Monday, March 12, 2012


Tàu chiến Nhật Bản thăm Hải Phòng

Cập nhật: 10:32 GMT - chủ nhật, 11 tháng 3, 2012
Chiến hạm Nhật Bản ở cảng Hải Phòng
Ba chiến hạm thuộc Lực lượng phòng vệ biển của Hải quân Nhật Bản cùng thủy thủ đoàn 620 người đang ở thăm cảng Hải Phòng.
Được biết ba tàu khu trục hộ tống JS Hamagiri (DD155), JS Sawayuki (DD125) và JS Asayuki (DD132) thăm Hải Phòng trong 5 ngày từ 9/3-13/3.
Đội tàu này do Đại tá Tomoo Mizukami, Tư lệnh Hạm đội tàu hộ tống số 15 thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, làm Trưởng đoàn.
Các chiến hạm đều có tải trọng trên 3.000 tấn, được trang bị hỏa tiễn tầm ngắn, ngư lôi, pháo và cả trực thăng.
Đây là lần thứ năm tàu chiến Nhật Bản thăm Việt Nam, và lần thứ hai trong vòng hai năm nay.
Tháng 9 năm ngoái, hai tàu phòng vệ biển của Nhật cũng đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm ba ngày.
Thông thường, số lần thăm viếng của các tàu chiến nước ngoài được Bộ Quốc phòng Việt Nam điều phối chặt, hạn chế 1-2 lần/năm, nhằm tránh gây hiểu lầm rằng Việt Nam nghiêng về phía quốc gia nào.

Hoạt động xã giao

Thông tin đăng tải trên báo chí trong nước cho hay trong chuyến thăm "tăng cường hữu nghị, hợp tác" tới Hải Phòng lần này, như thông lệ, chỉ huy và thủy thủ ba tàu Nhật Bản sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 3.
Họ cũng đi thăm Hà Nội, Vịnh Hạ Long và tham gia một số hoạt động giao lưu với hải quân và người dân Hải Phòng.
Các chuyến viếng thăm của tàu Nhật Bản được ca ngợi sẽ góp phần "giúp ổn định tình hình Biển Đông và trong khu vực", cũng như tăng cường quan hệ giữa hải quân Việt Nam và hải quân Nhật Bản.
Năm ngoái, hai tàu phá thủy lôi Uraga và Tsushima thuộc lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã thăm Đà Nẵng trong ba ngày 17/9-19/9.
Hai tàu này có thủy thủ đoàn tổng cộng hơn 170 người, do Đại tá Yasuhiro Kawakami, Tư lệnh Đội phá mìn 51, chỉ huy.
Tàu Uruga, số hiệu MST463, trọng tải trên 5.000 tấn, đặt tại căn cứ Yokosuka và đã có nhiều hoạt động chung với tàu hải quân Hoa Kỳ.
Cũng giống Việt Nam, nhiều năm nay Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại khu vực Đông Hải.
Tuy nhiên, Nhật Bản là nước đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ, và Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ với lực lượng hùng mạnh đóng quân thường xuyên tại căn cứ Yokosuka của nước này.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120311_japan_ship_visit.shtml

Nhộn nhịp ngoại giao Miến Điện – VN

Cập nhật: 08:31 GMT - thứ hai, 12 tháng 3, 2012
Hải quân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Hải quân Miến Điện (ảnh báo Dân Trí)
Hai tàu khu trục Miến Điện thăm Đà Nẵng trong ba ngày
Các thành viên hải quân Miến Điện có mặt ở Đà Nẵng, trong khi các quan chức cao cấp của Việt Nam cũng đang thăm Miến Điện.
Sáng nay, hai tàu khu trục của hải quân Miến Điện đã cập cảng Tiên Sa, mở đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng trong ba ngày.
Truyền thông Việt Nam cho hay tổng cộng có 246 sĩ quan và thủy thủ sẽ gặp Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, lãnh đạo Đà Nẵng.
Theo chương trình, họ cũng sẽ được đưa đi tham quan và mua sắm ở phố cổ Hội An.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, Đại tướng Min Aung Hlaing, chọn Hà Nội làm điểm công du nước ngoài đầu tiên.
Giới quan sát khi ấy cho rằng việc ông Min Aung Hlaing chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc để xuất hành lần đầu là vì muốn thể hiện Miến Điện đang tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tìm cơ hội kinh doanh
Trong khi đó, một nhân vật quyền lực trong chính trị Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải, lại đang thăm Miến Điện.
Chuyến đi khởi hành từ hôm 11/3 của Ủy viên Bộ Chính trị dẫn theo cả 50 doanh nghiệp đi tìm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Trước đó Việt Nam cho hay có thể TP. HCM sẽ ký thỏa thuận “kết nghĩa” với thành phố Rangoon, và ký một số hợp đồng đầu tư, du lịch.
Một siêu thị có vốn đầu tư của Việt Nam cũng sẽ được xây ở Rangoon.
Cũng đang có mặt ở Miến Điện là một chuyến thăm riêng rẽ của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Kể từ khi Miến Điện loan báo một số cải tổ chính trị cuối năm ngoái, số lượng người Việt Nam xin visa thăm Miến Điện đã tăng hẳn lên.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đang để mắt đến thị trường Miến Điện, trong đó gồm cả gỗ, khoáng sản của nước này.
Thống kê cho biết thương mại hai chiều còn rất khiêm tốn – năm ngoái Việt Nam nhập khoảng 85 triệu đôla hàng hóa Miến Điện và xuất hơn 82 triệu đôla.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120312_burma_viet_visits.shtml

No comments:

Post a Comment