Thursday, February 23, 2012

Tướng Vĩnh nói về cuộc chiến biên giới

Cột mốc biên giới cũ giữa Việt Nam và Trung Quốc
Trung Quốc đã tấn công tổng lực qua biên giới sáu tỉnh miền Bắc hồi năm 1979
32 năm trước, vào sáng sớm ngày 17/02, Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới đất liền với Việt Nam thuộc địa phận sáu tỉnh miền Bắc.
Cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã để lại dư ấn lâu dài trong quan hệ Việt-Trung mà tới hơn mười năm sau mới chính thức được bình thường hóa.
Nhân dịp có các tư liệu Bấm mới đăng tải về cuộc chiến từ phía Trung Quốc, đài BBC đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người lúc đó là đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Không biết là tôi nghe từ đâu là Trung Quốc tấn công Việt Nam (lúc đó ông Vĩnh về Hà Nội họp, sau đó quay lại Trung Quốc - BBT). Tất nhiên là chúng tôi thấy rất là ngạc nhiên, sao mà tự nhiên Trung Quốc lại đánh chúng ta, theo lời ông Đặng Tiểu Bình là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Vì cuộc đánh đột ngột nên tôi không biết được. Chỉ nhận được tin thế thôi.
Trong cả sứ quán thì người ta thấy việc này rất đột ngột và rất là bực tức 'sao Trung Quốc lại đánh ta'. Thế thôi, chứ lúc bấy giờ cũng chưa... Nhưng mà sợ thì chúng tôi chẳng sợ, vẫn cứ bình thường thôi.
BBC: Tức việc Trung Quốc quyết định đánh Việt Nam vào thời điểm như vậy, bản thân ông với tư cách là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cũng không lường trước được ạ?
Không lường trước được.
Thế nhưng sau đó thì sứ quán có sơ tán về Việt Nam không ạ?
Không sơ tán. Vẫn thế thôi.
Vì lúc bấy giờ ở bên Việt Nam vẫn còn sứ quán của Trung Quốc cho nên chúng tôi cũng vẫn như thế thôi. Không có đóng cửa bao giờ. Không có cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Chúng tôi làm gì cũng bị Trung Quốc cản trở. Rồi thì hai đầu sứ quán chúng tôi đều có xe của Trung Quốc túc trực.
Đường sắt thì cắt rồi. Đường sắt không có, máy bay cũng không có. Tất cả mọi cái đều không có. Điện thoại không có nữa. Chúng tôi liên hệ với trong nước bằng đài vô tuyến điện.
Trong lúc họ đánh chúng tôi thì bên Việt Nam vẫn có đại sứ quán của Trung Quốc. Mà bên Trung Quốc vẫn có đại sứ quán của chúng tôi. Chưa có lúc nào tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao cả.
Tôi ở Bắc Kinh đến năm 1987 tôi mới về.
Trong quá trình từ 1979 đến sau 1990, khi hai bên bình thường hóa quan hệ thì ngoại giao hai bên hoạt động như thế nào ạ?
Cả thời gian đấy thì chỉ có đi cãi nhau. Thỉnh thoảng Trung Quốc làm cái gì thì thỉnh thoảng có mời chúng tôi lên. Tất nhiên khó khăn chứ.
Chúng tôi làm gì cũng bị Trung Quốc cản trở. Rồi thì hai đầu sứ quán chúng tôi đều có xe của Trung Quốc túc trực.
Nhân viên chúng tôi đi đâu, xe của Trung Quốc cũng theo đó. Tôi đi đâu thì cũng có xe của Trung Quốc đi theo. Việt Nam mình thì không làm thế.
Bây giờ nhìn lại, ông cảm thấy thời gian đó liệu có thể tránh được một cuộc chiến như vậy không ạ?
Cột mốc biên giới mới
Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định và có các cột mốc biên giới mới kể từ sau cuộc chiến 1979
Cái đó thì khó lắm. Bởi vì Trung Quốc đánh chúng tôi do Pol Pot là đồng minh của Trung Quốc.
Pol Pot đánh biên giới chúng tôi thì chúng tôi phải đánh sang đất Campuchia để diệt Pol Pot. Vì họ đánh phá biên giới chúng tôi nhiều quá nên chúng tôi phải đem quân đánh sang.
Thời điểm lúc bấy giờ, Trung Quốc đem quân đánh chúng tôi ở miền Bắc với ý định của họ là đỡ đòn cho Pol Pot của Campuchia.
Cũng một cách nữa là họ trả thù cho Pol Pot. Đồng thời lúc bấy giờ ông Đặng Tiểu Bình cũng muốn quan hệ với Mỹ cho nên đánh chúng tôi để cho Mỹ thấy rằng là giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là đồng minh, không phải là cùng nhau cộng sản nữa.
[Họ muốn] cho Mỹ tin để phát triển quan hệ với Trung Quốc. Vì Trung Quốc lúc bấy giờ muốn phát triển quan hệ với Mỹ. Đánh Việt Nam là một món quà tặng cho Mỹ.
Gần đây có thông tin nói rằng hồi đấy chiến dịch của Trung Quốc không chỉ là để dạy cho Việt Nam một bài học ở mấy tỉnh biên giới mà thật ra là họ đã có kế hoạch vào cả nước Việt Nam ạ?
Không có thông tin nhưng mà tôi chỉ được biết như thế này: Lúc ấy Trung Quốc mang quân đánh chúng tôi.
Nhưng mà đánh biên giới chúng tôi thì lúc bấy giờ đường sá biên giới chúng tôi khó khăn lắm.
Chưa có mở được đường sá ở các tỉnh biên giới. Toàn là đường hẹp, đường núi. Cho nên Trung Quốc hành quân rất khó. Mà Trung Quốc tiếp tế cũng khó, tải thương cũng khó. Cho nên Trung Quốc cũng chỉ đánh chúng tôi ở mấy tỉnh biên giới chứ không đánh sâu xuống được nữa đâu.
Trung Quốc thương vong cũng nhiều. Bây giờ tôi không biết là bao nhiêu nhưng mà vì đánh nhau trong hoàn cảnh rừng núi của chúng tôi như thế, đường sá hẹp hòi như thế cho nên Trung Quốc thương vong cũng nhiều. Cho nên họ phải rút thôi. Sau 15 ngày họ phải rút.
Với tinh thần Việt Nam với Trung Quốc bình thường hóa quan hệ như hiện nay thì liệu khả năng xảy ra chiến sự trong tương lai, theo như ông đánh giá, có nhiều không ạ?
Nhưng đã là chiến tranh thì bên này sứt đầu, bên kia cũng mẻ trán. Và từ xưa đến nay chúng tôi chưa thua.
Về phía chúng tôi, chúng tôi chẳng nghĩ chúng tôi đánh Trung Quốc. Nhưng về phía Trung Quốc làm sao mà biết được trong tư tưởng, trong ý đồ của họ.
Nhưng có một điều rằng, trong tình hình hiện nay thì Trung Quốc cũng dễ dàng gây một cuộc chiến tranh lớn đâu. Bởi vì Trung Quốc họ còn phải thể hiện mặt đẹp với thế giới nữa. Cho nên là cũng khó.
Hai nữa là họ cũng phải dè chừng dư luận thế giới. Chứ trong thời đại hiện nay đâu phải dễ dàng phát động chiến tranh.
Mà phát động một cuộc chiến tranh thì dù Trung Quốc lớn, chúng tôi nhỏ, nhưng đã là chiến tranh thì bên này sứt đầu, bên kia cũng mẻ trán. Và từ xưa đến nay, chúng tôi chưa thua.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110216_general_vinh.shtml

No comments:

Post a Comment