Tuesday, June 26, 2012


Hoa Kỳ thị uy ngoài Hoàng Hải : Răn đe Bình Nhưỡng, trấn an Seoul

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington (Reuters)
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington (Reuters)

Mai Vân
« Hải quân Mỹ phô trương uy lực trên Hoàng Hải » : Dưới hàng tựa trên đây ở trang quốc tế, Le Figaro hôm nay đã phân tích thêm về dụng tâm của Hoa Kỳ khi cử một hạm đội hùng hậu tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ngoài khơi bán đảo Triều Tiên từ ngày 23/06 đến 25/06/2012. Mục tiêu không ngoài việc răn đe Bình Nhưỡng, đồng thời trấn an Seoul.

Thông tín viên Le Figaro ghi nhận trước tiên tính chất hùng hậu của lực lượng Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận tại vùng Hoàng Hải, với việc triển khai tàu sân bay hạt nhân USS George Washington. Đối với Le Figaro, sự kiện này cho thấy là chính quyền Obama muốn thị uy, để tránh nguy cơ nổ ra một sự cố trên bán đảo Triều Tiên làm ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ.
Phải nói là vùng Hoàng Hải từng là hiện trường của nhiều sự cố mà tác giả là Bắc Triều Tiên, cụ thể là hai vụ tấn công nghiêm trọng vào năm 2010. Ban tham mưu liên quân Mỹ Hàn tại Seoul đã cảnh cáo : « Chúng tôi sẽ phản ứng chống trả ngay lập tức bất kỳ hành động khiêu khích nào ». Hiểm họa đến từ miền Bắc đặc biệt gay gắt kể từ khi Bình Nhưỡng đã dọa vào tháng tư vừa qua là sẽ có "hành động đặc biệt" trong tương lai chống lại miền Nam.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, cũng liên tục cảnh báo, cho biết là lần này nước ông sẽ phản ứng dữ dội hơn so với thời điểm năm 2010, sau vụ Bắc Triều Tiên bắn phá đảo Yeonpyeong. Vào khi ấy, Hoa Kỳ đã yêu cầu đồng minh của mình phản ứng chừng mực vì sợ xung đột leo thang.
Trực thăng chiến đấu Apache từ Irak trở lại khu vực
Theo một chuyên gia quân sự phương Tây được Le Figaro trích dẫn, các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn liên tiếp « chủ yếu nhằm trấn an công chúng » Hàn Quốc trước cuộc bầu cử tháng Mười hai, vào lúc mà phe bảo thủ cầm quyền tại Seoul đang lên án những người ủng hộ đối thoại trong phe đối lập. Ở phía bắc vĩ tuyến 38, tình hình căng thẳng gia tăng cũng được khai thác để đoàn kết lực lượng xung quanh tân lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, nhằm duy trì huyền thoại của một quốc gia bị đế quốc bao vây.
Đối với Le Figaro, Lầu Năm Góc cũng thúc đẩy hướng đề cao cảnh giác. Tướng James Thurman, chỉ huy của lực lượng 28.500 lính Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, ngày 12 tháng 6 vừa qua cũng yêu cầu được tiếp viện thêm, cụ thể là bằng các giàn tên lửa Patriot và một phi đội máy bay trực thăng tấn công Apache trước đây đã được chuyển từ Hàn Quốc qua Irak.
Các yêu cầu này vừa nhằm răn đe Bắc Triều Tiên, vừa trấn an giới quân đội Hàn Quốc, đang rất muốn phục hận sau khi cảm thấy bị « hạ nhục » vào năm 2010 và tố cáo trong hậu trường thái độ « mềm yếu » của Mỹ vào khi ấy.
Về quan hệ Hoa Kỳ Hàn Quốc, trước công chúng, Washington và Seoul luôn phô trương « sự bền vững » của liên minh của họ. Tuy nhiên, theo Le Figaro, hai bên cũng có bất đồng, cụ thể là việc Hoa Kỳ không cho Hàn Quốc mở rộng tầm bắn tên lửa đạn đạo bị giới hạn ở mức 300 km theo một thỏa thuận song phương giữa hai nước vào năm 2001.
Seoul muốn tăng tầm bắn lên đến 800 km để có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên, nhưng Mỹ không đồng ý vì không muốn gây bất ổn định trong khu vực, sợ rằng việc đó có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang, nhất là khi trong vùng còn có hai tác nhân khác là Trung Quốc và Nhật Bản.
Một cố vấn trong chính quyền Hàn Quốc đã phàn nàn : « Hoa Kỳ quả là có thái độ quá tốt đối với miền Bắc. Họ ngăn không cho chúng tôi phát triển tên lửa, nhưng sau đó thì không làm gì cả ». Theo Le Figaro, việc Mỹ gửi một tàu sân bay đến Hoàng Hải lần này ít ra cho phép xoa dịu bất bình kể trên.Dbao 25062012
Paris và Berlin buộc phải hợp tác với nhau để cứu đồng euro
Tổng thống tân cử ở Ai Cập, nội chiến không thấy lối thoát ở Syria, khủng hoảng vùng đồng euro, đây là những hồ sơ thời sự chiếm tựa trang nhất báo Pháp hôm nay. Về khu vực đồng euro, tờ les Echos nhìn thấy trong hàng tít trang nhất : Paris và Berlin buộc phải hợp tác với nhau để cứu đồng euro.
Ở trang trong, tờ báo đánh giá là hai lãnh đạo Pháp Đức, ông Hollande và bà Merkel muốn đi tìm một hơi sức mới cho tương lai vùng đồng euro, nhưng bất đồng quan điểm hai bên vẫn khá sâu sắc. Tờ báo cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi nhìn về tác động khủng hoảng vùng đồng euro, mà theo tờ báo đã khiến cho hai đầu tàu kinh tế thế giới bộc lộ dấu hiệu hụt hơi.
Hoạt động kinh tế Châu Âu bị chậm lại không chỉ ảnh hưởng đến đầu tàu kinh tế của vùng là Đức mà ảnh hưởng cả đến Trung Quốc. Hai cỗ máy lớn nhất kéo kinh tế thế giới này đang lâm vào cảnh đình trệ, do mức cầu sụt giảm của Châu Âu, thị trường lớn hàng đầu của Trung Quốc, và cả của Đức.
Nhìn về nước Đức, tờ báo nêu chỉ số IFO, đo lường tinh thần lạc quan của giới công nghiệp đã tụt giảm vào tháng 6, xuống mức thấp nhất từ hai năm qua. Hoạt động kinh tế đã chậm hẳn lại, đặc biệt trong lãnh vực chế biến, chỉ số đo lường PMI ở mức thấp nhất từ 3 năm qua. Và nếu trong quý đầu, Đức còn có được tăng trưởng 0,5%, nhiều người dự kiến khả năng xấu đi hơn trong quý 3 năm nay. Và vì quyền lợi của chính mình, Đức phải tìm giải pháp cơ bản cho vùng đồng euro.
Kinh tế Trung Quốc trong tình thế đáng lo ngại
Đối với Trung Quốc, Les Echos đánh giá là tình hình còn tệ hại hơn là vào năm 2008. Nền kinh tế thừ nhì của thế giới cũng đang hoạt động chậm lại rất nhiều, nhưng theo Les Echos, Bắc Kinh không thể đưa ra kế hoạch vực dậy ồ ạt như trước đây.
Trưóc tình hình đình trệ đó, tờ báo cho là có hai câu hỏi : phải chăng Bắc Kinh đang điều khiển cho kinh tế của mình hạ cánh một cách nhẹ nhàng, hay là kinh tế Trung Quốc đang bị ngưng trệ một cách thô bạo ?
Les Echos cho là có lẽ khả năng thừ nhì này đúng vói thực tế hơn, với những số liệu không tốt lành được công bố đều đặn cho đến nay, và mới nhất là chỉ số sơ bộ về ngành công nghiệp nhẹ mà ngân hàng HSBC công bố, đã xuống dưới ngưỡng 50.
Xuất khẩu Trung Quốc đã tuột giảm mạnh, do « bối cảnh bên ngoài không tốt ». Đơn đặt hàng xuống mức thấp nhất từ tháng 3/2009, tức vào thời điểm mà Trung Quốc chiụ hậu quả khủng hoảng tài chính thế giới. Giới kinh tế quốc tế đều hạ thấp dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc : Crédit Suisse đánh giá là tăng trưởng Trung Quốc năm 2012 chỉ sẽ là 7,7%.
Do những hậu quả của kế hoạch vực dậy kinh tế trước đây, dẫn đến đầu cơ địa ốc, lạm phát gia tăng, Les Echos cho là Bắc Kinh khó có thể tung tiền ra ồ ạt như trước đây nữa. Tuy nhiên với thâm thủng ngân sách khiêm tốn và những biện pháp hỗ trợ kinh tế cụ thể và có chọn lọc, giới chuyên gia cho là Bắc Kinh có khả năng tránh cho kinh tế của họ không bị hạ cánh một cách quá nặng nề, Thế nhưng các nhà phân tích không loại trừ khả năng đó.
Phải chăng Hy Lạp đã nói dối Châu Âu ?
Cũng về khủng hoảng vùng đồng euro, Le Figaro hôm nay chú ý đến Hy Lạp và nêu bật trong hàng tựa lớn của mình câu hỏi : Phải chăng Hy Lạp đã nói dối với Châu Âu ? Tờ báo nhắc lại sự kiện Hy Lạp bị tố cáo vi phạm những thoả thuận 2010-2011, theo đó Athens phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.
Thế nhưng theo một báo cáo của bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và một báo cáo của chính bộ trưởng tài chính Hy Lạp hiện nay, được tuần báo Hy Lạp To Vima đăng tải, thì Athens đã vi phạm những thỏa thuận đã ký kết, và đã tuyển mộ 70.000 công chức, trong lúc mà chính quyền cánh tả đảng Pasok cam kết thực hiện chính sách khắc khổ, giảm biên chế, sa thải hàng nghìn người đúng theo lời hứa với Bruxelles.
Dĩ nhiên theo Le Figaro, bộ trưởng tài chính Hy Lạp đã phủ nhận tin trên, cho là không hề có những ‘tài liệu’ đã được đề cập. Tuy nhiên giới chuyên gia cũng như dư luận Hy Lạp đã không tỏ vẻ ngạc nhiên trước những thông tin được tiết lộ.
Tương lai Ai Cập đi về đâu ?
Với quan điểm rất khác nhau về các sự kiện sắp diễn ra ở Ai Cập sau khi ứng viên Huynh đệ Hồi giáo được tuyên bố đắc cử tổng thống vào hôm qua, báo chí Pháp hôm nay đã mở cuộc tranh luận về tương lai của quốc gia này. Ẩn số được các tờ báo nêu bật là hành động sắp tới đây của quân đội Ai Cập, vẫn nắm chắc mọi quyền hạn trong tay, liệu họ sẽ nhượng bộ, hay là sẽ xiết chặt thêm gọng kềm trên đời sống chính trị Ai Cập ?
Nhật báo Le Figaro thốt lên trên trang nhất : « Mohammed Morsi, một tổng thống Hồi giáo ở Ai Cập ». Theo tờ báo « Rất có khả năng là quân đội sẽ tìm cách ngăn chặn đà vươn lên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các đồng minh của họ, như đã từng làm một cách thành công cho đến nay. Tại Ai Cập, cuộc đọ sức giữa quân đội và phe Hồi giáo đã kéo dài từ lâu, nhưng giờ đây đã mang một hình thức mới. Cho dù đã dựng lên rất nhiều rào cản, quân đội Ai Cập hiện vẫn phải đối mặt với một người là hiện thân của ý chí toàn dân ».
Trong bối cảnh đó, Le Figaro cho rằng lúc này không phải là lúc lao vào một cuộc đọ sức mới. Một điều chắc chắn là tại Ai Cập, phe Hồi giáo vừa ghi được một điểm rất quan trọng.
Đối với báo Libération, người dân Ai Cập như vậy đã quyết định chọn một người trong phong trào Huynh đệ Hồi giáo làm tổng thống của họ... Tuy nhiên, nghịch lý là tổ chức này leo lên được vị trí lãnh đạo một nhà nước lớn nhất trong thế giới Ả Rập vào lúc chức vụ này chỉ còn là một cái vỏ trống rỗng, sau khi bị quân đội nước này hạn chế bớt các quyền hạn.
Tuy nhiên, theo Libération, chiến thắng được công nhận của Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập là một dấu hiệu cho thấy là giữa quân đội và phong trào này đã manh nha một sự thỏa hiệp, điều mà mới đây thôi còn là điều không tưởng. Đối với Libération, lý do rất đơn giản : « Phe Huynh đệ Hồi giáo đã nhận thức rõ là họ có thể bị thua thiệt rất nhiều trong một cuộc đối đầu với quân đội, có thể biến thành nội chiến. »
TAGS: BẮC TRIỀU TIÊN - CHÂU Á - HÀN QUỐC - HOA KỲ - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment