Sunday, February 05, 2012 3:30:07 PM
Nhiều lần tấn công khắp thế giới để ngừa hạt nhân Trung Ðông
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Năm 1976, Iraq khởi công xây một
nhà máy điện hạt nhân, mang tên Osirak. Nhà máy điện này dùng kỹ thuật
của Pháp, với lò nguyên tử mang tên Osiris. Lò này được Pháp thiết kế
đặc biệt để không thể dùng được vào mục đích quân sự.
Nhưng Israel không nghĩ vậy. Nằm một mình giữa các nước đối nghịch vây quanh, Israel rất lo ngại là sẽ bị các nước này tấn công.
Hình vệ tinh chụp lò hạt nhân của Syria trước và sau khi bị Israel đánh bom năm 2007. (Hình: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ)
|
Khi Iraq bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Israel lo ngại là nhà
máy này sẽ được dùng để làm bom nguyên tử. Một quả bom nguyên tử sẽ dễ
dàng xóa sổ phần rất lớn dân số Israel.
Thủ Tướng Yitzak Rabin bắt đầu chuẩn bị đối phó với lò nguyên tử này.
Sau khi Rabin thất cử năm 1977, Thủ Tướng Menachem Begin tiếp tục nỗ
lực này.
Qua ngả ngoại giao, Begin cố gắng thuyết phục Pháp, Ý ngưng giúp
Iraq. Rồi nói với Mỹ, khi đó về phe với Iraq vì nước này tranh chấp với
Iran, giúp chặn dự án này. Các nỗ lực ngoại giao không thành công, Begin
bắt đầu cho chuẩn bị giải pháp tình báo và quân sự.
Tháng 4, 1979, khối kiến trúc cho lò nguyên tử đang chuẩn bị chở từ
Pháp qua Iraq thì bị đặt bom nổ. Tình báo Israel bị nghi là thủ phạm.
Tháng 6, 1980, một khoa học gia Ai Cập, Yehia El-Mashad, làm việc
trong chương trình hạt nhân Iraq, bị giết chết. Người ta lại nghi ông
này bị tình báo Israel ám sát.
Muốn trấn an Israel, Pháp đặt điều kiện với Iraq là lò nguyên tử này sẽ đặt dưới sự điều hành của Pháp trong 10 năm.
Phi công Israel cũng tập đánh bom. Vấn đề là không thể đánh bom trải
thảm tùm lum rồi hy vọng một trái trúng, mà phải bom sao cho chính xác
rồi bay về mà không bị phòng không Iraq bắn hạ. Trong lúc tập, 3 phi
công Israel bị tai nạn chết.
Nhưng Israel chưa kịp làm gì, đã có người khác làm trước: Chiến tranh
Iraq-Iran bùng nổ. Iran bay hai chiếc F-4 Phantom đánh bom Osirak.
Nhưng rồi, Pháp lại sửa nhà máy điện lại.
Nội các Israel cuối cùng bỏ phiếu 10-4 đánh bom nhà máy này trước khi Pháp chở chất phóng xạ tới.
Ngày 7 tháng 6, 1981, 8 chiếc F-16A của Israel cất cánh bay qua không
phận Jordan và Saudi Arabia trên đường tới Iraq. Ðường bay xa, máy bay
mang theo bình xăng phụ, lúc xài hết thì thả rớt xuống sa mạc.
Tới nơi, mỗi máy bay ném xuống 2 quả bom Mark 24, cách nhau từng 5
giây. Trong 16 trái, có ít nhất 8 trái bắn trúng mục tiêu. Tất cả trận
đánh chỉ mất dưới 2 phút.
Không phải lần duy nhất
Ðó là lần đầu tiên Israel ra tay chặn một nước Ả Rập không cho phát
triển kỹ nghệ hạt nhân, nhưng sẽ không phải là lần cuối cùng.
Năm 2007, Israel lại đánh nữa, lần này vào đất Syria. Mục tiêu là một
cơ sở hạt nhân bí mật, người ngoài không ai biết. Israel cũng chỉ biết
về kế hoạch hạt nhân của Syria sau khi bắt được tin kỹ sư Syria đi Bắc
Hàn mua chất phóng xạ bị nổ chết.
Trận không kích này diễn ra ngày 6 tháng 9, 2007. CNN lúc đầu đưa tin
Israel đánh bom một kho đạn của phiến quân Hezbollah. Toàn thể các
chính quyền Ả Rập khác im lặng không phản ứng gì. Syria lên án mạnh mẽ
nhưng cuối cùng thì cơ quan nguyên tử Liên Hiệp Quốc IAEA xác nhận cơ sở
này có cấu trúc của một lò hạt nhân và có dấu vết của chất phóng xạ
uranium.
Có lần thứ 3?
Chính vì Israel có quá khứ không kích vào đất của người khác để ngăn
chặn vũ khí hạt nhân ở Trung Ðông, ai ai cũng cho rằng sẽ có lúc Israel
không kích Iran để ngăn chặn bom nguyên tử của nước này.
Dư luận này được nâng cao hơn vào tuần trước, khi Bộ Trưởng Quốc
Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta trả lời ký giả David Ignatius báo Washington
Post và được ký giả này thuật lại - nhưng không trích dẫn nguyên văn -
“có khả năng rất cao là Israel sẽ tấn công Iran vào tháng 4, tháng 5,
hay tháng 6.”
Thời điểm tháng 4 tới tháng 6 được xem là hạn chót để tấn công, trước
khi Iran chứa chất phóng xạ dưới hầm sâu và lúc đó chỉ còn có Mỹ mới có
khả năng quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, Israel không thể chờ Mỹ hành động. Mỹ sẽ chỉ ra tay nếu
các cơ quan tình báo có đủ dữ kiện để kết luận Iran đang chế bom, mà
điều đó thì giới tình báo Mỹ chưa sẵn sàng để kết luận.
Khác với tình báo Mỹ, tình báo Israel tin chắc như đinh đóng cột rằng Iran đang làm vũ khí hạt nhân.
Thiếu Tướng Aviv Kochavi, người đứng đầu tình báo Israel, công khai
nói tại một hội nghị ở Jersualem là Iran đang có đủ chất phóng xạ để làm
4 quả bom nguyên tử, theo Reuters. Ông nói lên điều này trong cùng ngày
báo Washington Post đăng lời của Bộ Trưởng Panetta.
Ðài NBC phỏng vấn các viên chức Hoa Kỳ và Israel, tất cả đều là các
viên chức có thông tin từ tình báo nước họ. Các viên chức này ước lượng
xác suất Israel đánh Iran là cao hơn 50-50.
Ký giả Ignatius cũng tường thuật là cả Bộ Trưởng Panetta lẫn Tổng
Thống Barack Obama đang muốn Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel
đừng không kích Iran, vì cho rằng các biện pháp trừng phạt của quốc tế
đang hiệu nghiệm.
Tuy nhiên, và đây là một yếu tố quan trọng, Hoa Kỳ tới nay vẫn chưa
quyết định là sẽ phản ứng ra sao nếu Israel không kích thật. Do đó,
Israel vẫn có thể nghĩ rằng nếu mình cứ đánh, Hoa Kỳ sẽ không đả kích
Israel.
Khác với lần đánh Osirak, là đánh vào một nước thân thiện với Hoa Kỳ,
tại một cơ sở do Pháp điều hành, và làm chết một kỹ sư Pháp, lần này
nếu đánh vào Iran, tất cả những yếu tố đó đều không có mặt.
Một câu hỏi liên quan, là Israel có thực sự có đủ sức để đánh bom
Iran không. Chuyến bay đánh vào Osirak đã tiêu gần hết xăng cho máy bay
Israel rồi. Ðể bay tới Iran, Israel sẽ còn phải bay xa hơn, băng qua
Iraq mới tới Iran.
Nhiều phân tích gia đã nói tới chuyện này, và hầu hết cho rằng tuy
việc đánh tới Iran là khó làm, nhưng không hoàn toàn ngoài tầm của
Israel. Ký mục gia Bret Stephens báo Wall Street Journal, cũng là một
cựu chủ bút Jerusalem Post, gọi một cuộc không kích Iran là “nằm ở mép
ngoài của khả năng quân sự Israel,” nhưng không phải không làm được.
Các viên chức được NBC phỏng vấn đều cho rằng nếu có không kích Iran,
Israel sẽ dùng cả máy bay lẫn hỏa tiễn. Israel có chế tạo hỏa tiễn tầm
trung Jericho II, có thể bắn được mục tiêu xa 1,500 miles. Israel cũng
có thể dùng máy bay F-15I với thùng xăng phụ.
Ðó là chưa kể, Israel cũng có máy bay không người lái, ít tốn xăng, có thể bay xa, và bay thấp dưới tầm radar.
Iran phản ứng
Như đọc được suy nghĩ của Israel và Hoa Kỳ, Iran lên tiếng cảnh cáo.
Trước đây, tất cả những lời đe dọa với thế giới bên ngoài đều do Tổng
Thống Mahmoud Ahmadinejad phát biểu. Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 2,
chính người lãnh đạo tối cao của Iran cảnh cáo thế giới phải tôn trọng
chương trình nguyên tử của Iran.
Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo là Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả:
“Ðe dọa hay tấn công Iran sẽ gây thiệt hại cho Mỹ... Các biện pháp
phong tỏa sẽ không có ảnh hưởng gì đến quyết tâm tiếp tục con đường
nguyên tử của chúng ta... Ðể đáp lại các đe dọa về phong tỏa dầu hỏa và
chiến tranh, chúng ta có các biện pháp của mình và sẽ đưa ra đúng thời
điểm.”
Giáo chủ Khamenei gọi Israel là “cục bướu ung thư, cần phải bị cắt, và sẽ phải bị cắt.”
Israel, trong một cuộc họp kín ở Tel Aviv, báo động là Iran có thể
đánh dằn mặt các cơ sở của Israel ở ngoại quốc, như các tòa đại sứ, lãnh
sự, đài ABC tiết lộ.
Không những vậy, Iran cũng có thể đánh luôn vào các cơ sở tư nhân,
tôn giáo, của người Do Thái ở Mỹ, cũng với mục đích dằn mặt Israel -
theo một bức thư của người phụ trách an ninh cho tòa Tổng Lãnh Sự Israel
tại Philadelphia.
--
NguyenManDat
No comments:
Post a Comment