Hoa Kỳ 'tái cân bằng' quyền lực ở khu vực
Cập nhật: 05:08 GMT - thứ bảy, 2 tháng 6, 2012
Mỹ 'chuyển trọng tâm' sang châu Á
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta trình bày những chi tiết đầu tiên về kế hoạch chuyển dịch trọng tâm về hướng châu Á-Thái Bình Dương.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã hé mở những chi tiết đầu tiên trong chiến lược chuyển dịch trọng tâm về hướng châu Á-Thái Bình Dương.
Đối diện sự cắt giảm mạnh về ngân sách, Mỹ buộc phải tìm cách đưa ra một chiến lược quốc phòng mới nhằm duy trì ảnh hưởng với tư cách cường quốc của mình trên thế giới.
Trong bài tham luận đầu tiên tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 ở Singapore, ông Panetta nói với cử tọa đến từ 28 quốc gia rằng "thúc đẩy vai trò trong khu vực được coi là sống còn đối với tương lai của nước Mỹ".
Ông bộ trưởng tái khẳng định điều mà người tiền nhiệm của ông, Bộ trưởng Robert Gates, từng nói cũng tại nơi này cách đây đúng một năm: "Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương".
Tuy nhiên ông nói: "Có ý kiến cho rằng việc chuyển dịch trọng tâm này là nhằm thách thức Trung Quốc. Tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm này".
Di chuyển hải quân
Điểm mới đầu tiên trong chiến lược 'tái cân bằng' của Mỹ là dịch chuyển phần lớn tàu chiến và lực lượng hải quân tới khu vực Thái Bình Dương trước năm 2020.
Ông Panetta nói: "Tới năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ chuyển dịch cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành 60-40 thay vì 50-50 hiện nay".
Tới lúc đó, Mỹ sẽ đặt ở Thái Bình Dương sáu hàng không mẫu hạm, đa số khu trục hạm và tuần dương hạm, các tàu thân cạn và tàu ngầm.
Chiến lược tái cân bằng của Mỹ
- Hiện tại Mỹ có 285 chiến hạm các loại, phân bổ 50-50 giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương
- Tới 2020, tương quan sẽ là 60-40 nghiêng về Thái Bình Dương
- Mỹ sẽ đặt ở Thái Bình Dương sáu hàng không mẫu hạm, đa số khu trục hạm và tuần dương hạm, các tàu thân cạn và tàu ngầm.
- Mỹ cũng sẽ đưa vào nhiều chiến đấu cơ tránh radar đời mới, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa phòng thủ...
- Tăng cường tập trận, thăm hải cảng và mạng lưới đối tác trong khu vực
Trong khuôn khổ chiến lược mới, Mỹ cũng sẽ đưa vào khu vực các chiến đấu cơ đời mới có khả năng tránh radar, các máy bay ném bom tầm xa và tên lửa phòng thủ...
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay hiện nước này có tổng cộng 285 tàu chiến các loại, khoảng một nửa đặt tại Thái Bình Dương.
Ngoài con số chiến hạm, Hoa Kỳ còn muốn tăng thêm số các cuộc tập trận, thăm hải cảng các nước và quan trọng nhất, là phát triển mạng lưới đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Hoa Kỳ tham gia tổng cộng 172 cuộc tập trận lớn nhỏ với 24 quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên ông Panetta cảnh báo sẽ mất nhiều tháng và nhiều năm để thực hiện kế hoạch chuyển dịch trọng tâm về hướng châu Á -Thái Bình Dương.
Tranh chấp Biển Đông
Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ không ít lần khẳng định tầm quan trọng của điều mà họ gọi là 'tự do hàng hải' trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Thượng nghị sỹ Joe Lieberman nói với các nhà báo tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hôm thứ Bảy 2/6, rằng khoảng 1,3 nghìn tỷ đôla hàng hóa của Mỹ đi qua khu vực này mỗi năm, và do vậy Mỹ quan tâm đặc biệt tới việc tìm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông.
Bộ trưởng Panetta thì nhận định rằng điều mà ông cho rằng có thể giúp duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biển nhiều biến động này, là Trung Quốc và các nước Asean đưa ra được một bộ Quy tắc Ứng xử (Coc) và tạo ra được một diễn đàn để các nước liên quan có thể cùng thảo luận giải quyết các bất đồng.
Ông bộ trưởng nói rõ Mỹ phản đối các hành động đơn phương của Bắc Kinh tại Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào, theo ông, cũng phải được giải quyết giữa các bên liên quan và dựa theo luật lệ quốc tế.
Quan điểm này một lần nữa được Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain khẳng định khi nói chuyện với BBC sáng thứ Bảy.
Ông nói: "Hoa Kỳ cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, không qua đàm phán song phương".
Trong khi đó, tuy cho rằng Hoa Kỳ có thể trợ giúp quá trình tìm giải pháp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, Thượng nghị sỹ Joe Lieberman bày tỏ quan ngại trước việc Washington vẫn chưa tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos).
Ông nhận xét điều này khiến Mỹ "trông như một kẻ đạo đức giả" và nói ông hy vọng Mỹ sẽ thông qua Unclos vào cuối năm nay, "chắc là sau kỳ bầu cử tổng thống tháng 11".
__._,_.___
No comments:
Post a Comment