http://img703.imageshack.us/img703/389/img644edited.jpg
Thứ tư 25 Tháng Giêng 2012
Hồi ức về Chiến thắng Đống Đa 1789
Trang bìa bộ tư liệu lịch sử "Khâm định An Nam kỷ lược", Nhà xuất bản Hải Nam - Trung Quốc - ấn hành năm 2000  (http://www.tuyettran.de)
Trang bìa bộ tư liệu lịch sử "Khâm định An Nam kỷ lược", Nhà xuất bản Hải Nam - Trung Quốc - ấn hành năm 2000 (http://www.tuyettran.de)
Một trong những ngày hội sớm nhất trong năm tại Việt Nam là Hội Đống Đa, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đây là ngày hội kỷ niệm chiến thắng của Tây Sơn đối với quân đội nhà Thanh. Chiến thắng năm Kỷ Dậu 1789 ngày càng được tôn vinh là một thực tế. Tuy nhiên, rất nhiều khoảng tối của giai đoạn lịch sử này cần được được các nhà nghiên cứu giải đáp.
Năm Nhâm Thìn 2012 vừa bắt đầu. Những ngày đầu năm mới là dịp các gia đình sum họp, bạn bè gặp gỡ mừng Xuân. Mùa Xuân cũng là mùa hội. Một trong những ngày hội sớm nhất trong năm tại Việt Nam là Hội Đống Đa, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Theo nhiều tư liệu lịch sử cũng như theo những lời truyền miệng, ngày mùng 5 Tết cách đây 223 năm, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ, tức hoàng đế Quang Trung chỉ huy, từ Nam thần tốc ra Bắc, tiến vào Thăng Long, kết thúc chiến dịch dẹp tan đội quân viễn chinh của nhà Thanh.
Trong sử sách chính thống ở Việt Nam hiện nay, Quang Trung được coi như là một biểu tượng kiệt xuất của tinh thần dân tộc Việt Nam, một trong những thần tượng mà rất nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nhiều hoạt động văn hóa lớn gắn liền với hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ và thời kỳ Tây Sơn lần đầu tiên được tổ chức, ví dụ như việc diễn lại cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế tại Festival Huế lần đầu tiên vào năm 2008, … Một trong những bộ phim lịch sử cổ trang hoành tráng nhất được thực hiện tại Việt Nam, gắn liền với thời kỳ Quang Trung, mang tên gọi « Tây Sơn hào kiệt », đã ra mắt khán giả năm 2010.
Chiến thắng năm Kỷ Dậu 1789 ngày càng được tôn vinh là một thực tế.
Các khách mời của Tạp chí Khoa học của RFI hôm nay là tiến sĩ Nguyễn Nhã từ Sài Gòn và nhà sử học Dương Trung Quốc từ Hà Nội. Một trong những câu hỏi chính mà chúng tôi mong muốn được hai ông giải đáp là hồi ức và những tưởng niệm về chiến thắng Đống Đa và thời kỳ Quang Trung. Bên cạnh thực tế của sự tôn vinh chiến thắng Đống Đa và hình tượng Quang Trung, còn rất nhiều khoảng tối của lịch sử trong giai đoạn này cần được bổ khuyết, đây cũng là điều mà chúng ta hy vọng sẽ được các nhà nghiên cứu dần dần khai mở.
Mãi mãi mùa Xuân Kỷ Dậu
Khách mời đầu tiên của chúng ta là nhà sử học Nguyễn Nhã. Ông là một trong những nhà nghiên cứu, ngay từ những năm 1960, đã dồn nhiều tâm sức cho việc phục dựng lại hình ảnh Nguyễn Huệ và thời kỳ Tây Sơn.
RFI : Xin kính chào nhà sử học Nguyễn Nhã, ngày đầu Xuân hôm nay, có một chủ đề chắc được nhiều người quan tâm là sự kiện mùng 5 tháng Giêng, tức là trận chiến của quân đội Quang Trung đẩy lùi quân Thanh, cách đây đã hơn 2 thế kỷ. Tuy diễn ra lâu rồi, nhưng đây là sự kiện rất đặc biệt, về mặt lịch sử, cũng như về mặt văn hóa. Sự kiện này để lại nhiều kỷ niệm, cũng như các suy nghĩ trong nhiều thế hệ. Nhân dịp sắp tới dịp kỷ niệm, xin ông cho biết đôi nét về sự kiện này.
Nhà sử học Nguyễn Nhã : Nói đến Mùa Xuân Kỷ Dậu là nói đến chiến thắng Đống Đa, như chúng ta biết. Từ khi vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh, thì vua nhà Thanh là Càn Long chắc là rất mừng, vì đó là một cơ hội tốt, cũng lấy cớ để phục hồi lại nhà Lê, nhưng thật ra là để thể hiện những sức mạnh của đế quốc Đại Thanh lúc đó. Chính hồi đó Tôn Sĩ Nghị cũng cho là sức mạnh của quân Thanh là vô địch, nên rất là ỷ y, mùa xuân Kỷ Dậu ấy thì cho quân sĩ nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ rằng, Nguyễn Huệ đã thể hiện thiên tài quân sự : 20 vạn quân Thanh chỉ trong có 5 ngày là bị tiêu diệt và phần còn lại chạy về Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng, đây là một võ công oanh liệt vô tiền khoáng hậu, trong một thời gian quá nhanh, mà đánh dàn trận chính quy, chứ không phải chỉ đánh du kích mà thôi. Thành thử tôi nghĩ rằng, mọi người Việt Nam, kể cả những người đối thủ của Tây Sơn, của Quang Trung, cũng phải thừa nhận.
RFI : Xin được hỏi nhà sử học một câu cuối cùng, trong sự phát triển của Việt Nam và khu vực, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã để lại những giá trị gì ?
Nhà sử học Nguyễn Nhã : Đây không phải chỉ là một cuộc đại thắng. Chiến công hiển hách đó mở đầu một triều đại rất ấn tượng. Bởi vì, lần đầu tiên, chữ nôm chính thức được Quang Trung cho sử dụng trong các văn bản, thay vì chữ Hán. Đây là điều thể hiện rất rõ nét bản sắc Việt Nam. Chúng ta thấy, từ thế kỷ thứ X, các vua ở Việt Nam đều có xưng là hoàng đế, đại hoàng đế, Đại Việt, Đại Cồ Việt, … nhưng về vấn đề văn hóa vẫn còn có sự nô lệ ở mức độ nào đó, nhất là khi mà sử dụng chữ Hán và dùng Nho học làm khoa cử. Theo tôi, đấy là một sự sai lầm. Bởi vì Nho học tức là học sách Tàu, lịch sử Tàu, và đặc biệt là trong các kỳ thi hương không có thi Nam sử, mà chỉ thi Bắc sử. Quang Trung chính là người mở đầu tinh thần độc lập về văn hóa như thế.
Thứ hai là Quang Trung rất trọng những hiền tài. Khi làm vua rồi, đối với ông La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp hết sức là trọng thị. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần hai điều đó thôi đã để lại cho đời một tinh thần, một di sản rất quý giá.
Tôi là một người hồi còn trẻ, rất ngưỡng mộ sự nghiệp của Quang Trung. Khi lập sự nghiệp, Quang Trung chỉ mới là thanh niên thôi, và khi mất ông mới có 40 tuổi. Vì vậy, khi tôi chủ biên tập Văn Sử Địa, tôi đã ra số đặc khảo về Quang Trung (số 9-10), số 13 là về chiến thắng Đống Đa, số 21 là kỷ niệm phong trào Tây Sơn.
Tôi nghĩ là người Việt Nam, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, cả già hay trẻ, chắc đều có chia sẻ cũng như tôi vậy. Theo tôi, phải thừa nhận là Quang Trung – Nguyễn Huệ không những là một thiên tài quân sự, mà còn là một Đại Hùng của dân tộc.
(…) Mong rằng mùa Xuân Kỷ Dậu sẽ mãi mãi đến với chúng ta.
Giỗ trận Đống Đa vốn của người Hoa
Tiếp theo đây là những lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc và những ghi nhận của ông về chiến thắng Đống Đa và một số thành quả mà triều đại Tây Sơn đã để lại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Đối với người Việt Nam, cái Tết gần như được kết thúc bằng một sự kiện, hay một lễ kỷ niệm đã trở thành một truyền thống, một tập quán, không chỉ riêng của người dân Hà Nội, mà còn của nhiều địa phương trên cả nước. Đó là cái giỗ trận. Giỗ trận là một cách nói một mạc, giản dị, nhắc lại trận chiến đánh thắng quân Mãn Thanh ở Đống Đa.
Cái quá trình diễn ra trận này chắc nhiều người được biết, nhưng ai cũng nhớ tới hình tượng đã được văn học hóa, như trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí có hình ảnh của hoàng đế Quang Trung cùng đại quân của mình, kéo vào Thăng Long, giữa một mùa xuân đầy xác pháo, khói súng và ánh sắc của hoa đào. Có thể nói đấy là biểu tượng của chiến thắng có thể nói lừng lẫy nhất trong lịch sử bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của tổ quốc, trước các thế lực xâm lược từ phương Bắc tới. Nhưng chiến trận năm Kỷ Dậu không chỉ ghi nhận chiến thắng chống ngoại xâm, như nhiều thế hệ cha ông ta đã lập nên trước đây trong lịch sử.
Những đóng góp rất to lớn của nhà Tây Sơn, đặc biệt là hoàng đế Quang Trung nói riêng, đã chấm dứt tình trạng phân tranh Nam Bắc, tạo ra nền tảng cho sự thống nhất quốc gia và trên một lãnh thổ đã tương đối hoàn chỉnh, sau nhiều thế kỷ mở mang bờ cõi và cũng là tiến trình không ngừng đương đầu với các thế lực từ bên ngoài, cho dù triều đại Tây Sơn sau đó rất ngắn ngủi, vì thất bại trước Gia Long. Triều Nguyễn lên ngôi, kế thừa thành quả thống nhất quốc gia của Quang Trung. Về mặt chính trị, trong sử sách nhà Nguyễn vẫn gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, … cho nên rõ ràng về mặt kỷ niệm cái chiến thắng Đống Đa không được duy trì như một quốc lễ, trong bối cảnh chiến thắng này gắn với nhà Tây Sơn, là một địch thủ của nhà Nguyễn.
Phải nói là cho đến trước năm 1945, quanh khu vực Đống Đa, chỉ có diễn ra một lễ hội, cũng gọi là giỗ trận, nhưng theo sách vở để lại, chủ yếu là do những người Hoa tổ chức để nhớ lại tổ tiên của mình chăng ? Người Việt thì họ đến đấy, họ chiêm ngưỡng, họ quan sát lễ hội ấy, nhưng không phải là lễ hội để giỗ những chiến binh của Tây Sơn, mặc dù gần đấy, chúng ta thấy có những ngôi đền, ngôi chùa rất kín đáo, có tượng của Đức Ông, nhưng thực ra là hiện thân của hoàng đế Quang Trung.
Năm thứ 1 Việt Nam DCCH : Lần đầu tiên công khai kỷ niệm Quang Trung
Mặc dù hơn hai thế kỷ đã trôi qua, hồi ức về Chiến thắng Đống Đa 1789 dường như vẫn còn tươi rói trong ký ức của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều người Việt Nam ngày nay. Trên thực tế, chiến thắng lịch sử của thời kỳ Quang Trung – Nguyễn Huệ mới chỉ được các cộng đồng thuộc xã hội dân sự tại Việt Nam công khai tưởng niệm cách đây mới hơn nửa thế kỷ. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất lịch sử của việc phục hồi ký ức về cuộc chiến 1789, mấy tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập. Đây là một điều mà chắc còn ít người biết đến.
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Biên niên sử ghi nhận rằng, lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức giỗ trận Đống Đa theo đúng nghĩa, tức là kỷ niệm chiến thắng của hoàng đế Quang Trung, diễn ra vào năm 1946, tức là mùa xuân độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dẫu sao, cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng là đỉnh cao của tinh thần dân tộc, chống đô hộ nước ngoài. Cho nên trong sử sách hiện nay vẫn còn lưu lại những hình ảnh, những bài báo cho thấy rõ là, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó đã khai thác rất là triệt để những yếu tố mang tinh thần dân tộc, để động viên lòng yêu nước của dân.
Mùa Xuân năm Bính Tuất, Tết độc lập đầu tiên, lần đầu tiên chúng ta giữ được hình ảnh người dân lũ lượt kéo đến gò Đống Đa để kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa. Đấy có thể là một biểu trưng rất là tiêu biểu, và kể từ đó trở đi, ngay cả trong cái thời kỳ ta gọi là « tạm chiếm », thì cái nếp tổ chức giỗ trận Đống Đa, như là kỷ niệm chiến thắng Quang Trung vẫn được duy trì, và có thể nói từ sau 1954 đến nay, nó là ngày lễ trọng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cách đây khoảng hơn 1 năm, tại ngôi chùa Kim Mã, nơi trước kia cơ quan văn hóa của Hà Nội đã làm một tấm bia ghi nhận nơi đây chính là nơi chôn cất các nghĩa sĩ Tây Sơn, đã diễn ra lễ tưởng niệm các nghĩa sĩ, cách không xa, nơi diễn ra giỗ trận Đống Đa.
Tôi nghĩ rằng, những giai đoạn lịch sử hiện đại về sau của Việt Nam rất phức tạp, với nhiều chế độ chính trị khác nhau, nhưng tôi nghĩ, chính thể nào cũng đều tôn vinh những người yêu nước cả, đều tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm.
Bài học xưa : Chiến tranh và Hòa bình
RFI : Thưa ông, xin được hỏi ông một câu dành cho những ai quan tâm sâu hơn về lịch sử, liên quan đến việc phục hồi hình ảnh Quang Trung – Nguyễn Huệ, mà ông vừa nói. Câu hỏi đặt ra ở đây là, không biết vì sao hình tượng Quang Trung và chiến thắng này không được chính thức (hay công khai) tôn vinh, mặc dù trong thời kỳ trước năm 1945, việc làm này không hẳn đã bị cản trở từ phía chính quyền thuộc địa ? Phải chăng điều này là do triều đại nhà Nguyễn vẫn tiếp tục có một ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của xã hội ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Theo tôi được biết, trước năm 1945, chưa bao giờ có một hoạt động công khai mang tính quốc gia của nhà nước. Cho dù là nhà nước thuộc địa, vì đằng sau triều đại phong kiến vẫn còn tồn tại. Mà chúng ta biết, do những hệ lụy lịch sử, triều Nguyễn coi Quang Trung là nghịch tặc, và ngụy triều. Cho nên, chắc chắn là việc tổ chức công khai có tính quốc gia, sự tôn vinh đối với Quang Trung, với Tây Sơn là điều không thể xảy ra dưới triều Nguyễn được. Còn người dân có thể có cách biểu hiện của mình một cách kín đáo, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, thì việc này có thể có.
RFI : Thưa ông, tại sao nhiều người lại cố gắng phục dựng lại niềm tự hào hoặc những kỷ niệm về thời đó vào thời điểm bây giờ ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Cũng như tôi nói, thời kỳ tồn tại nhà Nguyễn cho đến năm 1945 thì mới chấm dứt, do những hệ lụy lịch sử thì việc tôn vinh Quang Trung có thể nói thẳng là cấm kỵ, vì thế mà người dân thì phải kín đáo (tưởng nhớ), bên cạnh lễ hội của người Hoa, diễn ra tại khu vực Đống Đa, mà người Việt Nam cũng thừa nhận như một dấu tích của chiến thắng của cha ông xưa.
Chúng tôi biết sau này, Sở văn hóa Hà Nội, trên cơ sở các nghiên cứu sử học đã ghi nhận địa điểm Chùa Kim Mã lâu rồi. Đương nhiên, trong bối cảnh (…) diễn ra một số động thái đặc biệt liên quan đến Biển Đông, trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, thì rõ ràng, như thế phần nào nó kích thích, nó nhắc nhở. Những hoạt động ấy chứa đựng phần nào không khí thời sự. Bên cạnh việc tiếp tục các lễ hội (liên quan đến thời Tây Sơn) gần như đã trở thành thường niên diễn ra ở Đống Đa, việc tu sửa và nâng cấp một số điểm tại chùa Kim Sơn cũng là để bổ sung thêm, làm cho lễ hội thêm phong phú, và cũng nhắc nhở người Việt Nam luôn nhớ đến bài học xưa.
Tôi cũng muốn nói là, riêng đối với triều đại Tây Sơn, lập được một chiến công vô cùng hiển hách như thế, nhưng chúng ta cũng phải thấy thêm một khía cạnh nữa là bản thân nhà Tây Sơn cũng luôn mong giữ được sự hòa hiếu với Phương Bắc, để bảo vệ sự tự chủ vững bền hơn, mặc dù ông là người chiến thắng. Và điều này cũng đáp ứng được mong muốn của người dân được sống trong hòa bình. Tôi nghĩ đây cũng là một bài học không nhỏ.
Thời Tây Sơn : Rất nhiều dấu hỏi !
RFI : Thưa ông, những điều ông trình bày có thể coi là các đóng góp để lại của Quang Trung – Nguyễn Huệ, đặc biệt là về mặt quân sự. Cũng xin được hỏi ông về những nghiên cứu trong thời gian gần đây có những điểm gì mới, và hiện có những điểm gì tồn nghi, hay những điều cần khai phá trong tương lai ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ lịch sử là quá trình nhận thức về khoa học, nhưng đồng thời nó cũng gắn rất liền với tâm thế của một quốc gia, tức là những yếu tố mang tính thời sự, mang tính chính trị luôn luôn tác động vào. Như tôi đã nói, kể từ sau khi triều đình nhà Nguyễn không còn nữa, có thể nói là việc nghiên cứu về Quang Trung – Nguyễn Huệ - Tây Sơn được giải phóng. Điều này diễn ra trong tất cả mọi thể chế chính trị ở Việt Nam tiếp theo đó, kể cả trong chế độ Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, cũng như trong chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam.
Tôi cũng đã theo dõi các nghiên cứu của các sử gia miền Nam trước 1975, thấy được rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Còn ở miền Bắc, cũng có nhiều công trình. Có thể nói nhìn chung, mối quan tâm đầu tiên liên quan đến lịch sử quân sự. Chúng tôi cũng ghi nhận là, bên cạnh việc nghiên cứu, sự tôn vinh đối với hoàng đế Quang Trung và triều đại Tây Sơn tại Việt Nam, có thể nói rất được quan tâm.
Về việc nghiên cứu, dù cá nhân tôi không phải là chuyên gia, tôi cũng ghi nhận là bên cạnh nghiên cứu theo góc độ lịch sử quân sự, người ta cũng bắt đầu quan tâm lĩnh vực khác, các đóng góp khác, đặc biệt là lý giải vì sao triều đại Quang Trung được xây dựng trên một nền tảng rất hoành tráng của một cuộc khởi nghĩa nông dân, thực hiện được mục tiêu thống nhất quốc gia, rồi lại đánh bại quân xâm lăng, rồi lại ngắn ngủi như vậy ?
Ngay cả những « phát triển » trong nội bộ ba anh em Quang Trung cũng là một bài học lớn của lịch sử.
Có thể nói cho đến giờ, việc nghiên cứu những gì liên quan đến nhà Tây Sơn vẫn là một điều hấp dẫn nhiều nhà sử học, nó cũng đòi hỏi việc nghiên cứu ngày càng đi vào chiều sâu hơn, để có thể rút ra được các bài học lịch sử đối với một triều đại tuy ngắn ngủi, nhưng hết sức vẻ vang hoành tráng, và cũng để lại nhiều dấu hỏi không dễ dàng giải đáp được.
"Việt Thanh chiến dịch" - một đóng góp mới
Thời kỳ Tây Sơn và các hoạt động của cá nhân nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ - Quang Trung, như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, đặt ra nhiều câu hỏi.
Trong những năm gần đây, có một số nghiên cứu đã được đẩy mạnh theo hướng phục dựng lại hiện thực lịch sử rất phức tạp của giai đoạn này, bên cạnh cuốn "Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802)" của sử gia Tạ Chí Đại Trường (viết năm 1973 và được tái bản nhiều lần từ năm 1991 đến nay), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý thính độc giả nghiên cứu của tiến sĩ sử học Nguyễn Duy Chính (California - Hoa Kỳ), đặc biệt là cuốn biên khảo "Việt Thanh chiến dịch", mới hoàn tất vào đầu năm 2011. Trong cuốn sách này, nhà sử học Nguyễn Duy Chính đã đặc biệt dựa vào các văn bản trao đổi của triều đình nhà Thanh với quan lại địa phương trong thời kỳ này, được tập hợp trong bộ "Khâm định An Nam kỷ lược" (Nhà xuất bản Hải Nam ấn bản năm 2000), để đối chiếu với các tư liệu phía Việt Nam và quốc tế. Nhiều phát hiện và hướng nghiên cứu mới, thậm chí những cách nhìn rất khác, đã mở ra từ cuốn sách này. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là một công trình tiếp nối truyền thống nghiên cứu sử học xuyên quốc gia, ở Việt Nam được mở ra đặc biệt với tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn "Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý" (1949). 
Nhân dịp đầu năm, xin kính gửi đến quý thính độc giả lời chúc hạnh phúc và thành công.
Xin chân thành cảm ơn hai nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã và Dương Trung Quốc đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay.
Bài xem thêm
Tại Việt Nam, « Sách giáo khoa hiện nay làm học sinh không tin cậy vào môn lịch sử »
Lễ Khai ấn đền Trần : Linh thiêng hay lừa lọc ?
Việc gán cho rùa Hồ Gươm tính cách « linh thiêng » cản trở việc làm sạch hồ và chữa bệnh cho rùa



__._,_.___