Tiễn đưa Cụ Nguyễn Quang Toại, Cựu SVSQ Trừ Bị

 Thủ Đức Khóa II, Cựu Trung Tá Không Quân 

QLVNCH, về cõi vĩnh hằng

Kính thưa quý vị,
Ngày 17/5/2012, trong số báo đặc biệt tiễn đưa Cụ Nguyễn Quang Toại, Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Khóa II, Cựu Trung Tá Không Quân QLVNCH, về cõi vĩnh hằng, tuần báo Sàigòn Times Úc Châu đã có những bài vở, xin được kính chuyển đến quý vị:

1. Hành Quân Vào Cõi Vĩnh Hằng của Võ Đại Tôn
2. Tưởng Nhớ Cụ Nguyễn Quang Toại của Hữu Nguyên
3. Như Một Lời Từ Biệt của Phạm Thanh Phương
4. Cảm Ơn Đời Có Bác của Hoàng Tuấn
5. Thơ Tiếng Lòng của Phạm Thanh Phương
6. Thơ Khóc Bác của Diệu Huyền
Ngoài ra, do yêu cầu, chúng tôi cũng xin chuyển đến quý vị bài thơ Cụ Nguyễn Quang Toại rất thích nhan đề "TỔ QUỐC - HÀNH TRÌNH BA MƯƠI NĂM" của ông Võ Đại Tôn.

Trân trọng
Hữu Nguyên

Saigon Times
PO Box 409 Bankstown NSW 1885 Australia
T: (612) 9793 2557 - F: (612) 8004 816 - E: info@saigontimes.com.au
 
Hành Quân Vào Cõi Vĩnh Hằng
(Kính gửi Hương Hồn Bác Nguyễn Quang Toại, Người Lính Già Khả Kính)
Võ Đại Tôn
Chiều nay, tuy không bất ngờ trước lẽ Vô Thường của cuộc đời, nhất là vào tuổi hoàng hôn, nhưng khi nhận được tin Niên Trưởng Nguyễn Quang Toại vừa ra đi, tiếp bước Hành Quân vào Cõi Vĩnh Hằng, lúc 7:50 tối thứ Tư, 9.5.2012, hôm qua, tôi thực sự ngậm ngùi, nhìn ra khung trời chiều ảm đạm, mới đó mới đây!... Tháng trước, tôi đã vào viện dưỡng lão, ngồi cầm tay Bác Toại để hàn huyên tâm sự, kể cho nhau nghe bao chuyện “trên trời dưới đất” và cười vui về “nhân tình thế sự”, những kèn cựa tranh chấp nhỏ nhen, những tỵ hiềm xuyên tạc, bên lề cuộc đời thường tình và cuộc đấu tranh còn dang dở, luôn cả tội ác làm cho cả Dân Tộc phải chia lìa của chế độ cộng sản Việt Nam mà Bác Toại, thế hệ đàn anh của tôi, đã từng chứng kiến từ Bắc vào Nam. Mỗi lần nghe đến tên tuổi của bất cứ nhân vật nào, đương thời hay đã ra đi, đã đào xới tiểu dị mà quên đi đại đồng, Bác Toại mỉm cười, từ tốn nói: “Đều là chỗ anh em cả mà, có lẽ chưa hiểu nhau thế thôi, chúng ta chỉ có một kẻ thù chung là cộng sản...”.
Thông thường, tuổi già hay nhớ về quá khứ với bao “ân oán giang hồ”, bao thăng trầm trong cuộc đời đã qua, và tuổi trẻ thì hướng về tương lai với khung trời mở rộng. Riêng tôi, từ khi gặp Bác Toại, hai người lính già nhiều lần cùng đi sinh hoạt Cộng Đồng, biểu tình chống cộng, cùng ngồi bên nhau uống cà phê cạnh đường đời, tôi chỉ cần biết đấy là một Người Lính Già hơn tôi, đáng nể trọng về tuổi tác, về kinh nghiệm sống, xuyên suốt cuộc hành trình từ thuở bắt đầu cuộc chiến ngoài Bắc, và qua bao cuộc hành quân tại miền Nam, công tác tại Lào,  để bảo vệ nền Tự Do cho quê hương Dân Tộc. Tôi chưa bao giờ tò mò hỏi Bác Toại có bao nhiêu huy chương, vì tất cả danh vọng tiền tài đều là phù du, điều quan trọng là đã góp công gì với núi sông trong lý tưởng Quốc Gia vì Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm của một người lính trong thời chiến cũng như đời thường, luôn cả trên bước đường lưu vong hiện tại. Một chiến hữu vừa trao đổi điện thư với tôi về tin Bác Toại đã vĩnh biệt anh em đồng đội, có viết: "Rồi ai cũng phải ra đi... Điều quan trọng là khi ra đi có được trọn vẹn tiết tháo, liêm sỉ, của một con người như Bác Toại hay không?...”. Tôi cũng nghĩ suy như vậy. Rồi lại có một người bạn điện thoại cho biết: “Chiều hôm qua, có đem báo vào viện dưỡng lão cho Bác Toại đọc nhưng được biết là Bác đã được chuyển đi bệnh viện rồi. Sáng nay lại được tin Bác đã ra đi. Tờ báo vẫn còn trong xe...”.
Tôi lại nhìn ra khung trời chiều với vài vệt nắng còn sót lại. Sương lạnh se lòng. Tôi nhớ lời khuyên của Bác Toại nói cùng tôi trong buổi gặp cuối cùng. “Công cuộc kháng chiến phục quốc dù thành công hay thất bại thì Ông cũng đã một lần tận hiến. Khi Ông ở tù, tôi đã luôn cầu nguyện. Bây giờ, nếu còn sức khỏe, còn khả năng, mong Ông cứ tiếp tục công việc cùng anh em. Nếu chưa về lại quê hương được thì cũng cố giữ cho Cộng Đồng khỏi bị đánh phá tan nát hết, rồi chẳng biết phải vượt biển một lần nữa đi về đâu?”... Bác lại tâm sự tiếp, mặc dù giọng nói đã khàn đục: “Thế hệ của Ông và tôi, chúng mình đều học tiếng Pháp. Ông có còn nhớ Tổng Thống Pháp Charles De Gaulle đã nói gì không? Trước khi Ông De Gaulle qua đời, cận thần có hỏi ý kiến là trên bia mộ nên khắc chức vụ trước sau như thế nào? - Vị Cứu Tinh Dân Tộc – Anh Hùng Cứu Quốc – Anh Hùng Giải Phóng Đất Nước - Thiếu Tướng Quân Đội - Tổng Thống?... Ông De Gaulle đã căn dặn: - Không cần viết dài dòng, tốn công tốn chỗ, chỉ khắc một cái tên Charles De Gaulle là đủ rồi!...  Trong cuộc đời này, rồi tất cả cũng sẽ qua đi, một cái tên dù nhỏ hay lớn cũng có thể lưu lại cho con cháu, miễn sao không mang lại sự nhục nhã cho giòng họ, cho tập thể,  là đủ rồi”... Chúng ta cứ thế mà bình thản ra đi... Cuộc hành quân vào cõi vĩnh hằng còn dài mà... Nếu đi được, tôi sẽ đi Canberra để tham gia biểu tình ngày Quốc Hận 37 năm này với anh em...”  
Tôi lại miên man nghĩ tiếp. Trong lớp đàn anh của tôi, trên dưới 90 tuổi như Bác Toại, gần đây tôi lại mất thêm hai người, đều là Niên Trưởng trong quân đội và là anh em kết nghĩa trong đời của tôi. Biết bao thâm tình, biết bao kỷ niệm vui buồn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là cố Đại Tá Nguyễn Văn Y và cố Đại Tá Cao Tiêu. Khi tôi vào viện dưỡng lão ở Hoa Thịnh Đốn thăm Đại Tá Y, ông ngồi trên xe lăn nhìn tôi không nói được. Lúc ra về, tôi đứng nghiêm chào kính ông ta, đột nhiên cánh tay ông ta phát động, cũng đưa lên chào trả lại. Mọi người đều cảm động, bất ngờ, vì từ lâu nay người Anh kết nghĩa của tôi không còn cảm giác, gần như bại liệt. Dường như tôi thấy nơi khóe mắt ông ta có một giọt lệ cuối đời chảy ra, mờ đục. Khi về lại Cali, tôi điện thoại thăm người Anh thứ hai là Đại Tá Cao Tiêu. Ông ta trả lời giọng yếu ớt, phều phào khó thở, rồi như chợt nhớ lại điều gì: “Có còn nhớ chuyến công du Đài Loan năm 1970 của bọn mình không? “Moa” muốn trở lại đó một lần nữa, phong cảnh đẹp quá, nhưng dù sao cũng không đẹp bằng quê hương mình... Thôi, “toa” nhớ giữ sức khỏe nhe... Còn nhiều việc phải làm... "Moa” yếu lắm rồi... Chẳng biết làm sao mà về lại được đất nước mình”... Chiều hôm sau, có người con của Đại Tá Cao Tiêu tìm gặp tôi và đưa một lá thư nhỏ viết vội vài dòng:  “Mấy đứa con về thăm, có cho “moa” vài trăm, gửi “toa” một nửa, đi uống cà phê, thuốc lá, và cứ tưởng như là có “moa” ngồi chung với nhau là tốt rồi...”. Khi tôi về lại Úc thì được tin cả hai người Anh của tôi trước sau lần lượt ra đi... Cuộc đời thực sự là Vô Thường, nhưng những lời khích lệ trước đây của các bậc Đàn Anh của tôi đang nâng tôi đứng dậy, vượt thắng nhiều trở ngại và những nỗi cô đơn.
Bây giờ thì tới phiên Bác Toại. Có một lần ngồi nói chuyện với nhau, chợt Bác hỏi tôi: “Trong tù, hơn 10 năm, ngoài các việc như bị tra tấn đánh đập, không tin tức gia đình, thiếu thốn mọi thứ, có điều gì Ông nhớ mãi không?”. Tôi suy nghĩ trả lời, có nhiều việc đáng ghi nhớ, nhưng có một triết lý Sống mà tôi không bao giờ quên được, đang cố gắng thực hiện mỗi ngày. Một hôm, vào năm 1989, sau khi tôi đã ở tù tại trại Thanh Liệt, Hà Nội, hơn 8 năm, vách tường ở đầu dãy Khu D bị sụp. Tù nhân các xà lim khác được dồn lại tạm ở chung với nhau, chờ sửa chữa vách tường. Có một ông tù già, người Tàu, được chuyển đến ở chung buồng với tôi vài ngày. Ông ta là một đông y sĩ ở Cao Bằng, bị bắt trong cuộc chiến Việt-Trung năm 1979, đã ở tù hơn 10 năm rồi. Nói tiếng Quảng Đông và một ít tiếng Việt. Sau khi biết tôi từ hải ngoại trở về để kháng chiến phục quốc, có một đêm ông ta tâm sự... Vì là thầy thuốc, ông ta đã chữa trị cho các thương binh bộ đội Việt Nam, luôn cả thương binh Trung Cộng. Vì lẽ đó đã bị bắt giam, không biết ngày nào được thả, vì bị nghi làm gián điệp. Ông ta nói: “Mỗi người đều cần phải suy nghĩ và cần có lương tâm cố gắng hoàn thành công việc mà mình cho là đúng nhất, cho Tổ Quốc của mình, cho cuộc đời của mình. Trong tù, ngoài máu ra, còn có những giọt mồ hôi. Phải cố gắng giữ cho những giọt mồ hôi của mình thành những giọt sáng long lanh, để tặng cho Đời, chứ không phải những giọt tanh hôi...”. Tôi đã suy nghĩ thật sâu những lời nói này. Bác Toại ngồi nghe, mỉm cười đôn hậu: “Đấy là một bài học quý. Tuổi già cũng cần phải học mỗi ngày. Bây giờ ở hải ngoại này, chúng ta còn có nhiều cựu quân nhân nhưng ít đồng đội, dù sao, vẫn còn đủ sức để chống lại kẻ thù cộng sản...!”...
Trước khi chào tạm biệt Bác Toại tại viện dưỡng lão, Bác cầm tay tôi và nói: “Trong những bài thơ của Ông, có bài gì đó viết về chữ Tâm mà tôi đã được đọc trước đây, Ông đọc lại cho tôi nghe được không?”. Tôi nói là bài thơ dài quá, không còn nhớ hết, chỉ xin đọc cho Bác nghe hai câu cuối: “Trăm năm còn một chữ Tâm. Thịnh suy giữ vẹn, thăng trầm giữ nguyên”.
Tôi xin gửi lại Bác chữ Tâm đó trong lòng của tôi và xin chào kính lần cuối Người Lính Già Nguyễn Quang Toại mà tôi quý trọng. Trước sau gì chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau trong cuộc Hành Quân vào cõi Vĩnh Hằng. 
Võ Đại Tôn (Đêm 10.5.2012)
*
Tưởng nhớ Cụ Nguyễn Quang Toại

Hữu Nguyên (Sàigòn Times – Úc Châu)
Cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là tại Sydney, vô cùng bàng hoàng, thương tiếc khi hay tin, Cụ Nguyễn Quang Toại, Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Khóa II, Cựu Trung Tá Không Quân QLVNCH, đã từ trần tối Thứ Tư, 9/5/2012, nhằm ngày 19/4 năm Nhâm Thìn, tại Bệnh viện Liverpool, Sydney, hưởng thọ 85 tuổi.
Sanh ngày 9 tháng 11 năm 1926 tại Hà Nội, vô trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức ngay từ đầu thập niên 1950 khi còn rất trẻ, Cụ đã đóng góp tâm huyết và công sức cho quê hương đất nước, xuyên suốt thời gian thăng trầm của cuộc chiến tranh chống CS Bắc Việt xâm lăng, qua vai trò của một sĩ quan không quân ngay từ những ngày đầu mới thành lập Không Lực VNCH, và một tuỳ viên quân sự tại Lào, Thái. Sau khi CS cưỡng chiếm Miền Nam, Cụ đã vượt biển đến Hồng Kông tỵ nạn và tới Úc định cư vào đầu thập niên 1980.
Với tấm lòng son sắt dành cho quê hương đất nước, cùng kinh nghiệm của một cựu Trung Tá Không Quân trong cuộc chiến tranh chống CS, hiểu rõ VC là thảm họa cho nhân loại, Cụ đã tiếp tục theo đuổi  lý tưởng và hoài bão chống cộng, quang phục quê hương ngay trên phần đất tạm dung. Trong suốt thời gian mấy chục năm định cư tại Úc, Cụ luôn luôn có mặt trong mọi sinh hoạt đấu tranh và xây dựng cộng đồng. Đặc biệt, trong các cuộc biểu tình tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4, hay phản đối văn công VC, phản đối đài SBS tiếp vận chương trình VTV-4 của CS, Cụ luôn luôn tích cực tham dự và thường xuyên xuất hiện ngay hàng đầu của những người biểu tình. Hình ảnh Cụ ở tuổi ngoài 80, mắt kém, phải chống gậy, luôn luôn có mặt trong các cuộc biểu tình, dù xa xôi hay đêm khuya, mưa gió lạnh lẽo, quả thật đã khích lệ khí thế đấu tranh, làm nức lòng những người biểu tình cũng như người Việt hải ngoại nói chung.
Giầu lòng yêu nước ngay từ thuở thiếu thời, Cụ luôn luôn ngưỡng mộ những tấm gương anh hùng liệt nữ trong lịch sử 4000 năm dựng nước giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái... và các tướng lãnh VNCH đã tuẫn tiết khi Miền Nam rơi vào tay CS, hay những chiến sĩ phục quốc đã hy sinh trên con đường phục quốc, trong đó có Tướng Hoàng Cơ Minh. Với tấm lòng ngưỡng một và kính yêu đó, Cụ đã sang Trung Quốc viếng thăm mộ Phạm Hồng Thái tại Đài Liệt Sĩ Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu. Cụ thường tâm sự, "Tổng Thống Tôn Trung Sơn là người Hoa mà còn biết kính trọng tấm gương liệt sĩ Phạm Hồng Thái cho chôn cất ông cùng với 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, thì tại sao mình là người Việt lại không biết viếng thăm một liệt sĩ để thể hiện lòng kính trọng của mình?"
Ấp ủ hoài bão lật đổ chế độ CS ngay từ khi CS cưỡng chiếm Miền Nam, nên Cụ đã tham gia Mặt Trận Quôác Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và là Khu Bộ Trưởng đầu tiên của Khu Bộ Úc Châu. Trong cương vị lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận, Cụ có dịp tiếp xúc với một số lãnh đạo Trung Ương của MT, nên không lâu sau, Cụ đã kịp thời và sáng suốt nhận ra mầm mống chệch hướng và rút khỏi MT. Mầm mống chệch hướng này phải chờ đến 15 năm sau, mới thực sự ló dạng, sau khi chính Trung Ương của MT quyết định khai tử MT và công khai hóa đảng Việt Tân với đường lối thỏa hiệp với VC, dẫn đến sự ly khai hàng loạt đảng viên ưu tú của MT, trong đó có cả BS Trần Xuân Ninh, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hải Ngoại MT.
Điều đáng quý đặc biệt ở Cụ, là tuy rút ra khỏi Mặt Trận vì bất đồng với đường lối của MT cấp Trung Ương, Cụ vẫn quý mến anh em đoàn viên Mặt Trận, duy trì tốt đẹp mối quan hệ thân hữu với MT, và tham dự một cách chọn lọc những sinh hoạt đấu tranh do MT tổ chức tại Úc.
Là người thẳng thắn, can đảm, giầu kinh nghiệm và bản lãnh trong đấu tranh; nhưng luôn luôn chân thành, tha thiết và tương kính trong cư xử, nên Cụ luôn luôn được nhiều người kính trọng, quý mến, ngay cả những người khác biệt về đường lối đấu tranh, dị biệt về quan niệm thù bạn. Chính vì vậy, hay tin Cụ nằm bệnh viện và viện dưỡng lão, có rất nhiều người đã viếng thăm Cụ, không phải một lần, mà nhiều lần, không chỉ những người ở NSW, mà cả những người ở tận QLD, như ông Huỳnh Bá Phụng... hay ở tận Tây Úc như ông bà Trần Văn Tuyền, cô Diệu Huyền...
Vĩnh biệt trần gian ở tuổi đời 85 sau thời gian hơn nửa thế kỷ tha thiết một lòng, chủ động, tích cực và sáng suốt đóng góp cho quê hương, đất nước, cũng như cộng đồng, Cụ đã để lại muôn vàn tình yêu thương, quý trọng và tiếc nuối trong lòng người Việt, nhất là những người có được cơ hội gần gũi Cụ, được trò chuyện, tâm sự, chia sẻ những hoài bão, lý tưởng cao đẹp với Cụ. Với tình yêu thương, quý trọng và tiếc nuối vô bờ bến đó, mọi người đều tin tưởng, Cụ vẫn hiện hữu trong lòng của tất cả những ai đi theo tâm nguyện và hoài bão của Cụ, để rồi trước sau gì, chúng ta cũng sẽ được gặp lại Cụ "trong cuộc Hành Quân vào cõi Vĩnh Hằng", đúng như ông Võ Đại Tôn đã viết về Cụ trong bài viết "Hành Quân Vào Cõi Vĩnh Hằng" trang 18. Cũng cùng chung ý tưởng cao đẹp, nhìn thấy giá trị vĩnh cửu từ sự ra đi của Cụ, trong lòng những người còn tha thiết với quê hương, dân tộc, trong bài "Như một lời từ biệt" trang 20, nhà báo Phạm Thanh Phương đã kết luận, "Riêng với chúng tôi, sự ra đi của bác chỉ là sự trở về với đất mẹ, bên hồn thiêng sông núi, nhưng tinh thần vẫn tồn tại vĩnh cửu nơi những người còn tha thiết với quê hương, dân tộc". 
 
*
Như Một Lời Từ Biệt
Phạm Thanh Phương (Sàigòn Times – Úc Châu)
Tử biệt, sinh ly là chuyện thường tình của cuộc đời. Tuy nhiên, trước sự ra đi của bác Nguyễn Quang Toại đã đưa đến cho tôi và gia đình một nỗi bàng hoàng xót xa như chính mình đã mất những gì trân quý nhất trong cuộc đời. Sự bàng hoàng xót xa ấy không chỉ là những tiếc thương của cảm tính cá nhân đối với một người thân, một niên trưởng khả kính, mà còn là những xót xa khi mất thêm một chiến sĩ trung kiên, một tấm lòng chính trực trên con đường dang dở của giống nòi. Nói như thế có lẽ nhiều người cho rằng hơi qúa đáng, nhưng với riêng tôi, đó là sự thật. Ngay trong những ngày cuối của cuộc đời, mặc dù với tuổi già, sức yếu, nhưng tinh thần của bác Toại lúc nào cũng tỉnh táo, sáng suốt theo sát thời cuộc và luôn trăn trở với những gian truân, trắc trở của đất nước nói chung và cục diện sinh hoạt đấu tranh tại hải ngoại nói riêng...
Được biết đến bác khi tôi vừa đặt chân đến Úc cách đây gần ba thập niên, lúc ấy bác Toại còn giữ chức Khu Bộ Trưởng Khu Bộ Úc Châu của Mặt Trận Quôác Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (đã đổi tên thành Việt Tân từ năm 2004), nhưng thực sự được tiếp xúc và đi sát với bác mới chỉ được một thời gian ngắn ngủi trên, dưới mười năm. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, bản thân tôi và gia đình đã được học hỏi và tìm thấy trong bác một sự sáng suốt, chính trực, sự tự tin và tự chủ trên đường đời, đặc biệt trong lãnh vực tư tưởng và lập trường chính nghĩa dân tộc. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, có lẽ không có gì có thể làm xoay chuyển, chệnh hướng những bước chân của bác trên con đường định mệnh của đất nước trong suốt cuộc đời. Từ một Khu Bộ Trưởng của một tổ chức có thể gọi là chính danh lúc bấy giờ, nhưng khi bác nhận thấy con đường bị chệch hướng và có nhiều điều khuất lấp, bất chính, ngay từ cuối thập niên 1980, bác đã thẳng thắn phê phán và từ giã, quay về con đường của chính mình... Nhưng điều tuyệt vời, đáng quý hơn ở bác, tuy chia tay Mặt Trận, nhưng bác vẫn gần gũi, quý mến anh em Mặt Trận, vì bác hiểu, đó là những người có lòng với quê hương, đất nước.
Trong những năm cuối cuộc đời, bác đến với gia đình chúng tôi nhiều hơn, hầu như thường xuyên mỗi cuối tuần. Bác tâm sự rất nhiều, hồi tưởng lại quá khứ, trăn trở trong hiện tại mà mơ ước về tương lai. Mơ ước của bác là rất đơn giản nhưng lại diệu vợi xa xăm là làm sao bác được nhìn thấy ánh sáng của quê hương trước khi ra đi khỏi cuộc đời này. Nhưng rất tiếc những mơ ước ấy không đến kịp khi định mệnh không thể đợi chờ. Trong những tâm sự của bác khi đến với gia đình chúng tôi, thường được chia ra hai lãnh vực, bác thường tâm sự với tôi về những hoạt động, vui buồn từ khi nhập ngũ, sinh hoạt trong quân chủng Không Quân, khi làm việc với chức vụ Tùy viên quân sự của VNCH tại Thái và Lào, cho đến những ngày tham gia Mặt trận QGTNGPVN và lý do tại sao bác từ giã măt trận,v,v.. Ngoài ra bác cũng thường tâm sự với nhà tôi về đời sống và tình cảm của một thời trai trẻ. Trong những lúc tâm sự ấy, trên khuôn mặt của bác cũng mang hai hình ảnh khác nhau của hai trạng thái. Một hình ảnh vui tươi, sáng lạng khi tâm sự về đời sống tình cảm quá khứ và một khuôn mặt trầm tư, khắc khoải khi nói về thời cuộc và những hoạt động đấu tranh. 
Trong những lúc hàn huyên tâm sựï, bác thường nhắc nhở tôi: "Khi đã chọn cho mình một con đường chính nghĩa, phải trung thành tuyệt đối với con đường ấy, không vì bất cứ lý do có thể làm cho mình chao đảo chệnh hướng. Những gian truân, trắc trở của của kẻ thù hay từ những kẻ thiếu lương thiện đưa đến cho mình, sẽ không đáng gì đối với nỗi đau chung của dân tộc và nỗi nhục của quê hương, phải cố gắng bình tâm đi hết con đường của mình. Con đường đi tìm ánh sáng cho quê hương, chắc chắn không phải là một xa lộ êm ả, thênh thang. Vì vậy hãy bước đi bằng những bước tự tin vững chắc, hãy gạt bỏ những tạp niệm và phiền toái tầm thường vị kỷ của thế nhân... Nếu lỡ cộng tác với một phe nhóm hay tổ chức, khi nhận thấy sai trái, phải can đảm từ bỏ trở về con đường chính, đừng vì tự ái, nể nang nhau, hay vì quyền lợi để cứ mãi phải ngụp lặn trong cái vũng lầy ấy, bất lợi cho hiện tại, di hại cho tương lai... Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, là một con dân Việt Nam, hơn nữa là một người lính, không có gì quan trọng hơn Danh dự- Tổ quốc- Trách nhiệm...". Với những lời nói này, riêng tôi xem như lời giáo huấn của một người cha, một người thầy hay một vị niên trưởng trong quân ngũ, đó cũng là một cẩm nang, một nhân sinh quan chính trực, cần phải ghi nhớ và mang theo suốt cuộc đời... Từ đó, tôi đã nhìn thấy nơi bác một sự chung thủy với chính mình, với gia đình và với tổ quốc.
Có những lúc rất buồn, nét mặt bác mang nhiều ưu tư khi nói về hiện tình của đất nước, bác thường thở dài khi nhìn về quê hương với những hình ảnh băng hoại, đói rách của xã hội và sự khắc nghiệt của một bầy lang sói đã khiến những bé gái thơ ngây phải lún sâu trong vũng lầy nhơ nhớp của nhân loại để tìm miếng ăn độ nhật, những cụ già thất thểu moi từng đống rác, bệnh hoạn không thuốc thang, những trẻ em thất học lăn lóc ngoài đường, ngửa tay van xin lòng "từ tâm" nơi những xa hoa lãng phí từ những đôi mắt ráo hoảnh, lạnh lùng của tầng lớp "cán cốt" ăn trên ngồi chốc. Những khủng bố, bắt bớ vô nhân đối với những con người còn mang nặng tình dân tộc. Cùng trong lúc chung quanh biết bao nhiêu luật gia, văn gia, đaọ đức gia đầy "nhân nghĩa", trên môi vẫn luôn nở những nụ cười thật tươi để thiên hạ tưởng chừng như Việt Nam hiện đang là một quê hương thanh bình, ấm no hạnh phúc, nhưng thực chất lại là một địa ngục trần gian với "Những manh áo rách không đủ che những mảnh hồn tơi tả"....Tất cả đã trở thành loang lở. Cái loang lở của một đất nước khi lịch sử bị cưỡng bách "sang trang", những mùa xuân của tuổi trẻ đã loang lở chết khô trên đỉnh đồi băng tuyết CS, trong đó có những người thân của bác, của tôi và của chúng ta. Cái loang lở ấy chẳng phải của riêng ai, mà của cả một dân tộc. Là một người lính năm xưa, bác cũng như tất cả những người lính khác mang trong tâm một sứ mạng chưa tròn, tất cả đang cùng dân tộc tiếp nối con đường dang dở, mong sao tiêu diệt được loài qủy dữ, tái tạo lại thanh bình hoan lạc cho quê hương, dân tộc. Nhưng rất tiếc, hôm nay định mệnh lại đưa bác ra đi khi ước nguyện chưa tròn.
Lần cuối cùng đến thăm bác tại Nursing Home Canley Vales, tuy hình hài tiều tụy rất nhiều, mắt bác đã mờ hẳn, nhưng tinh thần còn minh mẫn, lúc đó bác còn ngỏ ý muốn chúng tôi đưa đi tham dự cuộc biểu tình tưởng niệm ngày quốc nạn 30-4 tại Canberra vào ngày 28-4-2012. Tinh thần của bác đã khiến chúng tôi vô cùng khâm phục và cảm động. Bác cũng hỏi thăm về tình hình của hội Thủ Đức NSW và ao ước, hai hội sẽ sáp nhập làm một trong một ngày không xa. Bác thở dài não nuột thở than: "Chuyện đời sao quá lê thê, cuộc đời lại qúa ngắn ngủi, sinh lão bệnh tử để lại biết bao nhiêu dở dang... Biết làm sao bây giờ khi con người đã bị lún quá sâu trong vị kỷ, khó có thể nhìn thấy đại cuộc"...
Trước sự ra đi của bác Toại, theo thiển nghĩ của chúng tôi, là một con người, lúc mới lọt lòng mẹ ai cũng phải mang tiếng khóc chào đời, tiếng khóc báo hiệu cho một con đường gian truân trước mặt mà con người phải cưu mang. Tuy nhiên, điều cốt yếu phải sống làm sao cho ra một con người có tình, có nghĩa để đến khi nằm xuống, từ giã cõi đời với một nụ cười.... Người ta thường nói "Sinh là ký, tử là quy", chết chính là một sự trở về nguyên thủy, từ cát bụi trở về với cát bụi, nhưng điều quan trọng là sau khi chết thì cái tinh thần trong sáng và sự yêu thương phải được vĩnh cửu với gia đình, bạn bè, chiến hữu và xa hơn nữa là đối với tổ quốc, như thế mới không uổng phí một kiếp người... Vì vậy, trước sự ra đi vĩnh viễn của bác, chúng tôi thương tiếc bác nhưng cũng chúc mừng bác đã thực hiện được điều này.
Hôm nay, được tin bác đã ra đi, bầu trời dường như u ám hẳn ra, không gian như chùng lại vương vất một mầu tang, một vài giọt mưa nhè nhẹ như cố ý hoà chung với những dòng lệ tiếc thương, để tiễn đưa mảnh linh hồn trung trinh đi về miên viễn, vĩnh biệt tất cả những hệ lụy của cuộc đời... Trong giờ vĩnh biệt, chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ còn biết cúi đầu dâng lên lời cầu nguyện, mong bác được yên nghỉ nơi chốn hoàng tuyền và linh thiêng soi sáng cho chúng tôi cùng thế hệ con, cháu vững tiến trên bước đường chúng ta còn dang dở, để có được sự sáng suốt, kiên trì, làm sao hoàn tất được hoài bão chung của dân tộc... 
Riêng với chúng tôi, sự ra đi của bác chỉ là sự trở về với đất mẹ, bên hồn thiêng sông núi nhưng tinh thần vẫn tồn tại vĩnh cửu nơi những người còn tha thiết với quê hương, dân tộc. Có lẽ chúng tôi nhậân định điều này cũng không có gì qúa đáng. Bởi hiện tại người dân Việt Nam trên toàn thế giới đã và đang tiếp tục đứng lên trực diện với những gian truân trên con đường dang dở mà bác đã đi qua. Họ đang đi và tiếp tục đi với những bước chân vững chắc và mãi mãi nối tiếp qua nhiều thế hệ cho đến khi tự do, dân chủ và nhân quyền thực sự được trở lại trên quê hương...
*
Cảm ơn đời có Bác
It is wrong to mourn the men who died. Rather we should thank God that such men lived  - George S. Patton, Jr.
Hoàng Tuấn (Sàigòn Times – Úc Châu)
Bác ơi!.... 
Sáng sớm hôm Thứ Năm, 10 tháng 5, khi được tin anh Hồ báo tin Bác đã ra đi vào tối hôm trước, chúng cháu vô cùng bàng hoàng, đau xót, ân hận, tiếc nuối, ngổn ngang cả một trời tâm sự... Bàng hoàng vì Thứ Tư tuần trước, ghé thăm Bác ở viện dưỡng lão, được thấy Bác đi lại khoẻ mạnh hơn, trò chuyện vui vẻ hơn, tiếng cười sảng khoái, âm vang hơn... chúng cháu đã vui mừng hy vọng, ngày một ngày hai, Bác sẽ trở lại căn nhà xưa, để chúng cháu được ghé thăm Bác, được thấy Bác thong thả đi ra đi vào, trò chuyện khuyên bảo... Đau đớn vì suốt thời gian hơn mười lăm năm qua, trong mọi niềm vui, nỗi buồn của quê hương đất nước, của cộng đồng, và ngay cả hạnh phúc riêng tư của chúng cháu, Bác đều luôn luôn gần gũi, dỗ dành an ủi như một người cha với lòng yêu thương đùm bọc, một người thầy luôn ân cần chỉ bảo, một người bạn vong niên cùng chí hướng... Ân hận vì chiều Thứ Tư, 9 tháng 5, khi ghé thăm đưa báo cho Bác, không thấy Bác tại viện dưỡng lão, chúng cháu đã không chịu thăm hỏi cặn kẽ để được thăm Bác trong bệnh viện, được có mặt bên cạnh Bác phút lâm chung... Lúc đó, phần phải tiếp tục đi giao báo, phần đinh ninh Bác đã khoẻ, nên chúng cháu vội vã ra đi, trong lòng thầm ao ước, hôm sau Thứ Năm, sẽ ghé thăm Bác, đọc báo cho Bác nghe, bóc bánh cho bác ăn, tâm sự nhiều với Bác... Khi đó, chúng cháu đâu có thể ngờ, hôm sau vĩnh viễn không bao giờ tới, và ao ước của chúng cháu vĩnh viễn không bao giờ thành...
Cuộc đời của mỗi người Việt tỵ nạn cộng sản là một chuỗi năm tháng đầy buồn thương, nhớ nhung và đau khổ, phải không Bác? Cuộc đời của những người bền gan, vững chí, son sắt một tấm lòng trên con đường đấu tranh chống cộng như Bác lại càng buồn thương, nhớ nhung và đau khổ nhiều hơn. Nhất là khi tuổi già, sức yếu, sống nơi đất khách, Bác luôn có những thao thức trăn trở về quê hương đất nước, thì nỗi buồn thương, nhớ nhung, đau khổ trong lòng Bác lại càng lớn gấp bội phần. Đã bao nhiêu lần đi biểu tình hay tham dự các sinh hoạt của cộng đồng, chúng cháu được dìu Bác từ nhà ra xe, từ xe vô nhà, để rồi chúng cháu xúc động, khi thấy được trong nỗi đau thân xác của Bác... lúc nào niềm tin yêu cũng bừng sáng mãnh liệt trong lòng Bác...
Nhớ năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận, khi ghé thăm Bác, Bác bảo chúng cháu đọc cho Bác nghe bài thơ "Tổ Quốc - Hành Trình Ba Mươi Năm" của ông Võ Đại Tôn, một người Bác luôn luôn quý trọng. Đây là một bài thơ dài, lời lời tâm huyết, dòng dòng hào khí can vân, nên Bác rất thích, nhất là đoạn dưới đây, Bác thích nghe đi nghe lại nhiều lần và lần nào nghe xong Bác cũng xúc động, khiến chúng cháu ai cũng thổn thức cả cõi lòng:
Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm niềm đau quặn thắt.
Đàn con lưu vong lửa lòng nguội tắt
Dĩ vãng quên rồi, hiu hắt tình quê.
Lớp già nua mơ ước nẻo về
Không nhắm mắt, cuối đời lên tiếng nấc.
Khi được tri âm tri kỷ với Bác, chúng cháu mới biết, tâm sự của Bác còn là tâm sự của Đặng Dung qua bài Cảm Hoài: "Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma". Trước đây, chúng cháu cứ nghĩ cái hay của bài Cảm Hoài là tác giả Đặng Dung đã nói lên được nỗi đau của những anh hùng không gặp thời phải nuốt hận, để rồi khi tóc đã bạc, vẫn không báo đáp được quốc thù. Nhưng nhờ có Bác, chúng cháu mới hiểu, ý nghĩa cao quý nhất của bài thơ chính là ở ý chí trước sau như một nuôi lòng phục quốc của tác giả: Dù tóc đã bạc, tuổi đã gần đất xa trời, nhưng với một tấm lòng son sắt, muốn báo thù quốc hận nên vẫn bền bỉ mài kiếm dưới trăng. Chính vì đồng cảm với ý chí của Đặng Dung, nên Bác thường ngâm cho chúng cháu nghe câu thơ trong bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác "Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay"...
Có trải qua những năm tháng được gần gũi Bác, hiểu được tâm sự của Bác, chúng cháu mới nhận ra, Bác mang theo tâm hồn, hoài bão, cách xử thế của một sĩ phu, luôn tự trao cho mình trách nhiệm đối với quê hương đất nước, xã hội, cộng đồng, cho dù đất nước, xã hội, cộng đồng có những chuyện đau lòng. Nhiều lúc, nghe chúng cháu chán nản bàn về những chuyện thư rơi thư rớt, phân hóa trong cộng đồng, Bác nhẹ nhàng khuyên bảo, tất cả những cái xấu xa ti tiện đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cộng đồng rộng lớn tốt đẹp của chúng ta. Không nên thấy vết mây đen, quên mặt trời hồng, thấy rác ven đường quên nước biếc dòng sông, thấy cây mục quên cả rừng xanh tốt. Bác cũng thường khuyên chúng cháu, phải biết phân biệt giữa lãnh đạo cộng đồng và cộng đồng, không nên vì một hai vị lãnh đạo sai trái, mà rồi có thái độ ngoảnh mặt, quay lưng lại cộng đồng, vì làm như vậy là vô hình chung mở đường cho những thành phần bất hảo, trong đó có VC nằm vùng, có cơ hội xâm nhập cộng đồng.
Bác cũng dậy chúng cháu, trên con đường dấn thân của những người khoa bảng trí thức, thường trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn dấn thân cống hiến, hướng thiện, sẵn sàng phục vụ cộng đồng, nhân quần xã hội. Giai đoạn thứ hai, khi họ có được uy tín, được mọi người tin tưởng bầu vào các chức vụ lãnh đạo, thì chính danh vọng, quyền lợi và quyền lực dễ làm cho nhân cách của họ dễ bị sa đoạ, tha hóa, dẫn đến những thỏa hiệp với kẻ xấu. Bác nhấn mạnh, bản chất của quyền lực thường dẫn đến sự tha hóa; càng quyền lực bao nhiêu càng dễ tha hóa và tha hoá nghiêm trọng bấy nhiêu. Nên hầu hết những vĩ nhân đều dễ trở thành những bạo chúa (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely. Great men are almost always bad men). 
Bác cũng dậy cho chúng cháu biết, điều quan trọng nhất của một con người là phải biết liêm sỉ và can đảm. Có vậy mới tự biết xấu hổ khi làm điều sai; và can đảm chống lại những điều ngang trái. B¸ác cũng khuyên chúng cháu, cái giận của kẻ thất phu, vì sĩ diện, tự ái mà giận, thì phải tránh; còn cái giận của kẻ sĩ, vì bất công, ngang trái có hại cho nhân quần xã hội mà giận, thì phải có. Chính mắt chúng cháu đã từng chứng kiến, vào một buổi tối tại Cơ Sở của Mặt Trận ở Sydney, Bác đã lớn tiếng chất vấn, xài xể một vị lãnh đạo cộng đồng thiếu trách nhiệm, khiến vị này sau một hồi quanh co, phải lúng túng xin lỗi.
Điều lạ lùng, đáng kính phục ở Bác là sự minh mẫn, trí nhớ siêu việt và khả năng bén nhậy của Bác trước những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội,... của quê hương đất nước, cộng đồng và ngay cả mỗi gia đình. Ngay trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, những ai vô thăm Bác, cũng đều ngạc nhiên trước trí nhớ tuyệt vời của Bác. Tuy mắt mờ, không thấy rõ người đối diện, nhưng khi nghe chúng cháu nhắc tên, Bác liền ân cần hỏi han người đó về những người thân yêu trong gia đình, nhắc lại những kỷ niệm cũ một cách rành mạch, như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia. Không những thế, Bác còn nhanh chóng nắm bắt được bản chất của một hiện tượng, hiểu rõ âm mưu đằng sau những trò tung hứng, trình diễn ở ngoài xã hội, và nhận rõ vàng thau chỉ sau vài câu nói, việc làm của một tổ chức hay một cá nhân.
Bên cạnh trí nhớ tuyệt vời và những đức tính cao quý của một sĩ phu Việt Nam trên con đường đấu tranh nơi đất khách, Bác còn là người rất giầu tình cảm, xử thế tế nhị và có một trái tim rất mẫn cảm, nắm bắt rất nhanh tâm tư, nguyện vọng, ước ao thầm kín của người đối diện, thậm chí ngay cả khi người đó trò chuyện qua phôn. Chính lòng yêu thương chân thành, lòng độ lượng bao dung lúc nào cũng bao la và sự mẫn cảm đến mức vô cùng vi diệu của Bác, đã là nguồn an ủi vô biên đối với những tâm hồn khô héo, những hoàn cảnh éo leo, những nỗi đau đớn tuyệt vọng.... của không biết bao nhiêu người được may mắn gặp Bác trên đường đời. Nhờ có Bác, chúng cháu thấy được hạnh phúc trong khổ đau, thành công trong thất bại, mỗi bức tường tuyệt vọng là một cánh cửa mới đầy hy vọng; và trong đấu tranh, lẽ phải trái, đúng sai bao giờ cũng quan trọng gấp bội so với lợi hại, thành công hay thất bại. 
Tám thể kỷ trước, khi quân Mông Cổ diệt nhà Tống Trung Hoa, lập nên nhà Nguyên, thừa tướng Văn Thiên Tường đời Nam Tống đã thản nhiên vươn cổ chịu chém sau khi để lại cho đời câu thơ bất hủ: "Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh". Nay nhìn vào cuộc đời của Bác Nguyễn Quang Toại suốt hơn nửa thế kỷ, ai cũng thấy tấm lòng son của Bác lúc nào cũng vằng vặc như trăng rằm. Vì vậy, thoạt nghe tin Bác vĩnh biệt trần thế, chúng cháu bàng hoàng, đau xót, ân hận, tiếc nuối... thổn thức cả cõi lòng. Nhưng nhìn lại những gì Bác đã cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng,... nhìn lại những hạnh phúc tuyệt vời, những bài học vô giá, Bác đã mang đến cho chúng cháu suốt 15 năm qua, cùng với sự hồi sinh của tuần báo SGT, và niềm tin bất diệt vào tương lai của đất nước, sức mạnh của cộng đồng, vào phẩm giá cao quý của mỗi con người, bất chấp mọi tai ương, đau khổ, chệch hướng, sai lầm... chúng cháu khóc trong niềm hạnh phúc tuyệt vời, khi được thì thầm với Bác: Cảm ơn Bác đã sống một cuộc đời tuyệt vời, đã cho chúng cháu có được những hạnh phúc kỳ diệu biết noi gương Bác hôm qua, hôm nay và mai sau! Cảm ơn Bác đã cho chúng cháu không biết bao nhiêu ân tình, để chúng cháu được nhớ, được khóc, được thanh tẩy trong nước mắt... mỗi khi nhớ tới Bác. Bác ơi, từ nay mỗi tuần, Bác không phải chờ chúng cháu mang báo đến cho Bác nữa... vì qua ngọn lửa lòng, chúng cháu sẽ gửi báo tới cho Bác... để Bác đọc và Bác hiểu chúng cháu vẫn ngày đêm thao thức, trăn trở, tiếp tục đi theo con đường của Bác...
*
Tiếng Lòng
(Kính dâng hương hồn bác Nguyễn Quang Toại, một niên trưởng khả kính, một đời tận trung với chính nghĩa Quốc Gia - Dân tộc)
Ngày chợt tối, khung trời giăng mây xám
Đêm lạnh lùng, hiu hắt một vì sao
Ánh trăng thanh bỏ chạy trốn nơi nào
Hồn trắc ẩn, thoát thai vào miên viễn 
Mảnh đan tâm, hồn không tròn ước nguyện
Nặng thù nhà nợ nước trả chưa xong
Ôi! niềm đau như muối ruột se lòng
Con đường vắng, ủ ê mầu hoang lạnh
Đêm cuối thu không gian mầu hiu quạnh
Biết nói gì, tử biệt, khách lưu vong
Giọt lệ cay, dâng một nén hương lòng
Kính bái biệt một linh hồn trung dũng
Phạm Thanh Phương
*
Khóc Bác
Đã dọn lòng đón lẽ "Sinh, Lão Bệnh Tử", vậy mà cũng không ngăn nổi sự ngỡ ngàng xót xa khi nghe tin Bác Nguyễn Quang Toại từ trần. Một sự hội ngộ ngắn ngủi mà để lại một tình thân vô bờ. Không lời nào cắt nghĩa được, hai thế hệ quá xa cách về tuổi tác, nhưng lại rất gần để thấu hiểu tình nhau. Phải chăng với tấm chân tình yêu quê đã đưa Bác và con đến bên nhau trong tình thân ái, tuy cả hai không những xa cách về thời gian mà còn xa cách cả không gian. Giờ đây xa lại càng xa: Một người ở lại, người xa cõi trần. Quyện lòng thương nhớ nên thơ... xin gửi tới Bác tấm lòng của con...
Người đi không nói một lời
Để người ở lại xót xa cõi lòng
Tâm tình người tựa dòng sông
Chảy hoài muôn thuở giữa giòng thời gian
Hạnh phúc thê thiếp chẳng màng
Thương yêu nội ngoại gởi sang vườn người
Tay che mắt nhắm vẫn cười
Phút giây sinh tử không thôi nghĩ về:
Giữ xanh cho khúc sông quê
Công bằng, bác ái gửi về cho nhau
Mặc cho già yếu ốm đau
Nặng tình non nước, nỗi sầu ly hương
Ngoảnh đầu mái tóc điểm sương
Bước chân run rẩy, dặm trường khó chi
Âm dương cách biệt Bác đi
Đốt lòng thành kính làm quà tiễn đưa
Diệu Huyền
*
TỔ QUỐC - HÀNH TRÌNH BA MƯƠI NĂM 
1975 - 2005
 
Võ Đại Tôn
 
(LỜI TRẦN TÌNH KÍNH DÂNG TỔ QUỐC).
 
***
 
- Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm trời
Áo tôi đã rách.
Còn sợi chỉ nào, từ nguồn thiêng huyết mạch
Cho tôi xin, vá lại áo đời.
Tôi đã đi, đường gai góc mòn hơi
Xuyên rừng núi - mồ hôi pha trộn máu. 
Về quê hương, nguyện lòng son chiến đấu
Nửa đường đi thành đêm tối lao tù. 
Mười năm ôm hận nghìn thu
Lênh đênh chìm theo vận Nước. 
Và hôm nay, vạn nẻo đường xuôi ngược
Tôi vẫn còn tiếp bước Cha Ông.
 
*
 
- Ba mươi năm - Tổ Quốc đã đau lòng
Nghe con khóc từ trùng dương sóng chuyển.
Huyền sử xưa năm mươi con theo Cha về biển
Giống Rồng thiêng mở rộng cõi bờ.
Còn hôm nay vì hai tiếng Tự Do
Trăm-ngàn thây vùi tan nơi vực thẳm.
Năm mươi con vượt rừng sâu muôn dặm
Theo Mẹ hiền - thơm nửa máu dòng Tiên. 
Dựng quê hương hùng sử khắp ba miền
Nay Văn Hiến cằn khô cùng sỏi đá.
Những địa danh chôn xương tù gục ngã
Tên kinh hoàng, tủi nhục đến nghìn năm.
Hoàng Liên Sơn không nấm mộ con nằm
Cổng Trời nghe máu khóc.
Dã thú vờn quanh, xiềng gông, tang tóc,
Nghĩa “Con Người” thua chữ sắn khoai.
 
*
 
- Ba mươi năm - em bán hình hài
Tìm miếng cơm manh áo.
Đại Hàn, Đài Loan xông xáo
Mua em về làm món đồ chơi.
Năm nghìn năm dù nước lửa dầu sôi
Chưa bao giờ mẹ bán con vì đói.
Bầy trẻ thơ còm cõi
Bươi rác nghèo, rách rưới lang thang.
Nghe quanh mình loa vẫn thét "vinh quang"
Đường tương lai đá cũng tan thành lệ.
 
*
 
- Ba mươi năm tưởng chào vui thế hệ
Ngẩng cao đầu, tay vói đến năm châu.
Nhưng cội nguồn và đạo lý chìm sâu
Lo sáng tạo những đua đòi vật chất.
Mùi kim tiền thơm hơn bánh mật,
Giấc mơ vàng : - mong thoát khỏi quê hương.
Thúy Kiều xưa, rơi sóng nước Tiền Đường 
Nay viết lại thành Tiền Giang, phản động ! *
Lũy tre xanh, cánh tay thần Phù Đổng
Bao anh hùng dựng Nước thuở ban khai
Còn lại đây hoang phế cả đền đài
Tên Hùng Vương đành thua tên Bill Gates. *
Túi càn khôn đã nghèo, thêm rỗng tuếch,
Văn Hóa này còn lại tiếng "bia ôm" !
 
*
 
- Ba mươi năm : răng hổ đói đỏ ngòm
Luôn gầm thét, xé tươi hồn Dân Tộc.
Từ địa đạo ùn lên bao cơn lốc
Thành “đại gia” chễm chệ một phương trời.
Miệng “vô sản” toàn men rượu nồng hơi,
Tay “chuyên chính” ôm bao đầy châu báu.
Dinh thự nguy nga - dựng lên từ máu
Của nhân dân khổ hạnh một đời.
Người thương binh ngẩng mặt nhìn trời
Nghe tiếng khóc trong tiếng cười vang vọng.
Chiếc xe lăn bánh mòn, gãy gọng,
Lê thân tàn về cuối hẻm đơn côi.
 
*
 
- Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm niềm đau quặn thắt.
Đàn con lưu vong lửa lòng nguội tắt
Dĩ vãng quên rồi, hiu hắt tình quê.
Lớp già nua mơ ước nẻo về
Không nhắm mắt, cuối đời lên tiếng nấc.
Còn tuổi trẻ hồn nhiên hoa mật
Nơi xứ người chấp nhận quê hương.
 
- Nhưng một ngày mai :
- Đường hoa nở hướng dương
Hành trình thôi cúi mặt.
Sẽ có những đàn con vòng tay siết chặt
Kéo mặt trời về lại phương Đông.
Tổ Quốc sẽ tươi hồng
Giữa hào quang Dân Tộc.
Cây Tự Do sẽ đâm chồi nẩy lộc
Lửa Nhân Quyền bừng sáng nẻo thâm u.
Mái trường vui thay thế chốn lao tù
Cho con học từ cội nguồn Nhân Bản.
Không kẻ nào được quyền mua bán
Thịt da em, nguồn sống của Rồng Tiên.
Hồn Tổ Quốc linh thiêng
Đài cao về chiếm ngự.
Cuộc hành trình từ quê hương - viễn xứ -
Chuyển xoay thành trẩy hội hoa đăng. 
Từ phương Nam tung vút cánh chim Bằng
Thành Rồng Thiêng Đông Á.
Từ núi cao nghiêng mình ra biển cả
Rạng ngời soi hai chữ : VIỆT NAM.
 
*
 
- Lời trần tình ba mươi năm
Tôi viết bằng tim máu.
Từ nỗi đau âm thầm chôn giấu
Kính dâng lên Tổ Quốc hằng yêu.
Mỗi chữ-vần mong gói trọn một điều :
- Từ tâm thức xin góp chung hành động.
Đại Cuộc Toàn Dân ban tôi Lẽ Sống
Hiến dâng đời cho trọn nghĩa Quê Hương. 
Tổ Quốc ơi
 
Dù gian lao, xin tiếp máu Lên Đường
Cho tôi về với Mẹ.
Vững chân đi, qua trăm ngàn dâu bể
Được quỳ ôm từng mảnh đất quê Cha. 
Phút cuối đời xin biến lệ thành hoa
Giữa triều vui Dân Tộc.
Trong lòng tôi : - Vĩnh hằng Tổ Quốc
Huy hoàng Văn Hiến - Tự Do !
 
VÕ ĐẠI TÔN (Hoàng Phong Linh)
2005.
Ghi chú : 
* Văn Học : Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung Học tại Việt Nam năm 2004, qua dề tài bình luận về truyện Kiều của Nguyễn Du, đã có nhiều thí sinh nộp bài viết : Thúy Kiều vì buồn chuyện gia đình đã tự vận tại sông Tiền Giang, may nhờ một nữ cán bộ Cộng Sản vớt lên, cải tạo tư tưởng phản động, Thúy Kiều giác ngộ, xin được kết nạp vào đảng. 
*Lịch sử : Trong cuộc thăm dò ý kiến sinh viên các trường đại học ở Việt Nam về các vĩ nhân thế giới và dân tộc, đa số sinh viên đều tuyển chọn Bill Gates làm thần tượng số 1 của giới thanh niên hiện nay ở trong nước. 

__._,_.___
Attachment(s) from Phung Huynh
1 of 1 Photo(s)