Wednesday, January 30, 2013


 
Phát biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng, cựu dân biểu VNCH
 
Nhân chứng trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế cách nay 40 năm (1968-2008) trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Việt Nam Center (Lubbock, Texas) từ ngày 13 đến 15/3/2008
 
Kính thưa quý vị,
Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là Nguyễn Lý-Tưởng, bốn mươi năm trước đây, lúc đó tôi là dân biểu Hạ Nghị Viện (1967-1971), tôi đại diện cho cử tri tỉnh Thừa Thiên, nơi đã xảy ra cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào thành phố Huế vào ngày 31 tháng 01 năm 1968 đúng vào dịp Tết Mậu Thân, khiến cho hàng ngàn người dân vô tội bị Việt Cộng giết chết một cách dã man, trong đó có những nhà tu hành, sinh viên học sinh, người buôn bán và làm nghề tự do và các công chức, quân nhân đang ăn Tết với gia đình trong tay không có vũ khí...
Trước Tết mười ngày, tôi đã có mặt tại Huế, đã đi thăm và tiếp xúc với cử tri của tôi tại các quận trong tỉnh Thừa Thiên. Sáng 30 Tháng Chạp (29/1/1968), tôi đã thăm và chúc Tết các cấp lãnh đạo chính quyền quân sự, hành chánh và tôn giáo tại địa phương như Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tá Phan Văn Khoa, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu...
Khi tiếng súng bùng nổ tại Huế và Quảng Trị, tôi đã có mặt trong vùng này... Ngày 3 Tết (01 tháng 2/1968) tôi đã có mặt tại nhà của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm tại Ðà Nẵng, tôi đã gặp ông Võ Lương (giám đốc cảnh sát 5 tỉnh vùng I tại Ðà Nẵng), tôi đã dùng điện thoại liên lạc với Ty Cảnh Sát Thừa Thiên... Từ Ðà Nẵng, tôi vào Nha Trang, ở lại một đêm, sáng hôm sau, ngày 5 Tết (3 tháng 2/1968), tôi có mặt tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn để họp tại Quốc Hội.
Ngày 9 tháng 2/1968, từ Sài Gòn , tôi trở ra Huế , lúc bấy giờ quân đội VNCH và Mỹ đã chiếm lại phía Hữu Ngạn sông Hương (quận 3) nhưng vùng Phủ Cam, Vỹ Dạ, Gia Hội và Thành Nội còn trong vùng Việt Cộng kiểm soát. Tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Tăng (quận trưởng Hương Thủy) gặp các sĩ quan tại Tiểu Khu Thừa Thiên, đã ở lại 01 đêm tại Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và 01 đêm tại Tiểu Ðoàn 12 Pháo Binh (gần phi trường Phú Bài), tôi đã có mặt trong cuộc họp tại phi trường Phú Bài (ngày 9/2/1968) cùng với phái đoàn Trung Ương Sài Gòn (do Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Ðại Tướng Cao Văn Viên... hướng dẫn ra Huế) để nghe các vị chỉ huy quân sự tại Ðà Nẵng và Huế (Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I; Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1 và Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh trưởng Thừa Thiên)... báo cáo tình hình...
Tôi đã gặp các sĩ quan tại Tiểu Khu Thừa Thiên như Ðại Tá Cao Khắc Nhật (trưởng phòng 3 Quân Ðoàn I tăng cường ra Huế, Trung Tá Nguyễn Giang, trưởng phòng 3 Tiểu Khu...). Tôi đã ở lại một đêm tại Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và một đêm tại Tiểu Ðoàn 12 Pháo Binh (gần phi trường Phù Bài)... Ngoài ra, tôi cũng đã đến thăm và tiếp xúc với các gia đình nạn nhân bị VC sát hại và đã chứng kiến các mồ chôn tập thể... Gia đình tôi có 5 người chết trong Tết Mậu Thân trong đó có bố vợ (nhân viên của công ty Thủy Ðiện Huế, 56 tuổi), em vợ (học sinh 16 tuổi), người cháu của tôi (học sinh 13 tuổi)... Tôi đã nghe các nhân chứng kể lại những gì họ đã trải qua... Như thế, tôi đã có được các điều kiện thuận lợi nhất để tìm hiểu, thu thập các dữ kiện... Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tết Mậu Thân (1968-1998), tôi và một số nhân chứng đã thực hiện một tuyển tập tài liệu về “Thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại Huế” và năm 2008 nầy, kỷ niệm 40 năm (1968-2008) chúng tôi đã bổ túc và tái bản sách nầy...
Với tư cách một nhân chứng, tôi xin trình bày một vài nhận xét như sau:
(1). Trước Tết Mậu Thân (1968), đài phát thanh Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (do Hà Nội lãnh đạo) đã đưa ra đề nghị ngưng chiến trong 01 tuần. Phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đề nghị 03 ngày để cho quân đội và dân chúng vui Tết.
Theo tinh thần tôn giáo và văn hóa của dân tộc Việt Nam, Tết là một ngày thiêng liêng, mọi người thường chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, và không bao giờ có hành động gây tổn thương cho kẻ khác, nhất là không làm những điều tàn ác, dã man như bắt bớ, giam cầm, đánh đập, tra tấn, giết người vô tội... Nhưng Việt Cộng đã tấn công vào các thành phố miền Nam, đặc biệt tại thành phố Huế...
(2). Cung điện của các vua nhà Nguyễn tại Huế là di tích văn hóa, lịch sử được UNESCO (Tổ Chức Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận, nhưng Việt Cộng đã biến nơi đó thành chiến trường để cho bom đạn tàn phá!
(3). Hàng chục, hàng trăm nạn nhân bị chôn trong một cái hố sâu, tay bị trói bằng dây điện, giây tre, bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc, bị bắn bằng súng hoặc bị chôn sống. Ða số các nạn nhân là những nhà tu hành, sinh viên học sinh, những người dân vô tội, những người không có vũ khí trong tay, những người đang ở trong nhà với vợ con, những người đã chấp hành lệnh trình diện để được học tập về chủ trương chính sách của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...
Mồ chôn tập thể: Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 23 địa điểm tại tổng cộng 2326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3,000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích... không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu?!
Dã man nhất là tại Khe Ðá Mài (thuộc vùng núi Ðình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên) Việt Cộng đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa (ID)... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Ða số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (3 tháng 2/1968) Người ta cũng tìm thấy vết tích của hai ông Lê Hữu Bôi (chủ tịch sinh viên Phật tử năm 1963) và Lê Hữu Bá (sĩ quan Quân Cảnh) tại Khe Ðá Mài. Các em học sinh như Bùi Kha (16 tuổi), Phan Minh (16 tuổi), Nguyễn Duyệt (17 tuổi) và nhiều bạn trẻ khác thuộc giáo xứ Phủ Cam cũng bị VC giết hại tại đây...
Một nhân chứng còn sống sót đã kể lại cho 2 Linh Mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi vụ thảm sát những giáo dân vô tội tại Khe Ðá Mài như sau:
“Hồi ấy, tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh trung học đệ nhị cấp. Vì tình hình bất an, gia đình tôi đã từ quê chạy về thành phố, cư ngụ tại giáo xứ Phủ Cam, thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, tỉnh Thừa Thiên (nay gọi là phường Phước Vĩnh , thành phố Huế) từ mấy năm trước... Khuya mùng Một rạng mùng Hai Tết, tôi nghe tiếng súng nổ khắp nơi và được tin Việt Cộng đã chiếm nhiều nơi trong thành phố Huế... Cả gia đình tôi cũng như nhiều giáo dân ở Phủ Cam đều chạy đến ẩn núp trong nhà thờ để tránh bom đạn. Lính Nghĩa quân của xã và một số quân nhân về phép chiến đấu bên ngoài để bảo vệ đồng bào. Sau mấy ngày, không có tiếp viện nên chiều mùng 5 Tết ( 3 tháng 2 / 1968) phải rút chạy... Khuya mùng 5 Tết, Việt Cộng tràn vào nhà thờ bắt những người từ 15 tuổi đến ngoài 50 tuổi bất kể là học sinh hay thường dân ... và tuyên bố ‘cho đi học tập trong vòng 3 ngày sẽ trở về’ trong đó có tôi... Sáng hôm sau, chúng tôi bị dẫn đi theo đường xe lửa từ Phủ Cam ra Bến Ngự và đến chùa Từ Ðàm... Tại đây tôi thấy Việt Cộng rất đông vừa du kích địa phương vừa bộ đội miền Bắc... Ngôi nhà 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt từ mấy ngày trước, còn một gian để giam giữ những người mới bị bắt... Tôi gặp những người quen như ông Tín (thợ chụp ảnh), ông Hồ (thợ hớt tóc), anh Trị (con ông Ngọc người đánh đàn trong nhà thờ), ông Hoàng (Ðông y sĩ ở Chợ Xép), hai người con trai ông Thắng (làm nghề nấu rượu nuôi heo), hai người con trai ông Vang (nhạc sĩ thổi kèn đồng), anh Thịnh (con ông Năm), hai anh em Bình và Minh (con ông Thục), anh Minh (16 tuổi, con ông Danh nhân viên Công Ty Thủy Ðiện Huế) đều là học sinh... Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Ðàm suốt cả một ngày từ sáng tới tối không được ăn uống gì cả... Họ đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để viết bản ‘khai lý lịch’ tên, nghề nghiệp, tên cha mẹ, sinh quán ở đâu... Ai khai gian sẽ bị đem ra bắn... Tôi thấy một số người bị trói vào gốc cây bồ đề và bị đem ra bắn chôn ngay trong sân chùa, trong đó có anh Hoàng Sự (Cảnh Sát) mà tôi biết tên. Họ cho một vài người về nhắn với gia đình tiếp thế lương thực và quần áo, thuốc men cho những người đang bị giam giữ... Khi trời sẩm tối, họ bắt chúng tôi ra ngồi xếp hàng giữa sân chùa. Một anh cán bộ a anh em
tuyên bố:
- Anh em yên tâm, Cách Mạng sẽ đưa đi học tập
 trong 3 ngày rồi sẽ cho về với gia đình! Bây giờ chúng ta lên đường!
.
Rồi họ dùng dây điện thoại trói tay chúng tôi ra phía sau lưng từng người một, rồi dùng dây kẽm gai nối 20 người làm một toán. Tôi đếm được trên 25 toán như thế (tất cả 500 người). Một người địa phương đi nhìn mặt anh em chúng tôi và nói với nhau:
- Không thấy Trọng Hê và Phú Rỗ trong số giáo dân Phủ Cam ở đây.
(Anh Trọng con ông Hê và anh Phú là hai thanh niên ở Phủ Cam có võ nghệ mà giới du đãng ở Huế biết tiếng. Hai anh đã chạy theo lính Nghĩa Quân xã rút lui khi Việt Cộng vào nhà thờ! Những người bị bắt đến đây đều là dân lành vô tội).
Họ dẫn chúng tôi đi vào đường bên trái Ðàn Nam Giao, vòng qua Dòng Thiên An, đến lăng Khải Ðịnh, vòng phía sau trụ sở Quận Nam Hòa, ra đến bờ sông Tả Trạch (Thượng nguồn sông Hương)... Ðến bờ sông, Việt Cộng cho chặt cây lồ ô (nứa) làm bè để tất cả đoàn người vượt qua sông (khu vực lăng Gia Long), thuộc vùng núi Ðình Môn, Kim Ngọc (vùng núi tranh). Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng, ban đêm, trời lạnh lắm, khi lên đồi, lúc xuống lũng, lúc lội qua khe... Khoảng 30 bộ đội miền Bắc dẫn chúng tôi đi, họ dùng đèn pin hay đuốc để soi đường, chúng tôi đi trong rừng tre nứa và cây cổ thụ dày đặc... Khoảng nửa đêm, chúng tôi được dừng lại để nghỉ và mỗi người nhận được một vắt cơm. Chúng tôi đoán đã đi được trên 10 cây số rồi! Chúng tôi ngồi gục đầu dưới cơn mưa, cố gắng ngủ một chút để lấy sức còn phải đi tiếp... Bỗng như có linh tính báo trước, người tôi run lên bần bật... Tôi nghe hai tên bộ đội nói nhỏ với nhau:
- Trong vòng 15-20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết bọn nầy!
Tôi liền ghé miệng vào tai thằng bạn bị trói ngay trước mặt:
- Tụi mình ráng mở dây trốn đi! Mười lăm phút nữa là bị bắn chết hết đó!
Trời mưa, dây điện trơn trợt, lát sau, chúng tôi mở được giây nhưng vẫn ngồi yên sợ chúng biết. Tôi nói nhỏ:
- Hễ tao vỗ nhẹ sau lưng là tụi mình chạy nghe!
Bọn Việt Cộng đánh thức chúng tôi dậy, một tên nói lớn cho mọi người nghe:
- Chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Ai có vàng, tiền, đồng hồ, bật lửa... thì đem nộp, không được giữ trong người... Học tập xong sẽ được trả lại...”
Thế là bọn chúng lột sạch và cho tất cả vào mấy cái ba lô vải. Tên bộ đội đứng gần chúng tôi còn mang trên vai cả chục cái radio mà chúng đã cướp được của dân ở thành phố... Một tay mang súng, một tay mang các thứ vừa cướp được, hắn đi chậm lại cách xa mấy tên kia một quãng... Chúng tôi bắt đầu xuống dốc, nghe tiếng nước chảy róc rách... Tôi vỗ nhẹ vai thằng bạn và cả hai chúng tôi vung tay và nhanh nhẹn phóng ra khỏi hàng. Tôi đá mạnh và tên bộ đội mang nhiều radio... Hắn ngã nhào! Hai chúng tôi lao vào rừng...
Trời tối, rừng già chúng không giám đuổi theo... Khi nghe tiếng đoàn người đi khá xa, chúng tôi mới bò ra khỏi chỗ ẩn núp và đi ngược trở lại... Chừng 15-20 phút sau, chúng tôi bỗng nghe từ phía dưới vọng lên tiếng súng AK, rồi lựu đạn nổ vang rền... Một góc rừng rực sáng! Chen vào đó tiếng khóc la khủng khiếp... không hiểu sao lúc đó, tai tôi nghe rất rõ ràng... Lúc đó khoảng 12-12 giờ 30 khuya... đầu ngày 8 Tết (6/2/1968). Về sau tôi mới biết chỗ đó là Khe Ðá Mài...”.
Một nhân chứng khác, anh Quỳnh, sinh viên Huế, con một vị y sĩ làm việc tại bệnh viện Huế đã về hưu. Gia đình anh có 3 anh em bị bắt tại nhà thờ Phủ Cam đưa lên giam giữ tại chùa Từ Ðàm. Tối hôm đó, Việt Cộng cho mỗi phòng cử hai người về để nhắn gia đình mang đồ tiếp tế đến chùa Từ Ðàm cho những người đang bị giam giữ... Vì có người anh và người em cùng bị giam chung một phòng nên anh được cho về liên lạc với gia đình... nếu anh không trở lại thì hai người kia sẽ bị giết. Suốt đêm hôm đó, anh cầm giấy phép trong tay, đi liên lạc gõ cửa từng nhà... Sau đó anh trở lại chùa thì không thấy ai ở đó nữa. Tất cả những bánh trái, thức ăn, áo quần mà các gia đình mang lên chùa tiếp tế cho các nạn nhân là để cho bộ đội Việt Cộng ăn... Khi anh Quỳnh trở lại chùa thì tất cả đã được dẫn lên núi và đã bị thảm sát tại Khe Ðá Mài! Anh là người may mắn thoát chết trong vụ đó. Anh Quỳnh cũng cho biết:
Lúc 3 giờ chiều mùng 4 Tết, anh dang ngồi trong căn phòng giam thì Lê Hữu Bôi từ phòng bên cạnh đi qua, biết anh là sinh viên nên Bôi đến làm quen và nói nhỏ với anh: “Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi nơi đây ngay!”
Anh nhớ rất rõ: “Lúc đó trời đang rét lạnh, Lê Hữu Bôi khoác một cái áo choàng rộng, màu xám”.
Lê Hữu Bôi và người anh ruột là Lê Hữu Bá cũng đã bị đem đi giết trước khi anh Quỳnh trở lại chùa Từ Ðàm...
Thảm sát tại khu vực Thành Nội và Gia Hội Huế
Anh Tuấn (học sinh trường Nguyễn Du, 16 tuổi) nhà ở góc đường Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan, thành nội Huế (gần cửa Ðông Ba) kể lại:
“Sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, Việt Cộng bắt được 5 người đang mặc áo quần ngủ hoặc áo quần thường, đi chân không đem ra cho đứng sắp hàng ở cửa thành... Trong số Việt Cộng có mặt ông Tôn Thất Dương Tiềm là giáo sư trường Nguyễn Du... và cũng là thầy dạy của tôi trước đây... Ông Tiềm mang súng AK, quần kaki xanh, áo sơ mi trắng... hễ thấy ông gật đầu thì tên cán bộ ra lệnh cho mấy tên bộ đội bắn các nạn nhân... Thân nhân chạy ra kêu khóc, xin đem xác các nạn nhân đi chôn... nhưng chúng không cho, cứ để xác chết nằm đó đến mấy ngày... Mấy hôm sau, người ta mới lén đem xác về chôn... Mấy ngày sau máy bay trực thăng của VNCH và Mỹ xuất hiện bắn xuống cửa Ðông Ba. Cha tôi nói: ‘Bây giờ ở đây cũng chết, phải chạy thôi’... Chúng tôi chạy về hướng Mang Cá, gặp du kích chặn lại, bắt tôi đi khiêng đồ đạc... chúng tập trung được 5 đứa trong xóm như tôi, đợi đến đêm mới dân chúng tôi ra cửa Ðông Ba đi qua chùa Diệu Ðế, bắt đi khiêng gạo, súng đạn... mấy hôm sau, máy bay bắn xuống dữ quá ... Tối đó, chúng tập trung được chừng mười mấy đứa 15, 16 tuổi, phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái cuốc, bắt đi đào hầm... cái hố bề sâu một thước, bề ngang bằng một sải tay... mỗi đứa đào một đoạn, nối liền nhau... Tôi tưởng đào hầm để tránh máy bay... Lúc 3 giờ sáng, sau khi đào xong, thì chúng dẫn ra một số người, tay bị trói đàng sau, cột thành từng chùm bằng sợi dây điện thoại màu đen, mỗi toán chừng 15 người. Chúng bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố... Thằng cán bộ đọc bản án... nói những người nầy có tội với cách mạng, có tội với nhân dân... Chúng vừa đọc xong thì tên du kích bắn một loạt đạn AK... nạn nhân rơi xuống hố... có người trúng đạn, có người không trúng... cũng ngã lăn xuống hố... chúng bắt tôi lấp đất lại... Tôi thấy người ta còn sống, tôi không chịu lấp đất, chúng đánh tôi... tất cả mấy đưa chúng tôi đứa nào cũng khóc rống lên... chúng dùng AK đánh vào đàng sau lưng chúng tôi... và còn dùng cả lưỡi lê đâm chúng tôi nữa... Chúng nó dùng cán cuốc đánh vào đầu các nạn nhân cho chết... Chúng nó bắt tôi đi chôn người như vậy đến mười mấy lần... Bộ đội Việt Cộng toàn nói giọng Bắc... Những người bị chôn sống, chưa chết, thở phì phì, ngột thở, chết dần dần.... Về sau chúng bắt đi chôn ban đêm, không bắn vì sợ máy bay trên trời phát hiện...”.
VC vào nhà số 176 đường Bạch Ðằng (gần cầu Ðông Ba), Huế, bắt vợ con ông Từ Tôn Kháng ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông không ra trình diện thì tất cả vợ con ông sẽ bị giết. Vì thế ông phải ra nộp mạng. VC trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn ông trước mặt vợ con, ccho đến chết, thật là dã man và kinh hoàng! Ông Từ Tôn Kháng là Thiếu Tá, Tỉnh Ðoàn Trưởng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên.
Sinh viên bị Việt Cộng giết:
- Anh Trần Mậu Tý, sinh viên, cũng bị bắt, bị tra tấn dã man cho đến chết.
- Anh Trần Ðình Trọng, sinh viên trường Kỹ Thuật Huế, bị bắt ngày 06 tháng 2/1968, tìm được xác ngày 26/2/1968...
Người buôn bán, làm nghề tự do bị Việt Cộng giết:
- Chị Nguyễn Thị Lào, tiểu thương, 48 tuổi, bị bắt trên đường đi, tay bị trói, miệng bị nhét giẻ, tìm được xác tại Gia Hội, bị chôn sống, không có vết thương.
Nhân sĩ, trí thức, cán bộ chính đảng bị Việt Cộng giết:
- Ông Phạm Ðức Phác, giáo sư, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, ông Lê Ngọc Kỳ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng... cũng bị bắt đem đi giết...
- Ông Trần Ngọc Lộ, đảng viên Ðại Việt Cách Mạng ở Phú Vang, làm nghề tự do, dạy võ thuật, bị Việt Cộng bắt và bị giết một lần với người vợ tại Cồn Hến , để lại bầy con dại...
- Ông Võ Thành Minh, một nhân vật hướng đạo kỳ cựu, một người đấu tranh cho hòa bình, người thổi sáo ở hồ Leman, Geneve 1954 kêu gọi hòa bình, cũng bị bắt tại từ đường cụ Phan Bội Châu (Bến Ngự) bị đem lên núi và bị giết... vì ông từ chối không chịu làm chủ tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình tại Huế sau đó VC đã mời Giáo Sư Lê Văn Hảo... (Theo lời ông Bảo Lộc, phó tỉnh trưởng Thừa Thiên, bị bắt lên núi, giam chung với ông Võ Thành Minh... kể lại với Nguyễn Lý-Tưởng).
- Ông Trần Ðiền, nghị sĩ Thượng Nghị Viện bị bắt và bị chôn sống tại Lang Xá Cồn, phía sau chợ An Cựu... tìm được xác ngày 9 tháng 4/1968.
Các linh mục và tu sĩ bị giết:
- Linh Mục Bửu Ðồng (56 tuổi) chôn chung với Linh Mục Hoàng Ngọc Bang (73 tuổi) và 2 sư huynh Dòng La San là Agribert và Sylvestre tìm được xác ngày 8 tháng 11/1969 tại Lương Viện (Sư Lỗ) quận Phú Thứ, tỉnh Thừa Thiên.
- Ngoài ra, còn 3 sư huynh Dòng Thánh tâm là thầy Bá Long, thầy Mai Thịnh và thầy Héc Man cùng 3 linh mục người Pháp là Cha Guy, Cha Urbain và Cha Cressonnier cũng bị bắt đem đi giết, tìm được xác ngày 27/3/1968 tại gần lăng vua Ðồng Khánh .
- Ba chủng sinh là Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Vụ và Nguyễn Lương, cũng bị bắt tại Phủ Cam và cũng bị đem đi giết, chết chung với giáo dân tại khe Ðá Mài.
Các bác sĩ của Cộng Hòa Liên Bang Ðức bị giết:
- Vợ chồng Bác Sĩ Horst Gunther Krainick,
- Bác Sĩ Raymund Disher
- Bác Sĩ Alois Alterkoster
Các bác sĩ nầy đến giảng dạy tại trường Ðại Học Y Khoa Huế và giúp bệnh viện Huế... đã bị bắt và bị giết tại khu vực gần chùa Tường Vân, phía Tây Huế... Nhân chứng là Bác Sĩ Tôn Thất Sang (học trò của các giáo sư y khoa nói trên) kể lại:
“Tôi vội nhìn xuống chỗ tay anh quân nhân đang chỉ , thì thấy 3 quân nhân đang cùng vài người dân, tay cuốc, tay xẻng, đang nhẹ nhàng xúc đất và cát lên từ một chiếc hầm đào vội, bề dài khoảng 2,5 m, bề ngang khoảng 0,7 m và chiều cao khoảng 0,9 m, trong đó có 4 người, đều bị trói thúc ké (hai tay quặt ra sau lưng), bằng dây điện thoại truyền tin, người này trói dính với người kia và tất cả đều ở tư thế quỳ thẳng đứng, ở thái dương trái là lỗ đạn vào và thái dương phải là lỗ đạn ra, to hơn và tàn phá hơn! gương mặt giờ đây đã đổi dạng, mắt lồi hẳn ra ngoài thái dương và hàm toang hoác...”.
Ông Hồ Ðinh là một đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3, sư đoàn 1 bộ binh, kể lại:
“Sau khi quân ta đánh tấn Việt Cộng ra khỏi Huế, tôi bị thương điều trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Tình cờ gặp đoàn xe của Tiểu Khu Thừa Thiên đi đào xác hai hố tập thể Xuân Ổ và Diên Ðại, tôi đi theo xem. Vùng đó tôi quá quen thuộc vì hơn 2 năm qua, đơn vị tôi bảo vệ an ninh cho vùng đó. Ðoàn xe đi theo tỉnh lộ rải đá về hướng Tây Bắc thành phố Huế. Ðến chợ Sam xe dừng lại vì chỉ còn cách xa một cây số, chúng tôi đã ngửi trong gió biển mùi hôi thối. Ðoàn người đi bộ tiến về bãi chôn người cách 500m thì một cảnh tượng hãi hùng xảy ra. Rõ ràng là một bức tranh của quỷ trong truyện Liêu Trai: Trên các giồng (lằn) của bãi cát là những người được đứng bởi một cọc tre hoặc xuyên từ đít lên tới đầu chừng 40 cụm, mỗi cụm 5 đến 10 người, phía dưới chân là những người bị chặt ngang cổ, có người bị chặt chân ngang bụng. Phía dưới chân các giồng cát thì nước còn ríu ríu vì trời còn mưa lai rai suốt cả tháng là những người bị chôn sống, 2 tay bị buộc chặt sau lưng rồi chôn quay mặt lại như đang nói chuyện với nhau, có người trên đầu có mũ, có người có một tàn thuốc gắn vào nón. Tất cả đều tím đen hoặc rỉ nước vàng hôi thối ghê gớm. Sau cùng là các hầm, hầm được lấp đi lòi chân tay ra ngoài, mỗi hầm có 4 đến 5 xâm, xuyên qua lòng bàn tay bằng dây kẽm gai và bị đánh bằng vật cứng ở sau đầu, cũng có người bị tan nát mặt, tất cả đều bị rữa thối rất khó nhận dạng.
Những nơi khác ngoài Huế
Có người cho rằng những vụ tàn sát dã man chỉ xảy ra tại Huế, nhưng các nơi khác đã không xảy ra như thế! Ðiều đó không đúng. Chúng tôi được biết, ngoài Huế ra, còn có những nơi khác như Quảng Trị, Bình Ðịnh, Gia Ðịnh,v.v...
- Tại Quảng Trị: ngày 9 tháng 2/1968, tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng đã tấn công vào làng Dương Lộc (xã Triệu Thuận, quận Triệu Phong), chúng bị tổn thất nặng nề trước sức kháng cự của nghĩa quân và thanh niên trong làng, theo một tên Việt Cộng về hồi chánh tại Quảng Trị cho biết, có 104 lính bộ đội Việt Cộng bị giết. Sau khi rút lui, Việt Cộng đã bắt Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ (62 tuổi) và hai em học sinh là Nguyễn Tiếp (13 tuổi) và Nguyễn Lụt (15 tuổi)... Ngày 31 tháng 5/1969, nhờ đồng bào địa phương hướng dẫn, đã tìm được xác Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ bị chôn sống tại vùng Chợ Cạn thuộc miền biển quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị... Hai em Tiếp và Lụt mất tích, không biết đã bị Việt Cộng giết và chôn ở đâu!
- Tại Gò Vấp, gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn (Thiết Giáp) và vợ là Từ Thị Như Tùng, bị Việt Cộng giết cả nhà: vợ chồng và các con nhỏ bị bắn B.40 chết hết, chỉ còn một em bé nằm lọt dưới gầm xe bị thương, còn sống sót mà thôi. Em nầy hiện còn sống ở Mỹ.
- Tại Bồng Sơn (quận Hoài Nhơn, Bình Ðịnh) Việt Cộng đã tấn công vào trụ sở xã, người chỉ huy xã là ông Nguyễn Giảng không chịu đầu hàng... nên Việt Cộng đã giết tập thể hơn 200 người trong đó cả đàn bà và trẻ em 11, 12 tuổi... Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm. Sau 30/4/1975 bia đá nầy đã bị VC đập phá...
Sau Tết Mậu Thân, đồng bào của chúng ta ở Huế nói riêng và miền Nam nói chung, hễ nghe tin Việt Cộng đến là gồng gánh, bồng bế nhau bỏ hết nhà cửa tài sản, lo chạy lấy thân... Hình ảnh Việt Cộng đi đôi với thảm sát, đấu tố, chôn sống, mồ chôn tập thể...
Biến cố Mậu Thân xảy ra chưa đầy một tháng, theo báo chí Cộng Sản tiết lộ vào năm 1998 (kỷ niệm 30 năm Mậu Thân 1968-1998) thì đã có trên 100,000 lính Việt Cộng chết hoặc mất tích. Theo thống kê của VNCH có 4954 binh sĩ tử trận, 15,097 bị thương. Cộng Sản đã làm cho 627,000 dân vô tội phải cảnh màn trời chiếu đất, phải bỏ vùng quê chạy về thành phố, có 14,300 dân bị chết và 24,000 người bị thương. Chính phủ VNCH phải lập ra các trại tỵ nạn Cộng sản để tiếp đón, lo ăn, ở, săn sóc thuốc men cho dân... Riêng tại Huế, chính quyền VNCH công bố có 6,000 người chết trong đó có 384 binh sĩ VNCH chết và 1800 bị thương. Về phía Mỹ có 147 chết và 857 bị thương. Thời gian làm dân biểu, tôi được biết có 4,000 gia đình nạn nhân CS trong Tết Mậu Thân, ít nhất có một người chết hoặc mất tích (riêng gia đình tôi có 2 người chết và 3 người mất tích). Như vậy tổng số người chết và mất tích cả hai bên khoảng 120,000 người. Sau Tết Mậu Thân có 9,461 cán binh Việt Cộng bị bắt hoặc ra hồi chánh qua chiến dịch Phượng Hoàng của VNCH. Nhiều đơn vị bộ đội VC tan nát, không còn người nào.
Vụ “Thảm sát Mậu Thân” là một hành động dã man, diệt chủng mà Việt Cộng đã để lại trong lòng thân nhân của những nạn nhân tại miền Nam Việt Nam, điển hình là tại thành phố Huế, một nỗi kinh hoàng, một niềm uất hận nghẹn ngào, một món nợ mà đáng lẽ ra con cháu các nạn nhân phải đòi cho được kẻ sát nhân phải trả bằng máu!
Vụ “Thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế” đến nay đã 40 năm rồi (1968-2008) nhưng phía Cộng Sản không có một chút hối hận, không có một lời xin lỗi... Trái lại, trong những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức rầm rộ “Kỷ Niệm Chiến Thắng Mậu Thân” tại Sài Gòn năm 1998, tại Hà Nội năm 2003 và tại Huế năm 2008... Tại sao Cộng sản lại cố khơi dậy biến cố đau thương đó? Tại sao Cộng Sản lại cố rêu rao thành tích diệt chủng đó? Cuộc chiến được mô tả “Những Người Cầm Súng Ðã Chiến Thắng Những Người Tay Không, Những Người Dân Vô Tội” Thật là điều mỉa mai!
Năm 1997, sáu sử gia Pháp đã cho ra đời một cuốn sách dày 846 trang tựa đề “Le Livre Noir du Communisme” (Sách Ðen về Cộng Sản) cho biết trong vòng 80 năm kể từ ngày Ðảng Cộng sản lên nắm chính quyền tại Nga (1917-1997), đã có trên 100 triệu người bị chết vì họa Cộng Sản. Ngày 12 tháng 6 năm 2007 tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, TT Bush đã khánh thành đài tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản trên thế giới. Ðiều đó nhắc nhở mọi người đừng quên tội ác của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân 1968.
Chúng tôi không chủ trương trả thù khi nhắc lại vụ thảm sát Mậu Thân 1968. Chúng tôi chỉ muốn nhắn với các thế hệ tương lai “xin đừng bao giờ tái diễn những hành động dã man, tàn ác như thế nữa!”.
Sau Tết Mậu Thân, có một lần tôi được hướng dẫn phái đoàn báo chí, truyền hình ngoại quốc đến Huế chứng kiến các mồ chôn tập thể. Tôi thấy các nạn nhân nằm ôm ấp, gối đầu lên nhau dưới một cái hố sâu trong đó gồm đủ mọi thành phần tôn giáo, chính đảng... Và sau ngày 30/4/1975, tôi đã gặp đủ mọi thành phần quốc gia trong nhà tù như thế... Khi đưa tay ra bốc một nắm đất dưới đáy mồ chôn tập thể ở Huế đã thấm máu các nạn nhân, tôi không thể phân biệt được trong nắm đất đó có máu của ai? Cũng như khi cửa nhà tù đóng lại thì anh em chúng ta bất kể là người của tôn giáo nào, đảng phái nào, đều có một kẻ thù chung là Cộng Sản.
(Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Anh và phát cho một số người Mỹ tham dự hội thảo).

__._,_.___
Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topic Messages in this topic (1)

No comments:

Post a Comment