kINH CHUYEN BAI CHI  PHONG VAN NHA THOdObINH; kINH NHO PHO BIEN; THANH THATCAM ON;
nt



Nhà văn BÍCH HUYỀN VỚI

CÂU CHUYỆN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 
 
         Thân ái kính chào tái ngộ quý vị và các bạn, đang lắng nghe chương trình « Câu chuyện văn học nghệ thuật » của Radio Bolsa.
         Trong buổi phát thanh này, đặc biệt chúng tôi được đón tiếp nhà thơ Đỗ Bình từ Pháp Quốc sang thăm Hoa Kỳ miền Nam California nắng ấm của chúng ta. Thưa quý vị và các bạn, trước hết là một vài nét về nhà thơ Đỗ Bình :
        Nguyên là Chủ Bút Nguyệt San Vùng Dậy. Biên Tập Viên Đài Phát Thanh RGB. Sáng Lập Viên Hiệp Hội Văn Hóa và Thư Viện Cergy-Pháp. Thành Viên Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam tại Paris. Thành Viên Ba Lê Thi Xã. Cộng tác với nhiều tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tại Hải Ngoại.
         Ông có ba tác phẩm xuất bản là : Buồn Viễn Xứ, Bóng Quê và Mùa Xưa Vỗ Cánh. Tất cả là ba tập thơ.
BH - Xin thân ái kính chào anh Đỗ Bình.
ĐB - Kính chào chị Bích Huyền, trước hết tôi xin gửi đến chị Bích Huyền và toàn thể quý vị thính giả nghe đài lời cầu chúc tốt đẹp nhất.
BH - Ngày rời đất nước ra đi, anh đã để lại quê hương hơn nửa phần ánh sáng của đôi mắt mình, như nhà biên khảo Nguyễn Thùy đã phát biểu như vậy. Xin anh hãy chia xẻ cùng quý thính giả, đang lắng nghe chúng ta nói chuyện về một nửa phần ánh sáng ấy, thưa anh.
ĐB - Vâng thưa chị, đã từ lâu tôi muốn quên đi niềm đau nhưng nó vẫn ẩn hiện ở trong giấc mơ. Nói đến ánh sáng là khơi dậy niềm đau phủ đầy bóng tối làm đau buốt tâm hồn tôi. Chiến tranh và tù đày đã thi nhau cướp đi một phần ánh sáng của tôi, cho nên tôi muốn gửi niềm đau đó vào thi văn cho tâm hồn bớt đi những phiền muộn.
BH - Dạ vâng thưa anh, thơ bắt đầu từ bao giờ và từ đâu ạ?
ĐB - Thưa chị, ngay thuở còn đi học thì tôi đã làm thơ, tôi rất mê thích văn nghệ, tôi nghĩ rằng thơ là những cái…
BH - Vô cùng…?
ĐB - Dạ vâng, tôi nghĩ rằng có lẽ trên đời ai mà không có một lần bất chợt cảm hồn qua thơ hay một giấc mộng mà không khỏi bồi hồi xao xuyến khi nhìn thấy những hình ảnh tuyệt vời ở trong giấc mơ. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc của tâm hồn, nơi ẩn chứa những khối tình thiêng liêng sâu kín nhất, nên hồn thơ đố như giọt sương mai dù mong manh nhưng vẫn long lanh dưới nắng hồng tỏa ra muôn sắc, rồi chỉ một thoáng sẽ tan vỡ, và mang theo màu diễm ảo đó về một nơi nào đó. Không biết rằng từ ngàn xưa giọt mưa có buồn hay không, nhưng qua tâm hồn nghệ sĩ thì giọt mưa nó đã vương một tiếng buồn tí tách. Phải chăng làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời đâm hoa trổ trái, và đưa thực vào mộng để cho tâm hồn vơi đi những nỗi đau trần thế? Còn riêng tôi thì say thơ, ôm cả mộng lẫn thực để nhấm cái hững hờ của thời gian ở nơi viễn xứ này !
BH - Cảm ơn anh, thưa anh, nếu trong đời anh đã gặp một đổ vỡ như đổ vỡ ngày 30-04-75 chẳng hạn ; sau đó gặp một đổ vỡ khác, và sau khi anh đã vươn lên, thoát ra khỏi những đổ vỡ đó, anh có thấy hạnh phúc rộng hơn không ?
ĐB - Vâng thưa chị, đối với tôi, có lẽ chẳng có mất mát nào đau như ngày 30-04, một biến cố không những của riêng tôi mà còn của dân tộc ! Sau đó, qua những năm tháng tù đày tôi đã để lại những phần ánh sáng ở trong tù, tuy nhiên, đó chỉ là những phần để lại quê hương, nhưng ra tới hải ngoại vẫn có những niềm đau liên tiếp !
BH - Chẳng hạn?
ĐB  Bởi vì mang một tâm hồn nghệ sĩ, tôi vẫn mơ và tin về những điều cao đẹp mà chúng tôi ấp ủ trong thời kỳ còn trẻ, thời gian ở tù, ra hải ngoại sẽ gặp được những tâm hồn đồng điệu, nhưng rồi với thời gian thì tình chiến hữu cũng dần loãng ra ! Cho nên đối với tôi đó cũng là những đổ vỡ.
BH - Tức là làm cho anh mất niềm tin ?
ĐB - Dạ vâng, qua nhiều đổ vỡ, đau thương đấy. Bây giờ với tuổi còn lại tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn,
và tôi đã thoát ra được bằng những bài thơ, những bài văn, hay những nốt nhạc mà tôi nghĩ rằng nơi đó cũng là nơi trú ngụ của tâm hồn tôi nên tôi cảm thấy đó là một hạnh phúc.
BH - Cảm ơn anh, vậy thì bây giờ xin anh minh họa bằng một bài thơ.
ĐB - Vâng thưa chị, đây là bài « Xuân Muộn ». Xuân luôn luôn đến, và nó đến đều, nhưng đối với tôi, xuân đây là xuân quê hương, mùa xuân ta cùng nhau trở về. Tôi vẫn chờ mùa xuân đó nên làm bài thơ này :
Em thường hỏi mùa xuân sao chẳng đến ?
Ta ngại ngùng khơi động đáy niềm đau.
Trời vào thu Paris nắng lên màu
Như lấp lánh cả Sài-gòn trìu mến.
 
Em muốn hỏi mùa thu sao quá lạnh ?
Ta vội vàng thay chiếc áo mùa đông
Nhìn sông Seine nghe sóng vỗ trong lòng
Theo dòng nước chảy về miền cô quạnh.
 
Em vẫn hỏi mùa xuân nơi xứ sở ?
Ta ngậm ngùi cố nhớ thuở còn thơ.
Hà Nội xưa chỉ gợn chút mơ hồ…
Trong ảo giác chắc lòng ta bỡ ngỡ !
 
Em bỗng hỏi mùa xuân sao quá chậm,
Ta gục đầu xin sám hối thời gian
Trời Đông-Âu hoa đã hết muộn màng
Vo nắm tuyết biết xuân về hừng sáng.
(Bóng Quê – trang 42)
         …Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sài-gòn…
BH - Thưa quý vị và các bạn, tiếng hát Thái Hiền thật quyến rũ trong nhạc phẩm « Nắng Paris Nắng Sàigòn » của Ngô Thụy Miên, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình « Câu Chuyện Văn học Nghệ Thuật » của Radio Bolsa.
         Thưa anh, «Trời vào thu Paris nắng lên màu, như lấp lánh cả Sài-gòn trìu mến», rất nhiều hình ảnh anh ạ ! Thưa anh, bây giờ sau bao nhiêu năm khoát màu áo trận, chiến đấu với Việt Cộng để giữ gìn mảnh đất miền Nam tự do được tươi đẹp, sau đó rồi 30-04 thì tan nát hết và anh phải vào tù, sau đó bỏ nước ra đi tỵ nạn. Vậy anh có suy nghĩ gì về cuộc chiến và nghĩ gì về thời kỳ đau thương ấy, nó đã phản ảnh trong tác phẩm nào của anh, thí dụ như trong thơ trong nhạc trong họa mà anh đã từng sáng tác?
ĐB - Vâng thưa chị, nói đến chiến tranh dù xảy ra ở bất cứ nơi đâu cũng thật là đáng sợ ! Tôi không thích chiến tranh vì nó đã gây bao nhiêu tang tóc, hũy diệt đi mầm sống. Hơn nữa ở một số nước trên thế giới, chiến tranh chỉ là sự chém giết lẫn nhau của những người không quen biết để cho một số người biết nhau buôn bán xương máu hưởng lợi. Mặc dù tôi không thích chiến tranh, nhưng trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản, tôi cũng như bao nhiêu thanh niên cùng thế hệ theo tiếng gọi của quê hương làm nghĩa vụ của một người trai thời chiến. Bạn bè tôi sau khi rời ghế nhà trường đã bao người nằm xuống nơi chiến trường để cho một ước vọng tự do và cho sự an lành của bao nhiêu người khác ở trong đó có cả gia đình tôi. Riêng tôi, tôi dấn thân vào chốn hiểm nguy lửa đạn không phải để tìm vinh quang cho bản thân hay làm người hùng, mà chỉ mong giữ gìn sự bình yên cho xóm làng khỏi móng vuốt của Cộng Sản. Ở trong thơ văn của tôi, tôi vẫn và luôn luôn mang một hình ảnh của một người lính, hình ảnh những người lính đó luôn luôn ẩn hiện trong tôi, cho nên trong những bài thơ, bài nhạc hay họa của tôi đều có những hình ảnh đó. Ví dụ bài thơ « Say »
Ta buồn rủ bóng cùng say,
Rượu nồng đã cạn đắng cay vẫn đầy
Đêm khuya khoắt, gió heo may
Hồn người lính trận nương mây trở về!?
Ta say thật hay là mê ?
Mà nghe chua xót lời thề năm xưa!
(Bóng Quê – trang53)
         Hay bài “ Nạng Gổ ”, tôi viết cho những chiến binh tuổi 60-70. Bây giờ những người đó là những người phế binh hoặc đang lưu vong nơi xứ người hoặc còn đang kẹt lại ở Việt Nam.
Ngày tháng trôi đi buồn vẫn đọng
Trên dòng chinh chiến đã rêu phong.
Súng gươm, lặng lẽ vào quên lãng                   
Khấp khểnh đường chiều, chiếc nạng cong!
(Bóng Quê – trang 112)
         Thưa chị, sự chờ đợi, người thì héo hắt và kể cả cái nạng gỗ để đở thân mình cũng cong với bóng thời gian !… Nhưng không phải vì thế mà “ tuyệt vọng “… tôi vẫn dấn thân vì nghĩ rằng:
Thà như sợi khói về mây trắng,
Ta vẫn thèm say tát ánh trăng
Sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ…
Quê hương trôi mãi tận cung hằng!
(Sóng Vỡ,  Bóng Quê – trang13)
BH - Rất là cảm ơn anh, vậy anh có nghĩ rằng văn chương đã chuyên chở những suy tư thời thế mà những biến cố của đất nước đã ảnh hưởng như thế nào trong đời sống và trong văn chương của anh?
ĐB - Như tôi đã thưa với chị, trước sau gì tôi chỉ là người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu cho sự tự do dân chủ của quê hương nhằm chống lại sự độc tài chuyên chế của Cộng Sản. Và đối với cuộc chiến vừa qua tôi cảm thấy ngậm ngùi. Chính vì sự ngậm ngùi ấy cho nên trong thơ văn của tôi đã có phảng phất những hình ảnh của cuộc chiến, phảng phất những hình ảnh của đời lưu vong ví dụ như bài “ Tử Sĩ ”
Từ độ quê nghèo yên khói lửa
Mẹ ngồi khắc khoải đếm xương khô
Núi sông phảng phất mùi thây rữa
Vất vưởng hồn oan, chẳng nấm mồ!
(Mùa Xưa Vỗ Cánh – trang108)
BH - Xin cảm ơn anh, có lẽ là chúng ta sẽ tiếp tục nói chuyện vào tuần sau và như anh vừa nói, thời thế với những biến động xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn trong tâm hồn thi nhân trong đó có nhà thơ Đỗ Bình. Nơi Đỗ Bình, nếu nói như nhà biên khảo Nguyễn Thùy : « nơi anh là người lính, người dân, người chiến sĩ, người nghệ sĩ lãng mạn, lúc nào cũng như gắn bó quấn quít trong nhau » dù trước đây trong chiến trận :
« Chiến hào cỏ biếc vây quanh
Tội cây cầu gẫy cũng thành hồn oan »
(Chứng Tích, trích Bóng Quê – trang 16)
         Và ngày nay thì nó tươi đẹp hơn một chút :
« Quỳnh hương một đóa nõn nà
Đêm trăng hé nhụy cùng ta đối sầu »
(Quỳnh Hương, trích Mùa Xưa Vỗ Cánh – trang 43)
         …Em ơi đêm thơm một đóa Quỳnh, cùng em hương vương không gian…
BH - Thưa quý vị và các bạn, với tiếng hát Trần Thái Hòa trong ca khúc Dạ Quỳnh Hương, của Phạm Anh Dũng và Phạm Ngọc- Quỳnh Giao, Bích Huyền xin tạm ngưng chương trình « Câu Chuyện Văn Học Nghệ Thuật » nơi đây, xin hẹn gặp lại quý thính giả vào tuần tới và xin lưu luyến chia tay.
 
 Thân ái kính chào tái ngộ quý vị và các bạn, đang lắng nghe chương trình « Câu chuyện văn học nghệ thuật » của Radio Bolsa.
         Trong chương trình này, Bích Huyền xin tiếp tục nói chuyện với nhà thơ Đỗ Bình, ông là một người rất tích cực trong sinh hoạt Văn Học và Nghệ Thuật tại Paris.
BH - Một lần nữa Bích Huyền xin kính chào tái ngộ anh Đỗ Bình.
ĐB - Dạ thưa kính chào chị Bích Huyền.
BH - Thưa anh, trong thi tập Bóng Quê của anh, chúng tôi nhận thấy những vần thơ dành cho nam nữ không phải là ít. Tôi rất thích những e dè kín đáo của anh trong đoạn thơ sau đây : « Em đó, ta đây cách khoảng đường. Muốn gần nhưng ngại tóc em vương ! Sợ mùi hương cũ làm quên lối. Về ngẩn ngơ hồn giấc luyến thương ». Vâng thưa anh, anh nghĩ thế nào về tình yêu, từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ thì có sự thay đổi nào không ?
ĐB - Vâng thưa chị, tình yêu đối với tôi thì…thật là rất khó nói ! Tôi nghĩ rằng, tình yêu là một đề tài muôn thuở không bao giờ cạn trong kho tàng Văn Học Nghệ Thuật của nhân loại. Trong tình yêu thì có tình yêu quê hương, tình yêu cha mẹ, tình yêu lứa đôi và rất nhiều tình yêu khác nữa. Tôi không dám định nghĩa tình yêu mà chỉ có cảm nhận. Ví dụ như tôi nghĩ rằng con người thì không thể thiếu tình yêu. Nó như một chiếc bóng bên ta, có khi chiếc bóng theo dấu chân in trên đường, có khi soi trên vách, và có đôi khi ẩn hiện trong tâm hồn…
BH - Trong giấc mộng ?!
ĐB - Dạ vâng… Riêng tình yêu đôi lứa nam nữ theo tôi nghĩ đó là một sự dâng hiến, chỉ cho người mà không hối tiếc.
BH - Cảm ơn anh, thưa anh, trong đời anh đã có những mối tình nào đẹp? Ở đây tôi muốn nói đến ở ngoài đời lẫn trong văn chương, đẹp như trong câu thơ: « con đường cũ lá me rơi muôn thuở » chẳng hạn?
ĐB - Vâng thưa chị, trong đời tôi, thật ra thì… có lẽ đây là lần đầu tiên tôi phải nói đến tình yêu mà tôi nghĩ rằng… Dạ vâng, thưa chị, tôi có viết ở trong thơ văn nhưng, Em ở trong thơ tôi là một ẩn dụ, Em của tôi là một lý tưởng, Em của tôi là một đất nước nhưng ở trong đó có đôi khi Em ở trong thơ của tôi là Em thật. Tôi có hai mối tình đẹp, đó là mối tình đầu thuở còn đi học. Mối tình này dang dở, người đó đã theo lệnh gia đình đi lấy chồng, hình ảnh của nàng còn ở trong tôi lẫn trong thơ, và tôi bây giờ chỉ còn yêu cuộc tình mà thôi.
BH - Như yêu « Con đường cũ lá me rơi muôn thuở », phải không ạ ?
ĐB - Vâng, với thời gian cù cuộc tình tan vỡ, nhưng cuộc tình vẫn đẹp.
BH - Vâng, xin mời anh đọc.
ĐB - Đây là bài thơ tôi viết cho cuộc tình đầu bị dang dở.
Thuở yêu em mộng mị
Ta ướp sợi tóc dài
Vào trang thơ nhật ký
Đêm về mơ bóng ai.
 
Gió khuya người có lạnh,
Sao hồn ta chơi vơi ?
Hay em là hư ảnh ?
Tội bài thơ không lời !
 
Xưa mỗi lần em hát
Ta hòa khúc đường tơ
Bờ môi đương ngào ngạt
Sao em vội hững hờ
 
Phố buồn tình vỗ cánh
Lá vàng che mất nhau
Ga chiều sương thu lạnh
Áo trắng em về đâu?!
 
Để mưa sầu thỏ thẻ
Trên phiếm lá ngu ngơ
Gót hài xưa hoang phế
Gợi ta buồn vu vơ.
 
Ôi tình thơ ngày đó
Vẫn ngất hồn ta say,
Nhưng dáng xưa phố nhỏ
Đã tàn theo khói bay.
(Chỉ Yêu Cuộc Tình, Bóng Quê – trang 87)
BH - Bây giờ là mối tình thứ hai?
ĐB - Vâng, thưa đây là mối tình thứ hai đối với tôi là mối tình đẹp vì người đó yêu tôi trong đời lính, nàng là sinh viên Đại Học Sư Phạm Sàigòn và hiện nay là vợ tôi.
BH - Ô ! Dạ vâng, chúc mừng hạnh phúc của anh.
ĐB - Vâng, thưa chị, trong những tháng năm tù đày, đó cũng là một thử thách. Tôi viết bài thơ này cho người bạn đời trong lúc tôi bị bệnh, do hậu quả của tù, tôi viết vì không biết trong lúc đó tôi có còn sống hay không, nhưng tôi viết để cảm ơn sự hy sinh của một người vợ đã chia xẻ cho tôi những nỗi buồn vui trong cuộc đời viễn xứ. Thưa chị, đây là bài: “Tình muôn thuở ”
Em là giọt nắng lung linh
Từ muôn kiếp trước tái sinh kiếp này
Thành hoa tỏa ngát hương say
Đời thơm dáng lụa ta ngây ngất hồn.
Biển xanh loáng ánh hoàng hôn
Em về gót nhẹ phố xôn xao mừng
Hồn ta một cõi sầu rưng,
Nhìn thành quách cổ bỗng dưng u hoài!
Bên em quên những tàn phai,
Xót phương trời ấy biết mai có vàng?!
Ôm đàn dạo khúc xuân sang,
Cảm màu hoa úa muộn màng nắng thơ.
Đợi xuân tím ngắt nẻo chờ!
Em hong tóc lộng ta hơ nỗi sầu.
Đừng thương mà hẹn kiếp sau
Thì xin em chớ… gặp nhau cõi nào
Để tình thắm giấc chiêm bao
Nghìn năm mộng vẫn dạt dào bóng em.
(Mùa Xưa Vỗ Cánh – trang 73)
BH - Chúng ta ở hải ngoại, số người 2 triệu so với dân số trong nước là hơn 80 triệu người, nó quá nhỏ phải không ạ? Nhưng sức sáng tác và đọc sách thì có thể ở trong một tổng kết là mạnh hơn ở trong nước. Vậy anh có nhận định nào về Văn Học hải ngoại, lạc quan hay bi quan, thưa anh?
ĐB - Thưa chị, nói đến Văn Học hải ngoại nếu nhận xét thì tôi không dám nhận xét, nhưng chị hỏi thì tôi xin thưa, với cái nhìn của tôi, khi biến cố 30-04 ập xuống miền Nam, hàng triệu người Việt Nam bất chấp mọi nguy hiểm bỏ nước ra đi tìm tự do, khi họ ra đi, họ đã mang theo tâm tình Việt Nam và tâm tình ấy đã theo dòng sử mệnh ra hải ngoại, đã định hình thành một nền Văn Học không Cộng Sản. Nếu nhìn những sinh hoạt văn hóa đua nhau nở rộ trong cộng đồng ở bộ môn Văn Học và Nghệ Thuật, thì có rất nhiều người tham gia sáng tác và biên khảo, ngày càng đông, số lượng sách báo như chị nói ngày càng nhiều. Do đó, tôi vẫn tin và lạc quan, thưa chị.
BH - Như vậy tương lai nền Văn Học sẽ ra sao trong thập niên tới ? Nó sẽ tự hũy diệt, gia nhập vào Văn Học bản xứ hay giao lưu trong nước?
ĐB - Tôi vẫn lạc quan về tương lai nền Văn HọcViệt Nam hải ngoại vì những lý do sau:
         Việt Nam hôm nay, nghĩa là Việt Nam ở trong nước, đã có nhiều thay đổi, sự thay đổi đã biến chuyển từng ngày từng giờ, do đó vài thập niên nữa chắc chắn Việt Nam sẽ là một quốc gia không Cộng Sản. Khi một đất nước không Cộng Sản thì mọi sự giao lưu văn hóa hai chiều sẽ đúng nghĩa. Hiện nay thì không được, không thể có vấn đề gọi là sự giao lưu. Nhưng trong tương lai, đất nước ta không còn Cộng Sản, lúc đó sự giao lưu văn hóa sẽ hai chiều , nền văn học trong nước sẽ sát cánh với nền văn học hải ngoại, cùng với văn học bản xứ hòa điệu, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc để tiến đến chân trời mới. Tôi lạc quan vì khắp nơi ở hải ngoại những thế hệ sau vẫn tiếp tục học tiếng Việt, hơn nữa ở các quốc gia như Pháp, Mỹ (ở khu này tôi thấy có nhiều Trung Tâm Dạy Việt Ngữ), bộ môn Việt Ngữ hôm nay được chọn làm sinh ngữ phụ cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, do đó các trường dạy Việt Ngữ ngày càng đông. Một khi có tiếng Việt, còn những lớp dạy tiếng Việt, còn những trẻ Việt thì những sáng tác đó vẫn được tiếp nối và tôi nghĩ rằng vài chục năm nữa thế hệ mới sẽ tiếp tục làm những công việc đó để giữ nền văn học hải ngoại, lúc đó nó sẽ thông thoáng hơn.
BH - Trong tác phẩm “ Khung Trời Hướng Vọng” của Nguyễn Thùy thì “nơi anh là người lính, người dân, người chiến sĩ và người nghệ sĩ lãng mạn lúc nào cũng như gắn bó quấn quít bên nhau ”, nhưng nếu tách riêng ra thì anh là nhà nào, thưa anh?
ĐB - Thưa chị, tôi là tổng hợp của những tính chất mà chị đã gợi lên… tôi cũng không biết tôi ở nơi nào… ở trong tôi có cả bốn tính chất, nhưng nếu tôi được chọn và bây giờ với tuổi đời nhìn lại thì ngay thời còn đi học tôi đã có máu nghệ sĩ rồi, và ngày hôm nay ở tuổi này có lẽ quảng đời nghệ sĩ nó kéo dài hơn.
BH - Chúng ta ai cũng có một bà mẹ, do đó vần thơ về mẹ lúc nào cũng gây xúc cảm cho người đọc, phải không ạ? Đặc biệt trong tập thơ “ Bóng Quê ”, tôi rất xúc động khi ngay trang bìa vần thơ đề: “ Kính tặng mẫu thân ” tôi xin đọc: “ Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ, mắt buồn u uẩn mấy hàng tre. Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc, mẹ xá cho con tội muộn về ”. Tôi biết rằng mẹ của anh vẫn còn ở lại Việt Nam. Vậy thì xin anh chia xẻ một chút tâm tình của anh về người mẹ ở quê nhà.
ĐB - Vâng, thưa chị. Nói đến mẹ, tôi rất xúc động vì từ ngày rời khỏi nước cho đến hôm nay tôi vẫn chưa về Việt Nam, có lẽ tôi sẽ không về, nếu còn Cộng Sản tôi sẽ không về. Do đó cho nên, tôi biết tuổi mẹ tôi hôm nay rất mong manh nhưng tôi không biết nói thế nào. Trong kho tàng văn hóa của nhân loại đã có biết bao nhiêu áng văn thơ để ca ngợi về mẹ nhưng không làm sao có thể viết hết được với sự thiêng liêng cao cả ấy. Đối với tôi, mẹ tôi là một người đàn bà tuyệt vời, một người đàn bà duy nhất vì bố tôi mất sớm nên mẹ tôi đảm nhận luôn công việc của một người cha nên rất vất vả, thưa chị, mẹ tôi cả một đời hy sinh cho con, hồi thời kỳ mà đất nước còn chiến tranh, mẹ tôi hằng cầu nguyện quê hương sớm thanh bình để cho con mình khỏi chết ở ngoài chiến trận, khi đất nước tàn khói lửa chiến tranh mẹ tôi lại cầu nguyện cho tôi thoát khỏi ngục tù và bây giờ bà lại cầu nguyện cho quê hương thật sự được tự do dân chủ để tôi có thể trở về với mái gia đình, để chấm dứt cuộc đời lưu vong phiêu bạt nơi viễn xứ, nên cả đời tôi làm khổ mẹ tôi, chị ạ!
BH - Dạ vâng, bây giờ xin anh gửi đến quý thính giả bài thơ về mẹ của anh.
ĐB - Vâng, đây là bài tôi viết cho mẹ tôi. Trước ngõ… Thưa chị tôi bị xúc động!
Trước ngõ tuyết giăng màu tóc mẹ,
Quê người xuân đến mắt buồn se! 
Được tin mẹ bệnh lòng nôn nóng,
Lời hứa chưa nguôi, chẳng thể về!
 
Thuở giặc tràn vào gieo nỗi sợ…
Cảnh nhà tan tác, mẹ bơ vơ!
Thân già còm cõi dầm sương nắng,
Lặn lội tìm con, ngóng với chờ…
 
Thế sự xoáy theo dòng thác lũ,
Đời con biền biệt mấy xuân thu!
Bóng gầy thui thủi soi trên vách,
Mỏi mắt trông con thoát ngục tù.
 
Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ,
Mắt buồn u uẩn mấy hàng tre,
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc,
Mẹ xá cho con tội muộn về!
(Bóng Quê – trang 59)
         … Ai trở về xứ Việt mang dùm ta thư này nơi quê hương có mẹ già đang đơn chiếc…
BH - Thưa quý vị và các bạn, trong không khí mênh mang nhớ mẹ hiền qua bài thơ của Đỗ Bình và bài hát “ Nhớ mẹ ”, nhạc Võ Tá Hân, thơ Minh Đức Hoài Trinh, do Ca sĩ Anh Tâm vừa hát cho chúng ta nghe. Bích Huyền xin phép chia tay và cảm ơn anh Đỗ Bình đã dành cho chương trình Văn Học Nghệ Thuật những nỗi hoài niệm về một quảng đời đã qua. Chúc anh trở về Paris thượng lộ bình an và mong được gặp lại anh trong tương lai rất gần.
ĐB - Xin chân thành cảm ơn chị Bích huyền và xin cảm ơn quý vị thính giả nghe đài.
BH - Bích Huyền thân ái kính chào quý vị và các bạn, xin được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình này tuần tới, xin lưu luyến chia tay.

__._,_.___