Báo chí Trung Quốc phê phán sự xuống dốc đạo đức xã hộiRFI - Chủ nhật 20 Tháng Mười Một 2011
Tại một chợ bán sỉ rau quả ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 04/11/2011. REUTERS/Stringer
Lê Phước Trước
các vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm, báo chí Trung Quốc đưa ra lời
cảnh báo về hiện tượng con người chạy theo lợi ích mà bỏ mặc an nguy của
đồng bào mình. Trước mãnh lực của đồng tiền, con người có thể làm những
điều trái đạo đức và đi ngược lại với tinh thần văn minh; còn nhà nước
thì lại hạn chế tiếng nói của báo chí về vấn đề trên. Liệu tăng trưởng
có ích gì nếu gây hại đến sức khỏe và lợi ích của người dân ? Hồi đầu
thế kỷ 19, Napoléon đệ nhất đã từng tiên đoán : « Khi Trung Quốc tỉnh
dậy thì thế giới sẽ bị khuynh đảo ». Rồi cách đây 30 năm, nhà ngoại giao
nổi tiếng của Pháp Alain Peyrefitte đã lấy lại câu này làm tựa đề cho
quyển sách của mình. Báo chí Pháp cũng từng nhận định rằng tiên đoán này
đã thành hiện thực do sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Tuy nhiên,
báo chí cũng không ít lần phanh phui mặt trái của sự phát triển chạy
theo chỉ tiêu bằng mọi giá của nước này, trong đó nổi trội nhất là vấn
đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuần san
Courrier International tuần này dẫn lại một số nhận định của chính báo
chí Trung Quốc với hàng tít lớn chạy trên trang nhất khá mỉa mai : « Khi Trung Quốc bị ngộ độc thì… ».
Trước
tiên, tờ báo lược lại các vụ tai tiếng « rình rang » nhất trong lĩnh
vực an toàn thực phẩm. Đó là vụ hải sản bị nhiễm kim loại nặng có khả
năng gây ung thư, do rác thải độc hại của các nhà máy công nghiệp. Đó là
việc dùng phẩm màu độc hại cho bánh bao. Đó là vụ hàng loạt dưa hấu
trên rẫy bỗng dưng bị nứt do lạm dụng thuốc dưỡng. Đó là vụ sử dụng phẩm
màu độc hại để tạo màu cho tiêu … và còn biết bao vụ khác nữa.
Từ
đó, tờ báo dẫn lại bài trên Renminwang (mạng Nhân dân) Trung Quốc với
dòng tựa : « Một nền đạo đức làm bằng đậu hũ ». Dòng tựa cũng là lời
cảnh báo về hiện tượng con người chạy theo lợi ích mà bỏ mặc an nguy của
đồng bào mình. Con người cụ thể ở đây không chỉ là giới kinh doanh, mà
còn có cả cán bộ, công chức. Trước mãnh lực của đồng tiền, con người có
thể làm những điều trái đạo đức và đi ngược lại với tinh thần văn minh.
Bài viết đặt câu hỏi : Tại sao nền đạo đức của người Trung Quốc lại
xuống dốc như vậy ?
Câu trả lời thì có nhiều : Khi lợi nhuận càng
cao thì khả năng xa rời đạo đức càng lớn, khi xã hội càng biến chuyển
nhanh thì các qui chuẩn đạo đức sẽ bị chao đảo… Điều đó gây ra nhiều hậu
quả cho xã hội, mà nghiêm trọng nhất có lẽ là : Nếu cán bộ công chức và
các đại gia trong giới kinh doanh bị băng hoại đạo đức, thì người bình
dân có thể bắt chước theo họ, đúng như câu « Thượng bất chính hạ tắc
loạn » của người Trung Quốc.
Tờ báo cảnh báo : Nếu tình trạng này
không cải thiện, thì con người sẽ càng lúc càng tiến về phía chữ « Con
». Tuy vậy, theo tờ báo, ngay cả loài vật, khi chúng ăn phải cỏ độc,
chúng còn biết báo động cho đồng loại, trong khi đó lại có những người
nhẫn tâm cung cấp cho đồng loại mình thực phẩm độc hại có nguy cơ đe dọa
nòi giống.
Chính quyền không đứng về phía người dân ?
Trong
khi tình hình ngày một tồi tệ, thì chính quyền lại tìm cách bịt miệng
báo chí. Courrier International dẫn lại bài của tuần san Tin tức Trung
Quốc thể hiện phản ứng của giới báo chí. Bài viết chạy dòng tựa kêu cứu :
« Hãy giúp báo chí lên án tiêu cực ».
Tác giả nhắc lại việc vừa
rồi người phát ngôn của Bộ Y tế Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường kiểm
soát tin tức có liên quan để ngăn chặn thông tin sai lệch, ai đưa tin
thiếu chính xác sẽ bị đưa tên vào danh sách đen.
Từ đó, tác giả
cho rằng, trong khi tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tồi
tệ, thì thật ngạc nhiên khi mà Bộ Y tế lại muốn bịt miệng báo chí. Bởi
xét kỹ, chính báo chí đã phanh phui hàng loạt xì-căng-đan thực phẩm vừa
qua. Tại sao không để cho báo chí phát huy hết khả năng phản ánh xã hội
của mình, từ đó nhà nước cũng dễ dàng phát hiện và xử lý tiêu cực hơn?
Nếu hạn chế tiếng nói của báo chí thì người dân sẽ mù tịt thông tin, sức
khỏe cộng đồng sẽ bị nguy hại.
Tác giả nhấn mạnh, tuyên bố nói
trên của đại diện Bộ Y tế khiến người ta nghĩ rằng, bộ này chỉ quan tâm
đến lợi ích của các nhà công nghiệp và sự phát triển kinh tế.
Theo
tác giả, nguyên nhân chính của thái độ nói trên chính là tham vọng tăng
trưởng kinh tế bằng mọi giá, một « tín ngưỡng mù quáng » đã ăn sâu vào
tâm trí của giới lãnh đạo nước này. Thế nhưng, tác giả đặt câu hỏi :
Tăng trưởng có ích gì nếu không giải quyết được những vấn đề nói trên,
những vấn đề có thể gây hại đến sức khỏe và lợi ích của người dân ?
|
No comments:
Post a Comment