Dối trá và mê tín chính trị
Nguyễn Khắc Mai
Trong
loạt bài có nhan đề “Những cuộc tranh luận về báo chí”(
Mác-Ăng ghen toàn tập T1.NXBCTQG 1995), C.Mác đã lên án tệ giả
dối. Để biết ông quyết liệt lên án tệ đó như thế nào, hãy
đọc những dòng trích dẫn sau đây: “Tệ lớn nhất – tệ giả
dối, gắn với báo chí bị kiểm duyệt, tệ xấu căn bản này là
nguồn gốc của tất cả những thiếu sót khác của nó, trong đó
cả mầm mống của mỹ đức cũng không có, tệ đó là nguồn gốc
của tệ đáng ghét nhất – thậm chí xét theo quan điểm mỹ học
cũng thế – tệ tiêu cực”… “Điều đó dẫn đến cái
gì? Chính quyền chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy
trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối
đó. Còn nhân dân hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị,
hoặc hoàn toàn quay lưng với cuộc sống quốc gia, biến thành
đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư”… “Làm
cho nhân dân quen coi cái phạm pháp là tự do, coi tự do là phi
pháp, coi cái hợp pháp là cái không tự do. Chế độ kiểm duyệt
bóp chết tinh thần quốc gia như thế đó.”(sđd tr105)
Mác coi giả dối là tệ lớn nhất và
nó gắn với chế độ kiểm duyệt báo chí. Vì sao giả dối lại
gắn liền với chế độ kiểm duyệt? Kẻ biện hộ cho chế độ kiểm
duyệt cho rằng phải ngăn không để cho cái sai, cái xấu xuất
hiện công khai trên dư luận. Thậm chí họ còn vạch ra lề phải,
lề trái để thực thi sự kiểm duyệt. Nhưng Mác thì cho rằng chế độ kiểm duyệt “là biện pháp cảnh sát, thậm chí là biện pháp cảnh sát tồi”(sđd
tr98). Thật ra, khi còn sống, Mác chưa biết đến sự sáng tạo
của mô hình Xô Viết về hệ thống “tuyên huấn”. Họ thực hiện
chế độ kiểm duyệt ráo riết chặt chẽ nghiêm ngặt mẫn cán chưa
từng có. Những vụ như Cánh đồng bất tận, hay Bóng của anh hùng là
ví dụ gần nhất ở nước ta. Thế mà đều không ra ngoài dự báo
của Mác, khi Mác nói chế độ kiểm duyệt là gắn với cảnh sát,
gắn với quan chức kiểm duyệt. “Quan chức kiểm duyệt không
chỉ trừng phạt những hành vi phạm tội, bản thân ông ta còn bịa
đặt ra những hành vi phạm tội đó…chính vì vậy mà công việc
kiểm duyệt được giao không phải cho tòa án, mà là cho cơ quan
cảnh sát.” Mác còn giải thích thêm: “Chế độ kiểm duyệt
lên án ý kiến của tôi, vì ý kiến của tôi không phải là ý
kiến của quan chức kiểm duyệt và của cấp trên ông ta.”(sđd tr102)
Hẵng gác lại chế độ kiểm duyệt.
Hãy bàn về ý kiến của Mác về tệ giả dối. Ở đây Mác không
nói về tệ giả dối nói chung như làm hàng giả, hàng có độc
tố hại người mà tiêu biểu là trong nền kinh tế thị trường
định hướng Trung Hoa! Mác muốn nói đến tệ giả dối trong phạm
trù ý thức, đặc biệt là ý thức chính trị.
Lừa dối, dối trá đã bị nhận diện
và lên án ở xã hội VN hiện nay. Cái câu “nói zậy mà không
phải zậy” mấy chục năm nay đã trở thành một ý thức xã hội,
nó khẳng định một lối sống, một lối suy nghĩ, một lối hành
xử. Bắt đầu là một niềm tin ngây thơ, cả tin, về một
sự đổi đời dễ dãi, nó là trạng thái và trình độ văn hóa
của một cộng đồng những cư dân nông nghiệp, trải ngàn năm với
tâm thức mơ ước, tín ngưỡng cổ sơ, rất muốn có sự đổi đời
nhanh chóng và dễ chịu. Rồi giới trí thức và giới chính trị
(cũng một mô hình tâm thức cổ tích như công nông) đã tự mê hoặc
mình và mê hoặc xã hội cũng với những ảo tưởng thiên hạ đại
đồng, thiên hạ vi công…Năm 1937, khá đông trí thức nước
ta cùng một mô hình tâm thức như ông lão nhà quê Nam Bộ ngồi
vót nan và mơ tưởng nước Nga (thơ Tố Hữu). Nhưng A.Gide và cả
A.Einstein nữa cùng thời gian ấy họ đi thăm Liên Xô và nhận định
không thể thành công được. (xem Trở về từ Liên Xô của A.Gide và
Thế giới dưới mắt tôi của A.Einstein.)
Sao chép một mô hình chính trị kinh
tế xã hội xa lạ, lạc hậu, đầy mâu thuẫn, nghịch lý và sử
dụng bạo lực, cả bạo lực tuyên truyền (đáng lẽ tuyên truyền
thì phải tâm công mềm mỏng thuyết phục , lại dùng quyền uy để
tuyên truyền) để bắt dân nghe theo những lý thuyết đầy mâu
thuẫn, nghịch lý, nói lấy được. Đầu năm 2013 mà một chính trị
gia có bằng sắc tuyên bố, không phải xanh rờn mà là đen ngòm,
rằng dân chủ của VN là một triệu lần hơn dân chủ tư sản. Câu
này là của Lênin lừa mị mugich Nga cách đây đã trăm năm, cả lý
thuyết, cả thực tiễn đều chứng tỏ sự hồ đồ! Đáng buồn cho
dân Việt vẫn phải nghe những lời lừa mị như thế. Cái
lối sống nghĩ một đằng, nói một nẻo, làm theo một kiểu khác
đang là hiện thực diễn ra hằng ngày ở nước ta.
Cái hiện thực vua cởi truồng nay cả
già trẻ, gái trai đất Việt đều đã thấy. Chỉ nhà vua và lũ
cận thần bảo hoàng hơn nhà vua là giả vờ không thấy. Tuy nhiên
chuyện vua cởi truồng thì vua xấu hổ, không biết xấu cũng cam
đành. Nhưng từ hiện tượng ấy mà khiến tạo ra hiệu ứng xã hội
như Mác phán đoán mới là điều đau đớn cho dân tộc.
Mê tín chính trị đang là sự
thật ở VN hiện nay. Cùng với một “số không nhỏ” cán bộ và
đảng viên suy thoái nhân cách, đạo đức, có cả một số khá đông
đang họp thành bộ phận “mê tín chính trị” (Họ như đà điểu rúc
đầu vào trong cát để quên đi bão cát đang diễn ra). Dường như
người ta đang cố ý, đang cố gắng để duy trì tình trạng mê tín
chính trị này. Gần đây, khi đã trở về vườn cũ, nơi
cái vườn Mai xưa (Mai trang) ở thôn Vỹ Dạ Huế, Nguyễn Khoa Điềm
đã bắt quả tang cái tệ này, khi nhà thơ viết :
…Sự tầm thường thật kín kẻ,
Mặc những tấm áo đúng thời tiết,
Tụ tập trên các Diển đàn,
Nói những lời rỗng.
Đồng phục các cuộc thảo luận đại sự.
Trên các diễn đàn thì nói lời
rỗng, thảo luận đại sự thi đồng phục, nghĩa là chỉ có một
tiếng nói. Đồng phục cả trong những chuyện đại sự, đắng lắm
chứ.
Một bộ phận khác, không tin gì nữa
thì quay ra lo việc riêng tư không lý gì đến chuyện quốc nước
gia nhà nữa! Có phải đây cũng là một hiện thực đắng lòng
không?
Chỉ có một con đường, là làm cho
vua biết xấu hổ rằng mình đang cởi truồng. Ông Các Mác cũng
là người sâu sắc khi nói về tình cảm xấu hổ. Ông nói xấu hổ
cũng là một tình cảm cách mạng …Xấu hổ là một loại nỗi
giận nhưng chỉ hướng vào bên trong. Và nếu như cả một dân tộc
cảm thấy xấu hổ, thì nó sẽ giống như con sư tử thu mình laị
đễ chuẩn bị nhảy. (C.Mác. Những bức thư trong Niên giám Pháp-Đức.TI
NXST (bộ cũ) tr487). Ngày nay để cho “vua”biết xấu hổ có hai
cách. Một là có những cận thần sáng suốt trung thực dám vạch
cho vua thấy chỗ sai, dối trá.Và hai là có tự do tư tưởng,
báo chí. Hãy mở Diễn đàn Diên Hồng đại biện luận và như NKĐ
nói chớ mặc đồng phục! Có nhiều ý kiến cọ xát may ra mới vỡ
lẽ ra chân lý. Chứ cứ bo bo theo dự báo của Ăng ghen làm “lũ
quan liêu không bao giờ mắc sai lầm” thì vô phương.
Những người có chút lương
tri, từ rất lâu đã cảnh tỉnh tệ nạn này, chính Hồ Chí Minh
cũng từng cay đắng nhận xét: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng.”(HCM Toàn tập T6 Bài Cần tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh).
Nhưng tại sao tệ nạn này kéo dài, phổ biến, ngày càng trầm
trọng. Có người nói, không ai lại đi chủ trương lừa dối. Cơ mà
nó đã thành cố tật, bây giờ lại gắn với quyền hành và lợi
lộc. Khó bỏ. Duy trì những cái “biết” sai, cố biện
luận cho nó bằng mọi thủ đoạn bất chấp hay dở, có thật văn
minh đạo đức không, đang làm biến dạng tâm thức của xã hội,
khiến cho những cái vốn xã hội trong sáng, lành mạnh không nảy
nở được. Nguyên khí không được phát huy, thế nước đang đi xuống
là nỗi lo lớn,là nguy cơ của Dân của Nước.
Trong vô vàn lối lừa dối, thủ đoạn thường được sử dụng khá có kết quả là trò đánh tráo khái niệm.Người
ta cố tình làm lẫn lộn hai khái niệm rất cơ bản. Một là
những giá trị tư tưởng xã hội với cái gọi là chế độ xã hội
xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng xã hội có những giá trị nhân văn
của nó. Còn cái phạm trù chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa
thì về lý thuyết chưa chứng minh được,về thực tiễn là mô hình
Xô viết đã phá sản hoàn toàn. Khi nhân dân có nhu cầu
về một nhà nước tổ chức theo nguyên lý tam quyền phân lập, thì
đánh tráo khái niệm, biến thành lý luận “có sự phân công
rạch ròi giữa ba cơ quan quyền lực nhà nước. Giữa hai
khái niệm phân lập và phân công hoàn toàn khác nhau về nghĩa.
Ý nghĩa của phân lập là nhấn đến cái triết lý có chiều sâu,
còn nghĩa của phân công chỉ là nói cái bề nổi về chức năng
của ba bộ phận cấu trúc của nhà nước mà thôi. Phân công là
chuyện đương nhiên, vì chã nhẽ Quốc hội lại đi xử án! Tại sao
có thể dễ dàng đánh tráo khái niệm, cái chính là đã tồn
tại cái hiện thực “mê tín chính trị” trong xã hội.
Dân Việt cả ngàn năm theo đạo Phật. Vẫn mong có một sự đốn ngộ. “Buông dao thì thành Phật!”
Kinh Kim Cương cũng có câu thần chú
Gate, Gate, Paragate,Parasamgate, Bodhisastva! (Bỏ đi, bỏ đi, hãy bỏ
đi, hãy tự bỏ đi, hỡi người giác ngộ!) Mà những Phật thoại
cũng kể chuyện những kẻ dối lừa, không chịu sám hối, khi
xuống địa ngục sẽ bị quỷ dạ xoa cắt lưỡi!
Việc xóa bỏ dối trá, chẳng còn là của riêng ai nữa./.
Tác giả gửi QC
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
……………………………
Phần tô màu là của QC, để nhấn mạnh
(Theo Quechoa.vn)
No comments:
Post a Comment