Giỗ trận Đống Đa
ĐIỂM NHẤN
GHI CHÉP
TRONG NGÀY
| |
Vietsciences-Tương Lai |
Trong tâm thức của người Hà Nội, và chắc không chỉ
riêng Hà Nội, sau mấy ngày Tết Nguyên Đán là đến ngày Giỗ Trận
Đống Đa. “ Giỗ ” là “ lễ
tưởng nhớ người đã chết hàng năm vào dịp ngày chết ”
[theo định nghĩa của
Từ Điển
Tiếng Việt]. Vậy thì ngày này ai chết đây và ai giỗ họ
đây ?
Người chết là quân xâm lược nhà Thanh.
Người làm giỗ cho họ là những người làm nên chiến thắng thần
tốc năm Kỷ Dậu [1789].
Việt Nam
Sử Lược của Trần Trọng Kim chép : “
Hội quân ở núi Tam Điệp ngày
20 tháng chạp năm Mậu Thân [1788],
vua Quang Trung nói với ba
quân : " Chúng nó sang
phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi
việc quân đánh giữ, đã định mẹo rối, đuổi quân Tàu về chẳng
qua chỉ trong mươi ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là
nước lớn gấp mười lần nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi
tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh
nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh
xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để
đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng
được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa
" ”.
i
Thế rồi, đêm 30 tháng Chạp đánh diệt căn cứ
Gián Khẩu, bức hàng căn cứ Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, bao vây căn
cứ chiến lược của giặc ở Ngọc Hồi, đợi cánh quân của đô đốc
Long bất ngờ tập kích căn cứ Khương Thượng, hàng vạn lính bỏ
mạng, chủ tướng Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn, sáng mồng 5 Tết
Kỷ Dậu, Quang Trung tổng tấn công Ngọc Hồi. Quân Thanh bị
động, thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Tôn Sĩ
Nghị không kịp mặc áo giáp lên ngựa tháo chạy, vượt qua sông
Nhị Hà rồi hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông
chết rất nhiều, khiến dòng sông bị nghẽn dòng chảy. Trưa mồng
5 Tết, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long sớm hơn dự kiến
một ngày !
Hàng vạn xác quân Thanh nằm ngổn ngang,
quân dân Thăng Long và vùng phụ cận thu dọn chiến trường đã
chôn cất thành 13 gò đống
lớn, có đa mọc um tùm
nên gọi là
gò Đống Đa.
Việt Nam
Sử Lược lại chép tỉ mỉ : “
Về sau bọn khách trú ở Thăng
Long làm cái đền thờ Sầm Nghi Đống ở ngõ Sầm Công, sau Hàng
Buồm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có vịnh bài tuyệt cú rằng : Ghé
mắt trông ngang thấy bảng treo, Kìa đền Thái thú đứng cheo
leo. Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy
nhiêu ”.
ii
Thế đấy, cái ngõ Sầm Công vẫn còn đấy, chứ
không đập bỏ đi, biểu thị một tấm lòng khoan dung độ lượng của
một dân tộc vốn từng hứng chịu bao tai hoạ do bọn cướp nước và
lũ bán nước gây nên. Và rồi nụ cười của Bà Chúa thơ nôm khi
tình cờ “ ghé mắt trông theo
" thấy đền thờ tên tướng xâm lược vẫn được gọi là “ đền Thái
Thú " do đồng hương của y dựng lên, cũng chỉ là sự bỡn cợt cho
một đấng " nam nhi " thất trận, mà không thèm luận tội xâm
lược cướp nước của y để biểu tỏ thù hận ! Đây không là một
ngẫu nhiên tình cờ, mà là một ứng xử nhất quán của ông cha ta
trong lịch sử. Hãy đọc lại Đại
Việt Thông Sử, Lê Quý Đôn chép lời Lê Lợi : “
Việc dùng binh cốt lấy bảo
toàn cả nước làm trên hết [toàn quốc vi thượng].
Nay ta đã cho bọn Vương Thông
trở về nói với vua Minh, trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn
bờ cõi ta, đó là điều ta không cần gì hơn thế nữa. Hà tất phải
giết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì ”.
iii
Chùa Bộc
Xin được gợi thêm một sự kiện về một ngôi
chùa có mối liên hệ với những sự kiện nói trên : chùa
Bộc.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XI, thuộc trại Khương Thượng,
lúc đầu có tên Sùng Phúc tự.
Chùa bị cháy vào năm 1789 trong trận Rồng lửa do nghĩa quân
Tây Sơn tiến đánh đồn Khương Thượng để tiêu diệt quân xâm lược
Mãn Thanh. Sau khi tiêu diệt xong quân xâm lược, vua Quang
Trung đã ra lệnh cho xây dựng lại chùa
Sùng Phúc và đổi tên
thành Thiên Phúc tự.
Nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa
Bộc.
Bộc có nghĩa “ phơi bày ”, nghĩa là ngôi chùa được xây dựng
ngay nơi chiến địa mà quân thù chết phơi thây.
Dân tộc này biết chiến đấu kiên cường đập
tan mọi cuộc xâm lược, mọi mưu ma chước quỷ của kẻ thù chưa
bao giờ dứt bỏ dã tâm xâm lược, biết thường trực nâng cao cảnh
giác song cũng sẵn sàng quên đi thù hận để vun đắp cho sự thật
tâm hoà hiếu, xây đắp cho tình hữu nghị giữa các quốc gia,
nhất là với những quốc gia láng giềng.
Quả thật, từ những sự kiện vừa dẫn ra ở
trên, cần suy ngẫm về nhận định của Pham Văn Đồng “
một điều vừa rõ ràng không
thể chối cãi được, vừa chứa đựng nhiều bí ẩn trong đêm tối của
lịch sử mà chúng ta còn phải tiếp tục phát hiện và phát huy
” !
iv Sự thật lịch sử có lúc mờ lúc tỏ, song dòng
chảy lịch sử là bất tận. Dòng cuộn chảy ấy tạo nên sức mạnh
bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu
kỹ về dòng chảy bất tận đó, phải được tắm mình vào trong dòng
chảy lịch sử để tự hào về ông cha mình bao đời kiên cường, bất
khuất và linh hoạt, khôn khéo, mềm dẻo “
dĩ bất biến, ứng vạn biến
” trong trường kỳ dựng nước, mở nước và giữ nước để trao lại
cho thế hệ hôm nay.
Và nếu lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó,
thì không một ý thức dân tộc nào có thể đứng vững được, thì
thường xuyên ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ông cha
ta là một đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Một khi mà ý
thức dân tộc bị phôi pha, bị che lấp bởi nhiều lực hút khác
thì đó là báo hiệu của sự suy tàn của một quốc gia. Sẽ không
thể có sự phát triển bền vững của đất nước nếu thế hệ trẻ Việt
Nam hôm nay không biết rõ hành trình ông cha mình đã đi qua,
về những giá trị đã được hun đúc, cội nguồn sức mạnh vô tận và
là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Chiến thắng thần tốc đập tan mấy chục vạn
quân xâm lược nhà Thanh nói lên thiên tài quân sự của người
anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đó là một sự thật lịch sử có sức
ngân vang mãnh liệt trong tâm hồn Việt Nam. Đồng thời, nếu
ngẫm nghĩ thật kỹ, đấy cũng chính là sự bứt phá trong sự vận
động tự thân của sức sông dân tộc đưa đến những hợp trội kỳ
diệu trong dòng chảy của lịch sử. Cần nhớ rằng, thời đoạn lịch
sử thời Lê Mạt vua Lê, chúa Trịnh với phong trào nông dân nổi
lên rầm rộ, rộng khắp và kéo dài hàng chục năm “
cả đời khốn khổ chua cay, ước
sao chỉ được một ngày làm vua ”, đẩy tới sự đổ vỡ của
nhà nước Lê - Trịnh, chuẩn bị cho sự quật khởi của phong trào
Tây Sơn, báo hiệu sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong
kiến trên phạm vi cả nước... ; đó là thời kỳ rối ren trầm
trọng nhất trong lịch sử từ ngày Khúc Hạo công bố Cương
lĩnh dựng nước năm 906 “
chính sự cốt chuộng sự khoan
dung giản dị cốt cho trăm họ được yên vui ”.
Việt Nam
Sử Lược chép về thời Lê Chiêu Thống như sau : “
Người bấy giờ bàn riêng với
nhau rằng : "Nước Nam
ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến
thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên hiệu vua Tàu, việc gì
cũng phải bẩm đến quan Tổng đốc, thế thì có khác gì là đã nội
thuộc rồi không ? ”. Khi mà người đứng đầu trăm họ đã
hèn nhát nhục nhã như vậy thì hưởng ứng lời kêu gọi của người
anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đứng lên đánh giặc cứu nước là điều
không có gì phải bàn cãi. Đúng là “
sức dân như nước, đẩy thuyền
là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân ” là bài học có
tính quy luật của lịch sử.
Sử chép : Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân [26
tháng 12 năm 1788], dừng chân ở Nghệ An hơn 10 ngày để tuyển
quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn ! Thử
hỏi không có sức dân ấy, không có lòng dân theo về thì làm sao
có được chiến thắng thần tốc 6 ngày điệt tan mấy chục vạn binh
của Tổng đốc Lưỡng Quảng [Quảng đông và Quảng tây] Tôn Sĩ
Nghị ? Hãy nhớ lại khẩu hiệu vua Trần Nhân Tông cho ghi lên
mũi thuyền khi rút quân về Thiên Trường rồi lại rút quân về
Thanh Hoá theo đường biển : “
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh ” trong giai đoạn vẻ
vang của lịch sử chiến thắng đế quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII !
Lịch sử là một sự vận động trong thế tương
quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con
đường đi của nó. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc,
viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là
quần chúng nhân dân. Những người theo mệnh lệnh của trái tim
đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. “ Nâng quân số
lên tới 10 vạn ” trong mười ngày dừng chân tại Nghệ An của
Quang Trung Nguyễn Huệ là nhờ có những người "chân đất" đã
biết “ theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng
thời điểm cần có họ ”. Không có điều ấy thì dù là thiên tài
cũng phải bó tay. Hoặc đúng hơn, thiên tài chính là đã biết
phát hiện , khơi dậy và phát huy được sức mạnh vô tận của khối
nhân dân vĩ đaị, người làm nên lịch sử. Biết khơi dậy, nuôi
dưỡng và phát huy sức mạnh được khởi nguồn từ mệnh lệnh trái
tim ấy chính là bản lĩnh của người lãnh đạo. Không biết điều
ấy thì lịch sử đã từng phế bỏ như đã từng phế bỏ Lê Chiêu
Thống. Những kẻ chỉ biết đến chiếc ngai vàng, không dám và
không biết khởi động sức mạnh của dân, hèn nhát cúi đầu hàng
phục kẻ thù đã đi vào lịch sử của kẻ phản quốc mà Lê Chiêu
Thống chỉ là một ví dụ !
Vào ngày "Giỗ Trận" mồng Năm tháng Giêng
năm Nhâm Thìn hôm nay, thời điểm cô đặc những sự kiện lịch sử
của ý chí và sức mạnh cùng với lòng khoan dung và mong muốn
hòa hiếu của dân tộc Việt Nam ta, càng hiểu thêm bản lĩnh Việt
Nam và những giải pháp Việt Nam, càng cảm nhận ra những âm
vang của lịch sử quả có sức lay động mãnh liệt, sức lay động
của bản lĩnh ông cha, sức lay động của bản lĩnh Việt Nam.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment