Tuesday, March 13, 2012


"Ngôi nhà Đảng" đã quá mục rữa

2012-03-13
Trong những ngày qua, diễn biến đậm nét đối với những ai quan tâm đến tình hình đất nước VN là chuyện Đảng CSVN đã tổ chức Hội nghị Trung ương 4 rồi Hội nghị Toàn quốc để khẩn cấp chỉnh đốn Đảng.
AFP photo
Một cửa hàng bán hàng tuyên truyền chính trị có cả chân dung của nhà lãnh đạo cộng sản Karl Max, Lenin tại Hà Nội hôm 01 tháng 2 năm 2012
Đây là một diễn biến mà nhà báo Phạm Trần cho là “Đảng CSVN đang chuẩn bị bầu đoàn thê tử đi chuyến tàu chót cho hết chặng đường còn lại của cuộc cách mạng vô sản”.

Phải xây mới

Qua cuộc phỏng vấn của nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn, nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu VN, cựu đại tá công an Lê Hồng Hà nhận định rằng “hội nghị được tổ chức rất ghê gớm đó” có những phát hiện “không trúng vấn đề chính, không đi vào nguyên nhân gốc”, “chỉ dựa vào những biểu hiện rồi tập trung phân tích những hư hỏng bên ngoài”, chưa nhận ra hay không dám nhận ra “nguyên nhân gốc” của những hư hỏng đó thì làm sao Đảng “chỉnh đốn Đảng’ được ? Rồi nhà bất đồng chính kiến ở tuổi thất thập cổ lai hy này không quên trích dẫn phát biểu bộc trực của nhiều cán bộ kỳ cựu lưu ý rằng đảng cứ ra những nghị quyết nầy nọ sẽ “chẳng giải quyết được cái quái gì cả”. Theo cựu đại tá Lê Hồng Hà:
"Nếu họ phải thừa nhận sai lầm từ gốc nằm ở cương lĩnh, ở đường lối, ở hệ tư tưởng thì tức là họ phải chấp nhận rằng công tác tuyên huấn là bịp bợm còn công tác lý luận là bế tắc, họ sẽ phải tự cách chức hết, tự nghỉ hết, tức là sự tự “lật đổ”, sự thay đổi hoàn toàn. Mà hiện nay họ vẫn tỏ ra phải giữ quyền lực, địa vị, giữ lợi ích của họ, nghĩa là họ phải giữ những đường lối đó. 
Không những thế, vừa rồi họ vẫn còn cho rằng ai phê phán đường lối chính trị của họ là sai lầm là đều thuộc lực lượng “chống đối, thù địch”, nghĩa là những gì chúng ta trao đổi từ nãy đến giờ là thuộc lực lượng “thù địch” rồi. 
Do đó trong tình hình muốn tạo thế chuyển biến cho đất nước Việt Nam thì phải dựa vào dân, chứ dựa vào Đảng, mong muốn đổi mới cái Đảng này cho nó mạnh lên, nó sạch lên thì không có. Trong tình hình hiện nay của đất nước thì cái Đảng này không thể đổi mới được. Chỉ dân mới có thể tạo ra đổi mới. Nếu cái Đảng này có làm được cái gì tiến bộ thì cũng phải dựa vào sức ép của dân. Nhân dân sẽ là người bắt Đảng phải thay đổi."
Qua bài “Không thể sửa chữa được ngôi nhà đã hư hỏng nặng” được blog Dân chủ-Nhân Quyền Cho VN và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, tác giả Đinh Minh Đạo có một phác hoạ tượng hình về ngôi nhà được xây cách đây nhiều thập niên của Đảng CSVN, với những bức tường gồm nhiều “viên gạch đảng viên” của những thế hệ khác nhau, từ thế hệ cao niên có lý tưởng CS và yêu nước nay đã về hưu, rồi thế hệ trung niên dám đấu tranh chống tiêu cực nên bị trù dập hoặc đa số “im lặng là vàng” núp trong các nhóm lợi ích cá nhân, bè phái, cho tới “những đảng viên trẻ hầu hết vào đảng để được “vinh thân phì da”.
Ngôi nhà chỉ có thể dỡ bỏ và xây mới hoàn toàn. Chỉnh đốn Đảng chẳng khác nào muốn sửa chữa ngôi nhà nói trên. Đó là công việc không thể thực hiện được.
Tác giả Đinh Minh Đạo
Tất cả những “viên gạch đảng viên” đó tạo thành những bức tường ngôi nhà Đảng CS kém chất lượng, với kích thước dầy mỏng khác nhau, viên dài viên ngắn; thứ vôi vữa để kết dính các “viên gạch đảng viên” ấy với nhau lại quá tồi nên tường nhà Đảng hiện xiêu vẹo, nghiên ngả, lung lay. Như vậy là – theo tác giả Đinh Minh Đạo –  “mái nhà và nóc nhà của ngôi nhà Đảng này cũng là những vật liệu kém chất lượng, nay đã đầy sâu mọt, đã dột từ nóc và khắp mái nhà”. Và tác giả nêu lên câu hỏi:
"Với một ngôi nhà, móng đã suy yếu, lún sụt, tường thì rệu rã, ngả nghiêng, mái sâu mọt, dột nát có nên sửa chữa và có sửa chữa được không? Có người dân nào muốn sống trong một ngôi nhà như vậy?
Dĩ nhiên là không nên và không thể sửa chữa được, cũng không ai muốn sống trong một ngôi nhà như vậy. Ngôi nhà chỉ có thể dỡ bỏ và xây mới hoàn toàn. Chỉnh đốn Đảng chẳng khác nào muốn sửa chữa ngôi nhà nói trên. Đó là công việc không thể thực hiện được."

Đạo đức đảng viên suy thoái

Qua bài “ ‘Đẩy lùi suy thoái’ – cơ hội của Nguyễn Phú Trọng”, tác giả Phan Thế Hải nhận xét về phát biểu của lãnh tụ đảng này tại “Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 về xây dựng Đảng” vừa rồi:
000_Hkg4466724-250.jpg
Các biểu ngữ tuyên truyền Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ 11 tại Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. AFP photo
"… mặc cho xã hội tiến như vũ bão, nhưng đảng ta cứ họp, cứ quán triệt, cứ bàn về xây dựng đảng… cứ hô hào: “Cần đẩy lùi suy thoái về chính trị đạo đức trong đảng viên”. Cũng lạ là mỗi lần nói về chính trị, đạo đức trong đảng, anh Trọng, anh Rứa… đều nói đến suy thoái, mà đã là suy thoái thì phải chặn đứng, phải đẩy lùi. Nhưng càng chặn đứng, càng đẩy lùi thì đạo đức của đảng viên càng suy thoái… chuyện này nghe mãi cũng đâm quen."
Theo tác giả Trần Duy Quỳnh của bài “Nghị quyết Trung ương 4 – Bản giao hưởng cuối cùng của đảng”, thì tất cả những gì đảng làm thật ra chỉ vì sự sống còn của đảng và chế độ. Nhưng tác giả cảnh báo rằng “Nếu đảng cứ tiếp tục sống còn thì dân tiếp tục sống mòn”. Và “Suy cho cùng, nỗi sợ của đảng cũng chưa lớn bằng nỗi sợ của dân. Nỗi sợ của dân là đảng sẽ trường tồn vĩnh viễn. Nếu đảng mất, chế độ mất thì đảng viên sẽ lại trở thành người dân bình thường, Việt Nam vẫn là Việt Nam, nhưng nếu đảng còn mãi mãi thì khả năng Hán hoá sẽ không thể tránh khỏi. Và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Blogger Phạm Viết Đào nêu lên câu hỏi rằng “làm thế nào để trị được đảng viên hư để chỉnh đốn Đảng?”. Blogger Phạm Viết Đào trích dẫn ý kiến của quần chúng khi báo chí rầm rộ đưa tin về Nghị quyết 4 cùng nhóm giải pháp, rằng “Nếu Bộ Chính trị thật lòng muốn chỉnh đốn Đảng thì phải nêu gương chỉnh từ trên xuống như lời ông Lê Khả Phiêu; tức là trong số các ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW kỳ này dứt khoát phải có ông đứng ra nhận lỗi là mình có sai sót và nhận kỷ luật ? 
Chả nhẽ Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương không ai có khuyết điểm gì, tốt đẹp cả thế thì tại sao đẩy Đảng vào tình thế nghiêm trọng, bê bết như hiện nay nên phải hè nhau chỉnh đốn ? Chả nhẽ Hải Phòng bê bết như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, một Bí thư thành ủy như ông Nguyễn Văn Thành công khai bày tỏ ý kiến ngược với ý kiến kết luận của Thủ tướng mà không bị làm sao…Các cơ quan chức năng dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy Hải Phòng vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy mà không một lãnh đạo chủ chốt nào của thành ủy Hải Phóng bị kỷ luật về Đảng”. Nhà văn Phạm Viết Đào nhận xét:
Nếu không làm một cách bài bản, đến nơi đến chốn thì cuộc chỉnh Đảng lần này sẽ rơi vào tình cảnh giống như các cuộc Liên hoan nghệ thuật – Liên hoan “nghệ thuật chính đốn Đảng”…
Nhà văn Phạm Viết Đào
"Thực ra truy quét và nghiêm trị đảng viên hư theo kiểu bắt tận tay day tận trán kiểu này vẫn là cách làm cò con; Để giải quyết các vấn đề thuộc nội bộ của một tổ chức, hơn nữa đây lại là tổ chức của một đảng cầm quyền thì phải làm bài bản hơn, khoa học hơn; tức là làm một cách có tổ chức chứ không phải tùy hứng hoặc duy ý chí mà phải lần tới từ gốc của vấn đề vì sao dẫn tới việc đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới vi phạm kỷ luật, pháp luật nhà nước…
Nếu không làm một cách bài bản, đến nơi đến chốn thì cuộc chỉnh Đảng lần này sẽ rơi vào tình cảnh giống như các cuộc Liên hoan nghệ thuật – Liên hoan “nghệ thuật chính đốn Đảng”…
Tại các Liên hoan mọi người đến tham gia và ra về đều vui vẻ cả, người bất tài thì sẽ được cấp chứng chỉ có mặt tại Liên hoan; người có các hoạt động nổi trội hơn một chút thì sẽ được cấp Huy chương vàng, bạc, bằng khen của hội đoàn này nọ; như vậy cái hoạt động chính trị nghiêm túc này sẽ biến thành hoạt động của cái đám phường tuồng, phường chèo".

Dân không còn tin Đảng 

000_Hkg4913876-200.jpg
Áp phích tuyên truyền cuộc Bầu cử Quốc Hội tại Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 2011. AFP photo
Qua cuộc phỏng vấn vừa nói của BS Phạm Hồng Sơn, nhà bất đồng chính kiến lão thành Lê Hồng Hà lưu ý rằng sự đánh giá của Đảng CSVN về chính Đảng này và về hiện tình đất nước nói chung sai lầm khi Đảng “vẫn cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có, vẫn tự khoe khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều tiến bộ”. Ông Lê Hồng Hà nhân tiện khẳng định rằng “việc xây dựng và phát triển đất nước từ khi có Đảng CSVN đến giờ là một quãng lịch sử thất bại”, “thực tế cho thấy VN dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN thì càng phát triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực”. Vẫn theo nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà:
"Tình hình xã hội hiện nay ở mức độ xấu chưa từng có, kể từ năm 1975 đến giờ. Sự xuống cấp của đất nước hầu khắp mọi lĩnh vực từ an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội, hay chính trị. Chính trị nghĩa là uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa. Như vậy xã hội hiện nay, theo tôi, đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện mà nguyên nhân là do đường lối của ĐCSVN về phát triển là sai."
Cựu Đại tá Lê Hồng Hà cũng không quên đề cập tới hiểm hoạ từ Phương Bắc, cảnh báo rằng TQ đang ráo riết tiến hành những “kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây” quê hương VN trên mọi lãnh vực từ kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ cho tới ý đồ cuối cùng là thôn tính VN trong khi giới lãnh đạo VN lại “lờ phờ, không rõ ràng” và nhiều người “đã và đang bị TQ mua chuộc và khống chế” nên vận nước hiện trong tình cảnh rất đáng ngại.
Qua cuộc phỏng vấn của nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn, nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà cũng nhấn mạnh rằng việc VN “xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là 1 học thuyết phản phát triển”. Và ông đề nghị “ĐCSVN cần phải họp lại với nhau để thôi hệ tư tưởng Marx-Lenin đi. Tôi không kêu gọi thủ tiêu “anh” nhưng “anh” muốn tồn tại thì phải thực hiện đa đảng, dân chủ, để mà tồn tại”.
Chính trị nghĩa là uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa. 
Ông Lê Hồng Hà
Cũng cùng quan điểm này, tác giả Lê Anh Hùng có bài tựa đề “Sửa Hiến Pháp – trí thức phải lên tiếng” được phổ biến trên mạng Bauxite VN với đoạn phân tích như sau:
"Sau cuộc “đổi mới” lần đầu tiên năm 1986, đời sống kinh tế nước nhà dần dần khởi sắc và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, do hệ thống chính trị vẫn cố khư khư đội cái “vòng kim cô” Marx-Lenin trên đầu nên cái giá phải trả cho những “thành tựu” đó là rất đắt, đặc biệt là về xã hội (quốc nạn tham nhũng tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, pháp luật bị lũng đoạn, tội phạm nhan nhản, v.v.) và môi trường (rừng bị tàn phá hàng ngày, sông ngòi ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, v.v.), trong khi vẫn không bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực trạng đó khiến cho việc sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành trở nên hết sức cấp thiết, trước sự níu kéo với đủ mọi lý do của các nhà lãnh đạo Đảng suốt bao năm qua".

 Video: Bản tin video sáng 13-03-2012

Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment