Wednesday, January 18, 2012

Tiễn Ất Mão, Ðón Nhâm Thìn
Trương Sĩ Lương


Tiễn Ất Mão, Ðón Nhâm Thìn”, chúng tôi xin mời quý độc giả quay về với quá khứ, ôn lại một năm qua với những biến cố xảy ra trên thế giới, chỉ tóm gọn một số chuyện, đã làm cho nhân loại quan tâm, lo sợ. Ðồng thời chúng ta cũng sẽ bàn tới (đoán mò cho vui) năm mới 2012 để xem tình hình căng thẳng thế giới đi về đâu, tác động tới nhân loại như thế nào?

Năm Ất Mão (2011) đi qua là năm có nhiều thiên tai giáng họa lớn như sóng thần Tsunami tàn phá Nhật Bản khủng khiếp, thiệt hại nặng nề từ vật chất đến nhân mạng, làm cho kinh tế nước Nhật bị khựng lại; hạn hán ghê sợ ở Phi châu; lụt lội tàn phá ở Úc, Thái Lan... đã gây thiệt hại về tài chánh nặng nề nhất trong vòng 10 năm qua. Khí hậu khắc nghiệt cũng xảy ra ở khắp địa cầu, gây nên bịnh tật, nhất là tại các nước nghèo khổ Phi châu. Riêng tại Bắc Texas rõ ràng là mùa hè với khí nóng kinh khủng, chưa từng có, kéo dài hơn 2 tháng, không một giọt mưa. Ngày nào nhiệt độ cũng trên 100 độ F là chuyện thường.

Bên cạnh những thiên tai ập xuống địa cầu, thì cuộc khủng hoảng tài chánh (đồng euro) từ Hy Lạp lan khắp 17 nước - trong 27 nước thuộc Liên Âu - ảnh hưởng mạnh tại khu vực xài đồng euro, chồng chất nợ nần, gây khủng hoảng kinh tế trầm trọng, cộng với nạn thất nghiệp, xã hội bất ổn, biểu tình khắp nơi, làm Liên Âu lo sợ tan rã, nếu không kịp thời cứu vãn trong năm 2012.

CÁCH MẠNG HOA LÀI

Năm Ất Mão cũng là năm của những cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” chống chế độ của các nước độc tài, bắt nguồn từ Tunisia, lan qua Ai Cập, Yemen, Bahrain, Saudi Arabia, Syria... rồi tới Libya (Bắc Phi).

Ở Tunisia, Ai Cập, cách mạng thành công trong một thời gian ngắn, nhưng khi hương thơm “Hoa Lài” tràn qua Libya thì cuộc cách mạng bị khựng lại vì nhà độc tài Gaddafi cương quyết tàn sát người dân không gớm tay. Vì thế buộc người dân chống đối chế độ phải tự vũ trang. Nhờ có khối NATO và Hoa Kỳ yểm trợ bằng không lực hùng hậu mới đưa tới thành công sau 8 tháng máu lửa ngập tràn Lybia như một cuộc nội chiến. Trong khi đó ở Yemen, nhà độc tài Saleh vẫn cố đấm để giữ ngôi vị tổng thống suốt đời, nhưng cuối cùng phải từ giã vào ngày 23-12-2011 trước áp lực mạnh mẽ của toàn dân.

Cuối cùng, cuộc cách mạng Hoa Lài trong năm 2011, chỉ còn chế độ độc tài của Tổng thống Syria là al-Assad vẫn cương quyết chống lại người dân đang đứng lên đòi tự do dân chủ. Tính đến đầu năm 2012, những cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội al-Assad đã giết chết hơn 5000 người; chưa kể hàng ngàn người khác bị thương hoặc bị bắt giam. Bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên thuộc Liên Ðoàn Ả Rập được gởi tới Syria điều tra, tình trạng đàn áp bạo lực tại đây vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Tin tình báo cho hay một căn cứ rất kiên cố đang được TT al-Assad xây dựng tại dãy núi al-Ansariyyah, gần bờ biển Ðịa Trung Hải. Bạo quyền al-Assad bắt đầu ra lệnh cho các cộng đồng dân Alawite khắp nước dời về khu vực này và bố trí họ vào các cơ sở kiên cố đã xây xong. Ðến nay, khoảng khoảng nửa triệu người Alawite đã được tái định cư. Giáo phái này có tổng cộng khoảng 3.5 triệu người, chiếm 1.5 dân số Syria.

Nếu có biến động do quân ngoại nhập can thiệp, toàn bộ lực lượng trung thành với TT al-Assad sẽ cố thủ tại cứ địa này. Câu hỏi đặt ra là căn cứ của ông al-Assad sẽ chống chọi được bao lâu nếu có sự can thiệp từ bên ngoài? Người ta cho rằng, bài học của nhà độc tài Gaddafi vẫn còn đó, nhưng ít có nhà lãnh đạo nào chịu học bài học lương thiện. Ðộc tài, khát máu, giết hại người dân vô tội làm sao lọt được lưới trời. Theo một nguồn tin thì sự an toàn của căn cứ này dựa vào hệ thống phòng thủ chống xe tăng và máy bay được bố trí bằng các loại hỏa tiễn của Nga rất hiện đại. Nhật báo Al Quds-Al Arabi mới đây loan tin 3 chiến hạm của Nga đã có mặt tại Syria từ đầu tháng 11 năm 2011, mang theo nhiều thiết bị kỹ thuật và cố vấn để giúp bạo quyền Syria thiết lập một hệ thống phòng không, gồm các giàn hỏa tiễn S-300, được xem là một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất hiện nay với giàn radar có thể cùng lúc theo dõi hàng chục mục tiêu mà chỉ cần mất 5 phút là sẵn sàng tác xạ. Các chuyên gia cho rằng TT al-Assad rất tự tin vào hệ thống phòng thủ kiên cố này để chống lại quân ngoại xâm.

Người ta cũng tự hỏi Syria dựa vào thế lực nào mà có thể đi ngược lại trào lưu dân chủ hóa như thế? Thứ nhất, Syria là đồng minh, anh em mật thiết nhất của Iran trong nhiều năm qua. Tuy không cùng chung giáo phái Shia (Hồi giáo), nhưng cả hai có cùng một mục tiêu là tiêu diệt Do Thái tới cùng. Bên cạnh đó là sự yểm trợ rất đắc lực của Nga từ trước tới nay, và là khách hàng tiêu thụ vũ khí trung thành của Nga. Câu hỏi được đặt ra là liệu NATO, Hoa Kỳ và Liên Ðoàn Ả Rập có nhảy vào dứt điểm nhà độc tài al-Assad như họ đã diệt Gaddafi ở Lybia không?

Các bỉnh bút cho rằng trước tình trạng đàn áp người dân tại Syria, tính đến hiện tại, ngày càng khốc liệt hơn, điều này bắt buộc các thế lực chống nhà cầm quyền al-Assad phải tự trang bị vũ khí để sống còn. Cuộc nội chiến sẽ kéo dài một thời gian, nhưng sau đó - dưới cái dù của các nước thuộc Liên Ðoàn Ả Rập -, NATO và Hoa Kỳ, có thể Do Thái cũng sẽ góp tay giải quyết cuộc chiến Syria trong năm 2012.

HAI NHÀ LÃNH ÐẠO RA ÐI

Cuối năm 2011, hai nhà lãnh đạo khá nổi tiếng thế giới, cũng là hai hình ảnh tương phản giữa độc tài và dân chủ, đã ra đi.

1) Cựu Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, là kịch tác gia từng đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ chống độc tài toàn trị đưa đến cách mạng Nhung, xóa bỏ chế độ CS nơi xứ sở của ông. Nay ông mất đi, tuy lặng lẽ nhưng đã để lại nhiều tình cảm yêu mến và kính trọng nơi cộng đông nhân loại. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước lớn từ Thủ tướng Tiệp Khắc Petr Necas, Tổng thống HK Obama, Thủ tướng Ðức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và nhiều yếu nhân khác đã phát biểu dành cho người quá cố những lời trân quý nhất.

b) Nhà độc tài Kim Chính Nhật của Bắc Hàn, một quái vật ma vương trần thế với cái chết rất ồn ào, nhưng chẳng có lời thương xót nào được nói lên một cách thực tình của cộng đồng thế giới. Ngoại trừ giọng điệu sáo ngữ rỗng tuếch, giả dối từ đầu môi của bọn chóp bu CSVN, mặc dù đã có lúc Kim Chính Nhật từng chống lại Hà Nội để bênh vực cho Khờ-me Ðỏ vào cuối thập niên 70. Qua những hình ảnh, youtube của quốc tế, người ta thấy gần như dân quân Bắc Hàn đã khóc than lãnh tu một hình thức “biểu diễn”, rất thảm thiết. Ðối với dân Việt chúng ta thì đã quá rành cái màn khóc mướn, khóc thuê đó rồi, nó chỉ là một động tác có tính cách kịch tính, trò hề tâm lý rẻ tiền mà ai cũng biết. Nhân loại chỉ tiếc là với nền văn minh và dân chủ tiến bộ ngày nay, mà mấy chục triệu người dân Bắc Hàn phải bị đọa đày dưới một chế độ bạo tàn từ tinh thần đến vật chất như thế quả thật là một oan khiên quốc nạn.

HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI

Trong năm 2011, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, công việc làm còn yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp tuy ở mức 8.5%, thấp nhất trong 3 năm qua, nhưng tình trạng sinh hoạt thị trường tiêu thụ vẫn còn rất chậm. Chính phủ Obama đã cố nâng mức nợ tối đa từ 15.200 tỷ lên tới 16.400 tỷ, để khỏi bị phá sản, nhưng cả hai cơ quan lập pháp thượng và hạ viện vẫn chưa cứu xét.

Theo kế hoạch, Bạch Ốc đưa ra, Quốc hội có 15 ngày để quyết định đồng ý hoặc không đồng ý với dự thảo nâng mức nợ lên tối đa. Nếu sau thời hạn đó mà Quốc Hội không quyết định được thì mức nợ của Hoa Kỳ sẽ tự động tăng từ 15.200 tỷ lên 16.400 tỷ. Hồi tháng 8, sau rất nhiều cuộc tranh cãi, Tổng thống Obama đã ký phê chuẩn dự luật giảm thâm hụt ngân sách một khoản 2,1 ngàn tỷ đô trong 10 năm, nâng mức nợ tối đa lên 16,4 ngàn tỷ.

Nếu Hoa Kỳ vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn trong lãnh vực tài chính như năm 2008 và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trở lại trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và tình hình thị trường địa ốc còn rất xấu. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ xuống dốc, cướp đi xấp xỉ 50% tài sản của các gia đình hay cá nhân có nắm giữ cổ phiếu. Cuối cùng không những chỉ từng người dân Mỹ bị ảnh hưởng mà toàn bộ thị trường trên toàn cầu sẽ bị chao đảo. Bộ trưởng Tài chánh Timothy Geithner từng cảnh báo, nếu Mỹ vỡ nợ vì công nợ quá mức tối đa thì sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.

1) Năm Ất Mão cũng là năm Hoa Kỳ tiêu diệt tên trùm khủng bố Osama bin Laden, sau 10 năm theo dõi và tìm kiếm tông tích của y. Cuộc hành quân ngoạn mục của toán Biệt Hải (Navy Seal Team 6) xâm nhập bằng trực thăng vận vào một biệt thự 3 tầng tại thị trấn Abbottabad, nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan vào lúc 1:30 sáng ngày 1-5-2011, đã hạ sát bin Laden. Thi hành xong sứ mạng, toán Biệt Hải phóng lên trực thăng và rời khỏi biệt thự với một số tài liệu tình báo giá trị cùng với thi thể của bin Laden. Sau khi đưa xác y ra hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson để giảo nghiệm DNA, thi thể của y được thủy táng. Có lẽ sau vụ Hoa Kỳ tiêu diệt trùm bin Laden ẩn náu trong lãnh thổ của Pakistan, vì tự ái lãnh thổ quốc gia, hay vì khó khăn trong việc giải thích “tại sao bin Laden sống ở trong nội địa của Pakistan mà tình báo của nước này không hề biết!” Từ đó vấn đề xâm nhập lãnh thổ và tranh cãi chung quanh các điệp vụ tình báo lắt léo đã làm cho giao tình giữa 2 nước ngày càng trở nên khó khăn hơn.

2) Năm Ất Mão, Hoa Kỳ rút quân tác chiến toàn bộ ra khỏi lãnh thổ Iraq, như lời TT Obama đã hứa trước quốc dân khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào đầu năm 2009. Thế nhưng ngay sau khi sau Hoa Kỳ rút quân, tình hình an ninh ở đây, với những vụ ôm bom tự sát đang trở nên tồi tệ.

3) Vai trò trọng tài của Hoa Kỳ nhằm giúp Do Thái và Palestine ngồi lại với nhau để gỉai quyết tranh chấp vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.
4) Chiến trường A Phú Hãn vẫn chưa yên để Hoa Kỳ và NATO có thể rút quân.
5) Ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan ngày càng khó khăn, nhất là sau vụ NATO oanh tạc nhầm, giết chết 24 quân nhân Pakistan.
6) Trong khi đó, ngoại giao giữa Nga-Mỹ đã trở nên ấm lạnh bất thường vì Nga đổ tội cho Mỹ đã nhúng tay vào các cuộc biểu tình lớn tại Nga vào những ngày cuối năm 2011. Thật ra, đây chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao” nhằm làm khó Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề nguyên tử Iran và cứu nguy chế độ độc tài Syria.

HOA KỲ VÀ EO BIỂN HORMUZ

Những ngày cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thế giới lại phải chú tâm vào Eo biển Hormuz, nơi đang bị Iran đe dọa phong tỏa. Thật ra, sự căng thẳng giữa Iran và Tây phương, nhất là Hoa Kỳ không phải là chuyện mới xảy ra, mà sự việc này đã kéo dài hơn 8 năm qua kể từ khi cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) tình nghi việc Iran đang có chương trình phát triển bom nguyên tử. Eo biển Hormuz có chiều dài khoảng 54 cây số, thuộc vịnh Ba Tư, nằm giữa Iran và tiểu quốc Oman. Hàng ngày có khoảng 1.6 lượng dầu thô trên toàn thế giới, tương đương 15 triệu thùng dầu, được vận chuyển qua eo biển này. Trước đó Iran đe dọa sẽ ngăn chặn lộ trình vận chuyển dầu mỏ huyết mạch trong vịnh Ba Tư, nếu Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động xuất cảng dầu thô của họ. Ðô đốc Habibollah Sayyari, Tư lệnh Hải quân Iran, nói rằng việc phong tỏa lộ trình vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz là việc rất dễ dàng đối với quân đội Iran.

Lời tuyên bố của Ðô Ðốc Sayyari đưa ra trong bối cảnh hải quân Iran đang tập trận 10 ngày tại eo biển Hormuz với sự tham gia của tàu ngầm, ngư lôi, máy bay không người lái và nhiều thiết bị quân sự tối tân khác. Sự việc trên khiến chính quyền Trung Cộng phải lên tiếng can thiệp, yêu cầu các bên phải bình tĩnh và duy trì sự ổn định tại khu vực, tuy nhiên họ từ chối không đưa ra bất cứ bình luận nào trước sự khủng hoảng tại eo biển này. Việc Iran đe dọa phong tỏa vịnh Ba Tư là nơi nằm giữa các nước xuất cảng dầu mỏ trong vùng Vịnh, cho thấy Tehran đang lo ngại trước viễn ảnh Tòa Bạch Ốc sẽ quyết tâm áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm trừng phạt chương trình nguyên tử của Iran. Mục tiêu của các biện pháp cấm vận là giảm kim ngạch xuất cảng dầu, là mặt hàng quan trọng nhất của Iran.

Trả lời phỏng vấn một đài truyền hình, Ðô đốc Habibollah Sayyari nói eo biển Hormuz luôn luôn nằm trong sự kiểm soát của hải quân Iran, tàu thuyền muốn tới vùng Hormuz từ Ấn độ dương phải đi tới biển Oman và qua eo biển nằm sau lưng Iran, hoàn toàn nằm trong sự giám sát của Iran và hải quân có thể mở cuộc tập trận bất cứ lúc nào.

Hải quân Iran vừa mới chấm dứt cuộc tập trận 10 ngày. Giới chức Iran đe doạ sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu ngành xuất cảng dầu lửa bị cấm vận và đe doạ sẽ có hành động nếu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đi qua eo biển. Hoa Kỳ đang có một hạm đội 5 lớn trong vùng, có hỏa lực áp đảo hải quân Iran dễ dàng, tuyên bố sẽ không để cho con đường hàng hải quốc tế bị phong tỏa. Trong khi đó, Anh quốc cũng tuyên bố phong tỏa eo biển Hormuz là hành động bất hợp pháp và sẽ không thành công.

Thế rồi ngay vào ngày cuối năm 2011, Tổng thống Obama đã ký luật cấm vận tài chánh Iran, làm cho các nước gặp khó khăn trong việc mua dầu hỏa Iran. Liên Âu có thể đưa ra lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhập cảng dầu hỏa Iran và cuối tháng này. Hầu hết các nhà thương mại tin tưởng Iran vẫn có thể tìm thị trường để tiêu thụ 2.6 triệu thùng dầu thô một ngày, nhưng sẽ phải bán với giá rẻ, tất nhiên phải mất một số lợi tức rất lớn. Ðây quả là một độc chiêu của TT Obama, chắc chắn sẽ trị được tập đoàn cứng đầu Iran. Thế nhưng, giá dầu thô tăng, giá xăng bán lẻ vọt lên khoảng 30 cents/gal vào tuần thứ hai đầu năm 2012. Người ta tiên đoán, trong trận dầu hỏa và cấm vận này, Hoa Kỳ và Iran sẽ không đụng độ nhau về quân sự, nhưng trong năm 2012, một trận chiến khác sẽ xảy ra giữa Do Thái và Iran.

HOA KỲ VÀ Á CHÂU, BIỂN ÐÔNG

Ðối với Hoa Kỳ, về mặt quân sự, vị trí ưu thế tại châu Á trong 50 năm qua đã cho phép quân đội bố trí lực lượng phòng thủ rắn chắc tại biển Philippines. Nghĩa là tại châu Á, Mỹ vẫn đóng vai trò mạnh nhất về chính trị, kinh tế và quân sự. Sự hiện diện quan trọng nhất của Mỹ hiện nay – ngầm, hoặc công khai – vẫn là đe dọa Bắc Hàn tại bán đảo Triều Tiên và phòng thủ trước sự lớn mạnh về quân sự của TC, vì họ đang tìm cách sử dụng sức mạnh hải quân để kiểm soát, không những chỉ các nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi mà còn kiểm soát các hải trình, trong đó họ (TC) rất cần năng lượng nhiều nhất thế giới.

Ðể chống lại ảnh hưởng của TC tại Hồng Hải và Biển Ðông, HK bắt buộc phải tái xây dựng một vòng vây hải quân xung quanh TC; xây thêm căn cứ quân sự, gồm 2500 Thủy Quân Lục Chiến ở Darwin, Úc Ðại Lợi, phát triển thêm những khinh tốc hạm, tối tân nhất tại Singapore, gần eo biển Malaca để phòng thủ và dĩ nhiên là có sự phối hợp của hải quân Ấn Ðộ. Quan hệ quân sự giữa HK và đơn vị tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Indonesia cũng nằm trong bối cảnh chiến lược mới của Washington.

Theo giới phân tích thì Bắc Kinh ngày càng xem Hoa Kỳ là mối đe dọa cho sự ổn định của họ. GS Jiru thuộc Viện Kinh tế Chính trị Thế giới tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội TC, lưu ý rằng Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do HK dẫn đầu gần đây, không bao gồm TC, thực chất đã vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế, mang tính chất chính trị. Nghĩa là Washington đang tìm cách vận dụng giá trị của họ để liên kết vùng Á Châu, Thái Bình Dương.

Mới đây, trong những ngày đầu năm 2012, TC lại lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ gia tăng tiềm năng quân sự tại Á châu là cố ý thách thức và đẩy họ vào thế bị động. Phải chăng, đó cũng là lời đe dọa? Với tiềm năng quân sự đang lên cao vút của TC ngày nay; với cơn khát năng lượng như một nhu cầu tất yếu để phát triển công nghệ và nuôi sống 1.35 tỷ dân, TC đang tìm cách tháo vòng vây của Hoa Kỳ như kế hoạch:

1) Sân trước: Á Châu Thái Bình Dương, TC đã ve vãn các nước Á Châu như: Việt Nam, Thái Lan... để khoe với Hoa Kỳ đó là đàn em của họ. Nhất là đối với CSVN, chuyện đón tiếp chuyến thăm của phó Chủ tịch Tập Cẩm Bình với lá cờ 6 ngôi sao của TC, ngụ ý “lục tộc” (Mãn Mông Hồi Tạng Việt Hán) vào cuối năm 2011 đã lộ rõ âm mưu thâm độc của TC trong việc “Hán hóa” dân tộc Việt, một hình thức “tân đô hộ” mà không tốn một giọt máu. Chỉ khổ cho 85 triệu người dân nước Việt rồi đây sẽ phải đứng dậy khởi nghĩa chống xâm lăng như tổ tiên của chúng ta đã đổ máu xương để giành lại độc lập nhiều lần vào hai thế kỷ trước.
Bất cứ ai cũng thấy rõ, hơn 80 năm qua, kể từ khi CSVN theo Nga, Tàu rồi cướp chính quyền cho đến nay, họ đã làm được gì? Ðánh Pháp, rồi tuyên truyền “đánh Mỹ cứu nước”, nhưng thật ra khi giành được Việt Nam thì họ lại bán nước cho Tàu! Ðúng là bọn “mãi quốc cầu vinh”.

2) Sân giữa: TC đang ve vãn Pakistan (Hồi) và Afghanistan, hứa hẹn viện trợ quân sự tối đa, khai thác “mối thù thiên thu” giữa Ấn Hồi để gây khó khăn cho Hoa Kỳ tại Nam Á. Nhưng TC có làm được không là mặt khác của vấn đề.

3) Sân sau: TC chơi xỏ Hoa Kỳ bằng cách giao du với đàn em là TT Hugo Chavez của Venezuela, khuyến khích tay này liên kết với Tổng thống Ahmadinejad của Iran để thọc léc Hoa Kỳ ở bên hông, tức là sân sau. Cả Hugo và Ahmadinejad cùng tuyên bố là người bạn thực sự và hai nước sẽ sát cánh chống lại Hoa Kỳ. Qua chuyến viếng thăm châu Mỹ La Tinh 5 ngày đầu năm vừa qua, TT Admadinejad còn gặp gỡ các TT tả phái như Daniel Ortega của Nicaragua, và Rafael Correa của Ecuador để liên kết đồng minh và chống Hoa Kỳ. Liên hệ thân thiện giữa Iran và và các nước tả phái này có làm cho Hoa Kỳ lo ngại không? Tất nhiên là không.

Bước vào năm Nhâm Thìn vài chiêm tinh gia dự đoán, một cách tổng quát, cũng là năm sẽ có nhiều thiên tai: động đất, núi lửa, bảo lụt sẽ xảy ra khắp nơi trên địa cầu. Nhân tai, do con người tạo nên cũng rất nhiều, nhất là đám khủng bố sẽ ra tay phá hoại khắp nơi: Washington, New York, Indiana, California, Chicago, Las Vegas... Morocco, Paris, và London... Tấn công các cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

LỜI KẾT:

Cho dù có trông ngóng hay không thì mùa Xuân cũng về theo lẽ tự nhiên của đất trời. Vì thế người ta thường nói “năm hết tết đến”, hãy vứt đi những ưu tư muộn phiền suốt năm qua để đón mùa Xuân mới, bắt đầu một ngày mới tươi đẹp cho cá nhân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới bình an v.v... Thế nhưng những ước mơ đó có bao giờ thành hiện thực! Ngay từ tấm bé khi biết cắp sách đến trường là chúng ta đã thấy năm nào cũng có thiên tai, nhân tai giáng xuống trái đất già nua này. Thiên tai là do đất trời nổi giận tàn phá thiên nhiên, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của con người; còn nhân tai là do chính con người gây nên hận thù rồi tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, sử dụng bom, đạn, hóa chất, vi trùng... tàn phá môi sinh một cách bừa bãi mà không cần lo cho thế hệ hậu sinh.

Ðúng! Khi con người càng văn minh thì sự hủy diệt ấy càng trở nên ghê sợ hơn bao giờ hết. Nếu rủi ro xảy ra một cuộc chiến nguyên tử giữa các cường quốc thì sự tàn phá địa cầu sẽ khủng khiếp đến độ không còn sự sống của sinh vật, thực vật cho tới hàng vạn, triệu năm sau. Vì vậy mà Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) phải hạn chế tối đa việc chế tạo thêm bom nguyên tử, nhất là các quốc gia có chế độ cai trị độc tài sắt máu, hay gây chiến như Bắc Hàn và Iran, nếu họ có bom nguyên tử trong tay, là một đại họa cho nhân loại. Có người hỏi: thế còn các quốc gia đang thủ đắc bom nguyên tử như Hoa Kỳ, Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp, Pakistan, Ấn Ðộ và Do Thái... có hàng trăm hàng ngàn quả bom thì sao? Ai tin vào giới lãnh đạo Nga, Trung Cộng, Pakistan... sẽ không nổi khùng một lúc nào đó? Câu trả lời là chúng ta sẽ không có ngày tận thế như tin đồn nhảm xưa nay, mà chỉ sợ loài người vì hận thù rồi tiêu diệt nhau bằng nguyên tử.

Kính chúc quý văn hữu, độc giả của một năm Nhâm Thìn hanh thông về mọi mặt.
 
 Trương Sĩ Lương
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment