Tuesday, February 26, 2013

Nghĩ về việc đức Giáo Hoàng từ nhiệm :


                                      Tôn Giáo sẽ ra sao trong tương lai ?

                          nguyễn thùy

                         A.- Đức Giáo Hoàng từ nhiệm :
          Tin Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI từ nhiệm khiến mọi người bàng hoàng, không riêng giới tu sĩ và tín đồ Công giáo. Lý do đưa ra là tuổi đã quá cao, sức khỏe xuống nhiều. Dĩ nhiên thể lực yêu kém thì trí lực và tâm lực cũng phần nào theo đó suy yếu khiến Đức Giáo Hoàng cảm thấy không còn sinh động trong mọi công tác mục vụ nữa. Sự từ nhiệm là một hành động đúng đắn, biểu lộ một tinh thần trách nhiệm cao.

          Tuy nhiên, bên cạnh lý do trên, nhiều người nghĩ có thể do nhiều lý do khác nữa. Nơi đây, người viết chỉ xin lược qua một số lý do thường được nêu ra ; từ đó xin góp đôi ý về vấn đề Tôn giáo trong tương lai.

           Đức Giáo Hoàng thấy rõ Ngài và Giáo Hội đang phải đối đầu với nhiều vấn đề gay go, nhiều thử thách về hoạt động của Giáo Hội, về Đức Tin Tôn giáo mà Ngài và Giáo Hôi đương tại khó lòng giải quyết, vượt qua . Có thể kể ra đại lược như sau :



          1) Tín đồ mỗi năm một giảm dần, nhất là giới trẻ, ngay tại các quốc gia Tây Phương, nơi mà lâu nay Công giáo –nói rộng Ki-Tô giáo- được trọng vọng và ảnh hưởng rất nhiều vào giới lãnh đạo, điều hành guồng máy công quyền. Từ hậu bán thế kỷ XX đến nay, giới lãnh đạo một số quốc gia Tây Phương không mấy còn bị ảnh hưởng bỡi Kinh Thánh, bỡi Giáo Hội Vatican. Vị nguyên thủ có đặt tay lên Kinh Thánh để tuyên thệ trong lễ nhậm chức, có lẽ do theo thói quen, do tập quán trước nay hơn là tin tưởng vào Đức Chúa Trời, vào lời thề của mình (bằng cớ lúc tranh cử hứa đủ điều, lúc nắm quyền thì quên cả, còn làm ngược lại điều đã hứa với quốc dân). Lý do khác nữa khiến giới trẻ không mấy còn thiết tha với các nghi lễ tôn giáo, không còn mấy thân cận với nhà thờ, với giới tu sĩ. Không gian, thời gian của giới trẻ không còn là những khoảng trống rộng rãi như công viên, như sân nhà thờ, những con đường dài theo các cuộc hành hương hay các nghi lễ tôn giáo (hành hương Lộ Đức, rước kiệu Đức Mẹ,..). mà là chiếc bàn với máy computeur với thời gian kéo dài, không mệt mõi ( ngồi suốt bốn năm tiếng hoặc cả ngày, ‘chat’ cho nhau lâu cả bao nhiêu giờ) Đức Tin tôn giáo và việc đi nhà thờ không thỏa mãn giới trẻ về không gian, thời gian đó.

          2) Khoa học, Kỹ thuật phát triển thần tốc với bao phát minh tân kỳ khiến người ta chạy theo thời trang, đuổi bắt bao phương tiện mới cần thiết cho cuộc sống, không gian, thời gian bị co rút khiến con người không còn thì giờ và tâm trí để suy tư, chiêm nghiệm Kinh Thánh hầu ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Bao nhiêu phát minh hầu như đoạt cả quyền Thượng Đế như Vũ trụ học, Vi tử học, Thần kinh học, robot học, những nanotechnlogies đang phát triển,…khiến con người không còn mấy tin tưởng vào những điều Thánh Kinh đã nói ; ngay cả một số nhà tín ngưỡng lâu nay, tuy còn gắn bó với Giáo Hội nhưng dần dà thấy rằng Đức Tin hay rộng hơn là nền Thần Học Ki-Tô giáo chỉ có giá trị là vị thuốc an thần hơn là biện chứng giải thoát, cứu rỗi. Những khoa clonage, vỉệc sinh sản vô tính với những trẻ sinh trong ống nghiệm, những trẻ thiên tài (bébés einstein), những bà mẹ mang thai hộ (mères porteuses), những ngân hàng tinh trùng,…hôn nhân đồng tính, ngừa thai, phá thai, cùng bao phim porno, hinh ảnh porno trên Internet, trên một số tạp chí,…càng lúc càng lôi cuốn tính xấu của giới trẻ, không còn tôn trọng giá trị của hôn nhân, của tình yêu, của gia đình như Thánh Kinh đã nói. 

          3) Các chế độ phương Tây dần dà công nhận hôn nhân đồng tính để ban hành thành đạo luật áp dụng vào sinh hoạt xã hội như Pháp, Hoa Kỳ đang làm. Cả việc ngừa thai, phá thai, ly dị…cũng không bị ngăn cấm. Giáo hội phản đối mãi nhưng rốt cuộc trở nên bất lực trước trào lưu thắng thế của cái Xấu.

          4) Giới tu sĩ càng ngày hầu như càng chạy theo mọi ham muốn trần tục chứ không nghĩ đến việc ‘chôn giấu của cải trên trờĩ ‘. Không phải hàng chục, hàng trăm mà là hàng nghìn, hàng vạn tu sĩ phạm tội thông dâm, ấu dâm khiến Giáo Hội càng lúc càng xấu đi trước mắt dư luận dù Giáo Hoàng có xin lỗi và Giáo Hội đôi nơi phải bị phạt vạ, bị phải bồi thường hàng triệu, hàng triệu mỹ kim. Trước tình ttrạng nầy, Giáo Hội hầu như không có biện pháp nào ngăn chặn một cách quyết liệt.



          Ngoài những lý do gần gũi trên, còn có những lý do xa xôi hơn. Có thể kể ra :

          a) Giáo Hoàng cùng các vị Hồng Y và các chức sắc tại Vatican hầu như lúc nào cũng phải chu toàn phần vụ về cả hai mặt : một bên là Giáo Hội và một bên là Quốc gia Vatican. Nhưng hình như vai trò ‘quốc giá Vatican’ được lo lắng nhiều hơn, lẽ ra nó chỉ là ‘phương tiện’ để phục vụ cho cứu cánh là Giáo Hội thì ngược lại, Giáo Hội hầu như phải tùy thuôc vào phương tiện trong mọi bang giao quốc tế giữa quốc gia Vatican và thế giới. Khi nói đến ‘quốc gia’ là mặc nhiên nói đến vấn đề chủ quyền, chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội… ; đấy là những ‘cửa ngõ’ giao lưu, tiếp xúc với quốc tế nhưng cũng là những cửa ngõ xâm nhập của những chủ trương, những thế lực bên ngoài nhằm lôi cuốn Giáo hội và Quốc gia Vatican theo mình,  Do đó, các thứ hội kín, các tổ chức tinh báo cùng ý đồ bất lương của bao chính phủ cố thâm nhập, chi phối, lũng đoạn Giáo Hội qua quốc gia Vatican. Người viết không có tài liệu để chứng minh , chỉ xin lấy trường hợp hai quốc gia Vatican và VN Cộng sản hiện nay làm tiêu biểu.

          Giáo hội Vatican trước nay,về mặt chính trị hầu như luôn dựa theo đường hướng, chính sách của Hoa Kỳ và hiện nay tán thành chủ trương ‘Diễn tiến hòa bình’ của Hoa Kỳ đối với VN nên có nhiều nhân nhượng với Cộng sản VN dù thấy rõ bao thảm họa mà giáo dân cùng nhân dân VN phải gánh chịu do Cộng sản gây ra. Vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, vụ đức Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt, các vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Đồng Chiêm và bao vụ khác trên toàn cõi VN, nào có thấy Tòa Thánh Vatican có một can thiệp nào mạnh mẽ để kiềm hãm bàn tay đẫm máu của Công sản đối với giáo dân và người dân VN đâu. Năm mươi ngàn lá đơn của Giáo dân Thái Hà xin Giáo Hoàng lưu giữ đức TGM Ngô Quang Kiệt  lại tại Tổng giáo phận Hà Nội, chắc không đến tay Giáo Hoàng mà có thể nằm nơi tay ai đó hay nơi Đức Cha Cao Minh Dung được xem là một ‘tình báo’ của CSVN nơi Tòa Thánh. Rồi ba lần Giáo Hoàng cho ba thủ lãnh CS VN tiếp kiến (Nguyễn Tấn Dũng  ngày 25/01/2007 ; Nguyễn Minh Triết ngày 11/12/2009, Nguyễn Phú Trọng ngày 22/01/2013), nhất là vụ tiếp xúc với Nguyễn Phú Trong, Bi thư đảng CS VN đã gây xôn xao trong hàng ngữ chức sắc và giáo dân khắp nơi. Một phần, có thể do những sự kiện nây đã khiến Giáo Hoàng Benedicto XVI cảm thấy hầu như Ngài luôn bị ‘bao vây’ bỡi bao ‘thế lực’ ngầm (trong và ngoài) nơi Tòa Thánh khó lòng vượt qua mà còn phạm lỗi lầm, nên Ngài quyết định thoái vị. (Xin xem thêm bài của Phạm Thái Lai (Saigon Times-Úc châu) được Tuấn Hoàng chuyển lên các Diễn Đàn Phố Nắng, Công Luận,…ngày Thứ Năm 21/02/2013).

          b) Vốn là nhà trí thức và là nhà thần học uyên bác, từng đảm nhận nhiều trách vụ quan trọng qua nhiều đời Giáo Hoàng, hẳn Giáo Hoàng đã nhận ra diễn tiến của tình hình quốc tế cùng hoạt động của Giáo Hội và quốc gia Vatican. Cùng với sự sa đọa của Giáo Hội Vatican, xã hội loài người tức cái ‘cõi người ta’ nói theo Nguyễn Du, càng ngày càng đi ngược lại với những điều Thánh Kinh rao giảng. Sự phát triển thần tốc của Khoa học Kỹ thuật đưa con người xa dần ‘minh triết’(sagesse)  để ví đuổi óc ‘thông minh’ (intelligence) hầu bắt kịp phương tiện cần thiết cho cuộc sống, hầu thỏa mãn mọi sở thích càng nhiều và mới mẻ theo đà cuốn hút của thời trang, của bao thú vui chuộng cảm giác mạnh. Người ta ví đuổi ‘sống để  ăn’ thay cho ‘ăn để sống’, ví đuổi lợi lộc, giàu sang bằng bất cứ giá nào theo đà thúc bách của tư hữu  chiếm hữu chứ không chỉ cầu ‘đủ dùng hàng ngày’. Nền giáo dục chú trọng phát triển cái ‘biết làm’ (le savoir faire) , đào tạo nên ‘người giỏi, người tài’ hơn là cái ‘biết sống’ (le savoir être) để đào tạo nên ‘người hiền, người tốt’. Mọi giá trị đạo đức, tôn giáo tiến dần đến băng hoại, sa-tăng xuất hiện khắp nơi qua bao chiêu bài mĩ miều, tốt đẹp thực ra chỉ là những thứ giả hình, lừa bịp để xui khiến sự ‘gây nên tội’. Bao lý thuyết, chủ nghĩa, chế độ nào cộng sản, tư bản, nào dân chủ, tự do, công bình, bác ái,…chỉ có cái mặt ngoài diêm dúa, chứa bên trong bao thứ man trá, giả hình, độc ác, phi nhân. Một thứ ‘hòa bình nóng bỏng’ (paix brulante) chuẩn bị cho một thế chiến kinh hồn hoặc cho một tai ương kinh khủng chỉ riêng Cha trên trời biết mà thôi.(xem bài « Đức Giáo Hoàng thoái vị vì ân hận đã tiếp ba trùm sò vô thần » của ‘thanhnguyên’ (linh mục Nguyễn Thanh) trên Diễn Đàn ‘Chính Nghĩa Việt’ ngày Thứ Năm 21/02 :2013). Trước những đổ vỡ càng ngày càng dồn dập, kể cả ngay từ bên trong Giáo hội, là người chủ chăn trên một tỷ người, Giáo Hoàng Benedict XVI cùng Giáo Hội mà Ngài đang chủ trì, tự thấy ngay cả mình cũng mang tật nguyền và bịnh hoạn thì làm sao có khả năng làm công việc ‘gánh lấy tật nguyền và gánh bịnh hoạn’ cho ai, cho cái ‘cõi người ta’ đang lâm bệnh trầm trọng nầy. Ngài từ nhiệm là phải thôi. Chúa Jésus đã báo trước rồi : « Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy : hễ ai chẳng thấy thì thấy, còn ai thấy lại hóa mù » và : « Nếu các ngươi là kẻ mù thì không có tội lỗi chi hết ; nhưng vì các ngươi nói rằng ‘chúng ta thấy nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại » (Jean : 9-39,41) vì đã luôn luôn « vấp phạm vì cớ Ta ». Lời nầy của Chúa áp dụng vào mọi việc làm của Giáo Hội và Quốc gia Vatican, kể ra không hẳn sai.         



          B.- Tôn giáo sẽ ra sao trong tương lai ? - Liệu có xảy ra một trường hợp Giốp thứ hai ?

          Từ hậu bán thế kỷ XX và trong những năm đầu của thế kỷ XXI, ta thấy bước đi xuống, sự mất giá, sự phá sản của các tôn giáo. Hồi giáo tại Trung Đông càng ngày càng chia rẻ vì quyền lợi riêng tư của phe nhóm, của quốc gia : các phe nhóm Sưni, Chites, Hamas, Fatah,…luôn thù nghịch nhau và thù nghịch với mọi tôn giáo khác . Thượng Đế Allah và tiên tri Mahomed luôn được viện dẫn không để phục vụ cho tình thương, cho quyền người mà để phục vụ cho quyền lợi bè phái., cho chế độ giáo phiệt.         

          Giáo hội Vatican dần dần không còn là nơi tựa nương tinh thần cho con người, nhất là giới trẻ, đang trên đà đi xuống, do bao lý do được nói trên. Một Giáo hội đông tín đồ nhất hoàn vũ, một Giáo Hoàng được nơi nơi kính trọng, cả hàng vạn Giáo dân xứ Thái Hà, thế mà đành ‘chịu phép’ một tên nhìn mặt thấy rõ nét lưu manh, xảo trá là Nguyễn Thế Thảo (chủ tịch UBND thành phố Hà Nội,  dĩ nhiên không phải riêng NTT mà là Đảng và Nhà nước CS) để tự do tôn giáo luôn luôn là thứ thủ tục ‘xin cho’ trong việc Tòa Thánh đành ép Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từ chức và ‘ẩn tu’ !

          Phật giáo Trung Hoa, Việt Nam, Miến Điện cũng cùng tình trạng lụn bại, sa đọa, bị bức hại bỡi Nhà Nước độc tài, đảng trị. Đã thế, hàng hàng lớp tu sĩ, tín đồ cả Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo, kể cả Cao Đài, Hòa Hảo đã trở thành công cụ, tay sai của nhà cầm quyền Cộng sản để trở thảnh những ‘giáo gian’ trong các tổ chức ‘tôn giáo quốc doanh’. Bao chủ chăn cao cấp từ Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục vì quyền lợi vật chất, vì bả vinh hoa đã tự ghép mình làm tay sai cho chế độ bạo tàn. Bao Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, cao tăng Phật giáo cũng thế. Phật giáo Trung Hoa hầu như tắt tiếng từ ngày Mao Trạch Đông cướp được chính quyền, im thin thít trước bao tội ác tầy trời của Cộng sản Trung quốc(vụ tàn sát sinh viên tại Thiên An môn, những tàn áp thô bạo tín đồ Pháp Luân Công, mổ lấy nột tạng bán buôn , vụ ăn thai nhi, …). Tất cả những vụ đó, hình như không một tôn giáo nào lên tiếng. Phật giáo tại Tây Tạng rên siết dưới gọng kềm của bọn Trung Cộng, đến nay, ngoài việt tự thiêu của hàng trăm tu sĩ, tín đồ chỉ gây xúc động mạnh nơi lương tri mọi người nhưng không tạo được một sức mạnh nào giải thoát được dân tộc khỏi nanh vuốt Cộng sản Tàu. Chính phủ Tây Tạng lưu vong với lãnh đạo tinh thần là Đức Đạt-Lai Lạt Ma được cả thế giới tôn trọng, nhưng nào tìm được một hổ trợ thiết thực để giải phóng Tây Tạng thoát gông xiềng Trung  Cộng ; chỉ bỡi vì Tây Tạng không có dầu khí, đất hiếm, uranium hay mỏ vàng, mỏ kim cương !…, phải thế chăng ?!



          Có thể nói tất cả Tôn giáo trên thế giới đang lâm vào một tình trạng ‘Pháp Nạn’ chưa từng có trước nay, phần do Sa-tăng lồng lộn qua các chế độ Cộng sản, Tư bản, độc tài quân phiệt, giáo phiệt, tài phiệt ; phần khác do từ hàng ngũ tu sĩ và tín đồ chỉ lợi dụng Đức Tin, lợi dụng Thượng Đế, lợi dụng Phật Chúa cho mưu đồ quyền lợi vật chất thôi. Sự ‘lạm phát’ HồngY, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Mục Sư,…, Hòa Thưọng, Thượng Tọa, Đại Đức,… ; sự ‘lạm phát’ nhà thờ, chùa chiềng,,.càng khiến cho Đạo pháp suy đồi, Đức Tin mất giá và Tôn giáo phá sản. Tại đôi nơi, Tôn giáo bị lạm dụng, biến thành nghiệp vụ doanh thương. Hiện tượng kỳ thị, chống báng nhau giữa các tôn giáo càng ngày càng gia tăng, rõ rệt nhất như tại VN, phần do chủ trương đánh phá và chia rẻ tôn giáo của CS, phần do giới tu sĩ bị CS mua chuộc, chạy theo những thứ ‘vinh hoa’ thế tục càng lúc càng đông. Không chỉ thế, ngay nơi mỗi tôn giáo, giới tu sĩ, trí thức tôn giáo cũng chống đối nhau, chia bè chia phái tố cáo, khuynh loát nhau như tại VN trong nước cũng như ở hải ngoại hiện nay. Trong lúc đó, những vị chân tu, trung thành với giáo lý Phật, Chúa, sống đúng tinh thần tôn giáo mình thì bị tố cáo, bị cô lập, bị canh giữ ngày đêm, bị trấn áp, bị bỏ tù, thậm chí còn bị sát hại,… Chúa Jésus  đã nói trước rồi : « Bấy giờ , người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi ; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta. Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau và ghen ghét nhau. Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cùng thì sẽ được cứu » (Mt 24, câu 9 đến 13).



          Liệu cứ như thế đó, Đức Tin tôn giáo cùng Tôn giáo và các Giáo hội có còn ích lợi và cần thiết cho cuộc sống, cuộc đời nữa chăng, có còn là tiếng nói trung thành với thánh ý của Phật, của Chúa nữa chăng ? Và sự thoái hóa, tan rã của các Giáo Hội Tôn giáo là điều kiện tốt hay xấu cho nhân sinh ?



          André Malraux đã bảo : ‘’Thế kỷ XXI sẽ tín ngưỡng hay sẽ không tín ngưỡng’’ (‘Le XXIème siècle sera religieux ou ne sera pas’-trích dẫn bỡi Odon Vallet trong ‘Les Religions dans le monde’, nxb Dominos-Flamarion, 3ème édt., Paris 1998, trang 6). Từ ‘religion’ nơi đây, người viết dịch là ‘tín ngưỡng’ chứ không dịch là ‘tôn giáo’ vì tôn giáo có sau tín ngưỡng. Người viết nghĩ ‘tín ngưỡng’ vốn là thứ của cải bản nhiên của cuộc sống tại thế khởi đi từ sự ‘tin cậy’ (confiance) đến ‘niềm tin’ (croyance) để tiến đến ‘đức tin’ (la foi). Nếu tin cậy, niềm tin thuộc phạm vi cá nhân và thường có tính cách giai đoạn và được giải thích theo sự việc cùng luận lý thường nghiệm thì ‘đức tin’ cũng thuộc cá nhân nhưng lại lan sang phạm vi tập thể, thoát ra khỏi mọi luận lý, có tính cách trường cửu và tính cách hầu như bắt buộc. Do đó, có tổ chức thành tôn giáo để quy dìu Đức Tin của số đông cùng thờ phụng và truyền bá Đức Tin đó. Vì Đức Tin là một trong những yếu tính của đời sống nên tôn giáo, theo người viết nghĩ, vẫn tồn tại vì là chỗ tựa tinh thần, niềm an ủi con người những lúc gặp phải tang thương, gảy đổ trong cuộc sống, đồng thời là một động lực thúc đẩy ý chí ta trổi dậy để đấu tranh cho cuộc sống mình  cùng tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn, miễn là các Giáo Hội biết sống đúng theo nếp sống của Phật, của Chúa ; Riêng Giáo Hội Thiên Chúa giáo không chỉ dựa trên nền Thần Học cở sở thuần nơi Đúc Tin (théologie confessante) mà, theo người viết nghĩ, phải kết hợp cả với Tri thức luận, một nền ‘Thần Học Tri thức luận’ (théologie épistémologique, nói rút gọn là théo – épistémo) , có như thế mới không gặm sự phản bác của Khoa học, của lớp người vô thần.

         

          Sử gia Toynbee, người chuyên viết về lịch sử các nền văn minh, nghĩ rằng : ‘’các Giáo hội sẽ một ngày kia thay thế cho các nền văn minh lụi tàn, mất giá. Sự khủng hoảng hiện nay của Tôn giáo chỉ là một khủng hoảng của một cuộc chuyển biến thôi’’ (Le grand historien des civilisations, Toynbee, dans une de ses dernières œuvres, esquissant une vision prophétique de l’histoire qui ne relève plus du calcul, parce que les Eglises remplaceront un jour les civilisations dégradées. La crise d’aujourd’hui n’apparaitra plus dès lors, que comme une crise de mutation’’ – Xem bài ‘Le phénomène religieux’ của Jean Chevalier trong ‘Les Religions’, tủ sách Les dictionnaires Marabout Université,  1974, trang 548) - từ ‘mutation’, người viết không rõ dịch sang Việt ngữ thế nào cho thật đúng).



          Hy vọng sự việc được xảy ra như thế. Cơn pháp nạn tuyệt trù hiện nay của hai tôn giáo -Phật giáo, Ki-Tô giáo-  tại VN và của các tôn giáo trên thế giới sẽ đưa dẫn đến những điều tốt đẹp mà tất cả đều mong muốn : sự việc không còn tranh chấp, kỳ thị giữa các tôn giáo về lý thuyết cũng như về quyền lợi của các Giáo hội, sự hợp tác, đoàn kết của tín đồ các tôn giáo trước nạn nước, sự tĩnh thức của hàng giáo phẩm, tu sĩ để các tôn giáo trở thành lực lượng tinh thần và thực tiễn để phục hoạt lại tín ngưỡng  cao diệu vừa thanh toán lũ sa-tăng đang lộng hành khắp mọi lãnh vực qua những chiêu bài mĩ miều mà thực chất là quỷ quái, gian manh, giả hình.

          Qua sự từ nhiệm của Giáo Hoàng Benedict XVI, liệu Giáo Hội Vatican với những Giáo Hoàng kế tiếp, sẽ phải trải chịu trường hợp của ông Giốp (Job) xưa kia nơi Kinh Thánh phần Cựu Ước ? Người viết nghĩ có thể như thế. Giáo Hội Vatican cũng như Giáo Hội các tôn giáo khác hầu như phải trải qua một cơn đại nạn như ông Gióp để ‘hồi sinh’, để ‘sanh lại’. Và lời Chúa Jésus về ‘muôn vật đổi mới’ (Mt : 19,28). cái ‘hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa’(Mt24-21) ‘về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả,…song chỉ một mình Cha biết mà thôi’ (Mt 24-36), thời điểm đó chính là thời điểm Muôn vật đổi mới’, thời điểm ‘không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào mà không bị đổ xuống’, thời điểm ‘cả rượu và bình rượu đều mới’, lúc đó ‘Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa, vì những sự thứ nhứt đã qua rồi’ (Khải huyền 21 : 4). Đấy là cơn quăn thắt cuối cùng của nhân loại sau chuổi dài quằn quại trong tội lỗi, khổ đau ; ta có thể hình dung qua nỗi đau tột cùng của người thai phụ trong giờ mãn nguyệt khai hoa để sinh thành đứa con ngoan hiền, tốt đẹp.

          Cảm nhận lời Kinh Thánh như trên nên Victor Hugo, trong đoạn cuối cùng bàI THƠ trường thiên ‘Bên Bờ Vô Hạn’ (au bord de l’infini) nói đến một khởi nguyên  mới cho loài người. Và M. Heidegger, mặc dù chẳng nói gì đến Kinh Thánh, đến lời Jésus đã viết trong thiên Cảo luận ‘Con Đường Điền Dã’ : ‘’Bỡi tiếng gọi từ một nguyên sơ thăm thẳm, một miền cố quận được hoàn trả cho chúng ta’’(Par l’appel en une loitaine origine, une terre natale nous est rendue – M. Heidegger : ‘Der Feldweg’, bản dịch Pháp ngữ ‘Le Chemin de campagne’ của André Préau, trong ‘Questions ÌI, nrf ,Gall. 1989, trang 15). Gần gũi với người Việt chúng ta là thi hào Nguyễn Du dù chưa biế²t gì về Kinh Thánh, về Jésus, cũng đã báo biểu chúng ta thời điểm cáo chung cuộc đời đau khổ ‘’Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đem mà trả nhau’’ để tất cả cùng vào một trạng thái, một cảnh giới sống mới với ’duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’’. Và Đức Phật, trên 500 năm trước Jésus đã hướng chúng ta đến ‘Bờ Bên Kia’ cùng cách thức ta phải tu chứng thế nào để được ‘đáo bỉ ngạn’.

          Và, cũng xin bạn đọc cho người viết ‘khoe khoan’ đôi chút. Năm 1979, trong tháng ngày sống hiu hắt buồn đau, thấp thỏm, âu lo, không một tia sáng bé bỏng nào cho ngày tới, thế mà người viết, không biết sao lại viết những vần thơ vui, đầy lạc quan, tin tưởng :

                                             …….

                 Đức Phật đài sen, nụ cười mở rộng

                 Hồn Lão Trang lãng đãng chốn phiêu diêu

                Tình Khổng Khâu tư lự cuối nương chiều

                Jésus nữa, triệu triệu lòng nhân ái

                                             Cùng về đây giờ hội ngộ tương phùng

                                             Cùng về đây niềm rào rạt vui chung

                                            Mừng nhân loại âu ca giờ Sanh Lại

                                            Mừng Việt Nam hân hoan vào Hội Mới

                                            Kỷ nguyên buồn nay đã mở sang vui….

            Trích ‘’Bài thơ vui sau thế kỷ XX’’  (Sài-Gòn 1979)



          Liệu có như thế chăng ? Cầu mong như thế. Dù sao, có hy vọng còn hơn không .

                                                                                                                            France, 26/02/2013

No comments:

Post a Comment