Monday, August 27, 2012

TIN BÀI VỀ TRUNG CỘNG

Mon, 28 Aug 2017 00:00:00 GMT

Tại sao Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ hỏa tiễn?

TQ hiện có 50-75 tên lửa liên lục địa (trên 5.500km); 5-20 tên lửa liên lục địa tầm trung (3.000-5.500km); 75-100 tên lửa tầm trung (1.000-3.000km); 1.000-1.200 tên lửa tầm ngắn (dưới 1.000km);

 

Trong nhiều hạng mục chiến lược cần đầu tư, hỏa tiễn (tên lửa) là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với quân đội Trung Quốc.

Tiên hạ thủ vi cường !

Theo Báo cáo Ngũ Giác Đài về quốc phòng TQ 2012, TQ hiện có 50-75 tên lửa liên lục địa (trên 5.500km); 5-20 tên lửa liên lục địa tầm trung (3.000-5.500km); 75-100 tên lửa tầm trung (1.000-3.000km); 1.000-1.200 tên lửa tầm ngắn (dưới 1.000km); và 200-500 tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (trên 1.500km). Với dàn tên lửa hùng mạnh, TQ, về lý thuyết, có thể nghiền nát như cám các căn cứ quân sự Mỹ tại Đông Nam Á và khiến không lực Mỹ bị vô hiệu hóa trong tích tắc! Đơn giản, hầu hết căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương đều không có hầm trú máy bay. Kadena (Okinawa) chẳng hạn, căn cứ không quân khổng lồ này có tổng cộng 15 hầm trú, chỉ đủ cho nhiều nhất là 30 chiến đấu cơ. Trong khi đó, căn cứ thủy quân lục chiến Futenma (cũng ở Okinawa) không hề có hầm trú máy bay; tương tự căn cứ thủy quân lục chiến Iwakuni (Yamaguchi), căn cứ không quân Yokota (Fussa, Tokyo) và căn cứ không quân Andersen (Guam). Để triệt tiêu chớp nhoáng sức mạnh quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương, dàn tên lửa TQ chỉ cần điều hướng và “chiếu tướng” thẳng vào các mục tiêu “lạy ông tôi ở bụi này” nói trên!

 


Máy bay tiếp liệu H-6U của TQ-sự thiếu hụt về máy bay tiếp liệu làm giới hạn rất lớn khả năng hoạt động 
của các chiến đấu cơ đã khiến TQ phải chú tâm đến việc phát triển công nghệ hỏa tiễn. 

Tên lửa chắc chắn sẽ là vũ khí chiến lược số một đối với TQ, và nhu cầu ngày càng có nhiều tên lửa tiếp tục là một trong mục tiêu quan trọng nhất đối với quân đội TQ. Cần biết rằng, dù được hiện đại hóa với dàn “phần cứng” không thể xem thường, từ chiến đấu cơ tàng hình, tàu ngầm đến khu trục hạm, nhưng TQ vẫn thiếu nhiều hệ thống cơ bản để có thể điều phối trơn tru khi lâm trận. Thử xem một đoạn trong Chinese Aerospace Power: Evolving Maritime Roles (tác giả Andrew S. Erickson và Lyle J. Goldstein, phát hành tháng 7/2011), sẽ thấy một số khiếm khuyết trong sự vận hành của cỗ máy quân sự TQ. Lấy ví dụ máy bay tiếp liệu. Hiện quân đội TQ chỉ có 14 chiếc máy bay tiếp liệu H-6U với mỗi chiếc chở khoảng 17-18 tấn nhiên liệu (Không quân Mỹ có hơn 500 máy bay tiếp liệu với mỗi chiếc chở được 100 tấn). Website chuyên về quốc phòng TQ Sinodefence.com (truy cập ngày 12/6/2012) cho biết chi tiết hơn: Sư đoàn 8 Không quân TQ đóng tại Lỗi Dương (Hồ Nam) hiện có chừng 10 chiếc H-6U trong khi Sư đoàn 9 Không quân TQ đóng tại Lăng Thủy (Hải Nam) có ba chiếc tiếp liệu H-6D, hoạt động ở tầm 6.000km với vận tốc 786km/g...
Do đó, dù trên lý thuyết không lực TQ có hơn 1.500 chiến đấu cơ (như họ phô trương) nhưng họ khó có thể làm mưa làm gió khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ít nhất ở thời điểm hiện tại), bởi trên thực tế, dàn máy bay tiếp liệu của họ chỉ có thể “bơm xăng” được cho 50-60 chiếc vào một thời điểm (với giả định rằng tất cả máy bay tiếp liệu H-6U đều hoạt động tốt). Nếu xảy ra một trận không chiến trên bán đảo Đài Loan (cách hầu hết căn cứ không quân TQ hàng trăm dặm) thì chỉ có 50-60 chiến đấu cơ TQ là có thể đến được địa điểm tác chiến và cũng chiến đấu được vỏn vẹn… vài phút! Khắc phục điểm yếu này chỉ có cách nhờ đến tên lửa…
Trong Chinese Aerospace Power, một nhà phân tích quân sự TQ ước định rằng, cần đến 150-200 chiếc Su-27 quần thảo mù mịt và hò nhau “hội đồng” mới có thể diệt được một tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Với “sĩ số” tổng cộng khoảng 300 chiếc Su-27 và một số chiến đấu cơ phiên bản tương tự, TQ thật khó có thể “trấn nước” toàn bộ hạm đội 22 chiếc: “Ticonderoga. Một lần nữa, tên lửa cũng sẽ là lời giải. Chỉ có cách bắn ra trận mưa tên lửa mới có thể khiến hệ thống phòng thủ Ticonderoga bị vô hiệu hóa” – theo chuyên gia quân sự Toshi Yoshihara thuộc Đại học Hải quân Hoa Kỳ...

Hậu hạ thủ vi ương!

left align image
Máy bay điện tử chuyên phá sóng EA-18G Growler từng được sử dụng để làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng không của Muammar Gadhafi trong cuộc chiến Libya năm 2011.

“Để đối phó hỏa lực hùng hậu của tên lửa TQ, Mỹ có nhiều phương án. Đánh chặn, phá nhiễu sóng, đánh lừa và hạ trực tiếp – tất cả đều được sử dụng cùng lúc để đáp trả một trận oanh kích tên lửa TQ” - theo lời đô đốc hải quân Mỹ Jonathan Greenert (trả lời phóng viên trong một cuộc họp báo – Wired News 16/3/2012). Tóm lại, đó là chiến thuật “đầu cuối chơi với đầu cuối” (end-to-end concept) – nói theo ngôn ngữ Greenert. Việc cần làm đầu tiên là nhắm vào hệ thống dẫn đường của tên lửa đối phương, bằng cách sử dụng máy bay điện tử chuyên phá sóng EA-18G Growler (loại từng được dùng để làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng không của Muammar Gadhafi trong cuộc chiến Libya năm 2011). Vài năm gần đây, quân đội Mỹ đã đầu tư mạnh cho máy bay phá sóng. Lầu Năm Góc thậm chí quan tâm EA-18G Growler còn nhiều hơn chiến đấu cơ thế hệ mới F-22. Không như thế hệ cũ EA-6B, EA-18G Growler (thiết kế hệt như F/A-18F Super Hornet) thật ra là một chiến đấu cơ (hai phi công; trang bị tên lửa AGM-154 JSOW) nhưng chức năng chính là phá sóng radar, có thể tháo ngòi các thiết bị nổ dưới đất và thậm chí “xịt” virus điện toán để đục thủng bức tường và thâm nhập phá phách hệ thống điện tử chỉ huy của bộ tư lệnh đối phương (chiến thuật mà Israel từng áp dụng đầu tiên trong cuộc không kích một nhà máy hạt nhân của Syria năm 2007)...
Tuy nhiên, át chủ bài chính của Mỹ tại đấu trường Thái Bình Dương vẫn là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis BMD (một hệ thống vũ khí cực kỳ phức tạp với sự kết hợp kỹ thuật của Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Alliant Techsystems, Honeywell, Phòng tác chiến hải quân, Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins, Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts…). Liên tục được nâng cấp, hệ thống Aegis, trang bị cho các khu trục hạm Mỹ và Nhật, đến nay ngày càng hoàn chỉnh. Aegis hoạt động như thế nào? Sau khi radar AN/SPY-1 phát hiện tên lửa mục tiêu, lệnh phóng sẽ khởi động và kích hoạt tên lửa đẩy Aerojet MK 72 để đưa tên lửa bắn chặn SM-3 ra khỏi dàn phóng. Khi Aerojet MK 72 cháy hết, SM-3 sẽ được đẩy tiếp bằng Aerojet MK 104 để đưa nó vào khí quyển; rồi sau đó tên lửa đẩy thứ ba, ATK MK 136, giúp SM-3 tăng tốc nhắm đến mục tiêu. Trong suốt quá trình bay, SM-3 liên tục nhận được thông tin về vị trí chính xác của mục tiêu, thông qua vệ tinh GPS. Khi tiếp cận mục tiêu, SM-3 sẽ phóng ra đầu đạn động năng (chứa hệ thống cảm ứng hồng ngoại giúp dò tìm) rồi đâm thẳng vào mục tiêu với năng lượng (kinetic energy) kinh khủng 130 megajoule (tương đương 31kg thuốc nổ TNT), tạo ra lực công phá tương tự một chiếc xe tải 10 tấn chạy với vận tốc 965km/g đâm sầm vào một vật thể...

left align image

Gần đây nhất, ngày 10/5/2012, một cuộc thử nghiệm Aegis BMD đã được tiến hành, từ tuần dương hạm USS Lake Erie (lớp Ticonderoga)- ảnh bên trái-Theo bản tin từ website Hải quân Hoa Kỳ, cuộc thử nghiệm bắt đầu lúc 20 giờ 18 phút (giờ Hawaii), khi tên lửa mục tiêu được bắn lên từ Kauai (Hawaii), bay theo quỹ đạo Tây Bắc hướng đến một vị trí ở Thái Bình Dương. Tuần dương hạm USS Lake Erie, với hệ thống Aegis BMD 4.0.1 (thế hệ thứ hai), đã phát hiện và lập tức bắn chặn bằng tên lửa SM-3 Block IB (thế hệ mới nhất). Đây là cuộc thử nghiệm đạn thật đầu tiên đối với dàn “hi-end” Aegis BMD 4.0.1 và SM-3 Block IB (các cuộc thử nghiệm trước đó được thực hiện với Aegis BMD 3.6.1 và tên lửa SM-3 Block IA). Đây cũng là cuộc thử nghiệm thành công lần thứ 22 trong 27 cuộc thử nghiệm Aegis BMD (nếu xét trong tất cả chương trình thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ nói chung thì đây là cuộc thử nghiệm thành công lần thứ 53 trong 67 cuộc thử nghiệm kể từ năm 2001).
Trước đó, ngày 21/2/2008, USS Lake Erie cũng thực hiện cuộc thử nghiệm thành công khi tên lửa SM-3 bắn trúng một vệ tinh, với vận tốc tiếp cận 36.667km/g và vệ tinh mục tiêu đang ở độ cao 247km trên bầu trời Thái Bình Dương. Hai năm sau, ngày 28/10/2010, một vụ thử nghiệm Aegis BMD nữa lại được thực hiện hoàn hảo. Lần này là từ khu trục hạm JDS Kirishima của Nhật. Có gì đáng để ý trong cuộc thử nghiệm này? Lật lại tài liệu cũ, thấy rằng đó chính là thời điểm mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang công du châu Á (từ 27/10 đến 8/11/2010; đến Hawaii, Việt Nam, TQ, Campuchia, Malaysia, New Zealand, Palua New Guinea và Australia). Bản tin trang web Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi lại: Ngoại trưởng Clinton đã gặp Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara để thảo luận nhiều vấn đề trong đó có “tầm quan trọng lâu bền của liên minh Mỹ - Nhật như là nền tảng đối với sự can dự của Mỹ vào Châu Á - Thái Bình Dương”. Và gì nữa: “ngày 28/10, lần thứ hai tại Hawaii, Ngoại trưởng đã có bài phát biểu quan trọng về vai trò của Mỹ với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương”. Cú bắn SM-3 từ JDS Kirishima ngay trong hôm đó hẳn là phát súng hiệu khẳng định chắc nịch thông điệp của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ…
M.K.(PetroTimes
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=176863


Sinh Tồn chuyển

GỬI BÌNH LUẬN
Họ tên: *Email: *
Tiêu đề: *Mã bảo vệ: 
Nội dung:
   

No comments:

Post a Comment