11/04/12 | Tác giả: Bùi Tín
Nhân ngày 30-4: Một dấu chấm trên chữ “i”
Ngày 30-4 lại sắp đến. Ba mươi bẩy năm đã trôi qua. Nhanh thật.
Ngày quốc hận, ngày mất nước, ngày gãy súng, ngày bị đồng minh phản bội, đối với không ít đồng bào ta.
Ngày đại thắng, ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc, ngày hòa bình trở lại, ngày lịch sử, đối với những người lãnh đạo đảng cộng sản và bộ máy tuyên truyền của họ, cũng như những người còn nhẹ dạ quen nghe theo họ.
Tôi không có cảm giác hay nhận thức nào như trên. Tôi tự thấy trong hoàn cảnh đặc biệt. Xin đừng ai bắt tôi phải theo phía này hay phía kia. Tôi cũng không ba phải. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một quá trình riêng, một số phận riêng, không ai giống ai.
Cái đẹp nhất của nhân loại là hàng tỷ, tỷ con người, cấu tạo cùng một kiểu “người” nhưng không có lấy 2 người giống hệt như nhau, nghĩ hệt như nhau. Giống hệt nhau thì chán chết!
Cứ đến ngày 30-4, suốt 37 năm nay, nhiều nhà báo Việt Nam trong và ngoài nước, một số nhà báo Pháp, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phần Lan, Canada… lại hỏi tôi, phỏng vấn tôi về vấn đề này, năm nào tôi cũng trả lời rõ ràng, ngay thật.
Từ đó đến nay, đông đảo đồng bào quan tâm đến thời sự đất nước hiểu tôi rõ hơn, đầy đủ hơn, tôi rất mừng và biết ơn. Tuy vậy năm nay tôi thấy vẫn cần “đặt một dấu chấm trên chữ i”.
Đó là bởi vì ngày 30-4-1975, do đưa đẩy của hoàn cảnh lịch sử, do nghề nghiệp của mình, tôi được làm một chứng nhân tại chỗ của thời điểm kết thúc chiến tranh ở một địa điểm then chốt, Sài Gòn, thủ đô của chế đô Việt Nam Cộng hòa.
Đối với tôi, ngày 30-4-1975, không hẳn là ngày vui, cũng không hẳn là ngày buồn, mà là một ngày trộn lẫn vui và buồn, cảm nhận ngày càng sâu đậm nhất trong tôi là một niềm cay đắng dai dẳng cho thân phận của dân tộc mình, cho thân phận cá nhân mình.
Không thể không vui khi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn chấm dứt, không thể không vui khi sự chia cắt độc ác do 2 ông anh nham hiểm một thời của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt hồi 1954 cho đất nước đã được xóa bỏ, mở ra triển vọng hòa hợp dân tộc.
Cay đắng cứ gặm nhấm dần niềm vui chưa trọn, khi nhận ra rằng từ “giải phóng ” sao mà trớ trêu, phải nói thẳng đây là sự “chiếm đóng “, bỏ tù hàng trăm nghìn sỹ quan đồng bào mình, đày ải và hạ nhục trong hàng trăm nhà tù mang danh trại cải tạo, gây nên thảm cảnh “thuyền nhân” kinh hoàng trên biển cả, với hàng vạn người già trẻ lớn bé đồng bào ta chết chìm trong lòng đại dương…Trên đời, trong lịch sử, có bao giờ, ở đâu có cảnh ai oán trầm luân đến vậy?
Có bạn blogger trong nước hỏi tôi, vậy thì niềm cay đắng xuất hiện trong tôi từ thời điểm nào? Tôi cố nhớ lại, và nhận ra ngay từ dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, khi duyệt các bản trình bày báo Quân đội Nhân dân hàng ngày, tôi đã cảm thấy bị “sốc”, khi thủ trưởng Tổng cục chính trị chỉ thị cho tôi là khi đăng tin chiến sự miền Nam, nếu có các trận thắng diệt gọn “1 cứ điểm do 2 tiểu đoàn, 1 chiến đoàn hay chiếm được 1 quận lỵ, hoặc là diệt trên 1 nghìn địch trở lên” thì phải in tít đậm màu đỏ, kèm theo bản đồ hay sơ đồ, có bài bình quân sự đi theo. Tôi từng được biết tuy còn lờ mờ là một số anh họ, em họ, cháu họ tôi ở Huế và Sài Gòn đang là sỹ quan của miền Nam. Tôi phân vân về chỉ thị trên đây, sao lại mừng, lại vui được, khi quân Việt hăng say diệt quân Việt cùng chung máu mủ họ hàng, không hề thù địch nhau, chỉ do hoàn cảnh mà phải ở tình trạng gay gắt trớ trêu. Cái cảm giác cay đắng này cứ lớn lên, lớn lên mãi thành chất men bất đồng, đối lập, đối kháng về sau. Khi lời hứa hòa giải bị quên.
Có bạn trong nước hỏi, gần như trách móc tôi, là sao chậm giác ngộ thế? đến tận năm 1990 mới rời bỏ chế độ và quyền lực. Tôi nghĩ sớm hay chậm chỉ là tương đối. Tôi ôm niềm cay đắng, không thuần phục cường quyền trong 15 năm, rồi điều gì phải đến đã đến, như một cuộc đổ vỡ, ly hôn không thể tránh khỏi, khi tôi có dịp chính thức sang Pháp, theo lời mời đích danh của Ban Chấp hành Trung ương đảng CS Pháp, do tôi từng hướng dẫn đoàn đảng CS Pháp đi thăm Điện Biên Phủ, vịnh Hạ Long và rừng Cúc Phương 2 năm trước. Tôi nghĩ kỹ, cho rằng đứng ngoài tìm cách nói về có khi hơn là nói từ trong nước, sẽ bị bịt mồm.
Điều tôi tự an ủi là dù sao so với những đảng viên bỏ đảng, trả lại thẻ đảng sau này, tôi vẫn còn là người sớm hơn. Anh Nguyễn Hộ, anh Trần Độ, anh Hoàng Minh Chính, anh Lê Hồng Hà, anh Bùi Minh Quốc, anh Phạm Đình Trọng, anh Đỗ Xuân Thọ… đã trước sau vĩnh biệt đảng. Nay phong trào “nhạt đảng”, “chán đảng”, bỏ sinh hoạt đảng, quay lưng lại với đảng, trả thẻ đảng, nhẹ nhàng, còn tự cho là từ bỏ một gánh nặng, một “của nợ”, đang lan rộng.
Một blogger trong nước phỏng đoán rằng nếu như sắp đến có Luật về lập hội, nếu phỏng như xuất hiện một Tập hợp dân chủ – xã hội, hay một Mặt trận Công dân Việt Nam, có nhóm lãnh đạo trong sạch, có tâm và có tầm, vượt xa Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS thời suy thoái và đổ đốn hiện nay, thì lập tức sẽ có 60 % đảng viên CS hân hoan tự nguyện chuyển sang tổ chức mới. Đó sẽ là đảng của đa số, đảng của dân tộc, của tuổi trẻ, của thời đại mới.
Cũng cần nói rõ trong 15 năm, tôi đã nhiều lần cố góp ý, đề đạt chính kiến với lãnh đạo, như gửi hẳn một thư kiến nghị cho ông Trường Chinh, nhưng không có hồi âm.
Tôi còn nhớ một đoạn như sau: “Hiện ta có 1,3 triệu quân tại ngũ, trong khi Ấn Độ có dân số gấp 6 ta mà quân số chỉ bằng của ta, Inđônesia có dân số gấp 3 ta mà quân số chưa đến 1 triệu, cho thấy việc giảm quân là cấp bách ra sao, sau khi ta đã rút quân khỏi Campuchia.”
Lúc ấy là năm 1987, sau khi tôi là nhà báo đi trong đoàn ông Lê Duẩn thăm Ấn Độ và sau đó trong đoàn tướng Văn Tiến Dũng thăm Indonesia. Tôi được nghe chính bà Gandhi trao đổi với ông Lê Duẩn về xung đột biên giới Ấn – Pakistan cùng thực trạng quân đội Ấn, cũng như nghe tướng Suharto trao đổi rất cởi mở về tình hình quân đội Indonesia. Họ đều cho rằng vấn đề số lượng quân tại ngũ là rất quan trọng, theo một tỷ lệ hợp lý so với số dân và nền kinh tế, nếu không sẽ thành gánh nặng nguy hiểm cho xã hội. Các tỷ lệ trên làm tôi giật mình khi nghĩ đến tỷ lệ quá ư phi lý, nguy hiểm ở nước ta, không ai chú ý, nhưng cứ ám ảnh tôi mãi cho đến nay.
Cũng có bạn trẻ ở Bắc Cali, Hoa Kỳ, hỏi tôi chuyện tôi “huênh hoang đe dọa tướng Dương Văn Minh và đồng sự rồi đòi họ đầu hàng, được kể trên báo chí hải ngoại, thực tế là ra sao?”.
Xin trả lời bạn: Tôi đã đọc nhiều bài, tả lại cứ như thật. Nào là: Bùi Tín phách lác, xông vào phòng, rút súng ngắn bắn lên trần, rồi bắt tất cả dơ 2 tay đầu hàng không điều kiện. Thật ra sau khi Trung tá Hân, trưởng phòng bảo vệ Quân đoàn 4, báo trước: “Một sỹ quan cao cấp sắp gặp các ông “, tôi bước vào phòng, còn ngăn lại một chiến sỹ cầm AK dừng lại ở ngoài cửa. Tướng Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu, ông Nguyễn Văn Hảo, tất cả là 37 người, đứng dậy, tướng Minh nói: “Chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng chuyển giao chính quyền”, tôi liền đáp ngay: “Chính quyền các ông đã sụp đổ từ sáng nay rồi”, tôi biết ông Minh đã tuyên bố đầu hàng trước đó rồi, không ai giao cho tôi việc tiếp nhận chính quyền, tôi nói thêm: “Các ông không thể chuyển giao cái không còn ở trong tay”. Thấy họ đều buồn, tôi liền nói, như một lời an ủi: “Từ nay chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại, toàn dân tộc ta đã thắng, chỉ có người Mỹ là thua”. Tôi thấy ông Mẫu mỉm cười. Sau đó tôi nói chuyện riêng, nhẹ nhàng, có thể gọi là thân mật tự nhiên với ông Minh, ông Mẫu, ông Hảo… Tôi hỏi ông Mẫu về phong trào Phật giáo, về chuyện vui ông từng cắt tóc ngắn, về chuyện giảng dạy ở trường Luật, tôi hỏi ông Minh về sưu tập hoa phong lan, về chuyện chơi tennis của ông. Cả cảnh này được tổ quay phim thời sự của quân Giải phóng do anh Sanh ghi lại, và sau đó mươi ngày chiếu lại cho các tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản, và tướng Văn Tiến Dũng xem. Sau buổi chiếu, anh Trà bắt tay tổ quay phim và tôi, còn nói: Nhà báo nói hay quá! Sau này tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể cho nhà báo Hoa Kỳ Stanley Karnow về chiến dịch cuối cùng, và giới thiệu về tôi: Bùi Tín là nhà báo, cũng là sỹ quan cao cấp có mặt ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.
Có mấy điểm gây hiểu lầm tôi đã nhiều lần cải chính. Xin một lần nữa đặt dấu chấm trên chữ i cho sòng phẳng. Tôi từng kể là tôi đi cùng “đơn vị xe tăng đầu tiên” chứ không phải đi trên “chiếc xe tăng đầu tiên”. Hai điều này khác hẳn nhau. Do có nhà báo Pháp hiểu và ghi sai.
Tôi cũng không bao giờ nói rằng tôi là sỹ quan cao cấp đầu tiên và duy nhất đến Dinh Độc Lập. Tôi được biết trước tôi hơn 1 giờ, Thượng tá Nguyễn Công Trang, phó chính ủy Quân đoàn II, đã đến cùng đơn vị tiền trạm. Nhưng không hiểu sao, anh Trang không vào gặp tướng Minh và đồng sự. Đến chiều gần tối tôi mới gặp tướng Nam Long, lúc ấy là phái viên Bộ Tổng tham mưu đi theo sát Quân đoàn II, anh Nam Long rủ tôi chụp chung một pô kỷ niệm. Tôi kể chuyện gặp tướng Dương Văn Minh và hỏi anh rằng anh có định gặp họ không. Anh nói trên không giao nhiệm vụ này.
Vậy khi trên báo trong nước và nước ngoài có viết rằng Bùi Tín là sỹ quan cao cấp duy nhất gặp đại diện chính quyền Sài gòn ngày 30-4-1975 ở tại Dinh Độc Lập là một sự thật. Điều này tôi không bao giờ lấy đó làm một điều gì ghê gớm để khoe khoang. Khoác lác hay phách lác không phải lối sống, phong cách xử sự của tôi. Tôi chỉ là một nhân chứng may mắn. Những sỹ quan khác gặp tướng Minh, nhận đầu hàng hay chứng kiến sự kiện này là Trung tá Bùi Văn Tùng, Trung tá Nguyễn Văn Hân, Đại úy Phạm Xuân Thệ… Theo điều lệnh quân đội, họ thuộc bậc trung cấp, ở dưới cấp thượng tá và đại tá một bậc, chứ không phải 1, 2 cấp mà thôi.
Cao cấp so với bậc trung cấp có mức lương khác hẳn, bếp ăn khác (gọi là tiểu táo), giường nằm khác, quân phục và lễ phục chất lượng khác, lớp học, trưòng học khác, tài liệu đọc khác.
Công bằng mà nói, người được ủy quyền hợp pháp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là ông Sáu Hoàng, tên thật là Cao Đăng Chiếm, chức vụ là Thứ trưởng Bộ công an ở Hà Nội, vào Nam “phụ trách an ninh miền ” thay cho anh Nguyễn Tài, con nhà văn Nguyễn Công Hoan, bị bắt sau Tết Mậu Thân. Anh Sáu Hoàng đi từ Dầu Tiếng xuống, có giấy ủy nhiệm của Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ và Thủ tướng Chính phủ lâm thời Huỳnh Tấn Phát.
Tôi gặp anh Sáu Hoàng khi trời đã tối mịt. Trong sân Dinh Độc Lập một cảnh độc đáo thú vị diễn ra, các tổ trinh sát, thông tin, xe tăng…lần lượt nổi lửa bằng cành cây, đun nước, nấu cơm, làm mì ăn liền rải rác trên sân cỏ. Anh Sáu Hoàng hỏi chuyện tôi qua loa rồi vội vào gặp tướng Minh và đồng sự. Không có tổ quay phim theo anh, cũng không có ai chụp ảnh. Cũng chẳng cần. Bản tin tôi làm về sự kiện này gửi tiếp ra Hà Nội không được đăng. Thì ra ý định xóa sổ cái bình phong Mặt Trận và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã được quyết định trước rồi. Họ thâm thật! Họ biết từ nay không cần đóng kịch nữa.
Còn một câu hỏi khác: “Có phải nhà báo Bùi Tín dự đoán tình hình Việt Nam sắp biến động như Đông Âu và Liên Xô, nên đã sớm tách ra khỏi chế độ độc đảng để hy vọng sẽ trở thành một Havel, một Walesa, hay là một Gorbachov?”. Không, tôi không bao giờ có cao vọng như thế. Tôi không hề có tham vọng hay ý định là một nhà chính trị, một chính khách.
Từ khi bước vào nghề làm báo (đầu năm 1965) tôi dần dần mê say nghề báo, càng về sau tôi càng xác định sẽ làm báo suốt đời. Tôi quen thân nhiều nhà báo quốc tế Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan…trong đó có nhiều nhà báo nổi tiếng. Tôi từng dự nhiều cuộc họp quốc tế ở Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), New York (Hoa Kỳ), Alger (Algeria), Ethiopia, Zimbabwe, thăm Viện báo chí Manila (Philippines)… nên tôi cho rằng viết báo là nghề có ích, thú vị, tự do nhất. Tôi chỉ muốn là nhà báo tự do, không muốn có chức vụ gì, dù là phó tổng, là tổng biên tập. Gia đình tôi, bạn bè tôi đều biết tôi không có máu công danh, máu làm quan, máu hưởng danh lợi. Tôi chỉ có bè bạn thân ở cấp dưới, tôi rất ít tìm gặp cấp trên. Cái tính tôi xưa nay là vậy. Tôi tin là rồi ở ta sẽ có những Walesa, những Havel, những Gorbachov, rồi những Aung San Suu Kyi, nhưng trong đó không có tôi. Tôi tận lực ủng hộ họ. Thế cũng đủ.
Có một cô nhà báo người Việt muốn hỏi tôi về chuyện “16 tấn vàng”. Tôi xin hẹn sẽ nói rõ vào một bài sau. Vì bài này đã khá dài.
Cách đây vài năm, bộ tổng tham mưu Hà Nội đã đưa ra một bản văn kiện chính thức kết luận về diễn biến ngày 30-4-1975, có anh Bùi Văn Tùng, anh Nguyễn Văn Hân, anh Phạm Xuân Thệ… tham gia. Họ cố tình không nói gì đến tôi một cách ngay thật, cũng cố tình xuyên tạc để vu cáo tôi là dối trá, tranh công. Họ cố tình xuyên tạc và vu cáo vì tôi vắng mặt, vì tiếng nói trung thực của tôi được đông đảo đồng bào chú ý lắng nghe, do đó gây hại cho chế độ đang lâm vào quá trình băng hoại không sao kìm hãm nổi.
Đó cũng còn vì họ không muốn nhắc đến chuyện hơn 16 tấn vàng do chính quyền Dương Văn Minh giao lại ngày 30-4-1975, qua lời ông phó thủ tướng đặc trách kinh tế – tài chính Nguyễn Văn Hảo chính thức báo cho tôi – và không hề báo cho một ai khác. Họ vẫn chơi trò mờ ảo, ngầm reo rắc hoài nghi, dựa vào bài viết của một nhân viên CIA Frank Snepp, rằng ông Thiệu đã mang cả 16 tấn vàng ròng của Ngân khố sang Đài Loan vào tối ngày 24-4 rồi.
Vì muốn mọi sự được minh bạch, rõ ràng trong lịch sử dân tộc, tôi sẽ hầu chuyện các bạn xa gần trong một bài sau.
Bùi Tín (VOA)
No comments:
Post a Comment