Friday, January 25, 2013

Hiệp định Pari và sự “tiên tri” của Thiệu

Lê Mai
23780289SPGFEItBdk_ph 

CÓ THỂ thấy, Tổng thống Thiệu không bao giờ muốn ngồi vào bàn đàm phán và ông ta không hề tin vào việc thực thi Hiệp định Pari. Ông ta nói với các cố vấn thân cận, làm sao một người thông minh, tài giỏi như Kissinger mà không nhận thấy Hiệp định Pari là cái hiệp định bán đứng miền Nam cho Cộng sản? Và Thiệu kết luận, chính là vì người Mỹ đã đi đêm với Bắc VN, với Nga Xô và Trung Cộng, quyết tâm bỏ rơi VNCH.
 Đa nghi là một đặc tính nổi bật của Thiệu. Ông ta ít khi chia sẻ ý định thực sự của mình cho người khác, điều này thường gây khó khăn cho cấp dưới khi thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống. Chỉ đọc một bài diễn văn trước Quốc hội thôi, Thiệu cũng chuẩn bị tới bốn, năm bản sao, để ở các nơi khác nhau, đề phòng có người đánh cắp bản để trên bàn đọc. Một cố vấn của ông ta ngạc nhiên: “Làm sao có chuyện đó được?”. Thiệu giải thích: “Điều đó quá dễ. Trong lúc lộn xộn đặt micrô và chuẩn bị diễn văn, một người nào đó trong đoàn khán giả có thể giả vờ đi gần tới bàn và lấy bài diễn văn đó”. Nhìn vẻ mặt ngờ vực của người cố vấn, Thiệu tiếp: “Ồ, chuyện đó đã xẩy ra với tôi hai lần rồi. Ắt là đối thủ của tôi đã phải phục tôi lắm, vì tôi đã lấy một bản diễn văn khác ra và tiếp tục đọc”.
Cũng về đặc tính đa nghi, hãy nói thêm một chi tiết. Tháng 10.1972, Tiến sỹ Kissinger đến Saigon để giải thích về một dự thảo Hiệp định với VNCH, cho rằng đây là thành quả lớn lao nhất mà ông ta đã đạt được và nói thêm, Cộng sản đã khóc khi chấp nhận thỏa thuận này. Thiệu và các cố vấn không tin. “Việc nói rằng Cộng sản khóc làm chúng tôi nghi ngờ. Cộng sản không bao giờ khóc”!
Bắc VN đặc biệt không ưa Thiệu, gọi ông ta là tên “Việt gian số 1”, khăng khăng đòi Hoa Kỳ phải thay đổi chính quyền Saigon và thay Thiệu trong tiến trình hòa đàm Pari. Ngược lại, Thiệu cũng chẳng ưa gì Bắc VN mà ông ta thường gọi là “Cộng sản” hoặc “thằng Cộng sản” – kể cả trong những bài diễn văn chính thức. Một khi đã là đối thủ thì hai bên đều tìm mọi cách hạ bệ nhau, đó là điều mà chúng ta có thể hiểu được. Dù sao, có vẻ như cả hai bên đều lạm dụng ngôn từ.
Và dù có làm gì đi nữa cũng không thể cưỡng lại ý định của Hoa Kỳ. Ngày 27.1.1973, Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN được bốn bên ký kết tại Pari. Dường như trong việc thực thi Hiệp định, những “tiên đoán” của Thiệu ngày càng có tính “tiên tri” hơn.
Xuyên suốt trong các “tiên tri” của Thiệu chính là nỗi lo lắng cái mà ông ta gọi là sự “lật lọng” của Cộng sản. Nói chung, ông ta không bao giờ tin Cộng sản. Ông ta đặt ra rất nhiều câu hỏi và trả lời trước quốc dân đồng bào, cũng chính là tự trả lời cho mình.
Một ngày sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Thiệu đã có một bài thuyết trình dài trước quốc dân. Trước đó ba ngày, khi dự thảo Hiệp định đã được ký tắt, ông ta cũng có một bài thuyết trình tương tự. Cả hai bài thuyết trình này đã được in lại nguyên văn trong cuốn Về Đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Saigon do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Hanoi ấn hành năm 2010 và tác giả chủ biên cuốn sách là GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.
Như đã trình bày, tất nhiên, vấn đề Thiệu quan tâm nhất trong thuyết trình của mình là Nam VN quyết tâm không để Cộng sản lật lọng, phải chủ động đối phó với sự xảo trá của Cộng sản. Theo Thiệu, Bắc VN không thể giành chiến thắng bằng võ lực, bằng xe tăng, bằng đại pháo, bằng Tết Mậu Thân, bằng Đại lộ kinh hoàng, bằng Quốc lộ 13, bằng Trị Thiên, bằng Kon Tum, bằng Bình Định nên bắt buộc phải chấm dứt chiến tranh. Nhưng, ngưng bắn cũng chỉ là bước đầu tiên của hòa bình mà thôi, chứ chưa hẳn đã có một nền hòa bình thực sự, hòa bình trường cửu. Nam VN đã có nhiều kinh nghiệm với Cộng sản.
Thiệu tiếp tục khuyên đồng bào đừng bao giờ nghĩ rằng Hiệp định đã được ký kết rồi, đã có chữ ký của Cộng sản rồi, có quốc tế đảm bảo rồi là chúng ta ngây thơ tin rằng Cộng sản đã bỏ hẳn mưu đồ thôn tính miền Nam. Sở dĩ Cộng sản buộc phải cắn răng chấp nhận ngưng bắn để ký kết hòa bình là vì nhân lực, vật lực, tài lực của họ đã cạn kiệt, không thể làm gì hơn được nữa, đành phải ngượng nghịu gọi là hưởng ứng hòa bình, tạm dừng xâm lăng để bồi dưỡng sức lực rồi mưu đồ một cơ hội khác chưa biết chừng.
Thiệu tiếp tục “tiên tri”, chúng ta có quyền nghi ngờ, từ những việc nhỏ như vài ba ngày Tết năm 68 cho đến việc lớn như cái gọi là hòa bình năm 1954. Ông ta nhấn mạnh, đối với Cộng sản, nghi ngờ chắc ăn hơn là tin chúng bằng lời, để rồi thiếu cảnh giác, trở tay không kịp.
Vì vậy, Thiêu kêu gọi đồng bào, chiến hữu mọi cấp, mọi ngành luôn luôn phải đề cao cảnh giác đối với Cộng sản, không được thờ ơ, lơ đễnh, chểnh mảng. Đừng tưởng Hiệp định ký rồi là bỏ đồn, bỏ bót, bỏ canh gác, say sưa nhậu nhẹt. Trái lại, chúng ta phải cẩn thận hơn lúc nào hết. Hễ mà chúng ta vô ý, Cộng sản sẽ chụp lên đầu liền.
Ngay ngày Tết sắp đến, Thiệu cũng vô cùng cảnh giác. Ông ta nói, đối với Cộng sản, cái Tết nào chúng cũng có thể làm như cái Tết Mậu Thân cả. Mà hễ chúng làm cái Mậu Thân thì “nói xin lỗi, Ủy hội quốc tế, quốc tế hay Liên hiệp quốc đi nữa cũng không làm gì được hết, chỉ có chúng ta là chịu đựng thôi”. Thiệu thêm, liệu Quốc tế có biện pháp gì trừng trị sự điêu ngoa của thằng cộng sản không?
Trước sau, Thiệu không tin Bắc VN sẽ thực thi Hiệp định. “Tiên tri” của Thiệu tập trung vào các vấn đề lớn:
Thứ nhất, để xem Bắc VN ngưng bắn được mấy năm, mấy tháng, mấy ngày, có chấm dứt mọi hành động xâm nhập vũ khí, quân đội từ Bắc vào hay không?
Thứ hai, để xem Mặt trận giải phóng có nói chuyện nghiêm chỉnh với VNCH để thoả thuận một giải pháp chính trị nội bộ của nhân dân miền Nam hợp tình hợp lý hay không? Hay là lại kéo dài như cuộc hòa đàm Pari rồi để củng cố, rèn thêm lính, kiếm thêm vũ khí, tung cán bộ len lỏi vào nội bộ Nam VN, quấy rối, tuyên truyền chủ nghĩa, rồi lại đổ lỗi cho Nam VN mà gây chiến trở lại?
Thứ ba, dù có một thoả thuận giải pháp chính trị nội bộ đi nữa, để xem họ có thực thi nghiêm chỉnh cái giải pháp đó hay không?
Thứ tư, ví dụ có bầu cử qua giải pháp chính trị đã thoả thuận, họ không ăn được người quốc gia như họ muốn, thỉ thử hỏi họ có vui vẻ chấp nhận cái kết quả đó hay không, hay là họ lại trở mặt, làm theo lối của kẻ cờ gian bạc lận?!
Thiệu luôn nhấn mạnh, chúng ta phải đánh những cái dấu hỏi.
Thiệu ra những chỉ thị rất cụ thể, tỷ như “cái vùng của tụi Cộng sản trong chiến khu, trong biên giới, mình đã không vô đó làm gì, không có bà con cô bác gì để vô trong đó thăm, không có cái gì để mà ăn trong đó. Trái lại Cộng sản rồi đây sẽ về ấp, thứ nhất là tuyên truyền, thứ nhì là kiếm ăn, thứ ba là thu thuế, thứ tư là đe dọa đồng bào”. Ông ta ra lệnh, phải triệt hạ ba cái thằng đó ngay lập tức.
Thiệu giải thích rất nhiều lần vấn đề ngưng bắn tại chỗ. Ông ta chỉ rõ: “Ngưng bắn tại chỗ là giữ nguyên trạng. Chỗ nào có chánh quyền ta, quân đội ta, cán bộ ta, nhân dân ta là chỗ đó ta làm vua của nước ta. Tất cả mọi việc của ta, luật lệ của ta, hành chính của ta, mọi việc y như cũ, không có gì thay đổi”.
Câu hỏi đặt ra, có vẻ như thực tế diễn ra chứng minh những “tiên tri” đó của Thiệu mà ông ta đành bó tay, vô kế khả thi, chịu thua đối phương? Chúng ta hy vọng, thời gian và lịch sử sẽ tiếp tục làm sáng tỏ mọi việc.
About these ads

No comments:

Post a Comment