Trong chương trình hôm nay, giáo sư Nguyễn Khắc Thuần sẽ minh
thị một số chi ktiết đáng chú nhất của mỹ tục này. Giáo sư Nguyễn Khắc
Thuần hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông là một học giả kỳ cựu và
có nhiều công trình đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lịch sử văn hóa
Việt Nam.
Câu đối trong văn hóa truyền thống Việt Nam
Lê Phước : Thân chào giáo sư Nguyễn Khắc Thuần.
Trước tiên xin chân thành cám ơn giáo sư đã nhận lời tham gia chương
trình. Nhân dịp xuân về, Ban biên tập RFI Việt Ngữ tại Paris xin kính
chúc giáo sư cùng toàn thể gia quyến một năm mới :Vạn sự như ý.
Thưa giáo sư, câu đối là một thú chơi tao nhã thể hiện tinh hoa của chữ
nghĩa. Vậy trước tiên, xin giáo sư cho biết đôi điều về câu đối trong
văn hóa Việt Nam nói chung ?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Thân ái chào quý vị và các
bạn. Trước hết, cho phép tôi được gửi tới quý vị và các bạn lời chúc một
năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi xin được trình bày đôi
điều tản mạn về câu đối Tết của người Việt.
Người Việt chúng ta có truyền thống trọng chữ. Trong lịch sử, người
Việt thường sử dụng nhiều loại chữ khác nhau. Nhưng ngày xưa, loại chữ
quý giá và được tôn sùng nhất vẫn là chữ Nho, thường được gọi là “chữ
của thánh hiền”. Trong lịch sử cũng có hai quy ước bất thành văn, thường
được người Việt rất chú ý tuân thủ. Thứ nhất là không viết chữ khiếm
nhã lên các tờ giấy, thứ hai là không vứt những tờ giấy có chữ vào chỗ
rác bẩn.
Vậy chữ được dùng để làm gì ?
Có bốn mục đích khác nhau. Một là để ghi chép sự việc, từ đó tạo ra
văn tự, từ đó tạo ra khế ước. Hai là chuyển tải suy tư, từ đó tạo ra sử
sách, từ đó tạo ra hi phú văn chương, triết lý.
Thứ ba, chữ để làm quà tặng, từ đó tạo ra lời hay và ý đẹp. Xuân về
người ta thường có những chữ như : Cung hạ tân xuân, xuất nhập bình an,
vạn sự như ý, ngũ phúc lâm môn, khai trương hùng phát, bình bút hoa
khai, an khang thịnh vượng ... Đây là những chữ làm quà tặng quá quen
thuộc, nên tôi xin phép không dịch lại. Và từ chỗ chữ làm quà tặng, nó
tạo ra cả những câu đối-câu liễn với nhiều nội dung phong phú khác nhau.
Mục đích thứ tư là chữ để trang trí công đường hoặc nhà ở, từ đó tạo ra thư họa hay thư pháp, từ đó tạo ra những bức tranh chữ.
Nét riêng của câu đối Việt
Lê Phước : Thưa giáo sư, trong văn hóa Trung Quốc và
văn hóa Việt Nam đều có câu đối. Vậy không biết câu đối của người Việt
ta có những nét đặc sắc gì ?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Trong các thể cổ văn, câu đối được dùng rất phổ biến. Ở đây có ba vấn đề chúng ta cần lưu ý.
Vấn đề thứ nhất, người Trung Quốc gọi câu đối là “đối liên”, và chia
làm ba loại. Loại thứ nhất là “Tiểu đối”, tức mỗi vế có từ 4 chữ trở
xuống. Loại thứ hai là “Thi đối”, mỗi vế là một câu đối ngũ ngôn hoặc
một câu thất ngôn, cũng có khi gồm cả hai câu ngũ ngôn và thất ngôn.
Loại thứ ba là “Phú đối”, tức là câu đối viết theo niêm luật của thể
phú, là một thể cổ văn. “Phú đối” được chia thành: Câu đối “Song quan”,
mỗi vế có từ 6 đến 9 chữ, ghép lại thành một đoạn; Rồi câu đối “Cách
cú”, mỗi vế chia thành hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài; Rồi câu
đối “Hạc tất”, mỗi vế có từ ba đoạn trở lên.
Vấn đề thứ hai, trong câu đối người Việt, ta có thể chia làm mấy loại
sau đây. Thứ nhất là câu đối Tết. Thứ hai là câu đối bày tỏ sự chung
vui, ví dụ như chung vui lễ hội hay chung vui trong các cuộc giao lưu.
Thứ ba là câu đối chia sẽ, ví dụ như chia sẽ về những tổn thất trong
thiên tai địch họa, vì đau ốm hay trong các đám ma chay. Thứ tư là câu
đối để chúc mừng, như câu đối mừng tân gia, mừng tân hôn, mừng đỗ đạt,
mừng thăng quan, mừng sinh quý tử. Thứ năm là câu đối để ghi nhớ một sự
kiện hay một vấn đề, ví dụ như trùng tu chùa chiền, đình miếu, tôn tạo
hay xây dựng một số công trình công cộng, dựng bia…
Vấn đề cần chú ý thứ ba, đó là câu đối người Việt thường được viết
bằng nhiều loại chữ khác nhau, trong đó nổi bậc lên có ba loại chữ. Một
là câu đối viết bằng chữ Hán. Với loại câu đối này, bạn đọc là những
người trẻ tuổi, chưa có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán, thì phải có
người dịch ra mới hiểu được. Thứ hai là câu đối viết bằng chữ Nôm. Chữ
Nôm là chữ viết của dân tộc, nhưng không phải ai cũng đọc được. Ngày
nay, số người Việt đọc được chữ Nôm là quá ít. Thứ ba, là câu đối viết
bằng chữ Việt hiện đại, và là câu đối phổ biến nhất hiện ngày nay. Trên
các phương tiện thông tin đại chúng, rồi trên các công sở hiện nay, câu
đối viết bằng chữ Việt rất phổ biến.
Các loại câu đối Tết tại Việt Nam
Lê Phước : Trong các loại câu đối đó, thì câu đối Tết có vai trò như thế nào, thưa giáo sư ?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Trong tất cả các loại câu
đối, nổi bật hơn cả vẫn là câu đối Tết. Câu đối Tết trở thành sinh hoạt
văn hóa rất phổ biến và lâu đời. Ngày nay tuy không ai dùng chữ Hán và
chữ Nôm nữa, hay nói đúng hơn là quá ít người dùng chữ Hán và chữ Nôm,
nhưng không phải vì thế mà câu đối ít đi. Xưa cũng như nay, câu đối trở
thành một món quà không thể thiếu.
Xem lại, câu đối Tết của người Việt có 07 loại sau đây :
1) Loại câu đối Tết dùng chung cho tất cả mọi nhà, ai treo cũng được,
gia đình sang hèn, nghèo giàu đều treo được. Ví dụ như câu :
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Đây là câu đối viết bằng chữ Nôm. Rồi cũng có câu đối viết bằng chữ Hán mà nhà nào treo cũng được :
Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh
Phúc sinh phú quý tử tôn vinh
(Tài lộc dẫn đến sự vinh hoa, nhà thì ngày một thêm thịnh đạt
Phúc sinh ra sự phú quý, con cháu trở nên vinh hoa)
2) Loại câu Tết thường để ở các đình làng hay công sở. Chẳng hạn như :
Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng xuân sang vạn sự thành công
(Câu đối viết bằng chữ Nôm)
Hoặc câu đối viết bằng chữ Hán:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh thần tiên
(Núi sông thanh cao, mùa xuân bất tận
Thần tiên vui vẻ lạc thú cảnh thần tiên ở nơi trần thế)
3) Loại câu đối Tết thường để ở đền chùa miếu mạo. Ví dụ câu đối chữ Nôm sau đây :
Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Đón Tết từ bi bớt não phiền
Hoặc câu đối chữ Hán:
Pháp luân vô ánh oanh thiên hạ
Tâm niệm vô thanh chấn tứ phương
(Pháp luân tuy không có tỏa sáng nhưng có thể làm run cả trời đất
Tâm niệm tuy không phát ra thành tiếng nhưng nó có thể gây chấn động cả bốn phương)
4) Loại câu đối Tết thường có trong các nhà quyền quý. Ví dụ như :
Xuân tái đáo, môn tiền phúc đáo
Hoa hựu khai, thiên ngoại thi khai
(Xuân lại đến, trước cửa phúc lại đến
Hoa lại nở, ngoài trời thơ lại mở ra)
Hoặc câu :
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích đức hiển gia phong
(Tổ tiên để lại tiếng thơm trong sử sách
Con cháu tích đức thì gia phong được hiển hách)
Hay là :
Nhập môn tân thị kinh luân khách
Mãn tọa dai đồng cẩm tú nhân
(Vào cửa khách toàn là người hiểu kinh luân
Ngồi đầy nhà toàn là những bậc mặc áo gấm áo thêu, tức là những người sang trọng quyền quý trong xã hội).
5) Loại câu đối Tết thường có trong các gia đình nghèo khó. Chẳng hạn như câu :
Tết đến gượng cười, mong con cháu chăm ngoan, nhà có dư gạo thóc
Xuân sang gắn vui, cầu vợ hiền mạnh khỏe, vườn đủ quả đủ rau
Hay là câu :
Nợ nần theo gió lạnh bay đi, vợ lại tươi như hoa nở thắm
Của cải cùng khí ấm tràn vào, lòng chồng vua tựa trống hội vang
Ta thấy ở đây là những ước muốn bình dị, thể hiện ước nguyện giản dị
nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của những người bình dân nghèo khó
trong xã hội.
6) Loại câu đối Tết viết theo lối tự trào, viết để cho vui, ai nghe
cũng được, không phải treo ở đâu cả, mà để gắn vào tâm tưởng của mỗi
người, kích động suy nghĩ của mọi người, và cùng vui với mọi người. Ví
dụ như câu đối sau đây của Nguyễn Công Trứ :
Chiều ba mười nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà
Hoặc là câu đối sau đây của Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ lừng danh cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo Ma Vương đưa quỉ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào
7) Loại câu đối Tết thường thấy trong các gia đình Việt Kiều.
Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới và gặp gỡ các Việt kiều, thấy
trong gia đình họ cũng có những câu đối Tết. Đọc qua tôi thấy rất cảm
động, chẳng hạn như :
Nghi ngút tỏa khói hương, xa đất mẹ vẫn nhớ về nguồn cội
Tôn nghiêm mâm ngũ quả, chốn quê người nặng trĩu nghĩa cố hương
Hoặc như câu :
Xuân tha hương, vấn vương thương đất mẹ
Tết xa nhà, xao xuyến nhớ quên cha
Đó là những lời thể hiện tình nghĩa nồng nàn đầm thắm của những người
con xa quê, thực sự xứng đáng là dòng giống con Lạc cháu Hồng. Đó không
chỉ là lời bày tỏ tình cảm, mà quan trọng hơn đó còn là lời thể hiện
một truyền thống viết câu đối của người Việt dù ở bất cứ nơi đâu.
Nhân dịp Tết đến, tôi hy vọng rằng, những câu đối hay của bà con Việt
kiều lại tiếp tục lan tỏa từ gia đình này đến gia đình khác, từ địa
phương này sang địa phương khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Và
lời câu đối chính là lời nhắc nhở về một truyền thống lâu đời của dân
tộc.
Thực trạng văn hóa câu đối Tết tại Việt Nam
Lê Phước : Thưa giáo sư, mấy mươi năm trước, trong
bài thơ Ông Đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên miêu tả cảnh câu đối Tết ngày càng
bị “thất sủng”. Mở đầu bài thơ, Vũ Đình Liên Viết :
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già
Bày mực hàng giấy đỏ
Trên phố đông người qua.
Ngày tháng trôi qua, không biết hiện tại mỹ tục câu đối Tết tại Việt Nam có còn được lưu giữ không, thưa giáo sư?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Ở Việt Nam hiện nay, truyền
thống viết câu đối Tết vẫn được lưu giữ và được phổ biến khá mạnh. Bằng
chứng là trên tất cả các báo xuân, hầu như báo nào cũng có một vài câu
đối, và thường là những câu đối viết bằng tiếng Việt hiện đại. Bằng
chứng thứ hai, đó là ở nhiều thành phố lớn và các khu đô thị luôn luôn
có những người ngồi viết câu đối Tết, và họ gọi đó là “ông đồ” mặc dù họ
chỉ viết chữ Việt hiện đại chứ không phải là chữ Hán hay chữ Nôm.
Tôi là thành viên của Hội đồng Tư vấn về kỷ lục, có lúc tôi đã chứng
kiến sự hội ngộ của cả trăm ông đồ cùng viết câu đối. Tất nhiên, câu đối
ở đây là những câu đối đã được phổ biến rộng rãi hoặc những câu đối chủ
yếu do khách yêu cầu họ viết và viết câu đối theo thư pháp hiện đại.
Đó là một trong những biểu hiện của việc tiếp nối truyền thống và phổ biến văn hóa câu đối Tết ở Việt Nam.
Như đã nói ở trên, câu đối là một thú chơi tao nhã, nhưng rất khó
chơi, nó thể hiện trình độ học vấn và chữ nghĩa của những người được gọi
là có ăn có học. Các cụ thường cho rằng: “nếu thơ văn là tinh hoa của
chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”.
Ngày xưa, dân gian ta có tục đến gặp ông đồ xin chữ. « Xin chữ » là
bởi vì trong làng xã các ông đồ-tức các nhà nho, được xem là người nắm
giữ tri thức xã hội. Mỗi câu đối gồm có hai vế. Gọi là « câu đối » vì
hai vế này phải “đối nhau” một cách tinh tế về mặt chữ nghĩa. Người xưa
thường lấy câu đối ra để thử tài nhau, và lấy việc đối hay đối dỡ để
đánh giá trình độ học vấn.
Riêng về câu đối Tết, như giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã nói bên trên,
ta thấy rằng, câu đối Tết đã trở nên phổ biến trong dân gian. Nó vẫn
luôn còn đó chứ không hề bị mai một. Bên cạnh những bằng chứng đã nêu
trên, ta còn thấy ở miền quê Việt Nam, ngày Tết nhiều người vẫn đi tìm
mua câu đối Tết. Câu đối được viết bằng chữ Việt hiện đại người mua hiểu
đã đành, nhưng có khi người ta còn mua cả câu đối viết bằng chữ Hán dù
không biết trong đó nói gì. Không biết ý nghĩa cụ thể mà vẫn mua vì mọi
người ai cũng hiểu rằng, tất cả các câu đối Tết đều có một mục đích
chung là : cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Một điểm đáng mừng nữa, đó là hiện tại, không chỉ có hình ảnh “ông đồ
già” mà đã xuất hiện nhiều “ông đồ” tuổi mới đôi mươi mặc áo dài khăn
đóng ngồi viết câu đối Tết. Và như giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã nhận
định, đó là một biểu hiện của việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa
dân tộc, mà cụ thể ở đây là câu đối Tết.
Thưa quí vị, Tết Nguyên Đán là truyền thống lâu đời và có thể được xem
là một bản sắc của văn hóa Việt Nam, trong khi đó câu đối Tết chính là
một bản sắc của ngày Tết Nguyên Đán.
Trong thời đại toàn câu hóa ào ạt như ngày nay, việc bảo tồn bản sắc
văn hóa của mỗi dân tộc là một yêu cầu cấp thiết để tránh việc các nền
văn hóa trên thế giới bị đồng nhất. Trong ý nghĩa đó, tình trạng “khỏe
mạnh » của câu đối Tết như đã nêu trên tại Việt Nam rõ ràng là một tin
vui.
Niềm vui đó hòa chung vào niềm vui bất tận của năm mới. Nhân dịp xuân
về, chúng ta nâng ly cùng nhau tận hưởng niềm vui bất tận đó :
Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.
|
No comments:
Post a Comment