Tuesday, April 17, 2012



Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 5

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-04-17
Chuyên đề Biển Đông kỳ này chúng tôi đặt câu hỏi về những dữ kiện lịch sử của đảo Scaborough và Bãi Cỏ Rong nằm trong quần đảo Trường sa của Việt Nam nơi đang có tranh chấp căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc.
AFP PHOTO
Đảo Thitu, thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines vào ngày 20 tháng 7 năm 2011.

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh
Email bản tin này

Khách mời hôm nay là nhà nghiên cứu Biển Đông - Đinh Kim Phúc sẽ có những giải thích về lịch sử của những đảo này cũng như thái độ của Việt Nam từ trước tới nay.

VN mềm mỏng – TQ lấn tới

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu Biển Đông - Đinh Kinh Phúc. Thưa ông trong nhiều năm qua Việt Nam luôn bị Trung Quốc khống chế, chèn ép về mọi mặt trong hồ sơ Biển Đông nhưng chính phủ VN không thể làm khác hơn vì thế và lực của Việt Nam rất nhỏ so với Trung Quốc. Theo ông thì có cách nào có thể xem là tương đối vẹn toàn để đối phó với vấn đề này hay không?
Họ luôn luôn cố tình khiêu khích vũ trang để cho Việt Nam nổ súng để họ lấy đó làm cái cớ để tiến công Việt Nam nhằm đánh chiếm thêm một số hải đảo của Việt Nam.
Ô. Đinh Kim Phúc
Ông Đinh Kim Phúc: Theo tôi, đây là một câu hỏi rất khó. Trước nhứt phải nói rằng vào năm 1956 Trung Quốc chiếm một phần của quần đảo Hoàng Sa và đến năm 1974 thì chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay họ đương nhiên coi là sự đã rồi, coi như là vùng đất của họ và không bao giờ họ đồng ý đưa vào chương trình nghị sự để mà đàm phán, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Chúng ta biết rằng quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống hàng trăm năm của ngư dân Miền Trung Việt Nam, nhưng bây giờ cứ mỗi lần ra biển, mỗi lần đi đánh bắt ở mảnh đất ông cha của mình thì bị Trung Quốc chận bắt, o ép, đánh đập và bắt đòi tiền chuộc. Những hành động của nhà nước Trung Quốc chẳng khác nào những tên hải tặc của thế kỷ 21. Vấn đề đó đã gây một dư luận hết sức bức xúc cho nhân dân Việt Nam, cũng như là nối thống khổ của ngư dân Miền Trung hiện nay.
Giải quyết bằng cách nào? Đây là một vấn đề rất khó đặt ra trong thời điểm hiện nay. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam nhiều lần tuyên bố giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, vẫn giữ tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, nhưng càng mềm mỏng bao nhiêu, càng nhún nhường bao nhiêu, càng tuân thủ luật pháp quốc tế bao nhiêu, thì Trung Quốc lại càng lấn tới gây ra những điểm nóng trên Biển Đông, và nhất là vấn đề bắt bớ ngư dân đòi tiền chuộc. Nếu như không có giải pháp thỏa đáng được đặt ra mà ngư dân sợ đến tánh mạng của mình, sợ đến nồi cơm của mình, lén lút nộp tiển chuộc, thì chẳng khác nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vùng quần đảo Hoàng Sa.
Mặc Lâm: Tuy nhiên, mới đây một phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đã sang Bắc kinh để bàn thảo việc hợp tác giữa hai nước. Trong tình hình hiện nay liệu cái được gọi là tình hữu nghị này có thể khiến Trung Quốc hài lòng và tỏ ra thiện chí với Việt Nam hơn hay không khi mà 21 ngư dân Việt Nam vẫn còn bị họ giam giữ, thưa ông?
Ông Đinh Kim Phúc: Không thể đặt tình hữu nghị lên trên chủ quyền quốc gia. Đứng trước một cường quốc mạnh như Trung Quốc, một đất nước có hơn 2.000 tỷ đô la dự trữ, một đất nước chi phí quân sự hàng năm gấp mấy lần thu nhập quốc dân của Việt Nam, và họ luôn luôn cố tình khiêu khích vũ trang để cho Việt Nam nổ súng để họ lấy đó làm cái cớ để tiến công Việt Nam nhằm đánh chiếm thêm một số hải đảo của Việt Nam, đây là một bài toán rất là gian nan! Nếu không có những biện pháp ổn thỏa để giải quyết thì chúng ta sẽ sập bẫy của Trung Quốc và sẽ mất thêm lãnh thổ.
machine-gun-training-250.jpg
Hải quân Việt Nam huấn luyện tác xạ đại liên 12 ly 7 trên đảo Phan Vinh, Trường Sa, 13 tháng 6 năm 2011. AFP photo.
Một vấn đề đặt ra, theo tôi nghĩ một mặt kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình bằng các đường lối ngoại giao, nhưng cũng cần phải có một tiếng nói thống nhứt trong nội bộ các nước ASEAN. Trong những chỉ thị, những áp đặt vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông như là lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, rồi truy bắt ngư dân của Việt Nam, của Philippines, của Malaysia, vân vân, thì chúng ta phải có tiếng nói thống nhứt.
Thứ hai nữa, nếu ai trách rằng nhà nước Việt Nam quá mềm mỏng đối với vấn đề đối phó với Trung Quốc trong việc ngư dân bị bắt bớ thì tôi nghĩ rằng ở tình trạng này Việt Nam đang bị vướng mắc bởi giữ vững lập trường hòa bình, ổn định và phát triền. Trong mối quan hệ kinh tế hàng năm giữa Việt Nam và Trung Quốc là 25 tỷ đô la thì khó có thể kiếm một thị trường nào đó để bù đắp vào thị trường này.

Tránh lệ thuộc kinh tế?

Mặc Lâm: Trong thực tế này thì Việt Nam phải làm gì để thoát ra dần dần hiện trạng lệ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc?
Việt Nam càng mềm mỏng bao nhiêu, thì Trung Quốc lại càng lấn tới gây ra những điểm nóng trên Biển Đông.
Ô. Đinh Kim Phúc

Ông Đinh Kim Phúc: Vấn đề đặt ra là các nhà kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải tìm ra những thị trường mới để bù đắp thị trường Trung Quốc, thì tiếng nói của nhà nước Việt Nam tôi nghĩ rằng sẽ mạnh dạn hơn và sẽ cứng rắn hơn. Bài toán giải quyết việc Trung Quốc đánh đập, bắt bớ, tống tiền ngự dân Việt Nam, tuy là bài toán của nhà nước nhưng tất cả mọi người đều phải có một tiếng nói chung và phải chỉ ra được một phương pháp cụ thể để giúp cho nhà nước vượt qua được cái khó khăn này, chứ không chỉ là phê phán.
Ngay cả thời kỳ xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cuối những năm 70 của thế kỷ trước chúng ta thấy rằng có những vấn đề cũng hết sức khó xử giữa một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn. Do đó dù giữ quan hệ láng giềng hữu nghị đối với Trung Quốc nhưng chính phủ Việt Nam cần phải cứng rắn hơn nữa, nhưng tránh khiêu khích vũ trang, vì nếu khiêu khích vũ trang thì sẽ sập bẫy Trung Quốc.
Mặc Lâm: Trong vài ngày vừa qua Trung Quốc và Philippines đã căng thẳng với nhau trước vấn đề mà Phi gọi là Trung Quốc đã xâm phạm đảo Scaborough trong quần đảo Trường Sa. Theo ông thì những đòi hỏi của Phi có hợp lý hay không?
Ông Đinh Kim Phúc: Vấn đề xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trong tuần qua trong việc tranh chấp khu vực bãi cạn Scaborough nó đã đẩy vấn đề tranh chấp Biển Đông lên một bước mới có khả năng xảy ra xung đột vũ trang nếu như hai bên không kiềm chế.
000_Hkg4960679-250.jpg
Bộ ngoại giao Phillipines cho phổ biến ảnh tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế gần đảo chính Palawan của nước này hôm 24 tháng 5 năm 2011. AFP PHOTO.
Có một vấn đề được đặt ra là vì sao khu vực này thuộc về quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Việt Nam lại không lên tiếng trong vấn đề tranh chấp. Trước khi trả lời câu hỏi này thì tôi có thể khẳng định rằng toàn bộ khu vực đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc thì nó thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Cần phải nhắc lại rằng trong hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và Tây Ban Nha ký tại Paris ngày 10-12-1898 thì Tây Ban Nha giao lại phần lãnh thổ của Philippines cho Mỹ quản lý thì không bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong điều 3 của hiệp định hòa bình 1898 ghi rất rõ khu vực gọi là lãnh thổ Philippines mà Tây Ban Nha giao lại cho Mỹ không bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một sự kiện thứ hai nữa là trong hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Philippines ký vào tháng 5-1984 thì không gian phòng thủ cũng không bao gồm quân đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này đã thấy rõ là Philippines hoàn toàn không có chủ quyền ở trên quấn đảoTrường Sa của Việt Nam. Nhưng trong thời gian vừa qua thì tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Lời tuyên bố cả gói như thế tôi thấy là tạm đủ, vì trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì cần phải có lúc nhân nhượng, có lúc tranh thủ để tập trung đấu tranh chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc . Còn trong nội bộ các nước ASEAN thì vẫn giữ nguyên tắc không gây căng thẳng và đàm phán bằng phương pháp hòa bình.
Mặc Lâm: Thái độ của nhà nước Việt Nam cho tới nay vẫn hoàn toàn im lặng, không hề lên tiếng về chủ quyền tại Bãi cỏ rong mặc dù luôn khẳng định Trường Sa là của Việt Nam. Liệu với sự im lặng này thì Việt Nam có tự gạt mình ra khỏi cuộc tranh chấp hay không ạ?
Ông Đinh Kim Phúc: Đây là một vấn đề mà giới học giả nghiên cứu Biển Đông cũng đang đặt ra. Tuyên bố chủ quyền dù có giành được hay không thì vấn đề liên tục tuyên bố chủ quyền nó vẫn có giá trị pháp lý trong vấn đề đấu tranh ở các hội nghị quốc tế hoặc trong các tòa án quốc tế. Nhưng đấy là điều mà ngay cả bản thân tôi cũng rất là ngạc nhiên, vì trong thời gian vừa qua, ngay thậm chí khi Philippines và Trung Quốc căng thẳng trên vùng đảo Bãi Cỏ Rong thì chính phủ Việt Nam cũng không lên tiếng chủ quyền ở khu vực này. Tôi không biết có một sự thỏa thuận nào đó giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN nói chung, hay giữa Việt Nam và Philippines hay không, nhưng đây cũng là câu hỏi mà tôi đang đặt ra. Không biết là Việt Nam có từ bỏ chủ quyền của mình trên vùng Bãi Cỏ Rong, hoặc vùng bãi đá ngầm Scaborough hay không?
Mặc Lâm: Một lẫn nữa, xin cảm ơn nhà nghiên cứu Biển Đông – Đinh Kim Phúc đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:





__._,_.___
RECENT ACTIVITY:

No comments:

Post a Comment