Ngày dài 30 tháng 4
năm 1975
(Huy Vân)
Ngày dài 30 tháng 4
năm 1975, mang lại tù đày cho cả miền Nam, và cảnh đời đã đổi trắng thay đen
đưa đến sự đói khổ, sự tụt hậu cả một dân tộc, trầm luân bất tận cho đến bây
giờ mà chưa có lối thoát ?!
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CS Việt Nam thiết lập hơn 270 trại tù trong vùng
rừng sâu nước độc, trải dài từ Bắc đến Nam; giam giữ hơn 1.000.000 Quân, Cán,
Chính và dân lành vô tội!.
Cựu quân nhân và công tư chức trình diện tại vùng Sàigòn- Gia Định tập trung
tại trại Long Giao - Suối Máu thuộc tỉnh Biên Hòa; khởi đầu theo lệnh học tập
10 ngày; hết 10 ngày, qua 1 tháng; rồi lại hết một năm và sau cùng chuyển tù
đày ải ra Bắc.
Cuối tháng 6/1976,đa
số tù nhân được chuyển bằng tàu thủy, rồi chuyển bằng tàu hỏa, đường bộ về
Hoàng Liên Sơn. Những năm đày ải ra miền Bắc là thời gian tàn lụn nhất; đói
khát, bệnh tật chết vì không thuốc men, không người thân thăm viếng v.v..
Liên trại 6 tại vùng núi Hoàng Liên Sơn, lòng chảo Điên Biên Phủ núi đồi hiểm
hóc, vắng bóng người qua lại, là vùng tử địa cướp xác tù dễ dàng khi lâm bệnh.
Người tù chịu bao nỗi cực hình, lại thêm biệt âm vô tín !
Ngày ngày lao động nặng nhọc, sáng sớm rời khỏi cổng trại, cố gắng vượt khỏi 3
ngọn đồi có hình nấc thang nằm về hướng Tây bắc trại, tù đặt tên là Đồi Ba Dội.
Vừa leo đến đỉnh đồi thứ ba, khoảng 11AM với ánh nắng hanh vàng đang chói chang
dưới chân đồi. Người tù đứng trên ngọn đồi được bao phủ cả một áng mây trắng
đục, lành lạnh, chỉ đứng cách xa 1 thước vẫn không thấy nhau; mây đang bay lơ
lửng, bay lang thang vây kín cả khu núi đồi trùng điệp. Cảnh đẹp thơ mộng này,
người tù như đứng giữa cảnh Thiên thai?
vừa mơ mộng như sắp vào Thiên đàng; lại vừa lo sợ sắp rơi ngã vào vực
thẳm tại vùng Sơn La đày ải,
Mây trắng bay buốt lạnh thân tù,
Miền hoang dã, ngục tù tăm tối
Sao cảnh hư vô quá bẽ bàng?!.
Chưa kịp nghỉ ngơi 5 – 10 phút, lại tiếp tục lục lạo, xông xáo tìm kiếm cây
nứa, cây vầu đúng kích cỡ ấn định, vội vàng chặt 10 –12 cây, buộc thành bó từ
đỉnh núi cao lại lần mò vác hết bó nứa về trại.
Mồ hôi ướt đẫm cả áo quần, bụng dạ thì đói nhưng đến giờ ăn chỉ có sắn khoai thay
cơm, vắt vừa tròn nắm tay. Nơi đây, núi rừng khí hậu nghiệt ngã, rừng sâu nước
độc, anh em gọi là Tổng Đàn của bọn Hắc đạo trong truyện Kim Dung; là nơi bọn
người dùng tà thuyết hãm hại giết dần những người chống lại chúng. Sống trong
cảnh tuyệt vọng vô vàn này thấy mà thảm thương!
MÀN TRỜI CHIẾU ĐẤT
Trời
rét quá càng thêm thấy lạnh
Cảnh đọa đầy cơm áo mong manh
Núi rừng sâu, một mầu xanh cỏ
Đá gập ghềnh, chôn giấu thân anh
Ngày hai bữa, khi sắn lúc khoai
Cơm thiếu ăn đào xới củ mài
Sâu một trượng thêm vài ba quả
Gửi vào lòng chẳng thấy ngày mai
Áo anh loang lỗ, quần tơi tả
Sương gió bạc mầu lẫn mồ hôi
Đường anh đi, phải chăng mai một
Hận cho đời đen bạc thế thôi
Đồi cao vách đá quá cheo leo
Thân anh trôi giạt như cánh bèo
Ngập đầy dông tố mưa dài khổ
Chống đỡ cơn đau vững tay chèo
Đêm nay gió lạnh đặc mù sương
Ngục tù đen tối khắp nẻo đường
Người nối người nhìn nhau đói khát
Màn trời chiếu đất thấy mà thương!.
Mùa này lại tiếp nối mùa khác; những đêm có trăng, tường vách khu trại còn
trống trải vừa mới che tạm bợ; đêm khuya càng hiu quạnh, sương lạnh đắp bờ vai;
trăng tỏa khắp vùng trời bao la, khắp núi đồi hoang vu và nơi đây những lán,
trại đang còn ngổn ngang. Tù nhân ngày lao động vất vả, tối đến mệt mỏi, ngất
lịm trong cơn đói đang cồn cào dằn vặt, đang mơ màng trong lúc ngủ; ánh trăng
len lén xuyên qua khe tường, vách lá; trăng đến rồi đi trong giấc mộng bâng quơ
! Nỗi buồn nào, mà không xót xa, khi
nhìn trăng vời vợi...
NHÌN TRĂNG
Nhìn trăng nghiêng bóng qua song
Vừa thương vừa nhớ sầu đông lại về
Em ơi! Nhớ giữ lời thề
Sau cơn bão táp anh về với em
Mùa đông rét mướt thâu đêm
Anh nằm canh cánh bên phên gió lùa
Gió đưa, gió thổi rì rào
Vợ Nam chồng Bắc ngày nào gặp nhau
Trăng buồn vượt đĩnh non cao
Len vào song cửa vấn an bạn đời
Đêm nay trăng đến bên lòng
Lồng chim khóa chặt từng vòng kẽm gai
Ước mơ sớm gặp ngày mai
Cho trăng hết vướng bờ gai đầu tường.
Nơi đây không có ngày
về, ngày về còn xa lơ, xa lắc; chỉ thấy mỗi ngày cứ thêm rơi rụng từng người,
từng người vội vã ra đi! Kiếp đọa đày lao động khổ sai; đói khát, bệnh tật cứ
triền miên. Ngày lại ngày tiếp tục băng rừng vượt suối, đốn gỗ xẻ rừng và mong
nhặt thêm ít khoai, đào thêm ít củ nừng, củ chuối; bắt cóc, nhái v.v.. chui lòn
bao tử. Nỗi buồn tủi, lúc nhớ vợ thương con, khi tưởng đến cha mẹ già, càng
ngậm ngùi..
NHỚ MẸ
Tôi
có mẹ già tóc bạc phơ
Mẹ tôi hiền, đẹp tựa bông hồng
Danh lẫy lừng, vang khắp thiên hạ
Sáng ngời xanh, Hòn Ngọc Viễn Đông
Tuổi hai mươi thế kỷ vàng son
Tôi lớn lên mẹ con vuông tròn
Mẹ thương con, con nhớ thương mẹ
Tình mẫu tử dạt dào xiết khôn.
Thưa mẹ,
Trong dĩ vãng con làm tất cả
Dâng lẽ sống con giữ quê hương
Máu từng chảy loang hòa vào nước
Thấm vào đời, con mến muôn phương
Nhớ những chiều Đà Lạt sương rơi
Đây Vũng Tàu gió lộng bể khơi
Sài Gòn xinh tươi, như Hoa Đăng Hội
Sức sống vươn lên nhộn nhịp đời
Thôi là hết mùa hoa chớm nở
Tủi phận mình chưa rửa nợ trần
Bao tháng ngày, mặt trời đi ngủ
Lạnh ngoài đời, lạnh khắp châu thân
Bao tủi nhục, căm hờn xót xa
Bao cay đắng, nhớ thương mẹ già
Con mong đợi, mặt trời thức dậy
Cho mẹ con gặp nhau đậm đà.
Cuối năm 1978, để
tránh cuộc chiến tranh giữa hai nước từng là anh em thân thiện nhất, cùng tôn
thờ một chủ nghĩa cực đoan; gọi là XHCN, Việt Nam & Trung cộng!. Tù các
vùng dọc theo biên giới gấp rút chuyển về miền bình nguyên, chúng tôi được
chuyển về Trại Nam Hà B. Trại này có hỗn danh gọi là Trại Đầm Đùn nói lên sự
cai quản cũng gian ác, đày đọa kinh tởm!.
Kể từ nay, Bộ Đội trao lại quyền quản chế cho Công an. Sách lược của chúng là
giam giữ tù, ngày càng làm tiêu hao sức lực; bỏ đói khát và bắt buộc lao động
khổ sai, đau ốm chết chóc càng nhiều càng tốt.
Mặt khác CS lại đặc ân cho một số người hèn nhát, tiếp tay làm tay sai cho
chúng, những tên đốn mạt này, anh em thường lánh xa, cách biệt và họ chỉ biết
trơ trẻn thủ phận một mình, thấy mà thương hại.
Về đến Nam Hà, trại xây cất rộng lớn, có tường đá cao bao bọc kiên cố, mỗi gian
nhà có thể chứa 200 người; nhốt tù vào các dãy phòng, chật cứng người sát
người, dơ dáy và ngột ngạt.
Phòng ở kín đáo, nên mỗi chiều sau giờ điểm danh, khóa cửa, anh em lại có dịp
gần gũi nhau, chia sẻ an ủi nhau; hoặc tụm năm, tụm bảy kể chuyện, đọc thơ, ca
hát..
Trung tá Nông-A-Pang,
cựu Sĩ quan tùy viên Lào; về đêm thường kể chuyện: - Chưởng, Đường rừng, Ma
quái, Chuyện dài xứ Ba Tư Nghìn Lẽ Một Đêm v.v.. lôi cuốn, hấp dẫn làm anh em
say mê quên hết cả mệt nhọc trong ngày; anh em rất quí mến, thường gọi ông là:
- Tiên Sinh Pang! Nay ông cũng trở nên
người thiên cổ !. Xin chia sẻ sự đau
buồn và trân quí đến gia đình người quá cố!.
Đặc biệt những đêm dài mưa rơi gió rét, buồn man mác; nơi đây, cái lạnh và đói
cuộn chung nhau làm một, gói thuốc lào lúc này là thần dược diệu kỳ, khói thuốc
thả lượn bay bay và những dòng thơ ai oán như cứ luôn tuôn trào .
THÔI HẾT NHẠT NHÒA.
Ngoài
trời gió thoảng mưa rơi,
Lòng anh xao xuyến buông lơi phím đàn
Tiếng tơ nức nở vô vàn
Gửi mây lướt gió ngỡ ngàng trao ai.
Em hỡi em có nhớ anh không
Có bao lần em đã chờ mong
Ngày xưa trời nước mênh mông rộng
Bây giờ chỉ biết có đợi trông
Từng thu chết, đông về giá lạnh
Đã mấy mùa, tím ngắt mặt trời đông
Bao tháng ngày sống trong cảnh chim lồng
Đường hoa mộng vẫn chờ bay trước gió
Em có biết những đêm dài nơi đó
Lửa lập lòe thuốc lịm tắt trên môi
Dòng khói xanh, như khơi nhớ một thời
Bao dĩ vãng dâng lên trào khóe mắt
Nơi đây sương gió phủ đầy
Vượt hằng gian khổ có ngày hoan ca
Vườn Xuân sắp lại nở hoa
Tình ta thôi hết nhạt nhòa từ nay.
Dần dần, cuộc sống tại trại Nam Hà B, cuối tuần vào ngày Chúa nhựt buổi sáng,
tùy tình hình anh em ở bên ngoài lén nhập vào khu bên trong (nơi đây có 2 khu).
Ban tổ chức quan sát tình hình lính gác và nghiên cứu cấp thời chọn phòng tương
đối kín đáo, phổ biến cho nhau biết trước 5 – 10 phút – tập trung sinh hoạt và
cẩn mật đề phòng chuyện bất trắc có thể xãy ra. Buổi sinh hoạt đầu tiên do
Trung tá Thông (81 BCD) và Trung tá Hồng (Phòng Quân Huấn B.TTM) phối hợp tổ
chức một chương trình Văn nghệ bỏ túi đặc biệt giới thiệu: - Đây là: - Tao
Đàn Tiếng Thơ Nhạc Tự Do Trong Ngục Tù CS, với những bản nhạc tù khúc
nóng bỏng và những bài thơ say men trong niềm tin bất khuất, dù có phải xé gan
bẻ cật vẫn phù cương thường. Tất cả anh em tham dự, đồng loạt vung cao cánh tay
và hân hoan đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt..
SAY
Rượu
không uống, sao người mãi say
Trời đất xoay quay bao đắng cay
Ôi biệt ly, buồn dài thế kỷ
Để nhớ về, tràn ngập chân mây
Người chiến sĩ đi trong mưa gió
Thân hải hồ khoác áo chinh y
Mỗi lần đi mấy khi trở lại!
Từng dọc ngang, khắp nẻo biên thùy
Ba mươi năm chiến tranh máu lửa
Biết bao lần bom đạn tên bay
Nhưng không chết, trên hào trận tuyến
Và vẫn sống trong lòng hôm nay
Làm chiến sĩ sống đời oanh liệt
Nợ tang bồng phải trả cho xong
Thắng không làm vinh, bại không nhục
Hận thù này, khắc cốt ghi lòng
Rượu đâu uống sao người mãi say
Ta say trong bốn bức tường dầy
Khi buồn muốn la, vui lại khóc
Lúc tỉnh khi say hỡi rượu cay ?!.
Buổi thơ nhạc trên làm
nền tảng cho bước đi trong âm thầm qua bao sự khắc phục chịu đựng đè nén trong
tâm khảm người tù; nay đánh thức tinh thần anh em, tạo cho mỗi người, biết đoàn
kết thương yêu nhau hơn .
Khí thế càng hăng say, tình thần hưng phấn được sáng tạo một cách lạ lùng, ngay
trong cái lồng sắt lúc nào cũng canh phòng gay gắt, phụ họa là thành phần ăng
ten luôn bám sát gót chân tù. Nếu không cùng một lòng, chắc rằng lưới bạo tàn
sẽ dập tắt, những cùm, kẹp tha hồ chăm sóc kỹ đối với anh em hết lòng ...
Thơ nhạc nở rộ trong ngục tù, là những dịp rửa sạch tâm hồn người tù vì qúa tủi
nhục, không một ai dám lên tiếng hoặc chống đối nhà tù; tiếng đàn, tiếng nhạc,
tiếng thơ ngân vang trong những tụ điểm, những nơi kín đáo, những lúc nhàn rỗi,
làm xoáy động những tâm hồn đang chết lặng vì ngục tù CS dã man nhất thế kỷ !.
NGUYỆN CẦU
Trời
hỡi trời! tôi quá đau khổ
Mang thân tù chuốc lấy đọa đày
Đường tôi đi vinh, nhục đôi ngã
Hận biệt thù, lại thêm đắng cay
Nhục nào hơn bằng nhục mất nước
Vực nào sâu bằng vực tù đày
Nắng vàng không ấm người mong đợi
Ngẩng mặt nhìn trời chỉ thấy mây
Nơi đây máu mắt đong thành đá
Suối chảy rừng sâu gợi thêm sầu
Nắng cháy da đầu, lòng vẫn lạnh
Mùa đông giá lạnh, sốt đêm thâu
Trời hỡi trời ông giờ ở đâu
Bao nhiêu năm tháng tôi nguyện cầu
Cho Việt Nam không còn đau khổ
Cho nước nhà sớm hết Cọng nô!
Suốt ngày lao động cực
nhọc, chiều tối cơm nước không đủ cung cấp nhiệt lượng; đêm về, bao nhiêu hoài
vọng thương nhớ không sao nhắm mắt, và cứ mơ tưởng về Sàigòn:
Đêm
đêm mơ thấy Sàigon,
Đèn xanh đèn đỏ có còn đâu em ?!.
Giấc mộng ray rứt làm tâm hồn lâng lâng bồn chồn, nôn nao và trông đợi. Giấc
mộng chỉ mơ được thấy Sàigòn.. Gió ù ù thổi thêm lạnh, tâm hồn như u uất, vang
vọng trong lòng não nuột cả khung trời ly biệt! Ngoài trời mưa vẫn cứ rơi..
CHO TÔI SỐNG LẠI MỘT NGÀY
Nghe
mưa rơi, lòng ta nức nở suốt canh dài
Nghe gió thổi, sầu thêm cô quạnh
Đã mấy mùa! Mấy mùa đông giá lạnh
Khung trời vắng lặng bóng trăng sao
Ôi biệt ly buồn lắm thương đau
Ai cách ngăn ? tình yêu chan chứa
Ai đã xé nát con tim đôi đứa
Nhưng vẫn nhớ mãi trong lòng
Nhớ em như nhớ dòng sông
Thương em như thương dòng suối mát
Cung đàn tiếng thơ ta hát
Cho tượng đá mắt cũng lệ nhòa
Nơi đây không có mùa xuân nắng đẹp hiền hòa
Nhưng vẫn nhớ, ngày nắng ấm lam chiều khói tỏa nhẹ
Em đi từng bước lòng vẫn thấy lẹ
Chờ trăng lên nao nức không quên đời
Hỡi ôi! Ngày ấy đã xa rồi
Và từ nay, ngày không ngày, trời đất như cuồng quay sụp đổ
Ôi quê hương! Ôi tình yêu tan vỡ
Trong tối tăm, cho tôi sống lại một ngày.
Kể từ nay lúc lên núi
xuống đồi, khi có dịp quây quần bên nhau, bạn Nguyễn văn Thái khóa 15 Đà Lạt
với cây đàn Guitare vừa được gia đình gửi đến, anh ray rứt lay động qua lời thơ
mộc mạc hiền hòa và anh phổ thơ bản nhạc Cho tôi sống lại một ngày. Cả đội
Rau Xanh như thêm sức sống mới và càng hy vọng hướng về tương lai và làm cho
đội Mộc và Rèn nằm gối đầu bên cạnh, cùng vui hưởng những giây phút rung cảm,
khi nghe bạn Thái cất tiếng hát não nề, ai oán trong những đêm mưa gió sụt
sùi.Tiếng hát như gào thét giữa đêm trường; lúc trầm, bổng, dồn dập bềnh bồng
như xua cái đen tối thân phận tù đày rồi sẽ qua mau.
TÙ CHUYỂN VỀ NAM
Cuối tháng 12/1980
toàn Trại Nam Hà B có khoảng 2000 người chuyển về Nam, sau 5 năm đày đọa và hãm
hại thê thảm tại các trại tù miền Bắc; nào Laokay, Yên Bái, SơnLa, Phong Quang,
Hà nam Ninh v.v..CS vắt hết mồ hôi, nước mắt, và xương máu tù nhân, nay chỉ còn
bộ xương khô lê lết trên đường về là cả một trời tím ngắt!.
XUÔI NAM
Đường
trở về thoáng hiện quê hương
Niềm thương man mác sao khác thường
Bao năm xa cách càng uất hận
Ai thấu lòng ta có biết chăng?
Vẫn trăng đó vẫn khung trời xanh
Một nửa hồn đau tím cả lòng
Ai tri kỷ !? Ai người phản bội !?
Mang
đất nước nầy đến thương vong
Hà Nội ơi!
Bao năm chìm đắm trong bức màn sắt
Hà nội không tiến, lịch sử vẫn không ngừng
Hà nội dừng lại, dân chẳng đặng đừng
Màn đen che khuất, cơn ác mộng hãi hùng!
Sàigòn ơi!
Ngày sóng đỏ, ngập đầy cánh đồng xanh
Đã gây bao thê lương tang tóc
Miền Nam kinh hoàng, trong máu lửa loài quỉ đỏ
Quỉ đỏ!! Quỉ đỏ!! Mi là quân thù,
Ta thề quyết không đội trời chung!.
Mi nói Tự Do
Dân chẳng thấy no
Hô hào Dân chủ
Đặc quyền quan to
Dân làm như phu
Chẳng khác thân tù
Lãnh tụ gian ác
Nhốt cả thầy tu
Để rồi, bao hưng vong của đất nước,
Đâu còn tiếng chuông Giáo Đường,
thức tỉnh mi,
đang gây nhiều tội ác!.
Hỡi hồn thiêng núi sông nước Việt
Hỡi anh linh phảng phất đâu đây
Hỡi những người lâm cảnh tù đày
Hãy cùng nhau, dựng lại quê hương mình!.
Trại Z 30 D đón nhận 2000 tù từ Trại Nam Hà B như nói trên; sau 2 ngày phân tán
còn lại 120 tù chuyển về Trai C, đến nơi các bạn tù Vĩnh Phú về trước1 tuần,
thông báo sẽ có kiểm tra. Một tập Sớ Táo Quân được bạn bè cất giấu dùm vừa
thoát cảnh lục soát gay gắt; ngay tối ngày 23 tháng 12 âm lịch năm 1980, chúng
tôi lại có cơ hội thực hiện một buổi sinh hoạt tại buồng ở khá nhộn nhịp và
tuần tự kể hết những tội ác của Trại như: - Đàn áp tù, đánh đập, trù dập, bỏ
đói khát, đau ốm bệnh tật v.v.. trình tâu hết lên Ngọc Hoàng Thượng Đế ?!
- Chỉ còn 7 ngày nữa là đón giao thừa Tết Tân Dậu năm 1981, các trại tù miền
Bắc lần lượt chuyển về Nam không hẹn mà gặp anh em tù trong Nam; sau ngày quê
hương bị thống trị bỡi CS, tù trong Nam hầu hết là giới trẻ, sinh viên học
sinh, công tư chức và các bô lão có tiền của bọn CS gọi là Tư sản mại bản v.v..
Người người đều cảm nhận thiếu mất Tự Do, thiếu mất điều gì mà từ trước họ được
sống nay không còn nữa!. Tù biệt xứ nay trở về gặp lại đủ các thành phần trong
xã hội cũ, mang cùng tâm trạng thương đau, vô bờ bến!.
-“Cảnh chim lồng cá chậu biết thuở nào ra”?! Trại C đang nhốt khoảng 1800 tù
nhân, lợi dụng thời gian và không gian lễ hội Tết sắp đến; anh em hăng say kết
nối nhau trong âm thầm quyết liệt. Theo chương trình ngày mùng 1 Tết, khu A, B,
C đề cử anh em thăm viếng lẫn nhau và chúc Tết vào buổi sáng. Ánh sáng ban mai
lung linh nhảy múa tràn vào từng dãy buồng tù đang trú ngụ như an ủi và cùng
chia sẻ sự vui mừng qua những lời chúc tụng nhau:
-
Mau sớm có ngày trở về.
- Đả đảo chính sách hà khắc đối với tù chính trị.
- Đả đảo CS.
- Hẹn ngày gặp nhau tại.. (Một số tin tức khả tín, bà Khúc Minh Thư đang vận
động Mỹ thu nhận tù.)
- Qua mùng 2 Tết, đúng
giờ G khoảng 3 PM, khu A dàn cảnh bày tiệc trà cùng nhau vui Tết để có dịp đánh
4 tên trật tự và ăng ten, kết quả biến động lan truyền nhanh khắp khu B, C toàn
trại. Ban chỉ huy Trại báo động, lập tức điều động công an trấn áp tù khu A để
giải cứu mấy tên tay sai. Trong khi công an vào đàn áp tù, không may anh Lê
Quốc Tân vì quá hăng say đánh lũ người nối giáo giặc chưa thoát khỏi vòng ẩu
đả, công an ào tới bắt gặp anh Tân đang dùng cây đánh những tên gian ác phản
bội. Anh Tân bị công an vây bắt và đánh túi bụi vào mặt mày thân xác máu me đầy
người, chúng bắt anh Tân bỏ vào bao bố kéo ra khỏi trại đánh hội đồng liên tu
bất tận! Hiện trường lúc này khá sôi động, khu A, B, C đều ra khỏi nhà đồng hô
to:
-
Không được đánh tù chính trị.
- Yêu cầu trả anh Tân về Trại.
- Tất cả 3 khu, tù nhân đồng la, thét, vang dậy một góc trời.
Tin tức truyền tải từ
khu A, qua B, rồi đến C; nối nhau như cơn bão trong lòng nhịp nhàng và không
bao giờ muốn dứt!. Không khí sôi động, tiếng la, tiếng thét toàn trại hơn 1800
con người cùng một lúc trong rừng sâu tăm tối, trong ngục tù CS, chưa bao giờ xảy
ra .. nay các bạn tù đồng đứng dậy nói lên một ý chí sắt đá, một tinh thần bất
khuất, kiên cường và không bao giờ chịu khuất phục.
- Mỗi khắc, giờ trôi qua, sự biến động có thể xảy ra những biến cố hệ trọng
hơn; Công an tăng cường càng lúc càng đông, súng ống sẵn sàng chĩa vào lưng tù,
chúng áp đảo tù khu A, rồi lần lượt khu B vào nhà khóa chặt cửa. Nay chỉ còn
khu C bên ngoài khoảng 400 người, nhất quyết lấy hàng rào chắn ngang giữa khung
B và C, làm điểm tựa vừa kín đáo che khuất, vừa che chở nhau. Mặt trời buông
dần xuống, anh em vẫn hiên ngang tiếp tục cuộc đấu tranh và hô to các khẩu
hiệu:
-
Không được đánh tù chính trị.
- Không đánh đập anh Tân.
- Phải thả anh Tân trở về trại.
- Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm (Lời Tổng Thống Nguyễn
văn Thiệu).
- Nơi nào có đàn áp, nơi đó có nổi dậy (Karl – Marx).
- Đả đảo CS – Đồng loạt vỗ tay và liên tục hát bài ca Việt Nam – Việt Nam.
Cuộc đấu tranh hôm nay, quả thật “Cá nằm trên thớt ”, dù có vùng vẫy rồi cũng
bị sứt mẻ gãy gọng; sau 3 ngày thức trắng đêm hao mòn biết bao tâm huyết để rồi
Ban Quản Lý trại, biệt tách hơn 52 chiến sĩ nhiệt tình, không khiếp sợ nhận lấy
đau thương, chuyển hết về Chí Hòa rồi đày ải vào đội Trừng giới thuộc tỉnh Phú
Khánh và Bình Long. Sau này theo tin tức được biết Thiếu tá Lê Danh Chấp gục
ngã trong những ngày trừng phạt tại Trại Xuân Phước. Chúng tôi quá xúc động vì
mất một người bạn kiên cường anh dũng bất chấp sự trả thù tàn bạo của CS. Thiếu
tá Chấp chết đi đã để lại cho các bạn tù trại Z 30D một niềm thương tiếc vô
cùng xót xa, anh vừa can trường vừa hăng say luôn kích động mọi người cùng đứng
dậy hô to các khẩu hiệu suốt đêm và đến cả ngày hôm sau mùng ba Tết, anh là
người hùng trong đêm nỗi dậy cho đến bây giờ anh em vẫn thương nhớ và biết ơn
anh.
RỪNG LÁ NỔI DẬY
Rừng
Lá,
Tiếng thét đêm nay nghe dễ sợ
Tiếng rú đêm nay nghe rợn người
Rừng Lá âm u, đây Rừng Lá!
Bừng dậy đêm nay trời sáng sao!.
Rừng Lá,
Đêm nay ta gào! Đêm nay ta thét
Lào Kay – Yên Bái – Sơn La,
Hà Nam Ninh – Vĩnh Phú – Phong Quang!.
Nghĩa địa vùi xác tù vội vã!
Z 30D nghiệt ngã trăm bề gớm ghê!
Rừng Lá,
Tiếng rú đêm nay nghe dễ sợ
Tiếng thét đêm nay quá kinh hoàng
Rừng Lá âm u, đây Rừng Lá!
Bừng dậy đêm nay trời xót xa..
Rừng Lá,
Đêm nay ta hát cho nhau nghe
Bài ca uất nghẹn
Bài ca hận thù máu chảy
Và những bài ca trong ngục tối!
Đêm ngục tù không chăn không chiếu
Chân xích xiềng buốt giá đêm thâu
Xích xiềng nào xé nát tim ta?!
Lửa hận thù bốc cao bùng cháy!.
Quân cộng thù phá nát quê hương
Bao năm dài bóp chết dân đen
Vì Tự Do ta tìm cuộc sống
Vì Tự Do ta phá bỏ chim lồng.
Ôi Việt Nam trại tù khắp nẻo
Rừng Việt Bắc lắm anh hùng bỏ thây
Ôi từng cây! Sốt rét rừng xô ngã
Da bọc xương khiếp cảnh lưu đày!
Đêm nay ta hát cho nhau nghe
Bài ca uất nghẹn, khiếp cảnh lưu đày.!
Sau ngày nổi dậy, Ban
Chỉ Huy Trại càng khép chặt cổng tù, càng theo dõi gắt gao từng hành động tù
nhân. Sau 2 tháng, một buổi sáng toàn trại tập trung nhận lệnh đi lao động. Đột
nhiên Ban Chỉ Huy Trại gọi tôi ra trước sân tập họp và đọc Lệnh phạt với lời lẽ
: Chây lười lao động. Ngay lập tức hai tên trật tự áp giải tôi về phòng kiên
giam, theo sau có 2 tên võ trang cầm súng. Vừa vào phòng giam, có sẵn tấm ván
bề rộng khoảng 6 tấc, bề dài vừa đủ chiều cao tầm người; tấm ván kê cao bỡi 2
con ngựa cách mặt đất khoảng 1 thước, người tù bắt nằm dài, thẳng 2 chân xỏ vào
2 còng sắt tròn vừa sát cùm chân; treo toòng teng bởi cây sắt nằm ngang có 2
trụ cột gắn chặt chôn sâu dưới đất. Thế là suốt ngày đêm 2 còng sắt dính sát 2
mắt cá cổ chân, khi ăn uống, tiểu tiện, đại tiện đều nằm ngồi tại chỗ.
TIẾNG GÀO GIỮA ĐÊM KHUYA
Làm
sao sống lại ngày mai
Làm sao quên hết những đêm dài
Âm u một cõi lòng nức nở
Trắng tay gối đầu sầu khôn nguôi!
Đêm nay một mình, một phản, đôi cùm sắt
Lưng mỏi loai hoay sột soạt hoài
Tiếng còng khua động ác đêm lạnh!
Oan trái nợ đời dễ ai quên
Phòng giam khóa chặt đầy bóng tối
Hiu hắt bao thu lạnh tứ bề
Rằng đây có phải là địa ngục
Ta
gào! Ta thét giữa đêm khuya!.
Tiếng gào còn vang mãi trong sa mạc
Tiếng thét căm hờn vọng lại từ xa
Bao nhiêu năm lưu đày khốn khổ
Bấy nhiêu năm bít lối đường về .
Giờ đây lại nằm chân co chân duỗi
Thôi thúc thân tù hành hạ đắng cay
Dù phải hy sinh nơi cửa ngục nầy
Vẫn bền chí quyết một lòng bất khuất .
Vẫn tin tưởng có ngày xán lạn
Đập gông cùm phá xiềng xích dã man
Diệt hung nô thời đại bạo tàn
Làm sạch cỏ nhổ từng tên đầu sỏ .
Ta sẽ về, ta sẽ trở về
Vượt Mây Tào núi dài rừng sâu
Biển Hàm Tân cát bay rát mặt
Thoát nơi này ra hẳn tối tăm .
Làm sao biết được ngày mai
Làm sao biết được đường dài
Sông kia có khúc người có lúc
Dòng đời thay đổi dễ ai hay .
Làm sao giết được ngày mai
Làm sao quên hết những đêm dài!
Đã mấy mùa rung trống xông trận
Chờ ngày phục hận sẽ ra tay.
Sau một tháng cùm siết chặt 2 cổ chân; tôi được thả ra, đi đứng
không vững Tất cả trời đất như quay cuồng rồi ngã gục trên đường về trại. Từ
Bắc trở lại Nam còn bộ xương khô, nay chỉ tội: Chây lười lao động mà cùm 2 chân
không cử động nổi. Thật đáng thương cho số phận làm tù !?. Thuở xưa, giữa hai
nước có chiến tranh, sau khi chấm dứt kẻ thắng đối xử người tù vẫn coi quí
trọng thân thể họ, xem kẻ thù như tình đồng loại; cho ăn uống đầy đủ, đau ốm có
thuốc men điều trị, ngày thả ra còn may cho cả áo quần v.v.. Nay CS Việt Nam đã
đánh mất hết bản tính con người thuần túy Việt Nam, cùng chung một giống nòi; họ
không còn nghĩ đến tình huynh đệ, nghĩa đồng bào; rồi mặc tình đày đọa hằng
triệu người miền Nam tại các trại tù, lâu dài 5,10,15,17 năm trời lao đao, lận
đận, tả tơi đến khốn cùng!..
Giết dần 30 triệu mầm sống của nửa Dân Tộc tại miền Nam!
Vì vậy cho đến ngày nay
sau 37 năm cưỡng chiếm miền Nam; CS Việt Nam chỉ có hả hê say men trên chiến thắng,
chỉ biết vơ vét đầy túi tham; tham ô, tham nhũng lấy của cải tài sản của dân
cùng âm mưu ăn cắp đục khoét của công làm của hương hỏa cho đời sống riêng tư
tăm tối của chúng.
Sau thời gian dài, chẳng xây dựng được gì cho
đất nước; Dân tộc Việt Nam ngày nay hơn 90 triệu người đang quằn quại sống
trong cảnh thiếu thốn, nghèo đói dốt nát...dỡ sống dỡ chết, nội tâm luôn khép
kín, nín thở qua sông; người người đều ngẩng ngơ, ai sống chết mặt bây cứ ngoảnh
mặt mà đi ?! Xã hội phân cách kẻ giàu người nghèo qúa xa .. Rồi người dân chỉ
còn biết ngậm miệng thở dài.. Sau bao nhiêu năm dài trọn quyền cai trị, thế mà
nước Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới?! Tại sao?!
Vì CS Việt Nam cướp hết quyền Tự do, Dân chủ..Để rồi độc quyền toàn trị.Từ đó
không có tiếng nói khác, không có đảng phái đối lập góp chính kiến xây dựng xã
hội, vậy biết bao giờ Nước Việt Nam mới tiến bước kịp các nước bạn trên thế giới?
./.
No comments:
Post a Comment