Friday, July 13, 2012

Chính sách kềm chế phải chăng đã lỗi thời?

2012-07-13
Trong những ngày đầu tháng 7 TQ lại liên tiếp bắt giữ 6 tàu đánh cá của ngư dân VN hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN bất chấp những nỗ lực dàn xếp của quốc tế trên vấn đề Biển Đông.
RFA PHOTO
Tàu đánh cá vừa đánh bắt về cặp bến Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011.
Trong khi đó hàng chục tàu cá của họ xâm nhập trái phép vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam lại được Việt Nam cảnh báo và thả ra. Tình trạng này cho thấy chính sách nhún nhường ngày một khiến Việt Nam sa lầy vào khủng hoảng khi tiếp tục tỏ ra hòa hiếu với một nước chỉ biết lấy sức mạnh làm đầu.  Mặc Lâm có thêm chi tiết sau đây.
Khi nói tới ngư dân Lý Sơn, người Việt khắp nơi nghĩ ngay đến những con tàu khốn khổ bị Trung Quốc rượt đuổi, truy bắt, cướp bóc lương thực, xăng dầu, ngư cụ còn con người thì bị bắt đem về Phú Lâm giam giữ chờ ngày nhận tiền chuộc gửi qua từ Việt Nam mới được trở về sum họp với gia đình.

Ngư dân tiếp tục bị săn đuổi

Kịch bản này lập đi lập lại hàng năm nhất là vào thời điểm vùng biển Hoàng Sa gió lặng sóng êm, khi luồng cá tập trung nhiều từ tháng 3 tới tháng 10. Bất kể nguy hiểm rình rập ngư dân vẫn kiên trì bám biển vì đó là miếng cơm manh áo của họ. Cái giá phải trả cho từng con người dưới đầu sóng ngọn gió này thường thường vượt quá sự chịu đựng của họ so với thu nhập mà mỗi chuyến ra khơi đem lại.
Một người Việt gốc Pháp là ông André Menras đã về tận Lý Sơn để phỏng vấn nhiều gia đình ngư dân mất chồng mất cha khi đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa, cho chúng tôi biết cảm nhận của ông về những mất mát này:

Khi ngư dân của mình gặp tai nạn do Trung Quốc gây ra ở vùng Hoàng Sa thì phải có một chế độ đặc biệt cho gia đình của họ.
Ô. André Menras
“Tôi đã phỏng vấn rất nhiều người ở đảo Lý Sơn, Bình Châu về những chuyến đi ra biển đầy gian nan của chồng con họ. Có gia đình bây giờ không còn ai chăm sóc và chị vợ phải vừa làm mẹ vửa làm cha. Ông chồng chết vì Trung Quốc bắn và xác mất luôn không tìm ra. Nhiều gia đình rất đau khổ vì không thể kiếm ăn trên vùng biển Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã sai lầm khi lấn lướt Việt Nam một cách lộ liễu như vậy. Họ đang tiến vào một con đường không lối thoát nếu tiếp tục bạo động như vậy. Điều này làm cho người dân trong và ngoài nước thấy dã tâm của họ không bao giờ thật sự muốn hòa bình như họ tuyên bố. Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam có một người lãnh đạo xứng đáng thì phải hết sức bảo vệ ngư dân. Có nghĩa là khi ngư dân của mình gặp tai nạn do Trung Quốc gây ra ở vùng Hoàng Sa thì phải có một chế độ đặc biệt cho gia đình của họ.”
Một phụ nữ tại Lý Sơn có chồng và hai con cùng hành nghề cá trên vùng biển nguy hiểm Hoàng Sa cho biết hoàn cảnh làm ăn của chồng con chị:
“Gia đình vất vả lắm vì đi biển không được. Ông xã đi thì không gặp tàu Trung Quốc nhưng hai đứa con thì bị tàu nó dí hoài. Cũng may là nó dí thì mình chạy chớ nó không đánh không lấy đồ gì. Nhà nước thấy mình khổ làm ăn thất bại nên cũng quan tâm hỗ trợ cho mình xoay sở qua ngày chớ còn bảo vệ thì phải bảo vệ chớ
Xem TV truyền hình thì thấy họ bảo là kêu gọi tàu thuyền cho người ra giữ nhưng bọn em có ra đó đâu mà biết.”

Hoàng Sa vẫn trong trái tim Việt

ngu-dan-250.jpg
Tàu ngư chính của Trung Quốc đang bắt tàu cá Việt Nam, ảnh chụp trước đây. File photo.
Hoàng Sa mặc dù bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974 nhưng người Việt chưa bao giờ bỏ qua nhóm đảo này trong tâm trí. Mặc dù nỗ lực chứng minh với thế giới về tính lịch sử của quần đảo Hoàng Sa  đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm qua nhưng nhà nước có vẻ bị bế tắc trong thế cờ lấn áp của Trung Quốc khi Bắc Kinh liên tục tấn công, bắt giữ, tịch thu mọi tài sản giá trị của ngư dân Việt khi họ đánh bắt cá trong vùng biển mà trước đó không một tàu cá nào của Trung Quốc biết tới.
Cảnh sát biển của Việt Nam tuy được thành lập nhưng chưa bao giờ có mặt tại khu vực Hoàng Sa để trợ giúp ngư dân trong lúc họ lâm vào tình thế hiểm nghèo. Điều dễ hiểu vì hiện nay Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở hạ tầng trên khu vực Hoàng Sa trong đó phương tiện quân sự được nâng cấp hàng năm và từ vị trí chiến lược này họ sẵn sàng tạo một cuộc chiến mới với Việt Nam nếu tàu quân sự của Hà Nội đi vào vùng biển do họ trấn áp.
Tình thế này khiến Việt Nam không thể làm gì khác ngoại trừ lên tiếng chống đối qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Hỗ trợ một số tiền cho ngư dân gặp nạn, sau đó khuyến khích họ bám biển mưu sinh và cũng là cách khẳng định với thế giới rằng vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam.
Một cán bộ cao cấp làm việc trong Hội Nghề cá Quảng Ngãi không muốn nêu tên cho biết:
“Việc ngư dân Quảng Ngãi ra Hoàng Sa, ra các ngư trường Biển Đông thì từ trước tới nay đó là truyền thống đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi rồi bây giờ Trung Quốc nó gây hấn xua đuổi ngư dân Quảng Ngãi cũng như các tỉnh khác là hoàn toàn sai trái. Chúng tôi vẫn động viên ngư dân bám biển chứ không bỏ biển được vì đây là ngư trường sinh nhai của người ta dĩ nhiên là chúng tôi cũng cùng với các cơ quan chức năng khác có hỗ trợ cho họ. Ngư dân tất nhiên không thể nào nghỉ được. Chúng tôi cũng không thể bảo ngư dân là ngưng sản xuất vì như thế thì lấy gì mà sống. Trung Quốc như vậy thì các cơ quan trách nhiệm của Việt Nam sẽ có biện pháp bằng ngoại giao hay gì đó để phản đối Trung Quốc.”
Cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong một thời gian dài cho thấy chính sách nhịn nhục, kềm chế của Hà Nội đối với Bắc kinh là vô ích nếu không muốn nói ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Việt Nam càng lùi bao nhiêu thì Trung Quốc càng lấn tới bấy nhiêu. Sự chịu đựng vô giới hạn không phải là giải pháp vì cơn khát dầu của Trung Quốc là vô tận.

Ai bảo vệ ngư dân?

Đâu đó đã có những trách cứ về chính sách giống như hình thức “đem con bỏ chợ” này. Người dân là máu thịt của một quốc gia vì vậy họ phải được bảo vệ bởi chính phủ dù chính phủ đó theo bất cứ chính thể nào. Nếu không thể sử dụng phương tiện quân sự để bảo vệ cho họ thì phải công khai lên tiếng với thế giới về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc và chấp nhận giải pháp cảnh báo ngư dân về những nguy hiểm mà họ phải chịu nếu hành nghề trong khu vực bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Khuyến khích ngư dân hành nghề trong vùng biển bị xâm lược mà không cung cấp một phương tiện bảo vệ nào cho họ là đi ngược lại với Hiến pháp. Quân đội Nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước đã không làm tròn trọng trách mà người dân tin tưởng. Lý do tiềm ẩn thế nào đi nữa cũng không thể dùng ngư dân như một tấm khiên khẳng định chủ quyền nếu không cùng lúc có các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ cho họ.
Hai nữa phải cho Trung Quốc thấy quyết tâm của Việt Nam khi các tàu đánh cá của họ xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Không thể để tàu đánh cá của họ ngang nhiên tiến vào khu vực Trường Sa của Việt Nam để khi bị phát hiện thì chỉ biết cảnh cáo rồi sau đó để họ nhơn nhơ ra về tìm cơ hội quay lại.
Nếu tàu cá Trung Quốc bị bắt, bị xử phạt theo đúng luật quốc tế thì sự thể đã khác. Trung Quốc sẽ mất cơ hội tuyên truyền tàu của Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ và họ phải đối xử với tàu cá Việt Nam như Việt Nam đã đối xử với tàu cá Trung Quốc. Để làm được điều này Việt Nam phải công khai mức phạt theo thông lệ quốc tế và cho truyền thông thế giới biết để họ có căn cứ so sánh cách đối xử của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và ngược lại.
1.jpg
Ngư dân mua bán cá vừa đánh bắt về tại Bến Cá Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi hôm 05-07-2011. RFA PHOTO.
Hai nữa Việt Nam có thể chứng minh cho các nước trong khu vực thấy rằng mình có cơ sở pháp lý vững chắc và cương quyết bảo vệ chủ quyền bất kể Trung Quốc mạnh đến cỡ nào. Sự cứng rắn của Việt Nam sẽ khiến Philippines mạnh mẽ hơn nữa mặc dù ý chi của họ đã tỏ ra đủ mạnh để chống lại con sói háu ăn Trung Quốc.
Việt Nam không thể tiếp tục im lặng và nhún nhường hơn vì Trung Quốc đã chính thức phát động một chiến dịch ào ạt trên báo chí trong nước cỗ vũ cho sức mạnh quân sự và dân tộc tính của họ nhằm chống lại Việt Nam. Hà Nội chưa có được hành động tương ứng vì cái bóng của Bắc Kinh bao trùm toàn bộ nhuệ khí của nhiều cấp lãnh đạo khi nghĩ rằng một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam mất tất cả chứ không được lợi gì.

Luôn sống trong sợ hãi?


Gia đình vất vả lắm vì đi biển không được. Ông xã đi thì không gặp tàu Trung Quốc nhưng hai đứa con thì bị tàu nó dí hoài.
Một ngư dân
Người ta quên rằng chính không làm gì cả thì Trung Quốc mới có cơ hội lấn dần vào bờ mà không cần một cuộc chiến tranh nào. Hãy yên lặng quan sát một cách tỉ mỉ sẽ thấy cuộc tấn công không tiếng súng đã có từ lâu khi con đường tiểu ngạch giữa biên giới Việt Trung mở ra đã khiến doanh nhân trong nước lần hồi kiệt quệ. Hàng hóa độc hại tràn vào chiếm lĩnh thị trường, thương nhân Trung Quốc tung hoành khắp nước và đất đai nằm trong tay họ là bao nhiêu cho tới giờ không một cơ quan chính quyền nào biết rõ.
Chính sách hòa hiếu một chiều với Trung Quốc đã lộ ra tử huyệt. Báo chí nhiều lần cảnh báo rằng chính sách này được một số giới chức cất công bảo vệ với lý do vì sự yên bình của đất nước thì ít mà cho sự an toàn của tài sản, bổng lộc, quyền bính của họ thì nhiều. Bảo vệ chủ quyền quốc gia không phải bằng sự hóa hiếu là đủ, nó cần nghiêm khắc áp dụng luật pháp của quốc gia để cho kẻ mạnh thấy rằng sức mạnh quân sự không phải là tất cả bởi cộng đồng thế giới không phải lúc nào cũng im lặng đứng nhìn nước lớn lộng hành, ngang ngược và áp bức một nước nhỏ hơn.
Việt Nam không phải là Tây Tạng và lại càng không phải Tân Cương để Trung Quốc tự cho phép Hán hóa. Tuy nhiên nếu vẫn còn tin rằng kế sách kềm chế hiện nay là kế sách duy nhất thì hiểm họa tầm ăn dâu sẽ biến Việt Nam mất dần chủ quyền một cách âm thầm nhưng chắc chắn.
Phải chăng đã đến lúc cần xem xét lại một cách cẩn trọng sự hòa hiếu để thiết lập một chính sách khác tuy không căn cứ trên sức mạnh quân sự nhưng dựa vào tình hình mới và nhất là sự trở lại của Hoa kỳ để cùng với các nước trong khu vực cài răng lược tạo thành lá chắn chặn lại bớt cơn hung bạo của Trung Quốc trước khi quá muộn.

Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment