Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group - ICG), một tổ chức có uy tín trụ sở đặt tại Brussels, Bỉ vừa ra phúc trình nói về tình hình căng thẳng hiện tại ở Biển Đông.
Phúc trình mang tựa đề: "Khuấy động Biển Đông: phản ứng của khu vực" nhìn vào cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện thời giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, với nhận định tranh chấp này đang vào chỗ bế tắc.
Các tác giả nhận xét: "Lập trường mạnh bạo của các quốc gia tuyên bố chủ quyền đang đẩy căng thẳng khu vực lên cấp độ mới".
Việt Nam và Philippines được nhận định là có thái độ đối đầu hơn cả đối với Trung Quốc.
"Tất cả các quốc gia tranh chấp chủ quyền đang tăng cường năng lực quân sự và hành pháp, trong khi tại các nước đó tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang khiến các nhân vật theo phái cứng rắn kêu gọi hành động dứt khoát hơn để khẳng định chủ quyền."
Paul Quinn-Judge, giám đốc chương trình Á châu của ICG, được hãng AFP dẫn lời nói: "Thiếu đồng thuận về cơ chế giải quyết bất đồng thì căng thẳng tại Biển Đông sẽ dễ dàng leo thang thành xung đột quân sự".
"Chừng nào Asean chưa đưa được ra một chính sách nhất quán về Biển Đông, thì chưa thể áp dụng một bộ quy tắc giải quyết các tranh chấp chủ quyền có tính ràng buộc."
ICG đã có một phúc trình về Biển Đông, trong đó phân tích tương quan giữa tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc và các chính sách của nước này tại Biển Đông.
Phúc trình mới, là phần tiếp theo, đề cập tới thái độ của các nước trong khu vực và các yếu tố có thể khiến căng thẳng leo thang.
Cơ chế giải quyết
Theo ICG, các quốc gia trong khu vực đang có cách nhìn khác nhau về cơ chế giải quyết bất đồng.
Bắc Kinh muốn giải quyết giữa hai nước liên quan với nhau, trong khi Việt Nam và Philippines muốn lôi kéo theo Hoa Kỳ và khối Asean.
"Thiếu đồng thuận về cơ chế giải quyết bất đồng thì căng thẳng tại Biển Đông sẽ dễ dàng leo thang thành xung đột quân sự."
Paul Quinn-Judge, giám đốc chương trình Á châu của ICG
ICG cho rằng nếu không muốn cơ hội tìm giải pháp chung lụi tàn thì các nước cần phải tăng nỗ lực thúc đẩy việc khai thác dầu khí và nguồn lợi thủy sản chung, đồng thời tìm cách thông qua được quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý rõ ràng cho tất cả các bên liên quan.
"Các nước cùng tuyên bố chủ quyền Biển Đông đều hăng hái theo đuổi việc thăm dò dầu khí, và quan tâm bảo vệ ngư trường ... những điều này làm cho sự cố dễ xảy ra."
ICG cho rằng khía cạnh dân tộc chủ nghĩa khiến cho các chính quyền gặp khó khăn hơn trong hạ nhiệt các vụ việc, đồng thời hạn chế khả năng hợp tác trong khu vực.
"Trong số các nước Đông Nam Á, chính phủ Việt Nam phải chịu nhiều áp lực nội bộ nhất trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình trước Trung Quốc."
Mặc dù Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã bắt tay vào công cuộc hiện đại hóa hải quân của mình, sự gia tăng số lượng tàu hải giám trong khu vực tranh chấp mới là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ xung đột.
Các tàu này đã có mặt trong các xung đột trong thời gian gần đây.
Mặc dù được trang bị đơn giản hơn và ít vẻ hăm dọa hơn so với các tàu chiến, tàu hải giám dễ triển khai hơn và hoạt động dưới hệ thống chỉ huy thoáng hơn cũng như tiếp cận những cuộc giao tranh dễ dàng hơn.
Mặc dù những va chạm trên biển đã chưa dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự thực sự kể từ 1988, chúng đã gây lo ngại về sự chuyển dời cán cân quyền lực trong khu vực.
Các nước Đông Nam Á dường như cho rằng sự lựa chọn của họ chỉ dừng lại ở giới hạn đàm phán song phương với Trung Quốc, những cố gắng nhằm lôi kéo những các bên khác như Mỹ và Asean cũng như sự phân xử dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Asean tê liệt
Các nước Đông Nam Á hiểu rằng họ thiếu sức mạnh để đối mặt với Trung Quốc một cách đơn lẻ.
Nỗ lực tìm giải pháp đang bế tắc
Việt Nam và Philipines nói riêng đang tìm cách củng cố vị thế của mình trong đối mặt với Trung Quốc bằng cách quốc tế hóa vấn đề.
Bắc Kinh vẫn nhất định giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, nơi thế mạnh kinh tế và chính trị của họ có khả năng phát huy nhất.
Trung Quốc đồng thời cũng kịch liệt phản đối những nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đấy mạnh sự cộng tác với các thế lực bên ngoài và hưởng ứng chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á với mục đích kiềm chế sự bành trướng của họ.
Sự thiếu đoàn kết giữa các nước yêu sách với Trung Quốc, kết hợp với sự yếu kém của kết cấu đa phương trong khu vực đã cản trở việc tìm kiếm giải pháp.
Luật Quốc tế đã được sử dụng một cách chọn lọc bởi các phía có yêu sách để bào chữa cho các hành động trên biển, thay cho việc giải quyết tranh chấp.
Asean, diễn đàn đa phương hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề này cũng đã tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc giảm căng thẳng.
Sự chia rẽ giữa các thành viên trong khối này, bắt nguồn từ những góc nhìn khác nhau về Biển Đông và sự khác biệt trong việc đánh giá mối quan hệ của từng nước với Trung Quốc đã ngăn cản Asean đi đến một thỏa thuận về vấn đề.
Trung Quốc đã lợi dụng một cách tích cực sự chia rẽ này, đưa ra các chính sách ưu đãi đối với các thành viên Asean không cùng phía với các bên yêu sách với nước này.
Kết quả là không có sự thỏa thuận nào về Qui tắc ứng xử trên Biển Đông được đưa ra, và khối Asean trở nên ngày càng chia rẽ.
Trong khi khả năng xung đột lớn vẫn khá nhỏ, tất cả những xu hướng này đang đi sai chiều, và những triển vọng vào một giải pháp đang mờ nhạt dần.
Sự hợp tác để quản lí tài nguyên trong khu vực tranh chấp cũng có thể giúp giảm căng thẳng giữa các bên yêu sách, tuy nhiên cố gắng duy nhất giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philipines trong viêc tổ chức khảo sát địa chấn vào năm 2008 đã hoàn toàn thất bại.
Kể từ đó, các nước yêu sách đã kịch liệt từ chối việc nhường nhịn chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, vốn cần thiết để thực hiện những kế hoạch như vậy.
Việc thiếu vắng những thỏa thuận trong khu vực về sự lựa chọn các chính sách cũng như một cơ chế để giảm nhẹ và làm dịu bớt xung đột sẽ khiến khu vực biển có tính quan trọng chiến lược này sẽ tiếp tục nằm trong trạng thái bất ổn.
No comments:
Post a Comment