Sunday, March 25, 2012


Chiến Dịch Vận Động: Đạt Mục Tiêu

TS.. Nguyễn Đình Thắng

Làm Việc Gốc


Người đang lún trong vũng lầy, muốn sống thì phải tự mở đường thoát. Muốn tăng triển vọng thì người ấy phải nhận diện những trở lực, trợ lực, và cơ hội để rồi liệu sức, nương thế mà từng bước thoát ra. Dân tộc Việt Nam muốn thoát cơn đại nạn hiện nay cũng phải làm y như vậy. 
Muốn sống là yếu tố tiên quyết. Thiếu quyết tâm ấy thì người ta sẽ đầu hàng, an phận và buông xuôi trước khó khăn và thử thách. Đối với một dân tộc, quyết tâm ấy chính là tinh thần bất khuất và ý chí thăng tiến. Chúng xuất phát từ niềm tự tin mãnh liệt rằng mình có khả năng xoay đổi thời vận, vượt qua chướng ngại, và từng bước đi lên. Ngày xưa, Hội Nghị Diên Hồng được triệu tập chính là để thổi bùng lên niềm tự tin của cả dân tộc trước hiểm hoạ bắc thuộc. Niềm tự tin mãnh liệt ấy, cụ Phan Chu Trinh gọi là dân khí. Dân tộc Việt Nam đang bị suy nhược trầm trọng về dân khí. 
Sau nhiều năm bị thống trị, khống chế và bưng bít, người dân Việt Nam mất dần khả năng đề kháng và trổi dậy. Trong thời gian gần đây, bắt đầu có sự đổi chiều -- ngày càng có nhiều tiếng nói khẳng khái và hành động khí phách ở trong nước. Tuy nhiên, nếu so với đại khối dân tộc thì đó mới chỉ là những tiếng nói rời rạc và hành động lẻ tẻ. Sự suy nhược dân khí cũng ảnh hưởng đến không ít người Việt ở ngoài nước, khi lập luận “thay đổi vận nước khó lắm, thôi thì giúp được người nào thì hay người nấy”. Chỉ khi nào tuyệt đại da số người Việt trong và ngoài nước cùng tự tin mãnh liệt vào khả năng định đoạt số phận và tương lai chung của đất nước, lúc ấy dân tộc Việt Nam mới có cơ hội thoát nạn. 
“Chấn dân khí” – cũng dùng lời của cụ Phan Chu Trinh – là mục tiêu gốc thứ nhất của giai đoạn hiện nay. 
“Chấn dân khí” sẽ phải đi qua nhiều giai đoạn: bớt sợ và rồi hết sợ, ý thức được và rồi quyết tâm bảo vệ quyền của mình, và cuối cùng là quyết tâm xây dựng một xã hội tốt đẹp và gìn giữ giang sơn gấm vóc cho con cháu của mình về sau. Sự thay đổi này có thể xẩy ra. Chúng ta hãy nhìn vào người dân Syria. Sau 40 năm hãi sợ trước bạo quyền, người dân Syria đã khắc phục sự sợ hãi để đứng lên đòi nhân quyền và tự do. Quân đội nã súng, hàng ngàn người ngã gục, nhưng hàng trăm ngàn người khác vẫn tiếp tục đứng lên. 
Nhưng sự thay đổi khởi đầu từ đâu? Có nhiều cách và cũng đã có sẵn nhiều bài học trên thế giới trong lịch sử cận đại. Nhưng cách nào thì vẫn cùng một chân lý: nó khởi đầu với một số ít người chấp nhận gian nguy, hy sinh, thiệt thòi. Đó là đội ngũ tiên phong khởi động sự thay đổi. Cố Tổng Thống Vaclav Havel, một nghệ sĩ với dáng dấp thư sinh và tính tình nhỏ nhẹ và là người đã góp phần khởi động cuộc cách mạng nhung làm sụp đổ khối cộng sản Đông Âu và cả Liên Xô, nói về đội ngũ tiên phong ấy: “Những người ‘đối kháng’… nói hộ cho những người im lặng. Họ chấp nhận rủi ro đến mạng sống khi những người khác không dám, hoặc không thể làm.” Và Ông đã lấy triết lý “tỉ như” để chấn dân khí, khởi sự với chính mình: dù dưới sự kềm kẹp, hãy sống tỉ như đang có tự do; dù xã hội chung quanh băng hoại, hãy cư xử tỉ như đang giữa một nền văn hoá tử tế; dù số đông đang bải hoải, hãy hành động tỉ như trong lòng một dân tộc bất khuất. Và triết lý ấy, khởi đầu từ một người, đã lan ra khắp xã hội. 
Xây dựng đội ngũ tiên phong tài đức với đủ bản lãnh và kinh nghiệm tập hợp và tổ chức quần chúng, để từng bước tăng trưởng nội lực của dân tộc, là mục tiêu gốc thứ hai của giai đoạn hiện nay. 
Trong hoàn cảnh Việt Nam, mọi nỗ lực chấn dân khí và xây dựng đội ngũ tiên phong sẽ phải đối phó với hai trở lực lớn: từ trong là chế độ độc tài muốn dân nhu nhược để dễ thống trị và từ ngoài là chủ trương bành trướng của Trung Quốc với mục tiêu khuất phục dân ta. 
Đẩy lùi trở lực từ trong và từ ngoài là mục tiêu gốc thứ ba của giai đoạn hiện nay.
Mọi nỗ lực của chúng ta, trong và ngoài nước, phải nhắm vào ba mục tiêu trên cùng một lúc. Khi dân khí mãnh liệt, khi đội ngũ tiên phong đủ tài và đức để huy động quần chúng, và trở lực giảm xuống thấp hơn so với nội lực của dân tộc và những trợ lực từ ngoài, thì lúc ấy vận hội sẽ đến cho dân tộc Việt Nam tự vượt thoát. 

Góp Gió Thành Bão


Mục tiêu chiến lược là yếu tố cần để huy động tổng lực của đại khối. Khi một ngàn người cùng đưa thuyền ra biển và mạnh ai nấy chèo, thì càng chèo lại càng tản mác trên mặt biển mênh mông. Nhưng nếu trước khi ra biển có giao ước với nhau: “hãy nhắm Sao Bắc Đẩu”, thì mạnh ai nấy chèo họ vẫn sẽ tụ lại thành đoàn thuyền cùng tiến về một hướng. Mục tiêu chiến lược chính là Sao Bắc Đẩu ấy. 
Trước đại nạn của dân tộc, chúng ta nhất thiết phải có chung một số mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn. Lúc ấy mỗi người một việc, dù lớn dù nhỏ, dù có phối hợp hay không, thì vẫn cùng góp phần vào đại cuộc. Bằng không thì dù cố gắng cách mấy, bỏ công sức và tài nguyên ra bao nhiêu, thì vẫn chỉ là những nỗ lực rời rạc, manh mún. 
Nhưng mục tiêu chiến lược phải đặt đúng chỗ. Bằng không thì cũng sẽ phí hoài tâm huyết, công sức, và tài nguyên vì làm sai việc. Mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện nay phải giúp dân tộc tự giải thoát khỏi cơn đại hoạ, nghĩa là phải trùng với ba mục tiêu gốc: chấn dân khí, phát triển đội ngũ tiên phong, và đẩy lùi các trở lực. 
Đồng lòng về mục tiêu chiến lược sẽ giúp chúng ta:

(1) Chọn đúng việc để làm. Khi gặp đại nạn thì cũng có nghĩa là đang trong tình trạng khiếm khuyết năng lực và tài nguyên để vượt thoát; như vậy chúng ta bắt buộc phải đặt ưu tiên, và tuyệt nhiên không hao phí công sức hay thời giờ của mình và của người khác vào những việc nằm ngoài mục tiêu chiến lược. 
(2) “Bám trụ” với công việc; không bị chia trí, chao đảo để mất định hướng và không ôm đồm để mất tập trung. Có vậy chúng ta mới có thể phát huy nội lực, tích luỹ kinh nghiệm, và chuyên môn hoá công việc để từng bước vượt qua trở lực. 
Sau đây là hai ví dụ minh hoạ về “chọn việc” và “bám trụ”. 
Nạn buôn người ở Việt Nam gồm hai lãnh vực: 
-(1) buôn lao động trong các chương trình do nhà nước thực hiện và quản lý; và 
- (2) buôn phụ nữ và trẻ em bởi các tập đoàn tội phạm tư nhân mang tính cách cá lẻ. Chỉ có chống buôn lao động mới có thể đáp ứng các mục tiêu chiến lược kể trên vì nó yểm trợ cho nạn nhân tự đòi quyền lợi, đẩy lùi chính sách vi phạm quyền của người lao động, và phát triển một số người tiên phong từ trong hàng ngũ công nhân ở ngoài nước và những người quan tâm ở trong nước. Đối phó với những tội phạm cá lẻ không đáp ứng mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện nay, chưa kể có thể bị phản tác dụng và đi ngược với mục tiêu chiến lược (sẽ được giải thích trong bài khác). 
Chiến dịch Cứu Cồn Dầu, phát động vào tháng 7 năm 2010, có ba mục tiêu: bảo vệ những người đã chạy thoát khỏi Việt Nam, đẩy lùi sự đàn áp của chính quyền đối với người ở lại, và bảo vệ sự trường tồn của Xứ Đạo Cồn Dầu. Sau một năm rưỡi, chiến dịch này đã qua 4 giai đoạn. Đến nay, người dân đã bớt sợ, chính quyền bớt hung hãn, và một nhóm tiên phong đã biết phối hợp trong với ngoài. Giai đoạn 5, cũng là giai đoạn cuối cùng, sẽ khởi sự trong nay mai. Trước và sau Cồn Dầu có nhiều vụ tương tự, nhưng chiến dịch đã “bám trụ” để thực hiện đến cùng ba mục tiêu đã đề ra từ đầu. Và những nơi khác có thể lấy đó làm mẫu mực để tuỳ nghi áp dụng, qua những chiến dịch tương tự được thực hiện bởi những tổ chức khác nhau. 
Mục tiêu chiến lược giúp chúng ta chủ động, biết việc phải làm và những việc không làm, không bị tản lực vì mất tập trung, và không bị chao đảo hay mất định hướng. 
Tóm lại, muốn đưa dân tộc thoát cơn đại nạn, mỗi chúng ta, trong và ngoài nước, phải chọn đúng việc và đeo đuổi việc ấy trong một thời gian đủ dài để có kết quả. Khi cùng chung mục tiêu chiến lược thì mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức “bám trụ” công việc của mình mà vẫn góp phần huy động và phát triển toàn lực của dân tộc để vượt trở lực ở trong và từ ngoài. Đó là cách góp gió thành bão, gom lạch thành sông. 
Tôi tin rằng, nếu chúng ta, những người quan tâm ở trong và ngoài nước, quyết tâm quyết chí thực hiện điều này trong ba năm tới, thì chính chúng ta sẽ mở ra vận hội cho dân tộc để tự giải thoát. 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment