Vì Sao Tôi Bỏ Quân Ðoàn I ?
Tác giả
: Ngô Quang Trưởng 1.
Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp, tôi vào tới Sài
Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp Tổng thống và Thủ
tướng (Trần Thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra không có ai khác. Thường
lệ khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị Tư lệnh
Quân đoàn và Tư lệnh các quân binh chủng khác. Lần nầy thì chỉ có một
mình tôi. Tôi thắc mắc lo lắng.
Nhưng khi Tổng thống Thiệu cho
biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân đoàn I ngay hôm nay thì tôi
mới vỡ lẽ, cay đắng, và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng
tượng và ngoài ước muốn của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế,
Quảng Ngãi và Ðà Nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy
nhiên tôi đủ sức chống giữ và sẽ tăng cường Sư đoàn Dù cùng với Thuỷ
Quân Lục Chiến ra những vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ
những ý kiến của tôi lên Tổng thống và Thủ tướng nhưng không được chấp
thuận.
Lệnh bất dịch di là: Phải rút khỏi Quân đoàn I càng sớm
càng hay. Trở ra Quân đoàn I, tôi cho triệu tập tất cả các Tư Lệnh Sư
đoàn để họp. Thái độ khác thường của tôi làm các Sĩ quan trong buổi họp
hôm đó có vẻ nghi ngờ, thắc mắc. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ hỏi sơ qua tình
hình và nói vu vơ quanh quẩn.
Chứ làm sao tôi ra lịnh thẳng
khi chỉ với một mình tôi là Tư lệnh Quân đoàn mà thôi. Vì vậy, cuộc họp
hôm đó chẳng mang lại một kết quả nào mà tôi mong muốn. Lệnh của Tổng
thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân đoàn I vào ngày 13 tháng 3. Ông
Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên. lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới Việt
Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên.
Cái lẩm cẩm
của trung ương là không cho các thuộc cấp biết ý định của mình. Nghĩa là
các Tư lệnh các quân binh chủng, Tổng Bộ trưởng, Tư lệnh Sư đoàn, v.v…
đã không biết gì về lệnh rút quân của Quân đoàn I và II cả. Lệnh nầy chỉ
có Tổng thống và Thủ tướng, Ðại tướng Cao Văn Viên, tôi (Tư lệnh Quân
đoàn I) và Tư lệnh Quân đoàn II (Tướng Phạm Văn Phú) biết mà thôi. Do đó
thiếu sự phối họp chặt chẽ giữa tham mưu và các cấp, không có kế hoạch
rút quân đàng hoàng, lệnh đột ngột không có đủ thì giờ để xếp đặt kế
hoạch, gây hoang mang cho binh sĩ, nhất là khi gia đình họ cũng không
được bảo vệ đúng mức thì làm sao tránh khỏi hoang mang? Ai cũng lắng
nghe tin tức thân nhân ở bên ngoài doanh trại. Thêm vào đó, tin tức Ban
Mê Thuột, Pleiku, Kontum bị chiếm, Huế bỏ ngỏ, dân chúng Huế chạy vào Ðà
Nẵng ngày một đông gây cảnh xáo trộn kinh hoàng cho dân Ðà Nẵng. Rồi
sau đó là Chu Lai bị áp lực nặng.
Tôi ra lệnh cho Tướng Trần
Văn Nhựt rút Sư đoàn 2 từ Chu Lai ra trấn tại Lý Sơn (Cù Lao Ré) để kiểm
soát đường bể, sợ địch ra chiếm đóng đường biển thì sẽ khó khăn. Trong
khi đó, cảnh hỗn loạn đã xảy ra phần lớn do dân chúng hốt hoảng từ chỗ
nầy sang chỗ khác làm cho binh sĩ nao núng và chạy cùng theo thân nhân.
Mở miệng ra lệnh cho họ rút quân, trong khi mới hôm qua với lòng sắt đá
và giọng nói cứng rắn hằng ngày buộc anh em phải giữ không để mất một
cục sỏi ở Vùng I.
Sau đó tôi suy nghĩ kỹ hơn. Tôi quyết định
gọi Ðai tướng Cao Văn Viên nhờ xin Tổng thống cho tôi được dùng mọi cách
để giữ Huế và Vùng I. Làm sao tôi bỏ Huế và Vùng I được? Làm sao tôi bỏ
được vùng đất sỏi đá nầy mà bao nhiêu chiến hữu của tôi đã đổ máu để
gìn giữ? Nhất là trong vụ Mậu Thân. Tổng thống Thiệu rung động, chấp
thuận cho tôi giữ Huế. Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi ra Huế gặp Tướng
Lâm Quang Thi (Tư lệnh phó Quân đoàn) chỉ huy tại Huế. Tôi ra lệnh: Giữ
Huế cho thật vững. Chiều hôm đó về đến Ðà Nẵng, tôi nhận được một lệnh
do Ðại tướng Cao Văn Viên, thừa lệnh Tổng thống yêu cầu tôi “bỏ Huế”.
Thật làm tôi chết lặng người. Vì mới buổi sáng nay ở Huế tôi ra lệnh cho
Tướng Thi giữ Huế. Bây giờ đột nhiên được lệnh bỏ thì tôi biết nói làm
sao với Tướng Thi và anh em binh sĩ.
Nhưng vẫn phải đành thi
hành theo lệnh trên. Tôi gọi điện thoại thông báo lệnh bỏ Huế cho tướng
Thi. Tướng Thi trả lời ngay: “Ở Huế bây giờ xã ấp phường khóm tốt quá,
đâu đâu tình hình cũng tốt cả mà tại sao anh bảo tôi bỏ là bỏ làm sao?
Tôi buồn bã trả lời: “Tôi biết rồi, nhưng xin anh bỏ Huế giùm tôi. Ðó là
lệnh trên, không bỏ là không được”. Kết quả là Tướng Thi thi hành lệnh,
bỏ Huế, và dồn quân đến cửa Thuận An để được tàu Hải quân rút về Ðà
Nẵng.
Trong khoảng thời gian từ 13 đến 18 tháng 3, hàng đêm
tôi gọi điện thoại cho Thủ tướng Khiêm và báo cáo mọi biến chuyển từ
công việc hành chánh đến quân sự. Tình hình khó khăn, địch tấn công, mà
lại thêm cái lệnh phải rút càng sớm càng tốt, lan truyền rỉ rả cho nên
binh sĩ và công chức hết sức xôn xao. Tôi báo cáo mọi việc và xin Thủ
tướng ra quan sát tình hình. Sáng 19 tháng 3, 1975, Thủ tướng Khiêm đến,
tôi cho họp tất cả vị Tư lệnh Sư đoàn, Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Bộ tham
mưu, và các Trưởng phòng sở của hành chánh để Thủ tướng nói chuyện.
Trước khi Thủ tướng đến, tôi đã nói chuyện với anh em có mặt tại hôm đó
rằng tình hình khẩn trương, anh em phải nói lên sự thật đang xảy ra
trong thực tế tại nơi nầy để Thủ tướng biết rõ tình hình và giải quyết
cấp thời, chứ đừng có giữ thái độ “trình thưa dạ bẩm” trong lúc nầy nữa.
Phải thẳng thắn mà nói lên sự thật. Nhưng sau khi Thủ tướng nói chuyện
xong, đến phần thắc mắc thì cũng chẳng có ai nói gì cả. Tôi rất buồn vì
anh em không chịu nghe lời tôi để nói cho Thủ tướng biết những sự thật
về tình hình hiện nay. Duy chỉ có một mình Ðại tá Kỳ , tỉnh trưởng tỉnh
Quảng Trị, có hỏi một câu: “Thưa Thủ tướng, trong mấy ngày vừa qua, có
một số công chức đã tự ý rời bỏ nhiệm sở không đến làm việc, thưa Thủ
tướng, phải dùng biện pháp gì để trừng phạt những người đó? Câu hỏi thật
hay, nhưng Thủ tướng không trả lời và lảng sang chuyện khác. Vì Thủ
tướng làm sao nói được khi lệnh trên đã muốn giải tán Quân đoàn I và
Quân khu I càng sớm càng tốt.
Ðúng ngày 22 tháng 3 năm 1975,
tôi được lệnh rút Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến về giữ Nha
Trang. Ngày 29 tháng 3, cộng quân tràn vào Ðà Nẵng với những trận giao
tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một
Lữ đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi tàu chạy ngoài khơi, Tổng thống Thiệu
liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm lại Ðà Nẵng. Tôi trả lời ngay là bây
giờ tôi lấy ai để theo chân tôi tái chiếm Ðà Nẵng? Lính tráng đã phân
tán mỗi người một nơi. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát. Làm sao tôi có
thể làm chuyện đó (tái chiếm Ðà Nẵng) được? Sau đó tôi được lệnh cho
Hạm trưởng ghé tàu vào Cam Ranh, bỏ hết Thuỷ Quân Lục Chiến xuống, rồi
chỉ chở một mình tôi về Sài Gòn. Tôi không chịu mặc dù lúc đó tàu đã cập
bến Cam Ranh rồi.
Tôi nhờ Hạm trưởng gọi về Bộ Tổng tham mưu
xin cho anh em Thuỷ Quân Lục Chiến được về Sài Gòn tĩnh dưỡng nghỉ ngơi
cùng tôi. Còn nếu không thì tôi sẽ ở lại Cam Ranh và đi theo anh em Thuỷ
Quân Lục Chiến và cùng nhau chiến đấu. Sau đó, Sài Gòn bằng lòng cho
tàu chở tất cả về Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn tôi được bổ nhiệm
vào Bộ Tư lệnh Hành quân lưu động ở Bộ Tổng tham mưu. Khi vào đây, tôi
gặp Phó Ðề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải) và
Chuẩn tướng Nguyễn Văn Khánh (Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân) đang ngồi
viết bản tự khai, và Trung tướng Thi thì bị phạt quản thúc về tội bỏ
Huế. Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy. Họ đâu có tội
gì. Họ chỉ thi hành theo đúng lệnh mà lại bị phạt thì quả thật bất công.
Tướng Thi thực sự là người chống lại việc bỏ Huế. Lúc trước,
khi nghe tôi cho biết là Tổng thống đã ra lệnh bỏ Huế thì Tướng Thi đã
trả lời thẳng với tôi rằng: “Xã ấp tốt quá mà bỏ làm sao?” Vậy mà bây
giờ ông lại bị phạt giam quản thúc. Những vị tướng nầy bị phạt quá oan
uổng vì họ xứng đáng gấp mấy trăm lần những ông Tướng phè phỡn tại Sài
Gòn.
Hôm sau, trong buổi họp tại Bộ Tổng tham mưu, tôi có nói
rằng: “Việc phạt Tướng Thi và hai Tướng Thoại và Khánh là không đúng. Họ
chỉ là thuộc cấp của tôi. Họ chỉ làm theo chỉ thị của tôi mà thôi. Họ
không có tội gì cả. Nếu có phạt thì xin hãy phạt tôi đây này.” Phòng họp
lặng ngắt. Ðại tướng Viên nhìn qua Trung tướng Trần Văn Ðôn. Tướng Ðôn
mới đi Pháp về, mới đảm nhận chức Tổng trưởng Quốc phòng. Có thể vì vậy
mà Tướng Ðôn mới không biết là Tổng thống Thiệu đã trực tiếp ra lệnh cho
tôi bỏ Huế, nên Tướng Ðôn làm đề nghị phạt Tướng Thi vì đã bỏ Huế mà
rút lui. Mà Tổng thống Thiệu lại không dám nói sự thật với Tướng Ðôn, và
chỉ ký lệnh phạt. Sau đó, Tướng Lê Nguyên Khang, với giọng giận giữ đã
buột miệng nói: “Anh em chúng tôi không có tội tình mẹ gì cả!”.
Tiện đây, tôi cũng xin nói về trường hợp ra đi của Tướng Thoại và Tướng
Khánh. Là vị Tư lệnh trong tay có đến hàng ngàn lính, hàng trăm chiến
hạm lớn nhỏ, nhưng tội nghiệp thay, sau khi hỗn loạn, Tướng Thoại đã bị
bỏ quên không ai chở đi khỏi Bộ Tư lệnh ở Tiên Sa, và ông đã phải đi bộ
qua dãy núi phía sau bờ biển. May nhờ có một chiếc tàu nhỏ của hải quân
mà anh em trên tàu lúc đó cũng còn giữ kỹ luật, thấy Ðề đốc Thoại ở đó,
họ ghé vào chở Tướng Thoại đi chứ nếu không lại cũng chẳng biết sau này
sẽ ra sao. Còn Tướng Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân đã không đủ
nhiên liệu để bay xa mà phải đáp trực thăng tại một bãi cát ở Sơn Trà
rồi lội ra tàu. Cũng may lúc đó gặp tàu HQ404 và đã cùng tôi về Sài Gòn.
NGÔ QUANG TRƯỞNG
No comments:
Post a Comment