Friday, August 10, 2012

Phát Biểu Của Tổng Thống Tại Buổi Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Tranh Việt Nam

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam
National Mall
Washington, D.C.

Xin chào tất cả mọi người,
Chuck, cảm ơn bạn về những lời giới thiệu, về tình bằng hữu và cuộc đời phục vụ của bạn,
Cùng với quý cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, gia đình, bạn bè và quý khách,
Tôi biết trời rất nóng. (Cười) Nhưng các bạn đến đây để tôn vinh những người thân yêu của các bạn. Michelle và tôi thật vinh dự được đến đây cùng với các bạn.
Cho đến hôm nay, khi nói đến sự phức tạp về thời gian Mỹ tham chiến tại Việt Nam, các sử gia vẫn không đồng ý một cách chính xác cuộc chiến đã bắt đầu khi nào. Các cố vấn Mỹ đã tham chiến, và chết ở đó sớm nhất là giữa những năm 50. Các cuộc hành quân chiến đấu lớn đã không thể bắt đầu cho mãi đến giữa những năm 60. Nhưng nếu kể ra bất kỳ năm nào nêu lên được việc thay đổi tiến trình tham gia vào cuộc chiến của chúng ta, thì phải nói đó là năm 1962.
Lúc đó là tháng Giêng, tại Sài Gòn, các phi công của chúng ta đã cài mũ bảo hiểm và leo lên những chiếc trực thăng, nâng bổng trực thăng lên cao và bay trên những ngọn cây mang theo những người lính miền Nam Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công đơn lẻ chống lại đồn lũy của đối phương chỉ cách xa vài dặm trong rừng, nhưng đó là một trong những cuộc hành quân chính thức đầu tiên của Mỹ trong vùng đất xa xôi đó.
Năm mươi năm sau, chúng ta cùng đến bức tường này, đến nơi linh thiêng này, để nhớ. Chúng ta có thể bước lên phía bức tường đá hoa cương, sờ vào đó, và chạm vào một tên một người lính.
Hôm nay là ngày Chiến Sĩ Trận Vong, chúng ta nhớ lại tất cả những người đã âm thầm cho đi mọi thứ trong chiến tranh ngõ hầu chúng ta có thể đứng đây trong vinh quang. Và hôm nay bắt đầu kỷ niệm 50 năm ngày chúng ta tham chiến tại Việt Nam. Chúng ta vinh danh tên tuổi của những người lính đã được khắc lên bia đá, tên của 58.282 người Mỹ yêu nước. Chúng ta chào mừng tất cả những người đã cùng tham chiến với họ. Và chúng ta ủng hộ những gia đình vẫn còn yêu thương và tưởng nhớ họ.
Trong nhiều năm qua các bạn đã đến đây, và lại đến đây với họ một lần nữa. Và trong những điều đơn giản mà các bạn đã bỏ lại đằng sau, những cống hiến, những lưu niệm, những quà tặng của các bạn - chúng ta có được một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống mà họ đã đi qua. Tấm chăn phủ khi họ còn là một cậu bé. Chiếc gậy bóng chày họ đánh khi còn nhỏ. Chiếc nhẫn cưới. Hình ảnh đứa cháu mà họ không bao giờ gặp. Đôi giày bốt họ mang vẫn còn dính bùn. Những huy chương họ đạt được vẫn còn lấp lánh. Và một số điều còn lưu lại ở đây có ý nghĩa đặc biệt mà chỉ các cựu chiến binh mới biết được: một lon bia, một gói kẹo M&Ms, một thùng chứa rác, một khẩu phần lương khô vẫn còn tốt và còn ngon. (Cười)
Ở đây, chúng ta cảm nhận được chiều sâu sự hy sinh của các bạn. Và ở đây, chúng ta nhìn thấy được phần lớn hơn câu chuyện của người Mỹ. Cha ông chúng ta, với sự sáng suốt, đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ. Họ đã đặt ra để làm cho đất nước ngày càng được hoàn hảo hơn. Và do vậy, các thế hệ theo sau phải nối tiếp công việc đó để tiếp tục tiến về phía trước, để vượt qua quá khứ nhiều khi đau đớn, để tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng của chúng ta.
Và một trong những chương đau đớn nhất trong lịch sử của chúng ta là cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt nhất là chúng ta đã đối xử với quân đội của chúng ta ra sao, những người đã tham chiến ở đó. Các bạn thường bị quy trách nhiệm cho một cuộc chiến tranh mà các bạn đã không bắt đầu khi mà lẽ ra các bạn cần được tán thưởng vì đã phục vụ đất nước với lòng dũng cảm. (Vỗ tay).
 Đôi lần các bạn bị qui trách nhiệm vì đã có những hành động xấu, khi mà sự tham chiến cao quý của nhiều người lẽ ra nên được tán dương. Các bạn trở về nhà và nhiều lần đã bị gièm pha, phỉ báng, khi mà lẽ ra các bạn phải được tôn vinh. Đó là điều sỉ nhục của đất nước, một sự sỉ nhục không bao giờ để xảy ra nữa. Và đó là lý do tại sao hôm nay ở đây, chúng ta xác quyết rằng nó sẽ không còn xảy ra một lần nào nữa. (Vỗ tay.)
Do vậy, phần chính của Lễ Kỷ Niệm 50 năm hôm nay sẽ dành để nói về câu chuyện của các bạn mà lẽ ra chúng đã được nói từ lâu. Đây là cơ hội để nói lên sự sòng phẳng, đó là một trong nhiều cách chúng ta tiếp tục hoàn thiện sự hợp nhất của chúng ta, hãy sòng phẳng với nhau và nó được bắt đầu từ hôm nay. Bởi vì lịch sử sẽ vinh danh sự tham chiến của các bạn, và tên của các bạn đã đính vào cuộc chiến đã kéo dài trong hai thế kỷ qua.
Hãy cho tôi nói về câu chuyện thế hệ của những người tham chiến, bất kể màu da, niềm tin, giàu, nghèo, sĩ quan hay lính nhập ngũ, những người đã tham chiến với lòng yêu nước và danh dự như bất cứ ai đã từng đi trước các bạn. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng hầu hết những người đã phục vụ cuộc chiến tại Việt Nam đã lựa chọn làm như vậy. Nhiều người trong các bạn đã tình nguyện. Khi đất nước có chiến tranh, các bạn đã nói, "hãy đưa tôi ra chiến trường." Điều này bao gồm cả những chị em phụ nữ đã tham chiến tại Việt Nam - mỗi người các bạn là một tình nguyện viên. (Vỗ tay.)
Cả những người đã được tuyển chọn nhập ngũ, họ cũng đã ra đi và mang trên vai trọng trách của họ - các bạn đã tham chiến; các bạn đã làm xong nhiệm vụ của mình.
Các bạn đã kiên trì dù phải đối mặt với một số điều kiện tàn bạo nhất mà người Mỹ đã từng chịu trong chiến tranh. Những cơn nóng ngột ngạt. Những trận mưa mùa như trút nước. Kẻ thù có thể đến từ bất cứ nơi đâu và biến mất một cách nhanh chóng. Những trận chiến trong thành phố khốc liệt nhất trong lịch sử, và những trận đánh chiếm ngọn đồi dữ dội có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ. Có thể kể ra đây những địa danh tử thần như là Briarpatch, Zoo và Hòa Lò Hà Nội - những tù binh chiến tranh Việt Nam của chúng ta không chỉ đơn giản là đã chịu đựng, các bạn đã viết lên những câu chuyện phi thường nhất về lòng dũng cảm và liêm chính trong quân sử. (Vỗ tay)
Là một quốc gia, từ lâu chúng ta đã từng tuyên dương lòng quả cảm của quân đội chúng ta tại Normandy và Iwo Jima, vành đai Pusan ​​và Heartbreak Ridge. Hãy cho tôi nói về lòng can đảm của các bạn tại Huế và Khe Sanh, tại Tân Sơn Nhất và Sài Gòn, từ Hamburger Hill đến Rolling Thunder. Hầu như ai cũng thường quên rằng các bạn, những người lính tham chiến tại Việt Nam, đã chiến thắng trên mọi trận đánh chính mà các bạn đã tham dự. (Vỗ tay)
Khi các bạn trở về, tôi biết nhiều người trong các bạn đã giấu đi những huy chương, đặt chúng trong ngăn kéo, hoặc bỏ vào một chiếc hộp đặt trong tủ quần áo. Các bạn tiếp tục sống cuộc sống của mình - bắt đầu từ gia đình rồi theo đuổi những nghề nghiệp. Rất nhiều người trong các bạn đã không hề nói về việc mình đã tham chiến. Hệ quả là, quốc gia này không phải lúc nào cũng coi trọng những gì sẽ đến với cuộc sống của các bạn.
Nào, chúng ta hãy nói về câu chuyện của một thế hệ khi đã trở về nhà, và họ đã sống ra sao. Mặc dù nhiều người Mỹ đã quay lưng lại với các bạn, nhưng các bạn đã không bao giờ quay lưng lại với nước Mỹ. (Vỗ tay.)
Giống như các thế hệ đi trước, các bạn đã cởi bỏ quân phục, nhưng các bạn đã không bao giờ ngừng phục vụ. Các bạn đã trở thành những nhà giáo, những sĩ quan cảnh sát, những y tá - những người mà chúng tôi gặp hằng ngày. Các bạn đã trở thành những doanh nhân, điều hành các công ty và các ngành công nghiệp tiên phong đã làm thay đổi thế giới. Các bạn đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công nhân viên chức, từ các hội trường thành phố đến Capitol Hill - đang nâng các cộng đồng, các tiểu bang, và đất nước của chúng ta lên.
Các bạn đã nhắc nhở chúng tôi thế nào là phục vụ; phục vụ có những ý nghĩa gì. Với những người đã từng phục vụ trong quân ngũ, các bạn đã được thăng cấp, đã trở thành những người lãnh đạo trong các ngành, đã học hỏi được những kinh nghiệm từ Việt Nam, và đã xây dựng lại quân đội chúng ta thành đội quân tinh nhuệ nhất mà thế giới đã từng biết đến. (Vỗ tay.)
Và chúng ta hãy nhớ lại tất cả những cựu chiến binh Việt Nam đã trở về và tham chiến một lần nữa, trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Các bạn không ngừng phục vụ. (Vỗ tay)
Ngay cả khi các bạn đã thành công trong những nỗ lực này, các bạn còn làm một điều gì đó hơn nữa - có lẽ đây là điều quan trọng nhất mà các bạn đã làm, đó là các bạn đã săn sóc cho nhau. Khi chính phủ của các bạn đã không làm tròn trọng trách của mình, các bạn đã lên tiếng, đấu tranh cho việc chăm sóc và những lợi ích mà các bạn đã đạt được, và qua thời gian, việc đấu tranh của các bạn đang làm chuyển đổi Bộ Cựu Chiến Binh. Và tất nhiên, một trong những cựu chiến binh Việt Nam hiện nay đang là thư ký xuất sắc trong Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, đó là Ric Shinseki. (Vỗ tay)
Các bạn chăm sóc cho nhau. Các bạn quan tâm lẫn nhau. Và không phải lúc nào người ta cũng nói đến hội chứng hậu chiến tranh - các bạn đã hiểu điều đó, và các bạn đã đến với nhau. Và điều quan trọng là các bạn không chỉ chăm sóc cho riêng các bạn, các bạn còn quan tâm đến những lớp người đi sau. Các bạn đã tự đảm nhận sứ mệnh để nắm chắc rằng quân đội ngày nay cần nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ mà tất cả các bạn hầu như đã không hề nhận được trước đây. (Vỗ tay)
Bởi vì các bạn, bởi vì các cựu chiến binh Việt Nam của chúng ta đã gánh vác trách nhiệm, mà điều luật Post-9/11 GI Bill đã giúp hàng trăm ngàn cựu chiến binh trở lại các trường đại học để theo đuổi ước mơ của mình. (Vỗ tay.) Bởi vì các bạn, các cựu chiến binh Việt Nam đã không cho phép chúng tôi được quên, tại các sân bay, khi những người lính chúng ta trở về và vừa ra khỏi máy bay, các bạn đã đến để bắt tay họ. (Vỗ tay.) Bởi vì các bạn mà trên khắp nước Mỹ, mọi cộng đồng đều chào đón đội quân chúng ta trở về từ chiến trường Iraq. Và khi quân đội của chúng ta trở về từ Afghanistan, toàn thể Thế Hệ 9/11 đều xứng đáng được đất nước Hoa Kỳ chào đón. Điều đó đã xảy ra một phần là vì các bạn. (Vỗ tay.)
Đấy là câu chuyện của những quân nhân tham chiến tại Việt Nam của chúng ta, những câu chuyện cần được nói đến. Đó là tất cả ý nghĩa của Lễ Kỷ Niệm 50 năm hôm nay. Đó là một cơ hội khác để nói với các cựu chiến binh Việt Nam về những gì mà lẽ ra chúng ta đã phải nói từ lâu: Các bạn đã hoàn tất bổn phận. Các bạn đã tham chiến trong danh dự. Các bạn đã làm cho chúng tôi tự hào. Các bạn đã trở về và giúp xây dựng đất nước mà chúng ta hằng yêu thương và ấp ủ.
Vì vậy, ở đây hôm nay, điều đó phải được nói ra, các bạn đã đạt được vị trí xứng đáng trong các thế hệ vĩ đại nhất. Lúc này, tôi yêu cầu tất cả các cựu chiến binh Việt Nam, những ai có thể đứng được, xin vui lòng đứng lên, và tất cả những ai đã đứng, xin hãy giơ cao tay - chúng ta hãy hô to những lời đơn giản mà chúng ta thường hay hô khi chào đón đoàn quân trở về: Chào mừng các bạn đã trở về. (Vỗ tay). Chào mừng các bạn đã trở về. Chào mừng các bạn đã trở về. Cảm ơn các bạn. Chúng tôi đánh giá cao các bạn. Chào mừng các bạn đã trở về. (Vỗ tay)
Ngày nay, chúng tôi kêu gọi tất cả người Mỹ, và mỗi thành phần của xã hội tham gia vào nỗ lực này. Ai cũng có thể làm được điều gì đó. Năm thập kỷ đã phân chia những người Mỹ, lễ kỷ niệm năm nay có thể nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta chia sẻ cho nhau như những người Mỹ. Điều đó bao gồm tôn vinh các cựu chiến binh Việt Nam bằng cách không bao giờ quên những bài học của cuộc chiến tranh đó.
Vì vậy, chúng ta hãy quả quyết rằng khi đất nước cần gửi thanh niên nam nữ vào con đường nguy hiểm, chúng ta phải luôn giao cho họ một sứ mệnh rõ ràng, chúng ta phải luôn cung cấp cho họ một chiến lược đúng đắn, chúng ta phải trang bị cho họ các thiết bị cần thiết để có thể hoàn thành công việc. Chúng ta phải thấy họ trở về. (Vỗ tay)
Chúng ta phải quả quyết rằng các nhà lãnh đạo cần phải thẳng thắn về những rủi ro và tiến độ của cuộc chiến, và cần có một kế hoạch để đem quân đội trở về trong danh dự.
Chúng ta quả quyết không bao giờ quên cái giá của chiến tranh, bao gồm cả sự mất mát khủng khiếp các thường dân vô tội - không chỉ ở Việt Nam, nhưng trong tất cả các cuộc chiến tranh. Vì chúng ta biết rằng sự hy sinh và tham chiến của các bạn là định nghĩa của vinh quang, nhưng chiến tranh tự nó không phải là vinh quang. Chúng ta ghét chiến tranh. Khi chúng ta chiến đấu, chúng ta làm như vậy để bảo vệ mình bởi vì đó là điều cần thiết.
Hãy quả quyết rằng trong nền dân chủ, chúng ta có thể tranh luận và không đồng ý, ngay cả trong thời chiến. Nhưng chúng ta không bao giờ sử dụng lòng yêu nước như là một đòn phép chính trị. Người yêu nước có thể hỗ trợ một cuộc chiến tranh, người yêu nước cũng có thể phản đối một cuộc chiến tranh. Và bất cứ quan điểm nào, chúng ta hãy luôn luôn đoàn kết và hỗ trợ quân đội, là những người đang đối mặt với hiểm nguy. (Vỗ tay) Đó là nghĩa vụ quan trọng của chúng ta. (Vỗ tay)
Chúng ta hãy quả quyết chăm sóc các cựu chiến binh như họ đã chăm sóc chúng ta - không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng hành động. Không chỉ trong năm năm đầu tiên, nhưng là trong năm mươi năm đầu tiên sau cuộc chiến. Đối với các cựu chiến binh Việt Nam, điều này có nghĩa là trợ cấp tàn tật cho các chứng bệnh do hậu quả chất độc da cam. Điều đó có nghĩa là cung cấp công việc làm và chăm sóc sức khỏe tâm thần để giúp các bạn có thể tự đứng vững. Điều đó có nghĩa là kết thúc bi kịch những cựu chiến binh vô gia cư; do vậy, mỗi cựu chiến binh đã chiến đấu cho nước Mỹ phải có một căn nhà để ở. Các bạn không cần phấn đấu để có được mái nhà che thân khi các bạn đã chiến đấu thay mặt cho quốc gia mà các bạn yêu mến. (Vỗ tay)
Và khi một người lính không bao giờ trở về - bao gồm cả 1.666 người Mỹ vẫn còn mất tích từ chiến tranh Việt Nam - chúng ta phải quyết tâm làm đủ mọi cách trong khả năng của mình để đem họ trở về. Đó là lời hứa long trọng của chúng ta gửi đến bà Sarah Shay, 93 tuổi, người đang tham gia cùng với chúng ta hôm nay, người vẫn tôn vinh con trai của bà, Thiếu Tá Donald Shay, Jr., đang còn mất tích khi thi hành công vụ từ 42 năm qua. Đây là Bà Sarah. Xin cảm ơn lòng can đảm của Bà. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Bà. (Vỗ tay.)
Còn đây là lời hứa chúng ta thực hiện ngày hôm nay cho gia đình Meroney Fayetteville, thuộc tiểu bang Arkansas. Bốn mươi ba năm qua kể từ khi ông mất tích, chúng tôi long trọng thông báo rằng Đại Úy Virgil Meroney, III, đang trở về nhà, và sau cùng ông sẽ được an nghỉ nghìn thu. (Vỗ tay.)
Nhiều người cho rằng kỷ nguyên chiến tranh này là một vết sẹo trên đất nước chúng ta, nhưng đây là những gì tôi muốn nói. Như bất kỳ vết thương nào đã lành, các mô xung quanh nó đều trở nên cứng cáp và mạnh mẽ hơn trước. Và trong ý nghĩa ấy, cuối cùng, chúng ta đã có thể nhìn thấy được di sản thực sự của cuộc chiến Việt Nam. Vì Việt Nam và vì các cựu chiến binh, ngày nay chúng ta sử dụng sức mạnh của Mỹ thông minh hơn, chúng ta biết vinh danh quân đội hơn, chúng ta chăm sóc các cựu chiến binh tốt hơn. Vì những bài học quí báu của Việt Nam, vì các bạn, đất nước chúng ta còn mạnh hơn trước. (Vỗ tay)
Và cuối cùng, trong lễ kỷ niệm hôm nay và cả những năm kế tiếp, chúng ta hãy nhớ những gì đang liên kết chúng ta lại như một con người. Điều này thật quan trọng cho tất cả chúng ta dù cho bạn đã tham chiến trong cuộc chiến Việt Nam hoặc bạn đã chiến đấu chống lại nó, hay dù cho bạn còn quá trẻ để được định hình bởi nó. Điều quan trọng là trẻ em của chúng ta hiểu được sự hy sinh các bạn đã làm tại Việt Nam, điều mà đối với họ, chỉ là một cái tên trong những cuốn sách sử. Điều quan trọng là chúng ta hiểu được giá trị của một món quà một khi đã được để lại tại Đài Tưởng Niệm này.
Đó là vào cuối ngày, khi mà hầu hết các quan khách và du khách đã ra về, vẫn còn đó chiếc mũ football với những sọc màu đen trắng, và bảng vòng đeo cổ tay. Với họ, đó là một lời ghi chú được viết tay từ một thanh niên còn ngồi ghế nhà trường. Và cũng nhắc nhở các bạn rằng đã hơn hai thập kỷ sau cuộc chiến Việt Nam, người học sinh trung học đó mới được sinh ra. Nhưng trong đoạn ghi chú ngắn được viết tay trên đó, anh đã nói lên lòng kính trọng - mối liên kết giữa các thế hệ - đã đem chúng ta lại với nhau hôm nay, tại đây.
Bức thư bắt đầu: "Cựu chiến binh Việt Nam thân mến, đây là hai điều mà tôi cho là các bạn lẽ ra đã có." Rồi anh giải thích rằng đó là chiếc mũ football nhỏ và bảng đeo cổ tay của anh từ năm cuối bậc trung học của anh. Vì vậy, hôm nay tôi muốn kết thúc bài nói chuyện với những lời anh đã viết:
"Trong hai mảnh trang thiết bị này, tôi được phép phạm những sai lầm, được phép điều chỉnh chúng lại, được phép phát triển và trưởng thành như một con người. Tuy nhiên, đó là trên chiến trường của tôi. Các bạn đã không có cơ hội để làm điều đó trên chiến trường của các bạn. Một số bạn đã bị buộc phải lớn lên quá nhanh, tất cả các bạn đã qua đời quá sớm. Dù vậy, chúng ta có nhiều điểm chung. Cả hai chúng ta đều có chung niềm tự hào, con tim và lòng kiên định. Tôi cũng xin lỗi các bạn phải tìm hiểu những phẩm chất này quá nhanh. Đó là lý do tại sao tôi cho các bạn những gì đã cùng tôi lớn lên. Các bạn là những anh hùng thực sự và các bạn sẽ không bao giờ bị lãng quên."
Đó là những lời từ một học sinh trung học, sinh ra nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc. Và điều đó thể hiện tinh thần mà toàn bộ đất nước này nên nắm lấy.
Cựu chiến binh và gia đình thân mến, tôi biết vết thương chiến tranh chậm lành. Các bạn biết điều đó tốt hơn so với nhiều người. Nhưng hôm nay chúng ta bước thêm một bước khác. Việc kể câu chuyện của các bạn vẫn còn tiếp tục. Việc hoàn thiện đất nước của chúng ta đang tiếp tục. Và từ nhiều thập kỷ, tôi hy vọng những lớp người trẻ khác sẽ ghé thăm nơi này, đưa tay ra và chạm vào tên một người lính, và họ sẽ học được câu chuyện của những người đã từng tham chiến - những người mà họ chưa bao giờ gặp, người đã chiến đấu một cuộc chiến tranh mà họ không bao giờ biết - và khi đã cảm thông và tỏ lòng biết ơn, di sản của các bạn sẽ tồn tại. Vì các bạn là những anh hùng thật sự và tất cả các bạn đều được ghi nhớ.
Xin Chúa chúc lành cho các bạn, chúc lành cho gia đình các bạn. Xin Chúa chúc lành những người lính chúng ta và chúc lành cho đất nước Hoa Kỳ. (Vỗ tay)
Thẩm Vân dịch
__._,_.___
Reply via web postReply to senderReply to groupStart a New TopicMessages in this topic (1)
RECENT ACTIVITY:

No comments:

Post a Comment