Hội nghị Hội đồng Cộng đồng An ninh và Chính trị ASEAN lần 7
Quốc Việt, thông tín viên RFA
Chiều ngày 2/4, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã diễn ra Hội nghị Hội đồng cộng đồng an ninh và chính trị ASEAN (APSC) lần 7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20.
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN.
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng an ninh và chính trị ASEAN (APSC) lần 7, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề nhân quyền trong các quốc gia ASEAN và kiểm điểm tình hình triển khai kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng an ninh và chính trị ASEAN do các cơ quan chuyên ngành trong Hội đồng này tiến hành trong thời gian qua.
Với chủ đề “ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh”, hội nghị lần này chú trọng bàn về chiến lược đẩy mạnh hợp tác, xây dựng cộng đồng ASEAN năm 2015, tăng cường liên kết và xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả ba nền tảng chính trị, an ninh - kinh tế- và văn hóa, xã hội.
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Hor Namhong của nước chủ tịch luân phiên ASEAN cho biết nội dung Hội nghị cấp Bộ trưởng sau khi hội nghị kết thúc, rằng Bộ trưởng các nước ASEAN đã thảo luận và cương quyết xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015; cương quyết thúc đẩy thông qua tuyên bố chung về Nhân quyền ASEAN trong năm 2012 và đã thông qua các điều khoản tham chiếu (TOR) cho việc thành lập Học viện ASEAN về hòa bình.
Ngoại trưởng Hor Namhong cho biết thêm: “Tại Hội nghị Bộ trưởng, các nước ASEAN đã hoan nghênh cho việc chuẩn bị và những kết quả tích cực của cuộc bầu cử ở Myanmar. Một cuộc bầu cử được đánh giá cao là rất công bằng, khách quan và minh bạch. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng các nước cũng ngõ lời sẽ tham gia giám sát cuộc bầu cử ở Myanmar sắp tới.”
Theo Ngoại trưởng Hor Namhong, Bộ trưởng các nước nhất trí xây dựng các chương trình và biện pháp cụ thể cho việc giải quyết tranh chấp biển Đông, đề tài mà Ngoại trưởng Campuchia gọi là phức tạp nhất tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20.
Tuy nhiên, các quan chức ASEAN cũng nhấn mạnh, các nước ASEAN nhất trí đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bộ trưởng các nước còn đẩy nhanh việc tham vấn trong ASEAN về các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); tôn trọng luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng một số nước trong đó có Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ việc chính phủ Myanmar kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar. Các Bộ trưởng này cũng khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ Myanmar tăng cường quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xây dựng một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kiết chặt chẽ, có vai trò quan trọng ở khu vực. Đồng thời tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển đất nước và tích cực đóng góp những vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời thông tín viên Quốc Việt của RFA rằng Việt Nam đã sẵn sàng và tăng cường hơn nữa phối hợp với cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong cộng đồng an ninh và chính trị nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ông khẳng định:
“Việt Nam là thành viên của ASEAN tham gia toàn bộ để xây dựng cộng đồng ASEAN. Cùng đóng góp vào để xây dựng cộng đòng ASEAN vào năm 2015. Vấn đề biển Đông vẫn là một trong những vấn đề được trao đổi trong [Hội nghị] vì đây là vấn đề chung, quan tâm chung của các nước trong khu vực. [Vấn đề biển Đông] không giải quyết song phương. Các vấn đề là phải giải quyết thông qua hòa bình, giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước luật biển năm 1982. Thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).”
Cũng diễn ra trong ngày 2/4, còn có Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và một số Hội nghị liên quan khác.
Theo dự kiến, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trong trọng như Tuyên bố Phnom Penh “ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh”, Bản Tuyên bố về nhân quyền ASEAN, Bản Tuyên bố về ASEAN không có ma túy vào năm 2015, Dự thảo Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khi hạt nhân, và Bản Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN.
No comments:
Post a Comment