hướng tới sự đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực.
Hơn nữa, tầm nhìn rộng về một “Trung Hoa Đại Lục” hàm ý rằng một giải pháp cho tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có lợi cho Trung Quốc có khả năng sẽ làm cho Trung Quốc bạo dạn, hơn là làm thoả mãn tham vọng của nước này. Bước tiếp theo sẽ có thể là thực hiện được các yêu sách ở Biển Đông.
Khi ông Obama và ông Abe kiến tạo một chiến lược nhằm chế ngự sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách hoà bình, họ phải hiểu rằng quan niệm đổi mới của Trung Quốc nhắm tới sự phục hồi một quá khứ huy hoàng, điều này hàm ý xét lại, không phải xác nhận, trật tự khu vực hiện thời. Điều này cũng có nghĩa là ông Obama và ông Abe phải hạn chế các lựa chọn chiến lược và quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi họ không thể kiềm chế được tham vọng của nước này.

Nguồn: Dịch từ tiếng Anh: , Revanchist China, Project-syndicate.org, ngày 25 tháng 2, 2013.
Bản tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

No comments:

Post a Comment