Diễn biến nào sẽ đến với Việt Nam?
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
Với vô số yếu tố tích cực phát khởi trong thời gian gần đây, cục diện
xã hội và chính trị Việt Nam chắc chắn sẽ có thay đổi lớn trong vòng vài
năm. Diễn biến có thể xảy ra từ: 1. đổi mới chính trị bởi đảng CSVN; 2. biến động khiến đảng CSVN mất quyền kiểm soát; hoặc là: 3. một cuộc nổi dậy có tổ chức.
Dù
tình huống nào xảy ra, cục diện đất nước cũng sẽ được thay đổi, ít nhất
cũng sẽ thoát khỏi cảnh độc tài toàn trị. Cuộc thay đổi mang tính nền
tảng sẽ dẫn đến chuỗi thay đổi tiếp nối để hoàn chỉnh tiến trình dân chủ
hoá đất nước.
Đối
với các tổ chức chính trị, phong trào dân chủ... việc xây dựng một định
hướng đấu tranh để tác động và khai dụng diễn tiến này là điều vô cùng
cần thiết. Bởi vậy, muốn đóng góp một cách tích cực cho tiến trình giải
trừ nạn độc tài, tham ô và bất công, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho
từng bối cảnh mới.
1. Diễn biến qua chính sách đổi mới thực sự: Khi
đối đầu với nguy cơ bị sụp đổ, đảng CSVN có thể bất ngờ thay đổi đường
lối lãnh đạo bằng chính sách đổi mới cụ thể, để có thể được tồn tại và
tiếp tục hoạt động dưới chính thể dân chủ đa đảng.
Tuy
nhiên, vì bản năng sinh tồn, rất khó để đảng CSVN sẽ chấp nhận cho toàn
thể tổ chức chính trị đối lập ở trong và ngoài nước được quyền tự do
hoạt động khi mới có thay đổi. Ngay cả những quyền tự do có liên quan
mật thiết đến sinh hoạt dân chủ như ngôn luận, lập hội và hoạt động
chính trị... cũng sẽ bị giới hạn trong vòng an toàn cho đảng CSVN -- có
nghĩa là đảng CSVN chỉ nới lỏng sự kiểm soát chính trị ở một mức độ vừa
đủ để tiến trình dân chủ hoá có thể thực hiện từng bước một trong vòng
kiểm soát.
Có
thể nói, dù đường lối này có thể tạo ra một cơ hội dân chủ hoá xã hội
và đa đảng hoá bộ máy lãnh đạo nhà nước, nhưng tình trạng khó tránh khỏi
là: đảng CSVN vẫn nắm thế chủ động trong việc chọn lựa phương hướng
tháo gỡ các bế tắc chính trị.
Diễn
tiến có thể nhìn thấy từ sự đổi mới dưới hình thức này là nhà cầm quyền
sẽ dần dần nhân nhượng nhu cầu mở rộng xã hội dân sự, kể cả một số cải
cách nhân quyền... để đáp ứng đòi hỏi của xã hội và yêu sách của cộng
đồng quốc tế. Từ thay đổi cơ bản này, một số trí thức có tâm huyết với
xã hội sẽ ứng cử Đại biểu Quốc hội với tư cách độc lập, để có thể trực
tiếp đấu tranh thay đổi hiến pháp, luật pháp và các chính sách đối nội,
đối ngoại của Việt Nam. Cùng lúc đó, một số nhà dân chủ có uy tín lớn sẽ
nhân cơ hội này thành lập đảng đối lập mới để thúc đẩy tiến trình dân
chủ hoá.
Trong
bối cảnh đầy bế tắc hiện nay hình thức đổi mới chính trị này không đáp
ứng được toàn bộ nhu cầu khẩn thiết của xã hội. Tuy nhiên, điểm đáng chú
ý là tiến trình này không dẫn đến khủng hoảng, đổ máu, và hơn nữa là nó
duy trì được sự liên tục trong mặt lãnh đạo của hệ thống chính quyền,
giúp bảo đảm được an ninh lãnh thổ trong giai đoạn chuyển thể.
Nhưng
hình thức đổi mới này tự nó sẽ không trở thành một giải pháp thật sự
tốt đẹp nếu như đảng CSVN vẫn không chấp nhận trả tự do cho những người
bị giam tù vì các nỗ lực đấu tranh chống độc tài, tham ô và bất công; cụ
thể là những người bị giam tù vì "vi phạm các điều 79, 80, 84, 87, 88, 89, 91, 258... của Bộ Luật Hình sự"
hiện hành. Mặt khác, sự đổi mới này sẽ không thể dẫn đến một nền dân
chủ đích thực nếu như các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hoạt động
chính trị... không được tôn trọng đúng mức.
Cuối
cùng, một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do với sự giám sát của các cơ quan nhân
quyền quốc tế cần phải được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh
để Việt Nam thật sự có được một chính phủ dân cử đúng nghĩa.
2. Diễn biến từ biến động lớn: Đảng CSVN có thể bị mất kiểm soát bất ngờ, hay bị sụp đổ bởi biến động xã hội, kinh tế, chính trị...
Nếu
mỗi tỉnh thành đều xảy ra một vụ đối kháng chống nhà nước bất công như
trường hợp Tiên Lãng, thì chuỗi biến động này sẽ có tác động cô lập
chính trị đối với đảng cầm quyền.
Khi
lạm phát gia tăng, kinh tế khủng hoảng nặng nề, hàng triệu công nhân
mất việc và đời sống của người lao động nghèo bị đe doạ nặng nề, thì áp
lực của đông đảo quần chúng khốn khổ sẽ là ngòi nổ của nhiều biến động
không thể tránh được.
Khi
tình hình xã hội bất ổn liên tục, các hoạt động đấu tranh đòi tự do dân
chủ và công bằng xã hội sẽ tăng cao dưới nhiều hình thức.
Những
biến động xã hội, kinh tế, chính trị... tương tác liên hoàn sẽ tạo nên
những biến động có khả năng làm nhà cầm quyền mất kiểm soát trong nhiều
lãnh vực và khu vực.
Trong
trường hợp này, thái độ của quân đội và sự hậu thuẫn của quốc tế đóng
vai trò quyết định cho tiến trình thay đổi chế độ, tương tự như quá
trình sụp đổ của các chế độ độc tài ở Tunisia, Ai Cập và ngay cả ở
Lybia.
Nếu
quân đội đứng về phía nhân dân và liên minh các lực lượng đối lập đủ
mạnh để làm chủ tình hình và có khả năng lãnh đạo quốc gia, thì tình
hình sẽ sớm được ổn định. Theo đó, một chính phủ lâm thời sẽ được thành
hình và Tổng Tuyển Cử Tự Do cần diễn ra nhanh chóng để tránh tình trạng
nhà nước phải lệ thuộc vào ảnh hưởng của quân đội (tương tự như khó khăn
của hiện tình Ai Cập).
3. Diễn biến do quần chúng nổi dậy và có lãnh đạo:
Đây là trường hợp chưa có nhiều dấu hiệu hứa hẹn tính khả thi, song nếu
xảy ra, tổ chức nào lãnh đạo thành công sẽ có được điều kiện và thực
quyền để thiết lập chính phủ mới một cách chủ động. Trong bối cảnh đó,
các tổ chức chính trị khác sẽ có thể tương nhượng chấp nhận chính phủ
mới để sớm tạo ổn định cho giai đoạn này.
Sau
đó Tổng Tuyển Cử Tự Do cần phải được tổ chức chậm nhất là 12 tháng sau
ngày có biến động thay đổi chế độ (chính phủ lâm thời nắm quyền tối đa
là 12 tháng), nếu không sẽ dẫn đến rối loạn chính trị.
Nói
chung, dù là tình hình đất nước sẽ diễn biến ra sao, các tổ chức, phong
trào vẫn cần phải có thực lực đủ mạnh thì mới có thể chủ động khai dụng
ưu thế của mỗi hoàn cảnh.
Mặt khác, những đường lối, chính sách cần thiết, đặc biệt là chủ trương dành cho giai đoạn chuyển thể,
phải được chuẩn bị đầy đủ để làm tư tưởng chỉ đạo cho tiến trình ổn
định và phát triển đất nước. Định hướng đó là yếu tố cần thiết để có thể
chủ động trong từng tình huống.
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
No comments:
Post a Comment