Thursday, July 18, 2013


 




Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Lãng phí thế làm sao đất nước ngóc đầu lên được
 
Trong khi tất cả mọi thứ đều lên giá, từ xăng tới điện nước, tới mọi mặt hàng trong sinh hoạt  hàng ngày của người dân đều tăng đều đều thì có nhiều cơ quan vẫn thản nhiên tỉnh bơ chi tiêu thoải mái với hàng chục thứ hội nghị, hội thảo, tiếp khách lu bù, làm đủ thứ lễ lạc trịnh trọng “hoành tráng” sao cho vượt mặt các địa phương khác. Cái kiểu “thi đua ngầm” này xem chừng còn mạnh hơn các kiểu thi đua chính thức có giải thưởng khác. Cũng chỉ là quan này muốn “đẹp mặt” hơn các quan khác mà thôi, các đàn em cứ mạnh tay chi, không cần tiếc nuối. Tiền trong “quỹ” là tiền chùa, có anh nào mất cái gì đâu mà còn được đàn anh vừa lòng, chỗ ngồi vững như bàn thạch, lại còn có thể “chấm mút” cho cả đàn anh đàn em thì tội gì không làm. Thằng nào chết cứ chết, “việc quan” anh cứ vô tư anh mần. Các vị ấy chắc chẳng bao giờ nghĩ rằng đó là tiền đóng góp của dân, nào là thuế, nào là “phí”, viện phí, học phí, đường phí, xe phí, cầu phí, chỗ ngồi phí… cái gì cũng “phí”, dân è cổ ra đóng, tiền xung vào công quỹ cho các vị quan  chức ấy đang xài.
Trong thời gian này các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn đang tấp nập họp hành lấy phiếu tín nhiệm các quan chức cấp cao. Nhưng dư luận không còn bàn tán đến việc ông nào tín nhiệm thấp, ông nào cao nữa, bởi theo những gì mà họ biết qua cuộc họp của Quốc Hội thì tín nhiệm thấp hay cao cũng “rứa’ thôi, theo giải thích của các ông “nghị” thì lấy phiếu chỉ là để cán bộ có dịp “nhìn lại mình”, rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Thế thì dân chẳng ăn thua gì đến cái sự rút kinh nghiệm đó cả. Người ta bàn đến chuyện thực tế hơn. Đó là việc các Hội Đồng nhân dân TP lớn này đang đề nghị tăng viện phí và học phí lên gấp đôi. Một trong những điều đó là những phiền toái về việc đi khám bệnh bảo hiểm, chờ chực suốt ngày mới xong việc rồi chỉ được khám qua loa, thuốc chữa bệnh rẻ tiền nên ít công hiệu. Nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không dám xài vì sợ “bịnh thêm”. Đành cắn răng chữa bệnh theo kiểu “con nhà giàu”, tức là khám dịch vụ như những người không cần mua BHYT.
Nói thẳng ra, đến bây giờ rất nhiều gia đình VN, có thể tính 80% dân số, từ trung lưu trở xuống đã phải thắt lưng buộc bụng đến méo mặt mới tạm gọi là đủ chi tiêu hàng tháng. Vậy mà các quan còn bày đặt nhiều thứ chuyện đau lòng đến “buồn cười”. Gần đây nhất là chuyện các ông Hội đồng nhân dân ở các tỉnh lẻ trang bị máy tính bảng loại “xịn” cho mỗi ông hội đồng một chiếc, chẳng hiểu nhu cầu của các ông Hội đồng này là gì mà phải dùng tới máy tính bảng cao cấp như thế. Xin dẫn chứng cụ thể hơn.
 
Đại biểu HĐND Sóc Trăng được trang bị máy tính bảng 20 triệu đồng/chiếc
Sáng 9-7 vừa qua, kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân (HĐND) khóa 8 tỉnh Sóc Trăng đã được khai mạc. Điều bất ngờ là cả 55 đại biểu HĐND tỉnh này đều được trang bị máy tính bảng iPad hạng sang.
Theo một lãnh đạo HĐND tỉnh Sóc Trăng, để trang bị 55 chiếc iPad (giá 20 triệu đồng/chiếc) và xây dựng phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác của các đại biểu trong suốt nhiệm kỳ, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin với kinh phí khoảng 1,7 tỉ đồng.
Giải thích lý do mua máy tính bảng hạng sang, ông Ngô Tấn Thành, Chánh văn phòng đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Với việc trang bị này, các đại biểu đã thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đi khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri và truy cập nhanh chóng thông tin, văn bản của HĐND tỉnh”.
Theo ông Thành cho biết “Trước khi kỳ họp diễn ra, các đại biểu chưa quen làm việc với công nghệ cao đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ cách sử dụng máy tính bảng. Qua một ngày làm việc, hầu hết các đại biểu đều hài lòng và tỏ ra khá thành thạo trong việc mở các tệp văn bản đính kèm trên mạng”.
Đúng là các ông Hội đồng thông minh thật, mới chỉ có 1 ngày mà đã dùng máy tình bảng thành thạo. Không thể nói các ông hội đồng tỉnh là những vị ú ớ như “xã quých à la ville” hay loại “trưởng giả học làm sang” như hài kịch Le Bourgeois gentilhomme của văn hào Molière thời xa xưa, bây giờ có nhiều vị bằng cấp đầy mình. Còn bằng là loại học tại chức hay bằng đi mua chỉ có trời biết, vợ con các vị ấy chưa chắc đã biết. Nhiều vị chẳng cần bắng cấp, bất cần học lực cũng làm được đại biểu hội đồng nhân dân như thường. Có ai dám hỏi bằng cấp của các vị ấy đâu.
Nhưng mua một cái máy tính bảng loại đắt tiền mà chỉ cần làm có vài “việc vặt” như thế thôi sao? Đối với một cái máy tính bảng rẻ nhất thời đại bây giờ, giá bán ở VN cũng chỉ hơn 2 triệu đồng VN, cũng dư sức làm hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn công việc phức tạp hơn thế. Vậy hà cớ gì phải mua loại máy đắt hơn gấp 10 lần cho các vị ấy?
 
A dua theo thời mốt của các quan
Thật ra, không phải chỉ có Sóc Trăng là địa phương duy nhất “chịu chơi”, trang bị thiết bị công nghệ cao cho cán bộ. Trước đó, năm 2012, tỉnh Cà Mau cũng đã trang bị máy tính bảng iPad 3, phiên bản 32GB cho 53 đại biểu HĐND tỉnh, cũng là cái cớ “để khai thác thông tin, phục vụ công việc”. Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau diễn ra vào thời điểm đó, nhiều đại biểu vẫn chưa biết sử dụng thiết bị hiện đại này, mặc dù đã được văn phòng HĐND tỉnh Cà Mau tổ chức huấn luyện để sử dụng. Vậy các vị ấy dùng máy tính bảng để ra bàn cho quay phim chụp hình, cho nó “oai” thôi sao?
Cũng trong năm 2012, Bạc Liêu là tỉnh thứ 2 (sau Hà Nội) trang bị máy tính bảng cho đại biểu HĐND. Tất cả các đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu được trang bị máy tính bảng hiệu Samsung Galaxy tab 10.1 với tổng giá trị gần 1 tỉ đồng.
Việc bỏ ra số tiền tương đối lớn để trang bị máy tính bảng cho các đại biểu được lãnh đạo HĐND các tỉnh lý giải là “tiết kiệm đáng kể về bộ máy phục vụ và giấy. Đồng thời, giúp cho các đại biểu khi tiếp xúc cử tri kịp thời ghi lại những ý kiến, kiến nghị của cử tri; nhận văn bản, thư mới, tài liệu, thông báo của HĐND qua hộp thư điện tử và các vị đại biểu HĐND dễ dàng phản hồi”.
Tuy nhiên, nguồn tiền để trang bị máy tính bảng cho các đại biểu hiện chưa được công khai. Và môt câu hỏi khác là khi các vị HĐND mãn nhiệm rồi có bàn giao lại máy cho các ông hội đồng mới hay các vị mang về nhà chơi game luôn? Có bàn giao thì máy cũng nát bét thành đồ phế thải rồi.
Nếu tình hình thi đua mua máy tính cho cán bộ học làm “người văn minh” lan rộng đến khắp 64 tỉnh thành và rồi các huyện cũng bắt chước thi đua kiểu này thì sẽ có hàng ngàn, hàng vạn ông hội đồng chơi máy tính xịn, ngân sách sẽ phải âm thầm chi ra bao nhiêu tỉ cho “phi vụ” này? Như thế lạm phát không tăng lên trên 2 con số mới là lạ.

Từ đó suy ra những vụ lãng phí khác
Nhìn vào cách tiêu tiền của dân kiểu này ở hầu hết các địa phương, từ đó suy ra những món chi tiêu khác chắc chắn là còn “hoành tráng” hơn thế. Một buổi tiếp khách, từ trung ương về hay khách đến điều tra một việc nào đó, tất nhiên là phải đủ “lệ bộ” từ món ăn đặc sản đến món chơi cũng là “đặc sản” được tuyệt đối giữ “bí mật quốc gia”, tốn bao nhiêu cũng không ngại, miễn là “được việc”. Còn chuyện tiếp các quan nhỏ vãng lai cũng phải trịnh trọng để có dịp mình qua địa phương đó sẽ được “đáp lễ” đàng hoàng. Cứ “có đi có lại” như thế chung quy là dẵm lên xác mấy anh dân nghèo mà thôi. 
Đấy là chưa nói đến chuyện con gà tức nhau tiếng gáy, ông ở huyện này có nhà trăm tỉ thì ông ở huyện kia, phố nọ cũng phải có cái nhà ngàn tỉ. Quan này có em chân dài “nức nở” thì quan khác cũng phải có em chân dài “lẫy lừng” mới đúng là quan to có thế, có lực thật sự, quan chịu chơi chứ không phải là loại quan “chơi chịu”.  
Ấy thế nhưng khi “kê khai tài sản” thì của cải đó là của những anh cha căng chú kiết nào chứ quan ông quan bà không hề biết đến mớ tài sản khổng lồ đó. Nhiều quan khôn hơn, vẫn đóng vai “giả nghèo giả khổ” cho đến khi “hạ cánh an toàn” rồi mới tính chuyện hưởng thụ. Có ông còn tính xa hơn “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Ở thời buổi này, bọn phản động tinh như ranh, nó khui ra là bể đầu, nên các quan tham cẩn thận lắm. Trừ những ông nào đã trót “lỡ” cho con em họ hàng đứng ra làm những chức danh, nắm đầu các cơ sở “vĩ đại” rồi thì đành chịu, chỉ còn bằng mọi cách chứng minh rằng đó là những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn hợp pháp. Còn những con quan mới ra lò, bây giờ không ngoan hơn, chỉ đứng đằng sau, làm anh nhân viên quèn, cầm sợi dây giật giật các sếp lớn thôi. Đó là sự khôn ngoan cần thiết.
Nhưng đằng sau những cái khôn vẫn ló ra những cái dại. Chẳng ai nắm tay mãi được. Các cơ quan cũng vậy, khẩu hiệu tiết kiệm to đùng trùm lấp mặt tiền trụ sở nhưng nó chỉ có nghĩa là “khổ hiệu” mà thôi. Người dân nào cũng biết rõ “cái tổ con chuồn chuồn” đó thế nào rồi.
Lãng phí thế thì sao đất nước ngóc đầu lên được
Tôi chỉ nêu vài lời bình của tuyệt đại đa số người dân về cái iPad với các ông HĐND này:
- Ban Lê Uy Lực nêu câu hỏi:
ipad là máy tính bảng chủ yếu là để giải trí, lướt web...  Còn tính năng làm việc văn phòng như nhập, lưu văn bản, tính toán... thì máy tính xách tay ưu thế và tiện lợi hơn. Các tỉnh miền Tây còn nghèo mà lãnh đạo đã chơi sang và lãng phí. Không biết có bao nhiêu vị trong số đó biết "quẹt, quẹt" không ?. Thứ nữa, các vị đại biểu dân này làm việc theo nhiệm kỳ, sau 4 năm có khi nghỉ luôn. Tiêu tiền của dân sao dễ thế ?
(Bạn bàn rất đúng. Thà mua cho mỗi vị một máy tính xách tay còn hơn dùng máy tính bảng. Tôi mới mua giùm cho đứa cháu môt máy tính xách tay Sony Vayo chỉ có mười triệu. Rất tốt, chắc chắn các vị HĐND xài mệt nghỉ, chỉ sợ các ấy xài chưa hết 1/100 chức năng thôi).
- Bạn Năm Xã Hội tính giá cả như một nhà chuyên môn:
Apple iPad 4 (with Retina display) - 32GB / Wifi / Đen by Apple Vi xử lý Dual-core Apple A6X Màn hình Retina 9.7'' Độ phân giải 2048 x 1536 Hàng chính hãng Sản phẩm có dán tem chứng nhận ICT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giá thị trường 14.500.000 VND Giá Lazada 13.499.000 VND giao hàng tận nơi không tính phí.
(Phải chăng bạn nghi ngờ có sự mánh mung nào trong việc mua iPad ở đây?)
- Bạn Lý Sơn so sánh:
Làm quan ở Việt Nam mình sướng thật đấy, quan ở các nước giàu mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản chưa chắc sướng bằng!
(Tôi chưa đi Hàn Quốc và Nhật Bản nên chưa biết quan nào sướng hơn. Ban nào biết xin  chỉ giáo)
- Ban tu-ha kể chuyện “tiếu lâm google”:
Tui có đọc đâu đó một câu chuyện "tiếu" về chuyện các cán bộ đi tập huấn tin học (đề án 112) như sau: Giảng viên "Có vị nào thắc mắc điều gì về vấn đề này nữa không?".Giảng viên nói thêm "Cái gì không biết thì tra Gu-gồ". Một cán bộ giơ tay xin hỏi: "Tui bận việc lắm. Có thể cho tui số điện thoại cầm tay của Gu-gồ để tui hỏi trực tiếp có được không?".
(Ban cho ông ấy số điện thoại của “ông Google” đi. Cứ cho đại số nào cũng được mà).
- Ban Phạm Ngọc Hoàng “bức xúc” quá chịu không nổi:
Thật là quá bức xúc. Tập đoàn tôi là tập đoàn rất rất lớn của Pháp, thuộc hàng top của thế giới, nhưng ngay cả tổng giám đốc phụ trách thị trường hơn 100 quốc gia cũng chưa được chính sách này. Và tôi dù là trưởng đại diện của họ, phục vụ hàng chục ngàn khách hàng, cũng không được cấp. Đúng là Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... toàn đại biểu giờ làm việc thì gần trưa vào, rồi về sớm đi nhậu, chơi với gia đình.. đến mail mà tôi thấy nhiều đại biểu còn chưa dùng, đánh cái văn bản vài chữ cũng cho thư ký đánh... thì tôi quá bức xúc. Thậm chí cái máy tính, tôi bảo đảm các vị đó còn chưa dùng hết nữa. Lãng phí, ôi là lãng phí.
(Vâng, bạn Hoàng biết rất rõ. Hầu hết những người đi làm công, dù là làm lớn cũng đều phải có máy tính riêng của mình chứ không được công ty nào cung cấp. Nếu bạn được làm “ông hội đồng” chắc bạn cũng mua máy xài từ lâu rồi và từ chối món quà của “nhà nước” tặng, xin dành cho em học sinh nghèo, phải không bạn?)
- Ban vothisau
Cán bộ mình đâu có ai nghèo, HĐND nên vận động các Đại biểu tự trang bị iPad cho mình cũng được , trước cho công việc sau cho mình giải trí. Dân mình còn nghèo lắm, đời sống rất khó khăn, 1,7 tỷ đồng đó mua được 100 con bò xóa nghèo cho người Dân Sóc Trăng thì hay biết mấy.
(Đề nghị của bạn thực tế quá. Mua 100 con bò cho dân chứ đừng để làm thịt liên hoan đấy).
- Trần Nam phân tích khá kỹ:
Tôi thường làm việc với các chuyên gia Nhật, thấy đa số họ dùng laptop cũ (Pentium) và AutoCAD R14 (của những năm đầu thập niên 2000), tôi toàn phải chuyển đổi file AutoCAD phiên bản mới do khách hàng chuyển đến sang AutoCAD R14 giúp họ. Hỏi họ sao phải dùng đồ cũ thế, họ nói vẫn còn xài tốt và phần mềm mới đắt lắm. Nhìn lại ta toàn chơi máy mạnh nhất, phần mềm phiên bản mới nhất. Rồi vụ chơi sang này của HĐND Sóc Trăng thì hết biết. Đã thế còn khai báo giá gấp gần 1,5 lần so với giá thị trường. Chênh lệch giá chắc chuyển hết sang bia rượu rồi. Lãng phí thế thì đất nước bao giờ ngóc đầu lên được.
Tôi mượn câu này làm kết luận cho chuyện ông hội đồng xái iPad xịn đang làm người dân đàm tiếu miên man ở đây.
 
Đàn ông VN coi chừng luật mới “Chì chiết vợ sẽ bị phạt ít nhất một triệu đồng”
“Người đuổi vợ ra khỏi nhà vào ban đêm hay lúc trời mưa gió sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng; nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng”.
Thưa bạn đọc, đó là nguyên văn bản dự thảo mới nhất do Bộ Công an VN vừa phát đi trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nếu dự thảo này được thông qua thì khối anh “liền ông” VN quen thói “chồng chúa vợ tôi” bắt đầu run. Phạt một triệu đồng không nhiều, có ông sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu để “bắt nạt” vợ 10 lần trong một ngày. Nhưng điều luật này chứng tỏ, người vợ được bảo vệ trong hành lang pháp lý vững vàng, có cơ sở hơn. Nó cũng chứng tỏ rằng tình trạng này ở VN vẫn còn là một “vấn nạn” đáng kể. Nhưng là không công bằng với cánh đàn ông, nếu đàn ông bị vợ “chì chiết” hay nói rõ ra là bị vợ mắng nhiếc tàn tệ thì người vợ có bị phạt không? Chuyện đó cũng chẳng phải là chuyện hiếm. Nhất là khi vợ lại là “con ông cháu cha” “nhà mặt phố bố làm to” là chuyện dễ hiểu.
Nhưng riêng trong trường hợp này, có ông bạn tôi nói rằng không phạt là đúng, bởi thằng đàn ông hèn mới chui đầu vào rọ, nó ráng chịu thân phận tôi đòi. Anh bạn tôi tuyên bố rất hùng hồn, “anh và em yêu nhau lấy nhau thì nghèo hay giàu chẳng có nghĩa gì hết, cả đến tuổi tác cũng không thành vấn đề. Nhưng khi vợ tao đã giàu mà còn lớn lối là tao khăn gói quả mướp ra đi ngay, nó chỉ có cơ hôi xúc phạm tao một lần duy nhất mà thôi, khỏi cần phạt”.
Song còn những trường hợp khác, có nhiều bà ghen sảng ghen tiều, “chì chiết” chồng còn ngoa ngoắt hơn đàn ông chì chiết vợ nhiều. Có ông cả đêm nằm nghe “cái máy hát cứ lèo nhèo tra tấn” đến phát sốt phát rét, thế bà vợ có bị phat không? Chưa thấy dự thảo này đề cập đến.
 
Còn các bà vợ coi chừng cũng bị phạt
Cũng theo dự thảo mới nhất này do Bộ Công an vừa đưa ra, hành vi bạo hành về kinh tế sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 2 triệu đồng, bao gồm:
- Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng; kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc về tài chính; buộc đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ...
Điều này đang gây nhiều tranh cãi, các bà vợ “quản lý” chặt chẽ về mặt tiền bạc của chồng liệu có bị “dính” vào luật này không? Nhiều ông chồng “thở hắt ra” hy vọng mai này sẽ không bị “trói” chặt đến nỗi trong bóp chỉ còn vài  chục ngàn đủ uống nước mía.
 
Nhiếu điều khác cũng gay go không kém
Ngoài dự thảo đó ra còn nhiều điều khác
- Người bắt thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn uống, mặc rách, chịu rét sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Việc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ cũng bị phạt tương tự.
- Người thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần; ép buộc xem, nghe, đọc văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị cũng bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
- Người chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình sẽ bị quy vào nhóm hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự và bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Nếu tiết lộ và phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư thì mức phạt tăng thêm 500.000 đồng.
- Hành vi cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm ra khỏi nhà, không cho làm việc, không tiếp cận thông tin đại chúng sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng. Mức này cũng áp dụng với người theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nạn nhân.
- Ai buộc thành viên trong gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục, ép uống thuốc kích dục, cưỡng ép thực hiện các hành động khiêu dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng. Đặc biệt người "có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà vợ hoặc chồng không muốn" cũng bị xử lý cùng mức.
- Mức phạt 500.000 đến một triệu đồng cũng áp dụng với người thường xuyên đe dọa đuổi thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, ép "ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét".
- Tại dự thảo mới này, Bộ Công an đã rút quy định phạt hành vi mua dâm có tính chất đồi trụy từ 5 đến 10 triệu đồng. Do vậy, chỉ còn lại nội dung phạt người mua dâm từ 500.000 đến một triệu đồng. Nếu mua dâm nhiều người cùng một lúc, tiền phạt tăng thành 2-5 triệu đồng. Mức phạt với người bán dâm trong các trường hợp này lần lượt là 100.000-300.000 đồng và 300.000-500.000 đồng...
Người "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm" hay "dùng vũ lực để bảo vệ" sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.
Đó là những nét mới nhất trong dự thảo vừa được Bộ CA VN đề nghị. Nó cũng chứng tỏ tình hình của một xã hội VN ngày nay cần chần chỉnh như thế nào. Tuy nhiên luật được thi hành ra sao, đưa dẫn tới đâu còn đang là một con đường hơi xa.
 
Văn Quang 12-7-2013
 
Hình:
01- Người dân chầu chực để được khám bệnh có bảo hiểm y tế

01-_Cho_kham_benh_bao_hiem_y_te.jpg

02-  Các vị đại biều Hội đồng nhân dân đang tập thao tác trên máy tính bảng iPad.

02-_Cac_dai_bieu_dang_thao_tac_xem_van_kien_tren_iPad.jpg

03- Ngôi nhà “khủng” có tiếng nhất ở Hà Giang, là nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà
Giang Đàm Văn Bông. Nhà làm bằng gỗ trai, gỗ nghiến, nằm trong nhóm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.
03-_Ngôi_nha_co_tien%0d%0a g_nhat_cua_chu_tich_t%0d%0a in_Ha_Giang.jpg
04- Cuối tháng lương nhớ mang về nộp đủ nghe ông!

04-_Cuoi_thang_luong_nho_mnag_ve_nop_du_nha_ong.jpg

05- Hàng loạt gái mại dâm bị bắt, nộp phạt rồi lại được thả về hành nghề như cũ.

05-_Hang_loat_gai_mai_dam_bi_bat_nop_phat_roi_duoc_tha.jpg

 
 

Văn Quang


No comments:

Post a Comment