Monday, September 9, 2013





 Obama-Putin : một cuộc chiến tranh lạnh mới
Minh Anh
Barack Obama và Vladimir PutinLos Cabos tại thượng đỉnh G20 lần trước ở Mêhicô, 18/06/2012
REUTERS/Jason Reed/Files
 
Với tấm ảnh Obama và Putin hờ hững bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20 ở Los Cabos (Mêhicô) vào tháng Sáu năm 2012, Le Courrier International tiên đoán là cuộc gặp gỡ hai lãnh đạo Mỹ - Nga cũng sẽ không mấy hữu hảo trong hội nghị G20 lần này tại Saint-Petersburg. Theo nhận định chung của nhiều tờ báo từ Á sang Âu, được Courrier International số ra tuần này trích đăng lại, tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, không còn tôn trọng lẫn nhau, không còn thích nhau nữa và cũng không thèm nói chuyện với nhau.
 
Bằng chứng : Vào đầu tháng Tám vừa qua, tổng thống Mỹ đã hủy buổi gặp người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin dự kiến vào đầu tháng Chín. Giữa hai bên có quá nhiều điểm bất đồng, trong số đó : Vụ Snowden, luật cấm gia đình Mỹ nhận con nuôi người Nga và dĩ nhiên là cuộc nội chiến Syria, mà Nga là đồng minh không thể tách rời của Bachar al-Assad.
Courrier International điểm qua một loạt các nhận định từ một số báo nước ngoài. Đối với nhật báo Mỹ USA Today, vụ việc quá rõ ràng : Putin, kẻ chuyên chế không thể nào lui tới được trong bài viết mang tựa đề « Sự thô bạo của Kremlin ». Theo quan điểm của The Spectator tại Luân Đôn : « Đông và Tây bất hòa ». Trên nhiều chủ đề, để thu hút sự chú ý, Putin ngày càng bày tỏ thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ. Đổi lại, đối với Washington, Matxcơva không còn quan trọng nữa trên lãnh vực kinh tế lẫn quân sự. Tờ The Wall Street Journal nhìn cách xử lý cuộc khủng hoảng Syria như một thái độ “vô trách nhiệm” của ông Obama. Bởi vì tổng thống Mỹ có thể quy lỗi cho một ai tại Quốc hội đã ngăn chặn dự án của ông, nhưng đổi lại, hành động này lại hủy đi tính chính đáng của tổng thống và uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Đối với đồng minh Israel của Mỹ, sự chần chừ của Hoa Kỳ là một điều “không thể chấp nhận được” và nó chỉ có thể tăng cường sức mạnh cho những kẻ độc tài. Hay như quan điểm nhìn từ Beyrouth qua tờ L’Orient-Le Jour cho rằng thái độ thay đổi đột ngột của Hoa Kỳ là một « gáo nước lạnh ». Kể từ giờ, Hoa Kỳ và các đồng minh Anh, Pháp sẽ không còn làm ai sợ nữa.
Họ chẳng có gì để nói với nhau
Tổng thống Mỹ Obama và đồng nhiệm Nga Putin - Reuters
Đáng chú ý nhất là bài nhận định của tờ Expert tại Matxcơva được Courrier International trích dịch lại qua bài viết đề tựa « Họ chẳng có gì để mà nói với nhau cả ». Các chuyên gia Nga đánh giá việc thiếu vắng đối thoại giữa Washington và Matxcơva lộ rõ tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đang đà suy yếu.
Theo Expert, việc từ chối gặp gỡ chẳng phải là chuyện mới mẻ gì. Obama từng không đến dự thượng đỉnh Apec ở Vladivostok 2012 ; Putin cũng không tham dự G8 tại Camp David. Vậy mà, lần từ chối mới đây của ông Obama lại mang một âm hưởng khá đặc biệt, khiến người ta không khỏi nghĩ rằng căng thẳng đôi bên ngày càng lớn.
Một số người thì nhìn quyết định trên của Obama như là muốn trừng phạt Nga vì « cách cư xử không đúng đắn ». Kẻ khác lại nhìn thấy đó là một thắng lợi của phe chống Nga tại Washington, vốn dĩ trông mong ở ông Obama một động thái cứng rắn hơn với Matxcơva. Thế nhưng, Expert cho rằng không ai trong số này đều đúng cả. Chuyện ở đây quá rõ là ông Obama mong muốn tạm dừng đối thoại với Nga, vì nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất là những vấn đề chồng chất ngay trong bộ máy chính quyền và cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng trong cả nước. Và nhất là tổng thống Mỹ không biết phải tranh luận với Nga về vấn đề gì trong bối cảnh viễn ảnh địa chính trị ngày càng gia tăng.
Không có cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo là cũng bởi vì ông Obama không thể nào lẩn tránh được một số hồ sơ nhạy cảm : Snowden, đồng tính và khủng hoảng Syria. Tờ báo đặt giả thuyết nếu như tổng thống Mỹ đến gặp Putin tại Matxcơva mà không có đến một quan điểm rõ ràng, mang tính đạo đức và quyết đoán trên những hồ sơ này thì chắc chắn là ông sẽ hứng chịu điều tiếng phản đối trên báo chí. Chính vì điều này, nên chính quyền ông Obama buộc phải im lặng. Đối với họ, tốt hơn hết nên âm thầm xử sự cứng rắn hơn với người Nga. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn đó lại là biểu hiện của sự yếu đuối, chứ không phải là sức mạnh. Việc này làm lộ rõ sự lệ thuộc quá lớn vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hơn là đối nội. Nói cách khác nó chỉ củng cố thêm niềm tin của chính quyền Nga là không thể nào thông cảm nghiêm túc và dài hạn với Hoa Kỳ trên những hồ sơ nhạy cảm.
Cái giá của sự chần chừ
Obama và canh bạc lớn tại Syria
Hồ sơ Syria vẫn tiếp tục là tâm điểm thời sự quốc tế trên các tuần san Pháp. Cả hai tờ Le Nouvel Observateur và L’Express dành nhiều trang báo để đánh giá, phân tích và trình bày quan điểm của nhiều chuyên gia về việc Hoa Kỳ tạm hoãn tấn công Syria.
Le Nouvel Observateur dành 11 trang để bàn về chủ đề này. Từ việc quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ đã làm suy yếu phần nào tổng thống Pháp, Washington và Paris cố gắng trưng bày các chứng cớ tội ác sử dụng vũ khí hóa học của Damas, ván cờ nguy hiểm của tổng thống Obama khi đưa sự việc ra Quốc hội, cho đến hành động thoái lui của Anh quốc khiến Hoa Kỳ còn thêm đơn độc trên hồ sơ này.
Tuy nhiên, Le Nouvel Observateur tiết lộ một chi tiết đáng chú ý là vụ tấn công bằng chất hóa học hôm 21/8 vừa qua tại Damas có lẽ bắt nguồn từ một mưu toan ám sát hụt nhắm vào tổng thống Bachar al-Assad sáng 08/8. Vào hôm đó, đoàn xe của ông bất ngờ bị pháo kích khi đang trên đường đến một nhà thờ Hồi giáo trong thủ đô. Le Nouvel Observateur viết là « Dường như khoảng 17 trái pháo được bắn vào đoàn xe tổng thống ». Tờ báo nhấn mạnh « Cho đến ngày giờ này chưa ai dám lấy mạng sống ông ta ». Vụ tấn công trên « rất có thể là nguyên nhân dẫn đến các vụ dội bom bằng khí sarin được thực hiện 13 ngày sau đó tại các khu vực do phe nổi dậy tại Damas chiếm đóng ».
Riêng L’Express có bài phân tích đề tựa « Cái giá của sự do dự ». Bài viết cho rằng Hoa Kỳ trì hoãn can thiệp quân sự vào Syria, có nguy cơ đánh mất tầm ảnh hưởng và gây bối rối cho các đồng minh hiếm hoi của mình, đứng đầu là Pháp.
Tác giả bài viết cho rằng sự do dự kéo dài quá lâu. Hành động tấn công bằng vũ khí hóa học thực ra cũng chỉ giết chết có 2% dân số. Trong khi đó, cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm rưỡi qua, hàng trăm ngàn người đã mất mạng bởi những vũ khí thông thường, mà trong đó Phương tây cũng có một phần trách nhiệm bởi sự trơ ì từ ngần ấy thời gian.
Chẳng có ích lợi gì khi phải cố tìm cách chứng minh tính hợp pháp của một cuộc can thiệp quân sự, dù đó là « hạn chế », bởi vì cần phải có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một điều không thể nào có được bởi lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc.
Hệ quả là càng chần chừ, càng làm tăng thêm số người tham gia vào phe Hồi giáo cực đoan Djihad. Nếu ông Obama cứ tiếp tục chần chừ, những lời cảnh báo của Hoa Kỳ chống lại chương trình hạt nhân của Iran hay Bắc Triều Tiên sẽ không còn giá trị gì nữa cả. Bên cạnh đó, Bachar al-Assad cảm thấy tăng cường sức mạnh trước một siêu cường mà vị tổng thống lại là một kẻ hèn nhát trước con mắt của những tay chân thân tín của nhà độc tài Syria.
Thời gian càng kéo dài, sự ủng hộ của thế giới cũng suy giảm theo, nhất là từ phía Liên đoàn Ả Rập. Cuối cùng, bài phân tích còn nhấn mạnh là sự chần chừ chỉ củng cố thêm tầm ảnh hưởng và uy tín của Vladimir Putin trên trường quốc tế.





__._,_.___
Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topic Messages in this topic (1)

No comments:

Post a Comment