Monday, February 6, 2012

Nga chơi ván bài đầy rủi ro trong hồ sơ Syria

Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc  VItaly Churkin phát biểu trong phiên họp Hội đồng Bảo an hôm 4/2/2012, tại đây Nga đã phủ quyết nghị quyết của Liên hiệp quốc về Syria.
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc VItaly Churkin phát biểu trong phiên họp Hội đồng Bảo an hôm 4/2/2012, tại đây Nga đã phủ quyết nghị quyết của Liên hiệp quốc về Syria.
REUTERS/Allison Joyce

Ngày mai, 07/02/2012, Ngoại trưởng Sergueil Lavrov và giám đốc cơ quan tình báo Nga Mikhail Fradkov, sẽ sang Damas, sau khi Matxcơva phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Syria. Theo giới phân tích, dường như Nga đang tìm cách thực hiện kế hoạch « tháo dỡ có kiểm soát » chế độ của tổng thống Bachar Al Assad.

Nói một cách khác, Matxcơva đang tính toán thực hiện việc thay đổi thể chế chính trị tại Syria sao cho bảo đảm tốt nhất các quyền lợi của mình trong khu vực.
Ông Sergueil Lavrov không tiết lộ mục đích chuyến công du Damas. Nhưng trong một thông cáo được công bố hôm qua, 05/02, bộ Ngoại giao Nga cho biết là hai sứ giả cao cấp của nước này sẽ cố gắng thuyết phục tổng thống Syria chấp nhận các thỏa hiệp. Theo bản thông cáo, nước Nga kiên quyết tìm kiếm sự ổn định tình hình tại Syria một cách nhanh nhất, bởi vì đã đến lúc phải nhanh chóng thực hiện các cải cách dân chủ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Ngoại trưởng và giám đốc tình báo Nga là quá to lớn và đầy khó khăn: Làm thế nào mà Nga có thể khai thác được các mối quan hệ truyền thống với chế độ Syria để thu được một số kết quả và không làm mất đi ảnh hưởng vững chắc của Matxcơva tại Trung Cận Đông?
Quan hệ của chính quyền Damas với Liên Xô trước đây cũng như với nước Nga hiện nay được kết nối bởi các hợp đồng vũ khí béo bở nhiều tỷ đô la. Syria là một trong những thị trường quan trọng của ngành công nghiệp quân sự Nga và cũng là nơi duy nhất mà Nga có một căn cứ hải quân ở bên ngoài biên giới quốc gia.
Nhiều nhà quan sát cho rằng việc Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an ngày 04/02 vừa qua không hẳn là nhằm bảo vệ tới cùng chế độ của tổng thống Bachar Al Assad, hay hy vọng là tình hình Syria sẽ quay trở lại như trước hồi tháng Ba năm 2011.
Thực ra, Nga bỏ phiếu chống trong bối cảnh thủ tướng Vladimir Putin ra tranh cử để trở lại làm tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng Ba tới. Qua quyết định này, ông Putin muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng là Matxcơva chống lại các sáng kiến của phương Tây dẫn đến những thay đổi chính trị tại các quốc gia có chủ quyền và đặc biệt là bảo vệ lợi ích địa –chiến lược của Nga.
AFP trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Shashank Joshi, thuộc Royal United Services Institute, một tổ chức tư vấn quân sự Anh : « Nga có hai mục đích tối hậu : Cứu vớt được những gì còn có thể trên con tàu chế độ Assad đang bị đắm chìm và ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây đối với đồng minh quan trọng nhất của Nga trong thế giới Ả Rập ».
Vẫn theo chuyên gia Joshi, trong tình hình hiện tại, tổng thống Bachar Al Assad đang bị sức ép mạnh mẽ đến từ nhiều phía, từ các nước phương Tây, các nước Ả Rập và phong trào phản kháng trong nước, thì lá bài tốt nhất đối với Nga để bảo vệ và duy trì ảnh hưởng của mình là tìm kiếm một sự « dỡ bỏ có kiểm soát, một sự quá độ có kiểm soát hướng tới một chế độ không có Assad nhưng lại có những phần tử trung thành với triều đại Assad ».
Tuy vậy, Matxcơva đang chơi một ván bày đầy rủi ro, thậm chí theo kiểu « được ăn cả, ngã về không ». Với hai lần dùng quyền phủ quyết, bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Syria, lần đầu vào tháng 10 năm ngoái, và lần thứ nhì vào ngày 04/02 vừa qua, Nga đã làm mất đi những cơ may cuối cùng để được các đối thủ của chế độ Assad chấp nhận. Nhà phân tích quân sự Nga, ông Alexander Golts, phó tổng biên tập tờ Yezhednevny cho rằng : « Nếu ủng hộ nghị quyết, Nga có thể duy trì được căn cứ và thậm chí một số hợp đồng của mình ».
Như vậy, dường như nước Nga đang đánh cược vào con ngựa tồi. Hơn nữa, sự tê liệt của Liên Hiệp Quốc do việc Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết có thể làm gia tăng bạo lực tại Syria và làm cho cuộc xung đột trở nên quyết liệt hơn, trừ phi Nga đạt được sự ra đi của tổng thống Assad cùng một số tướng lĩnh trong quân đội, cảnh sát gắn bó với chế độ này.
Ông Ghassan Ibrahim, một nhà ly khai Syria, hiện đang làm chủ trang thông tin trên mạng Global Arab Network, ở Luân Đôn tóm tắt như sau: « Người Nga nghĩ rằng thời của Assad đã kết thúc và đang nghĩ đến các phương cách để bảo vệ vị trí của họ trong vùng này. Syria là cửa ngõ duy nhất của Nga để vào nơi đây và cũng là điểm lan tỏa ảnh hưởng của họ. Nga sẽ bảo vệ vị trí của mình nhưng liệu họ có đủ quyền lực để thao túng ông Assad hay không ? ».
Thái độ, tính toán của Nga trong hồ sơ Syria không phải là điều mới mẻ. Matxcơva đã từng có những sáng kiến tương tự trước khi Mỹ tấn công Irak vào năm 1991, rồi vào năm 2003 lật đổ chế độ Saddam Hussein, hay tại Beograde, năm 1999, trong chiến dịch của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO oanh kích Serbia. Trong những lần đó, các sáng kiến của Nga đều không giúp đạt được những nhượng bộ cần thiết, giúp tránh hoặc ngăn chặn được xung đột.


http://www.cartoonmovement.com/depot/cartoons/2012/02/HkbhC0fkSRGveFj1E7nt8Q.jpeg
The Partner

http://blogs.telegraph.co.uk/news/files/2012/02/syria-russia_2129989b-460x288.jpgProtesters in Syria burn Russian and Chinese flags

TRUNG QUỐC - Bài đăng : Thứ hai 06 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 06 Tháng Hai 2012

Trung Quốc giải thích việc phủ quyết nghị quyết về Syria

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Basha Jaafari  trao đổi với  đại sứ Trung Quốc  Lý Bảo Đông  (trái) tại Hội đồng Bảo an  hôm 04/02/2012.
Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Basha Jaafari trao đổi với đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông (trái) tại Hội đồng Bảo an hôm 04/02/2012.
REUTERS/Allison Joyce

Hôm nay, 06/02/2012, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng giải thích vì sao Bắc Kinh dùng quyền phủ quyết trong cuộc họp ngày 04/02 của Hội đồng Bảo an để bác bỏ dự thảo nghị quyết về Syria.

Đối với Trung Quốc, việc phủ quyết không đồng nghĩa với việc ủng hộ chế độ của tổng thống Bachar Al Assad. Chính quyền Bắc Kinh chỉ muốn tránh cách tiếp cận vấn đề « giản lược » về tình hình Syria.
Xã luận của Nhân Dân nhật báo thừa nhận rằng « tình hình tại Syria tiếp tục xấu đi và số nạn nhân là thường dân tiếp tục tăng lên ». Thế nhưng, tờ báo nhấn mạnh là các ví dụ gần đây tại tại Libya, Afghanistan và Irak cho thấy sai lầm trong việc cưỡng chế thay đổi chế độ tại Damas.
Dự thảo nghị quyết thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với kế hoạch do Liên đoàn Ả Rập đưa ra vào cuối tháng Giêng, kêu gọi tổng thống Bachar Al Assad ra đi và chuyển giao một số đặc quyền cho một phó tổng thống, đồng thời trù tính việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Nhân Dân nhật báo viết : « Phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An không có nghĩa là chúng ta để cho các sự kiện đau xót đó tiếp diễn ». Thế nhưng, theo tờ báo, hiện nay, tình hình tại Syria cực kỳ phức tạp. Cách tiếp cận giản lược theo kiểu ủng hộ một phe và trấn áp phe kia có thể là giải pháp làm thay đổi tình thế, nhưng nó lại gieo rắc mầm mống một thảm họa.
Tờ báo cũng nhắc lại những mối lo ngại của Trung Quốc trước các hoạt động được phương Tây hỗ trợ, trong thế giới Ả Rập và những khu vực khác trên thế giới.
Tháng Ba năm 2011, Trung Quốc đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết 1973 áp đặt một vùng cấm bay trên không phận Libya và đòi phải có sự bảo vệ các dân cư trước mối đe dọa của các lực lượng trung thành với chế độ Kadhafi.
Nghị quyết này được coi như một sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc cho phép Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – tiến hành chiến dịch oanh kích Libya dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kadhafi. Trung Quốc và Nga cho rằng phương Tây đã hành động vượt quá sự ủy nhiệm này.
Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, nhận định : « Bất kể nghị quyết về Syria được viết gì trên giấy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc và Nga lo ngại là nghị quyết này tạo tính chính đáng cho một hành động can thiệp quân sự mới. Trong trường hợp của Libya, Trung Quốc đã không dùng quyền phủ quyết và kết quả là các cường quốc phương Tây đã sử dụng vũ lực vượt quá sự ủy quyền của Liên Hiệp Quốc ». Vẫn theo chuyên gia này, « nếu ví dụ của Libya được áp dụng cho Syria thì điều này sẽ còn được áp dụng mãi mãi. Do vậy, lần này, Trung Quốc và Nga rất kiên quyết chống ».
Nhân Dân nhật báo viết : « Libya là một trường hợp tiêu cực. Khối NATO đã lạm dụng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về việc thiết lập vùng cấm bay và đã hỗ trợ quân sự trực tiếp cho một bên tham gia cuộc chiến ở Libya".
Tờ báo của Trung Quốc còn nêu ra những « tai họa » xẩy ra tại Irak và Afghanistan, « cũng đủ để làm cho mọi người phải mở mắt ». Theo Bắc Kinh, dùng bạo lực để tránh một thảm họa nhân đạo có thể là đáp ứng được phần nào về công lý và trách nhiệm, nhưng các vụ tấn công và khủng bố không ngừng từ hơn 10 năm qua sau khi có sự thay đổi chế độ phải chăng đó cũng là một thảm họa nhân đạo ?


No comments:

Post a Comment