Trung Quốc đang tăng áp lực với Việt Nam
TO: 32 recipients
THỨ NĂM, NGÀY 26 THÁNG BẢY NĂM 2012
Trung Quốc đang tăng áp lực với Việt Nam
VIỆC TRUNG QUỐC ĐIỀU ĐỘI TÀU CÁ VÀ LẬP CƠ SỞ ĐỒN TRÚ TẠI BIỂN ĐÔNG CHO THẤY TRUNG QUỐC ĐANG CỐ Ý TĂNG ÁP LỰC NHƯNG LẠI CHƯA SẴN SÀNG DÙNG VŨ LỰC CHỐNG VIỆT NAM. GIÁO SƯ CARLYLE THAYER, CHUYÊN GIA VỀ ĐÔNG NAM Á, TRẢ LỜI VNEXPRESS.
> TRUNG QUỐC SẼ CHO QUÂN ĐỒN TRÚ TRÊN BIỂN ĐÔNG
> CÁCH TRUNG QUỐC DẦN THÂU TÓM BIỂN ĐÔNG
Carl Thayer là chuyên gia nổi tiếng và có nhiều bình luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong nhiều năm qua. Ông hiện là giáo sư khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Quốc phòng Australia. |
- Căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đang leo thang sau gần một năm tương đối hòa bình. Trung Quốc đang đáp trả lại việc chống cự từ Philippines và Việt Nam bằng những hành động được tính toán cẩn thận. Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật đe dọa để chia rẽ ASEAN, hòng khiến Philippines cũng như Việt Nam rút lui trong việc bảo vệ chủ quyền. Việc nước này cử một đội gồm 30 tàu cá và tàu hộ tống cũng nhằm chứng minh rằng nước này có thể triển khai một số lượng tàu lớn để áp đảo khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Quyết định (về việc thành lập cơ sở đồn trú của quân đội Trung Quốc ở Tam Sa) của Quân ủy Trung ương Trung Quốc là động thái mạnh nhất trong thời gian qua, vì cơ quan này đại diện cho cấp lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc, và cũng phản ánh quan điểm của Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA).
Quyết định đó có ý nghĩa tượng trưng hơn là đe dọa quân sự thực sự. Đảo Woody(ông Thayer dùng tên quốc tế để chỉ Phú Lâm, đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) vốn từ lâu đã là một cơ sở quan trọng trong việc thu nghe tín hiệu điện tử từ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp quyết định lập cơ sở đồn trú của Trung Quốc. Diễn biến mới này sẽ làm tăng quyền lực của PLA đối với các cơ quan dân sự trong việc bảo vệ chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Nam Trung Hoa.
Cả hai động thái - điều đội tàu cá và lập cơ sở đồn trú - cho thấy Trung Quốc đang đi một bước cố ý nhằm tăng áp lực lên Việt Nam. Hai sự kiện đều là những quyết định có tính toán kỹ lưỡng về mặt chiến thuật. Tuy nhiên Trung Quốc vào thời điểm này chưa sẵn sàng dùng vũ lực chống Việt Nam.
- Tàu hộ vệ Đông Hoán mắc cạn, tàu đổ bộ Ngọc Đình bị phát hiện ở Trường Sa, rồi đến việc tuyên bố thiết lập cơ sở đồn trú ở Biển Đông. Những sự kiện này có thể được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Ngoại trừ việc hiện diện ở đồn trú trên đảo Woody (Phú Lâm), Hải quân Trung Quốc vẫn đứng trong hậu trường và chưa tham gia vào bất kỳ một sự cố lớn nào trong 3 năm qua. Các tàu chính của Trung Quốc trên Biển Đông thuộc cơ quan Giám sát Hàng hải Trung Quốc và Cơ quan hành pháp Ngư nghiệp.
Trung Quốc sẽ kiềm chế sử dụng các tàu hải quân, bởi dùng đến lực lượng này là đánh dấu một bước leo thang rất lớn, có thể làm hỏng tiến trình ngoại giao bàn thảo về Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), và dẫn đến sự phản đối của các cường quốc khác.
- Một quan chức cấp cao Trung Quốc gần đây đã đề xuất vũ trang cho các ngư dân và đưa họ ra Biển Đông. Theo ông, chính phủ Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào với đề xuất này?
- Tôi không nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phê duyệt việc vũ trang hóa ngư dân. Thứ nhất, chính quyền trung ương sẽ không thể kiểm soát được các ngư dân và điều đó có thể dẫn đến "cái sảy nảy cái ung". Nói cách khác, ngư dân có thể buộc chính quyền trung ương thực hiện những hành động được xem là không phục vụ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đề xuất này quả là dốt nát. Những ngư dân được vũ trang có thể trở thành cướp biển, họ dễ dàng đánh mất chính mình, và ai mà biết được các vũ khí rồi sẽ tuột vào tay ai?
Tàu Ngư chính 310 thuộc loại lớn nhất của Trung Quốc, thường hoạt động ở Biển Đông. Ảnh:Nddaily. |
- Để đề phòng xung đột với các lực lượng hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, theo ông Việt Nam và Philippines, cần làm gì?
- Cả Việt Nam và Philippines đều cần đẩy mạnh tuần tra hàng hải bằng máy bay và tàu biển. Hai nước nên hợp tác trao đổi thông tin chặt chẽ. Hai nước cần đảm bảo rằng Cảnh sát Biển và Tuần duyên của mình được bảo vệ và có những quy tắc rõ ràng khi thực hiện vai trò của mình. Những quy tắc cần chỉ rõ những trường hợp nào thì được sử dụng vũ lực.
- Truyền thông Trung Quốc gần đây đưa nhiều thông tin về những động thái của tàu hải quân và tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này có khác biệt gì so với trước đây?
- Trung Quốc luôn nói rằng các hoạt động của tàu dân sự của họ trên biển Nam Trung Hoa là hoạt động bình thường, thực hiện chủ quyền. Sự thay đổi ở đây là gì? Tuyên bố về đường 9 đoạn của họ ngày càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và Philippines. Việt Nam đã công bố Luật Biển và Philippines thì bác bỏ tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với bãi cạn Scarbourough.
Trong nội bộ Trung Quốc cũng đang chia rẽ về ý nghĩa của đường này. Những cái đầu nóng theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đang muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc tranh luận nào bằng cách chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền. Sau loạt diễn biến đầu năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ định một Nhóm Dẫn đầu (LSG) trực thuộc Ủy viên Hội đồng Nhà nước Đới Bỉnh Quốc nhằm nắm quyền kiểm soát các hoạt động của nhiều bộ liên quan đến Nam Trung Hoa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc được giao trọng trách chỉ đạo và phối hợp các phản ứng của Trung Quốc. Hiện chưa có hoạt động nào kể trên chứng minh được hiệu quả hoàn toàn.
Tôi cho rằng, chừng nào việc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc còn chưa xong, thì những người muốn thăng tiến về quyền lực sẽ còn nêu ra vấn đề Nam Trung Hoa để thu hút sự ủng hộ của người trong nước.
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2012/07/trung-quoc-dang-tang-ap-luc-voi-viet-nam/
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2012/07/trung-quoc-dang-tang-ap-luc-voi-viet-nam/
__._,_.___
No comments:
Post a Comment