Saturday, January 28, 2012

Ân nhân của Thủ tướng đón Tết trong niềm vui nhân đôi

Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Trung Kiên (67 tuổi), người đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vượt sông trị thương bằng cối giã gạo hơn 40 năm trước, nay được vui Tết trong căn nhà đồng đội trao tặng. Niềm vui nhân đôi khi ông đã giúp đỡ nhiều đồng đội vượt qua khó khăn.
> Gặp ân nhân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Một năm trước, người lính già Phan Trung Kiên (Tư Kiên) được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân đã đến thăm vợ chồng Tư Kiên bởi ông là "ân nhân lớn" của Thủ tướng khi hai người cùng chung trận tuyến hồi năm 1969 giữa rừng tràm U Minh Hạ.
Nụ cười hồn hậu, khoé mắt nhăn nheo nhưng lấp lánh niềm vui, người đàn ông gần tuổi thất thập kể, sau lần gặp lại đồng đội trong cương vị người đứng đầu Chính phủ, hơn một năm sau Tư Kiên được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trao nhà đồng đội khang trang gần Trường Quân sự địa phương ở TP Sóc Trăng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ôn lại câu chuyện Tư Kiên tải thương bằng cối giã gạo cứu mình. Ảnh: Thiên Phước
Cảm kích trước nghĩa tình động đội qua câu chuyện mưu trí, dũng cảm của anh hùng Tư Kiên trong chiến tranh, giám đốc một công ty chuyên ngành xây dựng, cung ứng trang trí nội thất ở TP HCM tìm đến tận nhà mời Tư Kiên vào công ty làm việc để có thêm ít lương cho đỡ vất vả lúc tuổi già.
Tư Kiên chia sẻ, khi cuộc sống tương đối ổn định, ông bắt đầu đi tìm đồng đội vì biết rằng vẫn còn những người lính già như ông có cuộc sống khó khăn. Người đầu tiên vợ chồng Tư Kiên tìm đến là ông Nguyễn Văn Ngộ (72 tuổi) ở ấp Xóm Đồng 1, xã Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng). Thấy ông Ngộ bị tai biến ngồi một chỗ trong căn nhà cấp bốn tường nứt, mái tôn dột nát, Tư Kiên bỏ ống bằng tiền lương hưu rồi vận động thêm bạn bè góp chi phí xây nhà cho đồng đội. Cuối tháng 12/201, căn nhà hoàn thành, ông Ngộ ôm lấy người bạn cũ rơi nước mắt vì năm nay gia đình được đón Tết trong căn nhà ấm áp nghĩa tình.
Để có địa chỉ xây nhà đồng đội, năm qua Tư Kiên nhờ bạn bè chuyển lời mời họp mặt sinh viên quân y qua các thời kỳ. 196 đồng đội của Tư Kiên đã có dịp tay bắt mặt mừng, ôn lại kỷ niệm vừa học, vừa cứu thương, vừa phải chống càn ở những vạt rừng tràm miền Tây. Qua buổi gặp gỡ, Tư Kiên chủ động thăm hỏi hoàn cảnh của từng người để biết những ai vắng mặt vì bệnh tật hay vì kinh tế gia đình khó khăn. Sẵn dịp này ông phát động trong bạn bè tham gia phong trào lá lành đùm lá rách trong đồng đội ngành quân y.
Những nơi từng hành quân cũng được Tư Kiên trở lại thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của các gia đình từng cưu mang quân y sĩ. Một trong những nơi đó là xã Xà Phiên của huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được vợ chồng Tư Kiên vận động người thân, bè bạn góp vốn xây đường nông thôn, giúp bà con vùng sâu đi lại dễ dàng, trẻ em cắp sách đến trường không còn lấm lem bùn đất mỗi khi vào mùa mưa bão.
Anh hùng Tư Kiên và vợ kể lại những lần gặp gỡ và giúp đỡ các đồng đội cũ vượt qua khó khăn. Ảnh: Thiên Phước
Ngồi bên chồng với nét mặt rạng ngời, bà Tám Ảnh nói, thấy chồng làm việc thiện cũng học làm theo. Vài tháng trước bà về quê tìm lại gia đình vợ một liệt sĩ ở ấp An Phú, thị trấn Kế Sách, gia đình từng giúp đỡ vợ chồng Tư Kiên trong những ngày khó khăn. Biết được vợ liệt sĩ chưa có điều kiện sửa lại ngôi nhà cũ ọp ẹp, bà Ảnh bàn với chồng xây nhà tình nghĩa, dự kiến hoàn thành sau Tết Nhâm Thìn.
Trước thềm năm mới, ông Tư Kiên bảo rằng sau khi có được nhà mới, cuộc sống ổn định, ông đã thực hiện được ước mơ từng ấp ủ là gặp lại hàng trăm đồng đội, lên kế hoạch giúp bạn bè khó khăn xây nhà đón Tết đầm ấm. “Niềm vui sẽ nhân đôi khi mình giúp được gì cho đồng đội cũ. Năm nay tôi tiếp tục đi tìm họ. Nếu ai quá khó khăn sẽ vận động những người có điều kiện góp tiền xây mái ấm nghĩa tình. Tôi cũng sẽ về những nơi đơn vị từng đóng quân để xem có thể giúp được gì cho bà con", bên tách trà nóng anh hùng Tư Kiên trải lòng.
Cuối năm 1969, giặc Mỹ mở nhiều đợt càn quét dữ dội thọc sâu vào hai cánh rừng từ Cà Mau sang Kiên Giang. Trong một lần bị địch tấn công, anh lính trẻ Nguyễn Tấn Dũng bị thương ở chân, máu chảy ướt đẫm ống quần khiến đồng đội Tư Kiên phải cõng chạy băng rừng về phía sông Cái Tàu để tránh đạn.
Khi đó Tư Kiên đã phải để Dũng lại bờ bên này, lội sông sang phía nhà dân tìm phương tiện đưa đồng đội về hậu cứ. Không có xuồng, Kiên đành phải lấy chiếc cối giã gạo làm bằng gốc cây mù u để đồng đội nằm lọt trong lòng cối, lấy lá lục bình nguỵ trang phía trên rồi đẩy về hậu cứ cấp cứu.
24 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuối năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới gặp lại ân nhân của mình, ông Tư Kiên, tại Cần Thơ nhờ một người bạn thời chiến “mai mối”.
Thiên Phước
Ý kiến của bạn

No comments:

Post a Comment