Monday, June 4, 2012



Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam

Filed under: Chính trị- xã hội,TƯ TƯỞNG — hoangquang @ 10:08 sáng 
Tags: 

21/02/2011

anhbasam 
Những vấn đề Đông Nam Á 2010
Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam 
Alexander L. Vuving *
Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương
Người dịch: Đan Thanh
Nền chính trị Việt Nam có những phe phái chính nào? Điều gì là đặc trưng cho những động lực của nền chính trị ấy? Nó sẽ như thế nào trong vài năm tới? Bài viết này cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Bài đưa ra ý sau: Nền chính trị Việt Nam có thể được hình dung như một trò chơi giữa bốn phe phái chính. Nếu chính phủ được định nghĩa là nơi tập trung quyền lực chính trị của một nước, thì Chính phủ Việt Nam trước hết được hiểu là chế độ của phe bảo thủ, phe hiện đại, phe trục lợi và Trung Quốc. Mỗi phe là một khối các nhân vật khác nhau có chung khuynh hướng hay mục tiêu chiến lược cao nhất.
Sự khác biệt của ba khối cùng là người Việt này cần được giải thích sâu hơn. Tiêu chí để xếp ai đó vào một khối là sự ưu tiên hay khuynh hướng của người ấy trước một số vấn đề cơ bản như ý thức hệ (đất nước nên mở hay đóng cửa trước các tư tưởng tự do từ phương Tây) và quan hệ của Đảng Cộng sản (ĐSC) với dân tộc (Đảng ở cao hơn hay thấp hơn dân tộc). Phe bảo thủ là một khối thiên về lựa chọn chính sách “khép cửa” và “Đảng là số 1”; phe hiện đại chọn lựa chính sách mở cửa và vì tiền đồ của toàn dân tộc; phe trục lợi hướng đến bất kỳ cái gì mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất.
Trong các bài diễn văn, giới lãnh đạo thường sử dụng ngôn từ hàng ngày, tuy nhiên cách họ nhấn mạnh những điểm nào đó sẽ bộc lộ lập trường của họ. Một nhân vật bảo thủ như nguyên Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu có thể nhấn mạnh các ý “dân chủ trong nội bộ đảng”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và Việt Nam như “một quốc gia hiện đại”, một “đối tác hữu nghị đáng tin cậy với những nước khác”, nhưng cách nhấn mạnh của ông Phiêu là dựa trên bản chất giai cấp, tương phản với bản chất của toàn dân tộc, nó vì những lợi ích cốt lõi của đảng, duy trì đặc tính “xã hội chủ nghĩa” của đất nước, và mâu thuẫn với phương Tây “tư bản và đế quốc. Hiện đại hoá, cải cách, dân chủ và hội nhập quốc tế, nếu được thực thi, chỉ là phương tiện để đi tới một mục đích cao hơn, và nếu cần, có thể hy sinh những phương tiện này. Mục đích cao hơn ấy là sự tiếp tục chế độ cộng sản. (1)
Một người thuộc phe hiện đại, như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, có thể cam kết duy trì “vai trò lãnh đạo của đảng” và xây dựng “chủ nghĩa xã hội” nhưng tầm nhìn của ông về đảng và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn khác những người bảo thủ. Ông Kiệt và những nhân vật hiện đại khác trong ĐCS muốn một đảng coi lợi ích của toàn dân tộc là lợi ích của chính nó và định nghĩa xã hội chủ nghĩa là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải chủ nghĩa Mác-Lênin, là lý tưởng ràng buộc và dẫn đường cho phe hiện đại. Trong khi phe bảo thủ như các tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đều quả quyết rằng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (nghĩa là biệt lập khỏi những ảnh hưởng tự do, ảnh hưởng phương Tây, đồng thời duy trì các đặc trưng cộng sản và sự cai trị của cộng sản) là những nguyên tắc cơ bản của chính sách Việt Nam, ông Kiệt trong một lá thư mật gửi tới Bộ Chính trị ĐCS vào tháng 8/1995 đã thay thế những cụm từ ấy bằng “dân tộc và dân chủ”. (2) Mặc dù những nhân vật tinh hoa theo phe hiện đại không thể tán thành dân chủ đa đảng vì đây là điều cấm kỵ, nhưng phe này ủng hộ cải tổ chính trị nhiều hơn, sâu hơn nhằm mở rộng dân chủ và tăng cường tính hiệu quả.
Phe trục lợi là những nhà cơ hội, tìm kiếm lợi ích tối đa thường có được nhờ những đặc quyền do chính phủ ban cho; không quan tâm tới khái niệm lợi ích dân tộc dù là theo định nghĩa của phe bảo thủ hay phe hiện đại. Như phần sau sẽ chỉ ra, phe trục lợi ở Việt Nam là một nhóm đặc biệt gồm những người mưu tìm lợi nhuận, và họ mạnh hơn phe hiện đại cũng như phe bảo thủ nhờ có một thế lực độc quyền hậu thuẫn.
Cả ba khối này – bảo thủ, hiện đại và trục lợi – đều hiện diện ở cả trong và ngoài đảng cầm quyền và chính phủ, và họ hiện diện ở mọi cấp hoạch định chính sách. Những con đường sai lầm mà họ chọn trải dài qua nhiều thế hệ, khu vực và định chế. Phần lớn các nhà lãnh đạo Việt Nam thường giữ lập trường ít nhiều thống nhất trong một khối, nhưng cũng có một số người chuyển từ phe này sang phe khác và những người khác thì khó nhận biết hơn. Những nhân vật bảo thủ nổi bật gồm các Tổng Bí thư Đỗ Mười (1991-97), Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001 đến nay), và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1992-1997). Phe hiện đại hiện diện mạnh mẽ hơn trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp thông qua các gương mặt cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Cơ Thạch (1982-1991), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1991-1997) và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (2001-2006), và các nhân vật ít tạo dấu ấn hơn như cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (1987-1992) và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006). Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1997-2006) có thể coi là thuộc phe trục lợi. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đã thay đổi, chuyển từ phe hiện đại sang phe bảo thủ vào năm 1989. Và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 đến nay) là người khó nhận biết là theo phe nào.
Chính trị Việt Nam diễn ra trên bốn bình diện lớn – kinh tế, chính trị trong nước, quan hệ nhà nước – xã hội, và quan hệ đối ngoại. Động lực (tức yếu tố kích thích sự thay đổi – ND) của nó trong mỗi lĩnh vực ấy đều có một đặc trưng riêng biệt. Trên mặt trận kinh tế, động lực ấy là sự khủng hoảng của mô hình phát triển kiểu Việt Nam. Ở trung tâm của nền chính trị trong nước, động lực ấy là một hợp lưu giữa ba dòng: tiền, quyền và tác động từ thế giới, hoặc nói một cách tao nhã hơn, đó là ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ bên ngoài. Sự nổi lên của xã hội dân sự, đặc biệt là khối dân sự tinh hoa dòng chính thống, ngày càng tạo nên một xu thế trong quan hệ nhà nước – xã hội. Trong lĩnh vực địa chính trị, tâm điểm của chính trị Việt Nam nằm ở những nỗ lực hòng đạt được sự tự lực tự cường trên vùng sân sau của Trung Quốc.
Năm 2009 đã ghi nhanh tình hình chính trị Việt Nam với bốn phe chính và những đặc điểm của các động lực trong nền chính trị ấy. Phần thảo luận tiếp sau đây sẽ phác thảo nên một số nét của chính trị Việt Nam thông qua việc xem xét bốn phe phái chính cùng bốn đặc điểm, được minh họa bằng những sự kiện và quá trình trong suốt năm 2009.
Nơi hội tụ của Lợi ích, Quyền lực, và Tiền đồ
Từ khi khởi động phong trào đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã thể nghiệm một sự pha trộn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Thử nghiệm này là một cuộc chung đụng đầy mâu thuẫn giữa hai đường lối chủ đạo do hai khối theo đuổi, hai khối này có thể gọi là “phe bảo thủ” và “phe hiện đại”. Tôi gọi họ thế bởi lẽ mục tiêu trọng tâm của phe bảo thủ là duy trì chế độ cộng sản trong khi mục tiêu của phe hiện đại là hiện đại hóa đất nước bằng cách đưa vào các yếu tố tư bản và tự do chủ nghĩa. (3) Mặc dù có một thực tế là hai khối này đại diện cho hai đường lối chủ đạo cùng cai trị đất nước, nhưng nền chính trị Việt Nam không phải chỉ gồm hai phe bảo thủ và hiện đại. Quá trình “chung đụng” đã tạo ra một khối thứ ba, tận dụng cái hỗn hợp nói trên và có khả năng thích ứng cao với môi trường “nước lợ”. Khối thứ ba nỗ lực duy trì hỗn hợp tư bản-cộng sản chủ nghĩa để hậu thuẫn cho đường lối của họ. Vì chủ nghĩa tư bản đem đến cơ hội kiếm tiền, còn chủ nghĩa cộng sản mang lại độc quyền quyền lực, nên hỗn hợp của cả hai sẽ tạo điều kiện vừa có lợi cho việc dùng tiền để mua quyền, vừa có lợi cho việc dùng quyền để kiếm tiền. Khối thứ ba này, có thể được gọi bằng cái tên “phe trục lợi”, dùng tiền để thao túng nền chính trị, và một khi đã có cửa vào vị trí quyền lực trong ĐCS, họ sẽ sử dụng độc quyền về chính trị để tạo siêu lợi nhuận. (4) Không giống như phe bảo thủ và phe hiện đại, phe trục lợi không theo chủ trương đường lối nào; họ chỉ đi theo động cơ lợi nhuận.
Khi sự đồng tồn tại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản trở thành đặc trưng của nền chính trị Việt Nam, thì bằng trực giác, có thể nghĩ rằng hầu hết xung đột chính trị ở Việt Nam đều diễn ra dọc cái trục bảo thủ chống hiện đại. Tuy nhiên, mô hình như vậy không chính xác. Không chính xác bởi vì nó đã bỏ qua phe trục lợi, mà trong nhiều trường hợp đó mới là những nhân vật chủ chốt; hoặc nó đã chỉ coi đám ấy như những kẻ mưu kiếm tiền – những người mà theo suy luận thông thường, hẳn phải thích chủ nghĩa tư bản hơn chủ nghĩa cộng sản. Mà nếu thế thì trong mô hình này, phe trục lợi có xu hướng ngả về phía phe hiện đại hơn là về phe bảo thủ. Tuy vậy, trên thực tế, các nhân vật thuộc phái trục lợi ở Việt Nam có xu hướng đi cùng phe bảo thủ khi nào cần tiếp tục độc quyền lãnh đạo của ĐCS, và đi cùng phe hiện đại khi nào cần cho phép các đảng viên sở hữu những tài sản lớn và điều hành công ty tư bản. Phe trục lợi là một loài chuyên sống ở “vùng nước lợ” – chủ nghĩa trọng thương dưới chế độ cộng sản. Được độc quyền lãnh đạo của ĐCS hậu thuẫn, họ rõ ràng là mạnh hơn hẳn những người chỉ mưu kiếm tiền thuần túy. Với sự tồn tại của phe thứ ba này, nền chính trị Việt Nam, ở một chừng mực nào đó là sự tranh chấp giữa phe bảo thủ và phe hiện đại, nhưng ở một chừng mực khác lại là ngã ba hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ. (5)
Năm 2009 chứng kiến hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ qua một vài vụ việc, trong đó hai vụ có thể nói là rất nổi bật. Vào ngày 19/11, Tòa phúc thẩm tỉnh Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm hồi tháng 8 đối với bị cáo Trần Ngọc Sương, được biết đến với tên gọi “bà Ba Sương”, vì tội lập quỹ giao dịch ngoài sổ sách. Là cựu giám đốc Nông trường quốc doanh Sông Hậu, từng được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bà Sương bị kết án 8 năm tù, buộc bồi thường 4,3 tỷ đồng (tương đương 240.500 USD). Bản án gây phẫn nộ trong dư luận, vài quan chức cấp cao và nhân vật có danh phận lên tiếng ủng hộ bà Sương. Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, một nhà bảo thủ, nói bản án đối với bà Sương là “bất công” bởi bà Sương đã “cống hiến cả đời mình cho cuộc sống của hàng nghìn nông dân” và bà “lập quỹ không vì mưu lợi cá nhân”, một chân dung từng được những tờ báo có tư tưởng đổi mới dựng nên và còn được xác nhận bởi nhà báo Huy Đức, người đã viết bài về Nông trường Sông Hậu và bà Sương trong nhiều năm. Báo chí cũng viết rằng Nông trường Sông Hậu được Chính phủ tặng hai Huân chương Lao động và coi như một điển hình của chủ nghĩa xã hội – nơi nhà nước giữ quyền sử dụng đất nhưng cung cấp phúc lợi tương đối tốt.
Mặc dù cơn thịnh nộ của công chúng được khuấy lên chủ yếu do khía cạnh đạo đức của vụ việc, nhưng người ta cũng hy vọng rằng chính quyền xã hội chủ nghĩa sẽ can thiệp để cứu lấy một vị anh hùng trong sự nghiệp của chế độ. Nhưng chính quyền đã không làm thế. Trên thực tế, đại diện của bà Sương tại tòa án là những luật sư có tư duy đổi mới và sự ủng hộ của công chúng dành cho bà cũng do cánh báo chí đổi mới huy động. Còn chính quyền đã làm gì? Tòa án nhận chỉ thị từ lãnh đạo đảng ủy Cần Thơ, và sau vài tuần đưa tin ồ ạt, giới truyền thông được lệnh phải chấm dứt nói về vụ án bà Sương. Trước đó, trong hậu trường, cơ quan chính quyền tỉnh Cần Thơ vốn đã có quyết định phân bổ đất của Nông trường Sông Hậu cho một dự án khu công nghiệp và khu đô thị. Phó Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ Phạm Thành Vận được ghi âm đã nói câu này với bà Sương: “Chị sẽ về hưu và hạ cánh an toàn nếu chị trả lại đất của nông trường [cho thành phố]”. (6)
Vụ việc thứ hai liên quan đến Jetstar Pacific Airline (JPA), một liên doanh giữa Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước (SCIC) với hãng hàng không Qantas của Australia, trong đó doanh nghiệp nhà nước của phía Việt Nam (DNNN) sở hữu 70% cổ phần, chiếm đa số. Cuối năm 2009, tranh cãi bùng nổ sau khi một cuộc điều tra của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy các giám đốc điều hành của JPA gây thua lỗ tới 31 triệu USD trong một thương vụ mua xăng, thế nhưng họ lại kiếm được nhiều hơn giám đốc điều hành của các DNNN tương tự. Tranh cãi cũng kéo theo một số nghi vấn về mức lương cao bất thường của các giám đốc điều hành SCIC. Đầu tháng 12, ông Lương Hoài Nam, nguyên giám đốc điều hành JPA kiêm quan chức cấp cao của SCIC, bị công an bắt do có dính líu vào thương vụ mua xăng, trong khi hai giám đốc điều hành người Úc của JPA bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Tiền thân của JPA là Pacific Airlines (PA), một liên doanh trong nước, trong đó hãng vận tải quốc doanh Vietnam Airlines (VNA) nắm phần lớn cổ phần. Được thành lập năm 1990, PA là hiện thân cho nỗ lực của phe hiện đại muốn tạo ra một mức độ cạnh tranh nhất định trong ngành hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, duy trì yếu tố cạnh tranh này tỏ ra là một việc khó. Sau 10 năm hoạt động, PA công bố lỗ chồng chất tới hơn 10 triệu USD. (7) Mặc dù là công ty con của VNA, song có tin PA không được công ty mẹ chào đón lắm.
Vị thế độc quyền của hãng vận tải quốc doanh này trở thành một thực tế khó nhằn đối với công ty kế nhiệm PA. Có thể thấy hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ trong vụ này, theo một bài báo trên tờ Herald Sun:
[Vào giữa năm 2009]. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải can thiệp khi nguồn cung xăng máy bay bị cắt đứt do Vietnam Airlines không cho đội xe của mình tiếp tế nhiên liệu cho Jetstar Pacific. Loạt rắc rối mới nhất với Jetstar Pacific bắt đầu tháng 7 năm đó khi công ty báo cáo tháng đầu tiên có lợi nhuận sau suốt 18 năm vận hành (mà hồi ban đầu là dưới tên gọi Pacific Airlines). Khi ấy, Bộ Giao thông Vận tải liền ra lệnh cho Qantas bỏ tên Jetstar và bỏ thương hiệu màu cam nổi bật khỏi hạm đội 6 chiếc Jetstar, họ bảo như thế “Úc quá”. (8)
Nhà quan sát kỳ cựu Carlyle Thayer phân tích:
Vấn đề nảy sinh là do thành công của Jetstar Pacific vào giữa năm 2009, khi hãng này lại làm ăn có lãi sau khi đã cắt giảm chi phí và tăng thị phần (18% lên 25%) làm Vietnam Airlines phải thua thiệt. Hoạt động đẩy mạnh một cách quyết liệt việc bán vé giá rẻ của Jetstar Pacific đã làm người ta khó chịu. Tôi nhìn thấy một sự tương đồng với vụ ANB-AMBRO năm 2006 khi một ngân hàng quốc doanh để thua lỗ trong những vụ đổi tiền. Ở đây, trong vụ Jetstar Pacific thì Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước thua lỗ vì một thương vụ thực hiện phòng ngừa rủi ro về xăng dầu (fuel hedging). Trong cả hai vụ việc, an ninh điều tra/ công an đã hình sự hóa hoạt động quản trị kinh doanh và hình sự hóa việc ra những quyết định sai lầm. Người Hà Lan đã trả vài triệu để thoát trách nhiệm, và tôi hồ nghi việc Qantas/Jetstar sẽ phải chi một khoản phạt hay bồi thường nào đó, do vậy SCIC, một doanh nghiệp nhà nước, sẽ không được miễn thuế… Rõ ràng là có một nhóm lợi ích thuộc doanh nghiệp nhà nước trong công việc. Đây là chuyện phải lấy được tiền ra khỏi Qantas khi các nhân viên trong nước của họ tiến hành nghiệp vụ hedging và thua lỗ vì giá xăng. Điều này ảnh hưởng tới Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước, vốn là cổ đông chính trong Jetstar. (9)
Khủng hoảng mô hình tăng trưởng
Trong hai thập niên qua, hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ, ở một nước Việt Nam thời kỳ đổi mới đã tạo ra một đường lối kinh tế làm lợi nhiều nhất cho phe trục lợi. Trong giai đoạn đầu của nó, con đường do đồng tiền dẫn dắt này đi song song với con đường do lao động dẫn dắt, và đã trình diễn những mô hình tăng trưởng đáng chú ý. Vào năm 2005, ấn tượng trước các thành tựu tăng trưởng của Việt Nam trong thập niên trước đó, Goldman Sachs đã coi Việt Nam là một trong “11 Quốc Gia Kế Tiếp” có tiềm năng tạo được ảnh hưởng giống như khối BRIC trong việc cạnh tranh với G7. (10) Nghiên cứu của Goldman Sachs cho rằng vào năm 2025 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và vào năm 2050 thì đứng vị trí thứ 15. Những dự báo này dựa trên tiền đề “các nền kinh tế đó có thể tiếp tục đi con đường hiện tại của họ”. (11) Nhưng chẳng bao lâu sau khi các báo cáo được công bố, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng. Suốt trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hơn 20%, buộc chính phủ phải hãm phanh đối với chính sách ưu tiên tăng trưởng và đổi số sang chương trình chống lạm phát. Rất tương ứng với dự đoán của chúng tôi trong bài này, các bong bóng vỡ tung khi cơn sốt đầu tư tiếp sau việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) va đập với các nút cổ chai của hệ thống hành chính, các thiết chế, cơ sở hạ tầng, và giáo dục của đất nước. (12) Nổi lên trên tất cả những cái đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu cùng vào năm ấy.
Là một nền kinh tế mà giá trị ngoại thương nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội xấp xỉ 1,5 lần, Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đầu tư nước ngoài sa sút mạnh và thị trường nước ngoài cho sản phẩm của Việt Nam bị thu nhỏ. Khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép trong năm 2009 là 21,5 tỷ USD, thấp hơn 70% so với năm trước đó. Lượng FDI được giải ngân trong năm 2009 ước đạt 10 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2008. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 ước tính đã sụt giảm 9,7% xuống còn 56,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 14,7% xuống còn 68,8 tỷ USD. Phần đáng kể trong mức suy giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 là do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước bị giảm giá bán, như dầu, gạo, cà phê, than. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, vốn chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước tính đã giảm 40% mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ giảm có 2,4%. Năm 2009, Việt Nam ghi nhận kỷ lục về xuất khẩu gạo và một mức tăng trưởng 25,4% cả năm về khối lượng, nhưng giá trị, chiếm 4,8% trong tổng xuất khẩu, đã giảm 8%. Cũng vậy, xuất khẩu cà phê, chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,2% về khối lượng nhưng giảm 19% về giá trị, và xuất khẩu than, chiếm 2,3%, giảm 4,5% về giá trị bất chấp mức tăng 29,9% về khối lượng. (13)
Khủng hoảng kinh tế gây ra một cuộc tranh cãi mới về định hướng chủ đạo trong các chính sách kinh tế của Việt Nam. Đối với phe bảo thủ, khủng hoảng hiện tại là bằng chứng rõ ràng cho thấy vai trò giám sát và kiểm soát của Nhà nước có tính quyết định đối với sự vận hành của nền kinh tế. Phe bảo thủ cũng ca ngợi tính ưu việt của hệ thống độc đảng trong việc vượt qua khủng hoảng. Họ lập luận rằng độc đảng giúp huy động tối đa nguồn lực và tạo sự đồng thuận vào thời điểm những điều này là cần thiết nhất mà lại thường khó đạt được nhất. Các quan điểm như vậy được bộc lộ chẳng hạn trong những phát biểu của ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng, tại hội nghị lý luận lần thứ năm giữa hai đảng cộng sản Trung-Việt, tháng 12/2009. Nhưng nhà tuyên truyền hàng đầu của Đảng, người đã được bầu vào Bộ Chính trị tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ban Chấp hành TW Đảng hồi tháng 1/2009, không phải là nhân vật đại diện cho các quan điểm của riêng phe bảo thủ. Lặp lại lời của phe hiện đại, ông Rứa công nhận rằng khủng hoảng đem lại một cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế và ông ta đoan chắc rằng việc tái cấu trúc phải nhằm hướng tới một mô hình tăng trưởng mới dựa vào “lợi thế cạnh tranh năng động” và đưa vào khái niệm “phát triển bền vững”. Tư duy mới này về phát triển là nhằm giảng hòa giữa ba mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, và thân thiện với môi trường. (14)
Bề ngoài, để tránh các vấn đề gây nhiều tranh cãi, diễn văn của ông Rứa không nhắc gì tới vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vốn là điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi giữa phe bảo thủ và phe hiện đại. Phe bảo thủ muốn giữ vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Họ chủ trương rằng, nền kinh tế quốc dân phải dựa vào các DNNN như là trụ cột, DNNN nào lớn nhất thì sẽ đóng vai trò như “quả đấm thép” của quốc gia – cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và là một công cụ quản lý hùng mạnh, cả trong kinh tế lẫn trong chính trị. Không như các đơn vị tư nhân, DNNN phải tuân lệnh Đảng và Nhà nước, và phải đáp ứng những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước đặt ra. Đổi lại, các DNNN có được sự ưu đãi về chính sách, tín dụng, đất đai và các nguồn lực khác mà Nhà nước sở hữu. Sự nhập nhằng giữa Nhà nước và các công ty riêng của nó thể hiện trong việc các vị quan chức trong tập đoàn (conglomerate) Nhà nước lớn nhất đều là ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng – cơ quan mà xét về địa vị, vốn là cơ quan chính sách có quyền lực cao nhất nước giữa hai kỳ đại hội Đảng. (15)
Tuy vậy, phe hiện đại lại coi các tập đoàn nhà nước như “những con khủng long trong một nền kinh tế vị thành niên”. (16) Họ chỉ ra rằng các doanh nghiệp này đã thất bại trong việc trở thành những quả đấm thép của quốc gia – không vươn lên mạnh mẽ trong cạnh tranh quốc tế mà cũng chẳng hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Thay vì thế, chúng ra sức tận dụng và duy trì những đặc quyền đặc lợi và địa vị độc quyền được Nhà nước thừa nhận – vì lợi nhuận của riêng chúng. Hậu quả là, chúng trở thành những nhà sản xuất kém hiệu quả và tham nhũng. (17) Tái cấu trúc các DNNN, do đó, là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự của phe hiện đại. Cụ thể, phe hiện đại đòi thay đổi cấu trúc sở hữu của SOE theo hướng tư nhân hóa nhiều hơn. Đánh giá tình hình hiện nay, phe hiện đại lập luận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh và tái cấu trúc là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng cũng như tránh cái bẫy thu nhập trung bình. Nhiều người theo phe hiện đại nhất trí rằng đây phải là một cuộc tái cấu trúc toàn diện bao gồm cả biến đổi cơ cấu sở hữu các DNNN, lẫn cải cách các định chế và điều lệ kinh tế, tái cấu trúc thị trường và doanh nghiệp nội địa. (18)
Chính phủ cố gắng kết hợp quan điểm của cả hai phe hiện đại và bảo thủ. Tuy nhiên, họ tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề ngắn hạn có thể đe dọa quyền lực của mình. Khi khủng hoảng toàn cầu nổi lên, chính phủ nhanh chóng sang số từ chống lạm phát thành chống suy thoái (tháng 12-2008). Phản ứng chủ đạo của họ là thực hiện một gói kích cầu với chi phí lên tới 8 tỷ USD. Khi nền kinh tế bộc lộ những dấu hiệu hồi phục và bóng ma lạm phát có nguy cơ quay lại, chính phủ phá giá tiền đồng xấp xỉ 5% so với đô-la Mỹ, làm tăng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương lên 8%, và chấm dứt chương trình kích cầu sớm hơn dự định (cuối tháng 11, đầu tháng 12/2009). (19) Với tỷ lệ tăng trưởng 5,32%, Việt Nam nổi bật, cùng với Trung Quốc, Indonesia và Campuchia, như một trong số rất ít nền kinh tế ở Đông Á tăng trưởng hơn 2% trong năm 2009.
Tuy nhiên, Việt Nam đã phải trả một cái giá cao cho thành công ngắn hạn của mình. Việt Nam là một trong số ít nước vừa có thâm hụt ngân sách vừa bị thâm hụt cán cân vãng lai. (20) Nhất là, chính phủ lại chịu thâm hụt ngoại thương khổng lồ suốt hơn một thập niên. Cùng lúc đó, như chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam thừa nhận, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng mạnh vào năm 2009 so với các năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP), còn Ủy ban Ngân sách và Tài chính của Quốc hội cho rằng tổng nợ của chính phủ chiếm tới 44,6% GDP. (21) Sự hội tụ tất cả các yếu tố này gây ra một tình thế lưỡng nan cho chính phủ. Thâm hụt cả ba mặt gây áp lực khổng lồ khiến tiền đồng suy yếu. Sự mất giá thê thảm của tiền đồng có thể làm tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu nhưng cũng có thể gây những tác động tâm lý tiêu cực và làm các khoản nợ nước ngoài lớn thêm. Nhưng duy trì giá trị danh nghĩa cao của tiền đồng quá lâu có thể vắt kiệt dự trữ ngoại tệ vốn đã eo hẹp. Các nhà phân tích ước tính lượng đô-la bán ra trong năm 2009 nhằm ổn định tiền đồng đã thu hẹp dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống còn 16,5 tỷ USD, chỉ đủ cho không đầy ba tháng nhập khẩu. Bên ngoài khu vực, các láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan thì đã tăng đáng kể dự trữ của họ. (22)
Tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam làm bộc lộ những điểm kém hiệu quả đáng buồn nản. Năm 2009, hệ số sinh lời từ gia tăng vốn đầu tư (ICOR), chỉ số đo độ kém hiệu quả của chi tiêu đầu tư, tăng vọt lên mức 8,05 so với mức 6,92 của năm 2008 và 4,76 của 2007. (23) Những con số này cao hơn hẳn so với những nước tăng trưởng nhanh khác trong giai đoạn đầu tư trước khi tới đỉnh của họ. Ví dụ, ICOR của Nhật Bản vào thập niên 1960 và của Hàn Quốc vào thập niên 1980 chỉ hơn 3. Gần đây hơn là Trung Quốc, ICOR của họ tăng từ 3 trong những năm 90 của thế kỷ trước lên gần 4, mức trung bình của giai đoạn từ 2001 tới 2008, và được dự đoán là khoảng 6,7 vào năm 2009. (24) Chỉ số ICOR quá cao của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia được dẫn dắt chủ yếu nhờ mở rộng vốn đầu tư, chứ không phải do tăng năng suất. Nếu Việt Nam tiếp tục đi con đường hiện nay, không chắc nền kinh tế sẽ cất cánh được như dự án của Goldman Sachs đã nói, và suy sụp là rất có thể.
(Xem tiếp phần 2 sau pần Chú thích)
Người dịch: Đan Thanh
331. Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam (Kỳ 1/2)
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Chú thích:
Tác giả cảm ơn Ben Kerkvliet, Steven Kim, Daljit Singh, và Carlyle Thayer vì những nhận xét có giá trị của họ, và cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của Kylee Kim. Các quan điểm thể hiện trong bài này là của tác giả.
(1) Lê Khả Phiêu, “Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi xuân”, Nhân Dân, 3/2/2010 .
(2) Võ Văn Kiệt, “Thư gửi Bộ Chính trị “, 9/8/1995, Diễn Đàn, số 48 (tháng 1/1996): 16-25. Về sự kiên định của ông Phiêu theo đường lối “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, xin xem bài viết của ông, đã dẫn.
(3) Trong các bài viết trước đây, tôi gọi hai đường lối chủ lực của Việt Nam là “chống đế quốc” và “hội nhập”. Những tên gọi này muốn nói đến định hướng chính sách đối ngoại trung tâm của hai đường lối lớn đó. Tôi đặt tên như vậy bởi lẽ các bài viết trước đây của tôi chủ yếu nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam.
(4) Trục lợi là một hành vi tìm kiếm lợi ích đặc biệt, tạo ra lợi ích chủ yếu nhờ đặc quyền đặc lợi và các luật lệ có ảnh hưởng do chính phủ ban hành.
(5) Tham khảo một thảo luận khác về sự giao thoa giữa lợi ích và quyền lực ở nước Việt Nam cộng sản: Bill Hayton, “Vietnam’s New Money”, Foreign Policy, 21/1/2010
.
(6) Thông tin nền, xem “As Clamor against Suong Verdict Grows, Officials
Vow to Dig for Truth”, VietNamNet Bridge, 27/11/2009 ; “NA Committee May Intervene in Labour Hero Case, Security
Minister Orders Report”, VietNamNet Bridge, 24/11/2009 ; Huy Đức, “Sau bà Ba Sương là các nông trường viên”, Blog Osin, 1-12-2009 .
(7) Dinh Thang, “Pacific Airlines thành Jetstar Pacific: Nhiều lận đận”, Tien Phong, 11/1/2010 .
(8) Geoff Easdown, “Power Struggle Strands Execs”, Herald Sun (Australia), 11/1/2010 .
(9) Thông tin cá nhân, 16/1/2010.
(10) Goldman Sachs Global Economic Group, BRICs and Beyond (Goldman Sachs, 2007), p. 131. BRIC là chữ viết tắt do Goldman Sachs đưa ra để chỉ một nhóm các nền kinh tế lớn đang nổi lên, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
(11) Ibid., pp. 139, 140.
(12) Alexander L. Vuving, “Vietnam: Arriving in the World — and at a Crossroads,” Southeast Asian Affairs 2008, biên tập Daljit Singh và Tin Maung Maung Than
(Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2008), pp. 375-77.
(13) Tổng cục Thống kê Việt Nam, “Tình hình kinh tế xã hội năm 2009”, 12/2009 .
(14) Tô Huy Rứa, “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Nhân Dân, 14/12/2009.
(15) Tham khảo một thảo luận về vai trò của DNNN, xem Vũ Quang Việt, “Vietnam Economic Crisis: Policy Follies and the Role of State-Owned Conglomerates”, in Southeast Asian Affairs 2009, biên tập Daljit Singh (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 389-417.
(16) Phan Thế Hải, “Đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên”, TuanVietNam, 12/11/2009 .
(17) Phạm Minh Trí, “Muốn chủ đạo phải tự thân”, TuanVietNam, 9/11/2009 ; Huy Đức, “Vẫn chưa hết những trở ngại cũ”. Phỏng vấn cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, Sài Gòn Tiếp Thị, 25/5/2009 .
(18) Hoàng Phương, “Không tái cấu trúc quản lý, mọi nỗ lực khác là vô nghĩa”,
TuanVietNam, 19/5/2009 .
(19) Vu Trong Khanh và Patrick Barta, “Hanoi Tightens Reins on Credit”, Wall Street
yowrna/, 3/12/2009, p. A13.
(20) James Hookway và Alex Frangos, “Vietnam Devalues Its Currency”, Wall Street
Journal, 26/11/2009, p. 23.
(21) “Vietnam Acknowledges Growing Foreign Debt”, Deutsche Presse-Agentur,
17/11/2009.
(22) Hookway và Frangos, “Vietnam Devalues”.
http://basam.info/2011/02/06/331-b%E1%BB%91n-phe-phai-trong-n%E1%BB%81n-chinh-tr%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87t-nam-k%E1%BB%B3-12/
____________________-
Những vấn đề Đông Nam Á 2010
Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam 
Alexander L. Vuving *
Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương
(Tiếp theo)
Sự nổi lên của xã hội dân sự
Một đặc điểm của chế độ Lenin là đảng cộng sản độc quyền trên tất cả các lĩnh vực xã hội. Khi chế độ cho phép xuất hiện một số yếu tố tư bản chủ nghĩa và tự do, như ở Việt Nam và Trung Quốc ngày nay, vòng kiểm soát của đảng đối với dân chúng sẽ lỏng đi, tạo ít nhiều không gian cho xã hội dân sự. Việc xã hội dân sự nhen nhóm ở Việt Nam xuất phát từ hai nguyên nhân chính yếu. Thứ nhất, sự xuất hiện tự do kinh tế, dù vẫn bị giới hạn, cũng đã tạo ra một giới trong xã hội, bao gồm các đơn vị tư nhân và những cá thể độc lập về kinh tế. Thứ hai, đang tồn tại xung đột trong nội bộ giới tinh hoa cầm quyền, giữa phe bảo thủ và phe hiện đại. Do ý thức hệ của Nhà nước ủng hộ phe bảo thủ, nên phe hiện đại ở thế yếu hơn, với những nhân vật nằm trong chính quyền mà lại đóng vai trò của một đối tác liên hiệp bé nhỏ. Trong bối cảnh đó, phe hiện đại có nhu cầu tận dụng và mở rộng bộ phận nhân dân không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, để họ có thể lên tiếng khi không tán thành ý thức hệ của nhà nước và đường lối chính thức của Đảng.
Chế độ toàn trị ở Việt Nam đã nới lỏng tay được một phần tư thế kỷ, nhưng trong suốt khoảng 15 năm đầu tiên, xã hội dân sự gần như không thể bước chân vào cửa, chứ đừng nói đến chuyện cất cánh. Rào cản chủ yếu đối với xã hội dân sự ở Việt Nam là mối lo ngại hoang đường của Đảng rằng xã hội dân sự sẽ chống lại họ. Nói đúng hơn, đó là bởi vì phe bảo thủ còn quá mạnh. Nếu quyết tâm hiện đại hóa đất nước, Đảng phải chấp nhận rằng xã hội phải được cai trị bởi luật pháp và các hội đoàn tư nhân phải được phép hoạt động. Đầu năm 1992, chính phủ bắt đầu soạn thảo luật về các tổ chức dân sự để quản lý hoạt động ngày càng mở rộng nhanh chóng của các hội đoàn. Nhưng sau gần hai thập kỷ, sau 11 bản dự thảo, luật vẫn chưa được thông qua. (25)
Tuy thế, trong 5 năm vừa qua, xã hội dân sự Việt Nam dường như đã ngấp nghé trên ngưỡng cửa. Có thể thấy một số chỉ dấu đáng chú ý của bước phát triển này. Đầu tiên là sự trở lại của các tổ chức thảo luận chính sách độc lập. Kể từ năm 2005, hàng trăm công dân bắt đầu hình thành những đảng chính trị mới và những tổ chức mới thách thức sự cai trị của Đảng cộng sản. (26) Vào tháng 9/2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải tán Nhóm Nghiên cứu của Thủ tướng mà người tiền nhiệm để lại cho ông, một vài trí thức nổi bật, trong đó có những thành viên hàng đầu của nhóm Nghiên cứu của Thủ tướng cũ, đã lập nên một nhóm chuyên gia cố vấn chính sách độc lập đầu tiên ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS). Thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn này bao gồm những nhân vật như các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Trần Đức Nguyên, và Trần Việt Phương, những người đã từng làm cố vấn cao cấp cho nhiều thế hệ lãnh đạo đảng và chính quyền; cựu đại sứ Nguyễn Trung, cựu cố vấn tương đương cấp bộ trưởng cho cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt; cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan; những học giả hàng đầu như nhà toán học Hoàng Tụy và sử gia Phan Huy Lê; và các nhà tư tưởng xuất chúng như Nguyễn Quang A, Tương Lai, và Nguyên Ngọc.
Trong thập niên qua, không gian cho những thảo luận của công chúng đã mở rộng theo cấp số nhân nhờ sự ứng dụng các công cụ truyền thông trên nền Internet, từ email tới các diễn đàn trên mạng, và gần đây hơn là blog và Facebook. Báo chí quốc doanh cũng giành được quyền tự quản đáng kể trước chính quyền. Một ví dụ nổi bật là VietNamNet, cơ quan thông tin điện tử với những website được yêu thích như vietnamnet.vn và tuanvietnam.net. Được sáng lập năm 1997 bởi Nguyễn Anh Tuấn, một kỹ sư máy tính có tư duy đổi mới, VietNamNet tiến nhanh chỉ trong vòng vài năm để vượt lên hàng đầu trong làng báo Việt Nam và trở thành diễn đàn chính cho các quan điểm độc lập và ủng hộ cải cách trong các vấn đề chính trị. Bị coi như một trang báo mạng cứng đầu cứng cổ, vào năm 2007 nó bị đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông mà đứng đầu là vị bộ trưởng bảo thủ Lê Doãn Hợp. Tuy nhiên sau đó, VietNamNet nổi lên còn mạnh hơn như là người cổ súy cho cải cách mạnh mẽ hơn nữa. (27) Truyền thông trên mạng dày đặc mở đường cho các hoạt động trong đời thực và tràn cả vào các hoạt động đó. Một trường hợp đáng kể và là dấu hiệu của xã hội dân sự mới hé lộ ở Việt Nam là cuộc biểu tình vào tháng 12/2007 do các nhóm người dùng Internet tổ chức, nhằm chống lại kế hoạch của Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính để quản lý hai quần đảo trên Biển Đông mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Có thể nói có ba yếu tố đã dẫn dắt sự nổi lên của xã hội dân sự ở Việt Nam. Thứ nhất là quá trình hội nhập quốc tế sâu hơn, được đánh dấu bởi việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2006-2007. Đó không chỉ đơn giản là sự tham gia của Việt Nam vào một hiệp định thương mại toàn cầu, mà là bước hoàn tất sự di chuyển của Việt Nam từ một thế giới này sang một thế giới khác – từ cộng đồng xã hội chủ nghĩa sang cộng đồng phi xã hội chủ nghĩa. Yếu tố thứ hai nằm đằng sau sự trỗi dậy của xã hội dân sự ở Việt Nam là sự lan truyền những công cụ truyền thông có khả năng giúp các thường dân tăng cường giao tiếp, kết nối giữa họ với nhau, và khiến cho việc kiểm soát của Nhà nước trở nên khó khăn hơn. Yếu tố thứ ba là ý thức về mối đe dọa từ Trung Quốc. Điều này tạo ra một cơ sở đạo đức và một lý do – mà chính phủ có thể chấp nhận được – cho sự tồn tại của các hoạt động thuộc xã hội dân sự mà, tuy không phải do chính quyền châm ngòi, nhưng dường như là để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Năm 2009 cũng chứng kiến một bước phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự ở Việt Nam. Vào ngày 5/1, ngày mà Thủ tướng Dũng chủ trì một cuộc họp với nội các để thảo luận về đại dự án khai thác bauxite ở miền trung Việt Nam, và Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam bắt đầu kỳ họp thứ 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị khai quốc công thần duy nhất còn sống của chế độ cộng sản – viết một bức thư cho Thủ tướng kêu gọi dừng dự án bô-xít. Bức thư ban đầu không được đăng tải ở đâu, nhưng vào ngày 10/1, một bản copy của nó đã bị rò rỉ tới công chúng trên website nổi tiếng viet-studies.info. Ngày 14/1, một ngày sau khi kỳ họp của Đảng đã bế mạc và ngay khi có tin chính phủ quyết định tiếp tục dự án, báo điện tử VietNamNet quyết định công bố bức thư của Đại tướng trên website, khiến cho quan điểm chống đối được đông đảo công chúng trong nước biết đến hơn. Trong thư, Tướng Giáp chỉ ra mối lo lắng của các nhà khoa học và nhà hoạt động về “rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội mà các dự án khai thác bauxite có thể gây ra”. Ông cũng viết rằng vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông đã từng giám sát một nghiên cứu về việc có nên khai thác bauxite trong khu vực hay không, và các chuyên gia Xô Viết đã khuyên là không nên tiến hành dự án vì cái “nguy cơ gây thiệt hại lâu dài, rất nghiêm trọng và không thể tính nổi về mặt sinh thái mà dự án gây ra không chỉ cho cư dân địa phương mà cho toàn bộ dân chúng và khu vực đồng bằng Nam Trung Bộ”. (28)
Mặc dù dưới thời Tướng Giáp, chính quyền đã quyết định không làm bauxite, nhưng một thập niên sau trong “thời kỳ công nghiệp hóa”, họ lại đảo ngược quyết định cũ. Trong một tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc hồi tháng 12/2001, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nông Đức Mạnh đã cam kết hợp tác với Trung Quốc để khai thác bauxite ở miền Trung Việt Nam. (29) Điều này có vẻ giống như một món quà của ông Mạnh nhân chuyến thăm mở màn sang Trung Quốc sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng, nhưng cũng có thể là nó đã được thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc, khi Việt Nam mời các công ty Hoa Kỳ và Australia nghiên cứu dự án vào những năm 90. Tuy nhiên, sự can dự của Trung Quốc vào một dự án lớn như thế ở một khu vực quan trọng chiến lược như thế, xét bề ngoài, không thể được phê chuẩn bởi phe hiện đại trong chính phủ, trong đó có thủ tướng lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải. (30) Một mặt, phe hiện đại cố trì hoãn dự án với Trung Quốc. Mặt khác, họ nỗ lực đa quốc gia hóa nó bằng cách lôi kéo Thái Lan, Nga, Mỹ, và Úc. Tuy nhiên, dự án đã được tăng tốc sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải vào năm 2006. Tháng 6/2008, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc, hai bên đã ra tuyên bố chung nhắc lại lợi ích của Trung Quốc khi hợp tác phát triển ngành bauxite của Việt Nam. Sau chuyến thăm của ông Dũng tới Bắc Kinh vào tháng 10/2008, hàng trăm người Trung Quốc đã đến làm ở những nơi khác nhau trong hai tỉnh.
Quyết tâm của ông Dũng thực hiện cam kết cũ của ông Mạnh thật khó hiểu. Nhưng quan sát các tình huống, có thể thấy một số khía cạnh thú vị. Trong những tháng trước đó, khủng hoảng tài chính đã đến cùng với việc Nhật Bản dừng một khoản viện trợ cả gói 1 tỷ USD. Quyết định của Nhật xuất phát từ vụ scandal hối lộ có liên quan tới Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, một đồng minh thân cận của ông Dũng. Tại kỳ họp thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam (2-4/10), ông Dũng bị phê bình gay gắt vì hoạt động điều hành kinh tế yếu kém của nội các. (31) Theo báo cáo, ông Mạnh đã yêu cầu ông Dũng từ chức Thủ tướng. Sau đó, các nguồn tin Trung Quốc báo rằng ông Dũng đã được Trung Quốc trợ giúp đáng kể về kinh tế nhân chuyến thăm tháng 10 của ông.
Mặc dù những phê phán về dự án bauxite đã xuất hiện trong bộ phận báo chí ủng hộ cải cách từ đầu năm 2007 khi Thủ tướng phê chuẩn, nhưng dự án chỉ trở thành vấn đề nóng bỏng khi nó bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2008. Sau lá thư tháng 1-2009 của Tướng Giáp, nó mau chóng trở thành chủ đề của một cuộc tranh cãi lớn trên toàn quốc. Đó là vấn đề gây chia rẽ thậm chí ngay trong nội bộ ban lãnh đạo cao nhất của ĐCS. Vào cuối tháng 4, Bộ Chính trị ra một “nghị quyết” mang tính thỏa hiệp, cam kết tiếp tục dự án nhưng sẽ chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh quốc gia, sinh thái và xã hội của nó. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bí thư thường trực Trương Tấn Sang – nhân vật thứ hai trong bộ máy của Đảng, đều được cho là ở trong số những người phản đối thỏa thuận về bauxite, mặc dù về mặt công khai, họ phải ủng hộ quan điểm của chính phủ và do đó phải giấu ảnh hưởng của họ đằng sau dự án.
Trong khi thỏa thuận hợp tác về bauxite chia rẽ Đảng thì nó lại là yếu tố đoàn kết xã hội ở bên ngoài. Nó góp phần hình thành nên một liên minh giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người bảo vệ môi trường. Trong liên minh này, những mối lo ngại về an ninh quốc gia hòa trộn với lo ngại về an ninh con người và đều tập trung vào một cái đích – Trung Quốc. Năm 2009 chứng kiến một làn sóng tranh cãi về những khía cạnh khác nhau của hiểm họa Trung Quốc, từ vấn đề công nhân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp có tới hàng nghìn người, đến các sản phẩm độc hại của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam, rồi vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Lo ngại về an ninh xen lẫn với mối lo về con người ẩn trong phong trào chống Trung Quốc đã đặt phong trào lên một cơ sở đạo đức cao. Tình hình vừa khuyến khích những người phản đối vừa làm chính quyền khó đàn áp hơn. Tháng 6, luật gia Cù Huy Hà Vũ đệ một lá đơn chưa từng có tiền lệ, kiện Thủ tướng vi phạm luật pháp với việc cố gắng đẩy nhanh dự án khai thác bauxite. Bốn ngày sau khi Bộ Chính trị nhóm họp (26/4) để xem xét lại chính sách khai thác bauxite, một bức thư kiến nghị chống dự án bauxite do 135 học giả và trí thức ký tên đã được đệ trình lên Quốc hội. Bản kiến nghị nói rằng “Trung Quốc vốn nổi tiếng thế giới như một nước gây ô nhiễm lớn nhất và còn tai tiếng về nhiều vấn đề khác”. (32) Những người đứng đầu trong nhóm kiến nghị – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng và nhà văn Phạm Toàn – còn đi xa hơn, lập một website tên là “Bauxite Vietnam”, mà trong vài tháng đã đạt kỷ lục về số người vào đọc. Như Carl Thayer đã ghi lại, “Cho đến tháng 5/2009, mạng lưới chống bauxite có từ năm 2008 đã phát triển thành một liên minh quốc gia bao gồm các nhà môi trường, cư dân địa phương, giới khoa học, kinh tế, các sĩ quan quân đội hưu trí và cựu chiến binh, quan chức nhà nước hưu trí, các nhà khoa học xã hội, học giả và các trí thức khác, những đơn vị truyền thông, và các đai biểu quốc hội. Những người chỉ trích đều là tầng lớp tinh hoa dòng chính thống”. (33) Mặc dù sự phản đối của công luận đối với việc khai thác bauxite không mở rộng tới những lãnh tụ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến, song cái mới và đáng chú ý ở những hoạt động này của xã hội dân sự trong năm 2009 là sự nổi lên của phe bất đồng chính kiến thuộc giới tinh hoa chính thống, được kích thích bởi các mối lo ngại chung về an ninh quốc gia và an ninh con người. Chương này tập trung vào sự nổi lên của xã hội dân sự tinh hoa chủ đạo đó, do nó gần gũi với quyền lực nhà nước, do có nhiều nét tương đồng với những gì đã xảy ra ở Đông Âu vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. (34)
Chính quyền phản ứng lại phong trào bất đồng chính kiến bằng cách mở rộng đàn áp những người chỉ trích. Từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 7/2009, một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân trong lĩnh vực Internet, Lê Công Định, một luật sư nổi tiếng, và Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động tiếng tăm, bị bắt vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”, một tội mà đến tháng 12 sẽ được điều chỉnh để bao gồm cả việc vi phạm Điều 79 với hình phạt cao nhất là tử hình vì “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. (35) Vào ngày 24/7, Thủ tướng ký một nghị định gọi là Quyết định số 97 giới hạn việc nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo nghị định này, phản biện về các vấn đề chính sách – một công cụ mà gần đây mới được cho phép để hợp lý hóa công tác quản lý điều hành – không còn được phép công khai nữa mà chỉ được gửi tới cơ quan chức năng phù hợp. Vào ngày 14/9, ngày trước khi Nghị định có hiệu lực, nhóm chuyên gia cố vấn độc lập duy nhất của Việt Nam, IDS, quyết định tự giải thể để phản đối. Ngày 28-8, Bộ Công an đã đưa ra những chỉ dẫn cấm các bình luận chính trị trên blog và hạn chế việc viết blog ở mức chỉ nói về các vấn đề cá nhân. Cùng khoảng thời gian đó, ba blogger nổi bật bị bắt và một nhà báo danh tiếng bị sa thải.
Nhà báo Huy Đức, người viết blog dưới cái tên “Osin” (Người giúp việc nhà), đã bị sa thả khỏi tờ Sài Gòn Tiếp Thị sau khi viết một bài trên blog ngợi ca sự sụp đổ của Bức tường Berlin và buộc tội Liên Xô ngày trước đã áp đặt lên Đông Âu “một chế độ cướp đoạt của con người những quyền căn bản”. (36) Ông Đức chẳng những không phải là người chống đối, mà ông còn có quan hệ thân thiết với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là người viết tiểu sử cho ông Kiệt. Ba blogger bị bắt gồm Bùi Thanh Hiếu và Phạm Đoan Trang ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang. Hiếu, viết blog dưới cái tên “Người Buôn Gió”, nổi tiếng với loạt truyện “Đại Vệ chí dị”, nhại lối văn phong cổ của Trung Quốc và kể một câu chuyện hư cấu về hai nước Vệ và Tề, lột trần những mục tiêu phản quốc của các nhà lãnh đạo nước Vệ và vị thế khúm núm của Vệ trước Tề, như là hậu quả của những mục tiêu đó. Vệ và Tề là hai nước ở Trung Hoa thời cổ, nhưng chữ cái đầu trong tên của hai nước, và các hoạt động của các nhà lãnh đạo, theo như mô tả của tác giả, thì ám chỉ bóng gió tới Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, như Hiếu kể lại với BBC Việt ngữ về sau này trong một cuộc phỏng vấn, anh bị bắt vì tham gia in ấn và phát tán áo phông có in khẩu hiệu chống dự án bauxite và ủng hộ yêu sách của Việt Nam đối với chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. (37) Cũng có những hoạt động khác mà vì đó, Quỳnh, người viết blog với tên gọi “Mẹ Nấm” bị công an thẩm vấn. (38) Blogger thứ ba, Đoan Trang, là biên tập viên tạp chí online TuanVietNam, một chuyên trang của VietNamNet, và đã viết vài bài báo ở đây cũng như các website khác phê phán vai trò của Trung Quốc trong sự kiện Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, vai trò của Trung Quốc như một cường quốc bá quyền, và các yêu sách về lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Cô bị bắt có lẽ không phải do những bài viết này như báo chí quốc tế giả định, mà vì đã đưa tin về một vụ can thiệp của tham tán Đại sứ quán Trung Quốc với Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, tại đó phía Trung Quốc lưu ý rằng các ý kiến mà một số tờ báo Việt Nam đưa ra là “không thân thiện” với Trung Quốc và báo chí Việt Nam cần được đặt dưới sự kiểm soát.
Lo sợ một phong trào được kích thích bởi chủ nghĩa yêu nước và những tình cảm chống chế độ, phe bảo thủ tổ chức một chiến dịch chống lại cái họ gọi là “chiến lược diễn biến hòa bình”. Ngày 25/6, Ban Tuyên giáo của Đảng ra một “concept paper” (bài viết mang tính lý luận khoa học cơ bản – ND) tuyên truyền về “đẩy mạnh đấu tranh chống các âm mưu và hoạt động ‘diễn biến hòa bình’ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng”. Bài viết lưu ý người đọc rằng nó ra đời sau nghị định 24/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nó mô tả hoàn cảnh xuất xứ của chiến dịch tuyên truyền là, kể từ sau Đại hội lần thứ 10 của Đảng (năm 2006), có sự trỗi dậy của các chiến lược “diễn biến hòa bình” và “xâm lăng văn hóa” do các thế lực thù địch tiến hành nhằm “xóa bỏ chủ nghĩa xã hội và bản sắc văn hóa Việt Nam”. Các đặc điểm khác của tình hình là khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự biến chất”, và “đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa” trong nội bộ các đảng viên và quan chức chính quyền. Bài viết xác định phương Tây và Hoa Kỳ là các thế lực thù địch chủ chốt. Nó coi Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Mỹ là một tổ chức chuyên về tuyên truyền và các hoạt động phá hoại, và chương trình giáo dục của Mỹ hợp tác với Việt Nam là phương thức để biến Việt Nam thành một nước phương Tây. Bài viết còn khẳng định rằng do bị ảnh hưởng tư tưởng tự do từ phương Tây, một số lãnh đạo và nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh thái quá đến vai trò của phản biện và sử dụng sai “quyền lực xã hội” (các lực lượng xã hội dân sự) để tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa. (39) Đây rõ ràng là một sự dẫn chiếu đến phe hiện đại. Vì quan hệ thân thiết với phương Tây, phản biện quyết liệt, và đẩy mạnh xã hội dân sự là những chính sách lớn mà phe hiện đại ủng hộ, cho nên chiến dịch tuyên truyền đã thể hiện một động thái đơn phương của phe bảo thủ trong cuộc đấu tranh chính trị của họ chống phe hiện đại.
Ngay lập tức sau khi bài viết của Ban Tuyên giáo được công bố, tờ báo của Đảng ủy TP HCM, Sài Gòn Giải Phóng, cũng tung ra một loạt bài nhan đề “Học thuyết Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội – Trào lưu hay quy luật?” (29/6-5/7 và 6-10/10), mà từ ngày 3/11 sẽ trở thành một chương trình hợp tác với kênh HTV9 Truyền hình TP HCM dưới cái tên “Quy luật tất yếu”. Chương trình được lên kế hoạch duy trì cho đến dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ĐCS, 3/2/2010. Nó nêu những vấn đề như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và sự trở lại của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latin, và cố gắng bóc trần bản chất của chủ nghĩa tư bản thông qua việc phân tích cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. (40) Vào cuối tháng 8, tờ Quân Đội Nhân Dân tổ chức một tuyến bài dài hơi gọi là “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình” mà sau đó hai tuần sẽ được biến thành một chuyên mục riêng có tên “Ngăn chặn và đấu tranh với diễn biến hòa bình”. Tuy nhiên, hầu hết những cơ quan truyền thông lớn khác không tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Tuyên giáo. Trang web tin tức ủng hộ cải cách, VietNamNet, cùng với chuyên trang của nó là Tuần Việt Nam, thậm chí còn đẩy mạnh cuộc thập tự chinh cổ vũ cho điều mà, nếu đánh giá trên tinh thần của bản “concept paper” kia, sẽ bị coi là “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” và “đi chệch hướng chủ nghĩa xã hội”.
Cuộc đàn áp của chính quyền lên những người dân tộc chủ nghĩa và phe hiện đại dường như cũng không tạo được sự sợ hãi cần thiết. Sau khi được thả, Người Buôn Gió tiếp tục viết loạt truyện “Đại Vệ chí dị”, Đoan Trang thậm chí còn nổi lên hơn như một người cổ súy cho tinh thần ái quốc và năng lực quản lý đúng đắn, còn hồi tưởng của Mẹ Nấm về những ngày bị bắt thì đã được đăng tải trên vài blog bất chấp việc công an yêu cầu cô dừng viết blog. Đến cuối năm, Tuần Việt Nam mở một chuyên đề, “Việt Nam và mô hình phát triển trong thập kỷ mới”, tất cả các bài báo trong chuyên đề này đều đứng trên lập trường dân tộc và coi sự nổi lên của Trung Quốc vừa như tham số trung tâm của thế giới hiện tại và tương lai, vừa như một hiểm họa tiềm tàng. (41) Ở một trong số các bài báo đó, cựu đại sứ Nguyễn Trung kêu gọi “xây dựng một chế độ chính trị phù hợp với Tổ quốc”, ám chỉ về việc thay đổi cái chế độ hiện nay đang là phù hợp với ĐCS. Ông tuyên bố rằng “thành tựu rõ rệt nhất của 25 năm đổi mới là dân chủ” và lưu ý rằng dân chủ vẫn còn bị coi là nguy cơ diễn biến hòa bình, đó là lý do tại sao cải cách tiếp tục bị cản trở. (42)
Việc bài báo của ông Trung không bị gỡ bỏ hé lộ rằng việc thay đổi chế độ từ chủ nghĩa Lênin sang một nhà nước dân tộc dân chủ đã đạt được sự ủng hộ đáng kể trong tầng lớp tinh hoa lãnh đạo ở Việt Nam. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy là, mặc dù phe hiện đại vẫn chưa thể điều chỉnh thế bất cân bằng về quyền lực giữa họ và phe bảo thủ, nhưng những hạn chế đối với hành động của họ đang được nới rộng một cách mạnh mẽ.
Tự lực trên sân sau của Trung Quốc
Hai đường lối đối đầu chủ đạo vốn xuất hiện từ nửa sau của thập niên 80 thế kỷ trước. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào năm 1989, ĐCS cầm quyền phải đối mặt với một sự lựa chọn mang tính chiến lược giữa duy trì chế độ hoặc thay đổi chế độ. Phe bảo thủ quan niệm chính trị thế giới được dẫn dắt bởi sự đối lập giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản – đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn này của lịch sử – và quan trọng nhất là họ tự xác định Việt Nam như chiến sĩ “chống chủ nghĩa đế quốc” (nên hiểu là chống phương Tây). Với quan điểm này, họ muốn duy trì chế độ và cổ súy cho “ổn định chính trị”. Phe hiện đại quan niệm chính trị thế giới được dẫn dắt bởi lợi ích quốc gia và toàn cầu hóa (“quốc tế hóa” là thuật ngữ họ hay dùng vào cuối những năm 1980), và quan trọng là họ tự xác định Việt Nam là một nước lạc hậu. Trên quan điểm đó, họ đòi tiến hành cải cách nhiều hơn.
Mấu chốt của chính sách đối ngoại của phe hiện đại là hội nhập quốc tế. Phe hiện đại nhìn nhận sự thay đổi vai trò của Việt Nam trên thế giới, từ một nhà nước xã hội chủ nghĩa chuyển thành một nhà nước dân tộc dân chủ, hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng quốc tế. Cụ thể hơn, họ nhấn mạnh vào sự hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực, ở Đông Nam Á cũng như toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, và mối quan hệ gần gũi, ngày càng được thắt chặt, với các nước công nghiệp phát triển. Ngược lại, định hướng chính sách đối ngoại chủ đạo của phe bảo thủ lại là “chống chủ nghĩa đế quốc”, bao hàm cả việc chống phương Tây và chiến lược “diễn biến hòa bình” đã biết của họ nhằm vào chế độ cộng sản. Bước vào giai đoạn sau cái mốc 1989, các nhân vật bảo thủ nhận thấy phương tiện chủ chốt để đạt các mục tiêu của họ nằm ở việc xây dựng một liên minh chiến lược trên cơ sở ý thức hệ với Trung Quốc. (43)
Bắt đầu với Nguyễn Văn Linh từ năm 1990 và tiếp tục với những người kế nhiệm ông Linh là các ông Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh, những Tổng Bí thư ĐCS này đều tìm kiếm một liên minh chiến lược với Trung Quốc. Mặc dù cụm từ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” chỉ mới chính thức được công bố vào năm 2008, nhưng Việt Nam, một cách không chính thức, đã coi Trung Quốc là “đồng minh chiến lược” từ những năm 1990 rồi. (44) Ưu thế vượt trội của tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc so với tinh thần hội nhập trong đường lối của Việt Nam sau năm 1989 đã đảm bảo rằng, không một mối liên hệ nào của đất nước với những quốc gia quan trọng chiến lược nào khác ngoài Trung Quốc là đủ mạnh (chỉ trừ Lào). Chẳng hạn, phe bảo thủ đã ngăn chặn – mà ban đầu thành công – việc Việt Nam gia nhập ASEAN, ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, và gia nhập WTO. (45) Điều này đã đẩy Việt Nam vào một vị thế nửa phụ thuộc Trung Quốc.
Bắt đầu từ giữa năm 2003, phe hiện đại đạt được một chỗ đứng ít nhiều ngang bằng với phe bảo thủ. Bước đổi thay này chủ yếu do tâm lý lo sợ và ý thức về những tác động có tính đe dọa của việc Mỹ xâm lược Iraq. Nó xảy ra khi những nhân vật bảo thủ nhận ra rằng họ đang sống không phải trong một thế giới đa cực, mà là một thế giới đơn cực với Mỹ ở vị trí quyền lực cao nhất. (46) Cán cân thăng bằng quyền lực mới giữa phe bảo thủ và phe hiện đại cho thấy, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong sân sau của Trung Quốc, nhưng cơ hội cho Việt Nam nhảy ra khỏi cái sân ấy là đáng kể.
Cũng vào thời gian đó, trong suốt 5 năm vừa qua, Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh và quyết đoán hơn. Sự nổi lên nhanh chóng và vững vàng của Trung Quốc, cộng với sự sa lầy của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và cuộc khủng hoảng tài chính kể từ năm 2008, đã đặt Bắc Kinh vào một vị thế mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây trong quá khứ.
Trung Quốc vừa khẩn trương xây dựng quân đội vừa tỏ ra sẵn sàng thể hiện mình hơn trên Biển Đông, nơi họ có những tranh chấp lãnh thổ lớn với Việt Nam. Vào năm 2008, hình ảnh qua vệ tinh thương mại xác nhận rằng Trung Quốc đang xây một căn cứ hải quân lớn ở Sanya trên đảo Hải Nam. Đồng thời, Trung Quốc mở rộng một sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và củng cố các cơ sở của họ ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/2009, tàu Trung Quốc gây hấn với tàu hải quân Mỹ Impeccable tại tọa độ cách Hải Nam 75 dặm về phía nam và cách bờ biển Việt Nam cũng khoảng ấy. Nối tiếp sau đó là vụ va chạm ngày 11/6 giữa một tàu ngầm Trung Quốc với hệ thống phát hiện tàu ngầm thuộc chiến hạm Mỹ John McCain. Hồi tháng 5, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá kể từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 tại khu vực vĩ tuyến số 12 trên Biển Đông. Đây lại là cao điểm của mùa cá ở Việt Nam. 8 tàu Trung Quốc hiện đại đã được cử tới khu vực để thi hành lệnh cấm. Suốt cả năm, các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin về một số vụ việc trong đó tàu Trung Quốc chặn bắt tàu cá Việt Nam. Tới tháng 8, khi hai tàu cá Việt Nam tìm cách vào quần đảo Trường Sa để tránh bão, họ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Trong một phản ứng chưa từng có tiền lệ, Việt Nam không chỉ đòi thả cả hai tàu, mà còn gia tăng sự chống đối bằng lời đe dọa sẽ hủy một cuộc họp bàn thảo về các vấn đề trên biển, vốn đã được lên kế hoạch. Vào tháng 5, sau khi Việt Nam đệ trình một kiến nghị chung với Malaysia và một yêu sách độc lập đăng ký mở rộng khu vực thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý được ấn định bởi Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối, nhưng chưa có kháng nghị chính thức. Tuy thế, Trung Quốc đưa ra các tư liệu làm bằng chứng cho yêu sách về biển của họ gắn với một bản đồ, trong đó có “đường chín đoạn” truyền thống của họ, đường này tạo thành một khu vực hình chữ U bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Đó có vẻ sẽ là lần đầu tiên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức công bố yêu sách của họ trong vấn đề này. (47)
Trên biên giới phía tây của Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư và can thiệp vào Lào, đồng minh thân cận nhất của Việt Nam. Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã qua mặt Thái Lan để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở đây. Kết quả của dòng người nhập cư, tiền bạc và ảnh hưởng từ Trung Quốc là việc vùng phía bắc Lào đã mang dấu ấn Trung Quốc. (48) Các hoạt động của Trung Quốc trong vài năm qua và đặc biệt là những sự kiện diễn ra năm 2009 đã khiến Việt Nam không thể không nghĩ rằng dự định của Trung Quốc bao gồm cả việc kiểm soát Biển Đông – nơi mà Việt Nam coi như cửa trước – lẫn gây ảnh hưởng ở lục địa Đông Dương, nơi Việt Nam coi như sân sau.
Cách Việt Nam phản ứng lại với các thách thức từ phía Trung Quốc, một lần nữa, lại là hỗn hợp của những đường lối ngoại giao khác nhau. Tuân theo quan điểm của phe hiện đại, Việt Nam đã tăng tốc chương trình hiện đại hóa quân đội, quyết định quốc tế hóa các vấn đề Biển Đông, và đẩy mạnh ảnh hưởng riêng ở Lào và Campuchia. Vào các ngày 26-27/11/2009, Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam và Hội Luật sư Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế về an ninh trên Biển Đông, hội thảo đầu tiên về vấn đề này ở Việt Nam, với sự tham dự của một số lượng lớn những học giả hàng đầu về chủ đề của hội thảo, đến từ vài nước khác nhau.
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Mỹ, tới trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương. Tại Hawaii, ông lên thăm một tàu ngầm, ở Washington, ông đề nghị bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí có hiệu lực suốt từ hồi kết thúc chiến tranh Việt Nam. (49) Khi sang thăm Pháp ngay sau chuyến đi Mỹ, ông Thanh đề nghị Pháp giúp Việt Nam đào tạo nhân viên quân y và bán trực thăng, máy bay vận tải cùng các thiết bị quân sự hiện đại khác cho Việt Nam. (50) Cùng vào lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nga và ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kiloclass (với giá khoảng 1,8 tỷ USD), 12 máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 (600 triệu USD), và các trang thiết bị quân sự khác. Thỏa thuận đã được đàm phán từ nhiều năm trước, nhưng việc ký kết hợp đồng vào thời điểm đang có khủng hoảng tài chính đã đánh dấu quyết tâm hiện đại hóa lực lượng quân đội của Việt Nam. Đổi lại việc Nga chấp thuận bán hàng theo phương thức barter (hàng đổi hàng) và thanh toán dần, ông Dũng mời chào Matxcơva hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. (51)
Khi Thủ tướng đang ở Nga còn Bộ trưởng Quốc phòng thì sang thăm Mỹ và Pháp, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu có mặt tại Hàn Quốc để trao đổi về hợp tác quân sự và mua bán vũ khí, và Tổng Bí thư ĐCS Nông Đức Mạnh đi thăm Campuchia. Trong chuyến thăm của ông Mạnh, hai nước đã ký một hiệp ước thực hiện tự do hóa hàng hải trong khu vực sông Mekong. (52) Không đầy hai tuần sau, một hội nghị xúc tiến đầu tư do chính phủ Việt Nam và Campuchia đồng tổ chức đã diễn ra tại TP HCM với sự có mặt của Thủ tướng cả hai nước. Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cam kết đầu tư tới 6 tỷ USD trong những năm tới. (53) Nếu công việc tiến triển, Việt Nam sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Campuchia, chỉ sau Trung Quốc. Bốn tháng trước đó, vào ngày 31/8, một hội nghị tương tự nhằm xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Lào cũng đã được tổ chức tại TP HCM. Theo một quan chức Lào tham gia hội nghị, Việt Nam đứng đầu trong 46 quốc gia đầu tư vào Lào, với tổng khối lượng đầu tư là 2,08 tỷ USD. (54)
Còn theo quan điểm của phe bảo thủ, Việt Nam đã tiếp tục duy trì những mối liên hệ, trao đổi dày đặc với Trung Quốc và cố gắng thắt chặt giao kèo trên cơ sở có một nền kinh tế chung (Mỹ) và ý thức hệ chung (cộng sản). Như Tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã sang thăm Trung Quốc hai tuần vào cuối tháng 10, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ vào ngày 22/12: “Vấn đề ta với Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta đang tìm mọi cách giải quyết và tới đây chúng ta sẽ cùng với bạn bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển. Như vậy thì tình hình sẽ ổn định dần và chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung”. (55)
Kết luận
Nền chính trị của nước Việt Nam thời hậu Chiến tranh Lạnh là một trò chơi giữa bốn đối thủ. Phe hiện đại nổi lên từ sau cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và sự phát triển của toàn cầu hóa, thập niên 1980. Nhưng tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc và sự gần gũi tương cận với Trung Quốc đã là một yếu tố chủ chốt hỗ trợ cho các nhân vật bảo thủ ở Việt Nam. Sự đồng tồn tại cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản đã tạo ra môi trường thuận lợi cho phe trục lợi. Hai thập niên qua, những kẻ trục lợi đã nắm giữ phần lớn các đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế Việt Nam. Trong chính trị đối nội, một liên minh ngấm ngầm giữa phe bảo thủ và phe trục lợi đã kìm giữ cải cách ở rất xa, chỉ vừa đủ để gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ phe hiện đại. Trong đối ngoại, sự tự thể hiện quá mạnh của Trung Quốc đã làm giảm hiệu quả của thái độ tôn kính của một Việt Nam chiều theo Trung Quốc – đường lối ngoại giao mà các nhân vật bảo thủ ưa chọn. Việt Nam đã phản ứng bằng cách đẩy mạnh thế cân bằng đối nội và đối ngoại, đây là một đường lối được phe hiện đại cổ súy.
Năm 2010 này, hệ thống chính trị Việt Nam sẽ tập trung vào việc ổn định nền kinh tế, đảm bảo cho các sự kiện của ASEAN diễn ra an toàn, và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 11, theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào tháng 1/2011. Trong hoàn cảnh này và để ngăn chặn một sự sụp đổ lớn, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục con đường phát triển được dẫn dắt bởi vốn (tư bản) cho đến khi nào bong bóng lại vỡ. Nhưng thay đổi lớn trong nền chính trị Việt Nam sẽ chỉ được kích hoạt bởi một sự sụp đổ như thế. Chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ tiếp tục là hỗn hợp pha trộn các yếu tố được ba phe bảo thủ, trục lợi và hiện đại cổ súy, nhưng cả ba lĩnh vực này chắc chắn là sẽ tiến triển theo những con đường khác nhau. Chính sách kinh tế sẽ bao hàm một vài nỗ lực tái cơ cấu nhưng nhiều khả năng sẽ bị phe trục lợi thống trị. Trong chính trị đối nội, chính quyền hẳn sẽ thắt chặt kiểm soát bất chấp những lời kêu gọi ngày một lớn hơn từ giới tinh hoa chính thống, đòi một sự thay đổi quyết liệt. Ứng xử của Việt Nam trên trường quốc tế thì sẽ ít quỵ lụy trước Trung Quốc hơn, nhưng các nỗ lực nhằm tái thiết quan hệ chiến lược với Mỹ nhiều khả năng sẽ bị phá ngang bởi sự bất đồng giữa các cách tiếp cận khác nhau của chính phủ đối với vấn đề nhân quyền.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
342. Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam (Kỳ 2/2)
—-
Chú thích:
(23) Tính toán của tác giả dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.
(24) Pivot Capital Management, “China’s Investment Boom: The Great Leap into the Unknown”, 21/8/2009, p. 2.
(25) Xem thêm Cariyle A. Thayer, “Vietnam and the Challenge of Political Civil Society”, Contemporary Southeast Asia 31, no. 1 (2009): 1-27.
(26) Xem thêm Cariyle A. Thayer, “Political Legitimacy of Vietnam’s One-Party State: Challenges and Responses”, Journal of Current Southeast Asian Affairs, no. 4 (2009): 47-70.
(27) Xem bài của Nguyễn Anh Tuấn “From VietNet to VietNamNet: Ten Years of Internet Media in Vietnam”, Discussion Paper #43, Shorenstein Center on the Press, Politics, and Public Policy, Harvard University, 2007 .
(28) “Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên”, VietNamNet, 14/1/2009 ; “Vietnam’s War Hero Giap Urges to Halt Bauxite Mining Plans”, Agence France Presse, 15/1/2009. Bản photo bức thư của ông Giáp ở trang Trần Hữu Dũng: .
(29) “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc” (2/12/2001), Vietnam News Agency, 4/12/2001.
(30) Địa bàn dự án bauxite ở hai tỉnh Đak Nông và Lâm Đồng ở khu vực Tây Nguyên, nơi các nhà chiến lược quân sự gọi là “nóc nhà Đông Dương” và nơi có tầm quan trọng chiến lược được thể hiện trong câu nói “ai kiểm soát được Tây Nguyên sẽ kiểm soát được miền Nam Việt Nam”. Sông Đồng Nai và sông Bé chảy qua khu vực đô thị và công nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng bắt nguồn từ hai tỉnh này.
(31) Quốc Phương, “Hội nghị Trung ương 8 mang tính tình thế”, BBC Vietnamese, 2/10/2008.
(32) Seth Mydans, “War Hero in Vietnam Forces Government to Listen”, New York Times, 29/6/2009, p. A6.
(33) Thayer, “Political Legitimacy of Vietnam’s One-Party State”, p. 51. Xem thêm chi tiết về những tranh luận xung quanh dự án bauxite và các phong trào phản đối khác trong năm 2009.
(34) Xem Thayer, “Vietnam and the Challenge of Political Civil Society”, và Thayer, “Political Legitimacy of Vietnam’sOne-Party State”.
(35) “Vietnam Activists Could Face Death Penalty”, Deutsche Presse-Agentur, 11/12/2009.
(36) “Berlin Wall Post Costs Vietnam Blogger Job”, Agence France Presse, 27/8/2009.
(37) “Người Buôn Gió kể chuyện”, BBC Vietnamese, 9/9/2009 .
(38) “Vietnam Police Release Another Detained Blogger”, Reuters, 12/9/2009. Hồi ký những ngày bị giam của Quỳnh được công bố trên blog Bạn của Mẹ Nấm .
(39) Bài báo được đăng tải trên Internet tại cổng điện tử của tỉnh Quảng Ninh nhưng sau đó bị gỡ bỏ. Bản photocopy ở đây .
(40) Mai Hương, “Ra mắt chương trình ‘Quy luật tất yếu”, Sài Gòn Giải Phóng, 4/11/2009 .
(41) “Loạt bài: Việt Nam và mô hình phát triển trong thập kỷ mới”, TuanVietNam, 11/1/2010 .
(42) Nguyễn Trung, “Xây dựng chế độ chính trị đồng nghĩa với Tổ quốc”, TuanVietNam, 31/12/2009 .
(43) Alexander L. Vuving, “Grand Strategic Fit and Power Shift: Explaining Turning Points in China-Vietnam Relations”, trong Living with China: Regional States and China
through Crises and Turning Points, biên tập Shiping Tang, Mingjiang Li, và Amitav Acharya (New York: Palgrave Macmillan, 2009), pp. 229^5.
(44) Alexander L. Vuving, “Strategy and Evolution of Vietnam’s China Policy: A Changing Mixture of Pathways”, Asian Survey 46, no. 6 (November 2006): 812,
816-17.
(45) Nguyễn Trung, “Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng”, VietNamNet, 9/2/2006 ; “Vào WTO: Việt Nam bỏ lỡ một nước cờ” (phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt), VietNamNet, 4/1/2006 .
(46) Vuving, “Strategy and Evolution of Vietnam’s China Policy”, pp. 817-18.
(47) Trích từ Carlyle A. Thayer, “Recent Developments in the South China Sea: Implications for Peace, Stability and Cooperation in the Region”, tham luận trình bày tại hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, Hà Nội, 27-28/11/2009, pp. 5-11.
(48) Denis Gray, “Laos Fears China’s Footprint”, Associated Press, 6/4/2008; Martin Stuart-Fox, “Laos: The Chinese Connection”, trong Southeast Asian Affairs 2009, biên tập Daljit Singh (Singapore; Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 141-69.
(49) “Hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ phát triển tích cực” (phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh), Vietnam News Agency, 17/12/2009.
(50) “Vietnam Seeks Military Deals with France; State Media”, Agence France-Presse, 18/12/2009.
(51) “Việt Nam ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nga”, BBC Vietnamese, 16/12/2009; Huỳnh Phan, “Điện hạt nhân và ODA trong quan hệ đối tác chiến lược”. Sài Gòn Tiếp Thị, 5/3/2010 .
(52) “Việt Nam-Hàn Quốc mở rộng hợp tác quốc phòng”, Vietnam News Agency, 17/12/2009.
(53) “Việt Nam, Campuchia ký thỏa thuận tới 6 tỷ USD”, Vietnam News Agency, 26/12/2009.
(54) Trung Hiếu, “Nhiều cơ hội đầu tư vào Lào”, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, 31/8/2009.
(55) “Tìm mọi cách giải quyết vấn đề Biển Đông” (phỏng vấn Tướng Lê Văn Dũng), Tuổi Trẻ, 22/12/2009 .
—–_–___________________

No comments:

Post a Comment