Sunday, June 2, 2013

 

Thông điệp của Đại sứ Mỹ ở Little Saigon

Vũ Quí Hạo Nhiên
Tường thuật cho BBC từ Little Saigon
Cập nhật: 22:58 GMT - thứ bảy, 1 tháng 6, 2013
Cuộc họp được tổ chức ở Lê-Jao Center, đại học Coastline Community College ở Little Saigon
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear vừa họp với cộng đồng Việt Nam hôm thứ Bảy 01/06/2013 ở Little Saigon, Nam California.
Tại đây Đại sứ Shear đã trình bày và trả lời câu hỏi bao quát nhiều chủ đề, từ quốc phòng tới di trú tới thương mại, nhưng đề tài được quan tâm nhất vẫn là nhân quyền và tự do tôn giáo - một điều có thể hiển nhiên, vì chính Đại sứ Shear cũng tuyên bố “nhân quyền có liên kết không tách rời được” với những lãnh vự khác trong quan hệ Mỹ–Việt.
Một trong những điều mà cả Đại sứ Shear lẫn Dân biểu Alan Lowenthal, một thành viên Ủy ban Ngoại giao Hạ viện và là người tổ chức buổi họp, đều nói, là nếu Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì Hà Nội phải thực hiện “những tiến bộ chứng minh được” về nhân quyền.
Trình bày với hình ảnh kèm theo, Đại sứ Shear cho biết bốn mục tiêu của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam là “quan hệ kinh tế và thương mại; hợp tác về ngoại giao và an ninh khu vực; giáo dục, y tế, môi trường; và đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền.”
Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng vừa đưa ra thông điệp về an ninh hàng hải tại Singapore.
Về an ninh trên Biển Đông, Đại sứ Shear nói “Chúng tôi rất quan ngại về mức căng thẳng đang gia tăng trên vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Chúng tôi sẽ cực kỳ quan ngại nếu bất cứ bên nào hiện đang khẳng định chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa lại sử dụng đến vũ lực.”
“Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp đa phương mạnh mẽ để quản lý vùng biển này,” ông nói. Trong cuộc họp báo ngắn theo sau buổi gặp gỡ cộng đồng, trả lời BBC ông nói thêm một lần nữa là Hoa Kỳ muốn các bên liên quan “tìm giải pháp trong một quá trình cả nhóm.”
“Chúng tôi muốn ASEAN thương thuyết để giúp giải quyết những khác biết, nhưng nếu không giải quyết được, thì chúng tôi muốn những khác biệt được khống chế,” ông nói.
"Hoa Kỳ không ủng hộ riêng sự khẳng định chủ quyền của riêng nước nào trên vùng biển này cả"
Đại sứ Hoa Kỳ David Shear
“Tôi nghĩ là Tổng thống Obama cũng sẽ nói như vậy với Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai người gặp nhau tại California vào tuần tới.”
Hoa Kỳ ủng hộ bản Tuyên bố Ứng xử biển Đông năm 2002, và ủng hộ các bên thỏa thuận một bộ Quy tắc Ứng xử mới.
Tuy nhiên, ông nói thêm, “Hoa Kỳ không ủng hộ riêng sự khẳng định chủ quyền của riêng nước nào trên vùng biển này cả.”
Biển Đông là một đường hàng hải chiến lược, và không chỉ có Hoa Kỳ quan tâm, mà nhiều nước khác cũng hợp tác trong vấn đề này, có Úc, Nhật và Nam Hàn.
Đại sứ nói ông dùng tên gọi Biển Nam Trung Hoa vì đó là tên chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng ông thông cảm với một số cử tọa trong cộng đồng muốn ông dùng tên Biển Đông hay biển Đông Nam Á. “Chuyện đặt một tên rất là khó, mà không phải chỉ ở Việt Nam,” ông nói. “Các đồng nghiệp Hàn Quốc luôn luôn muốn chúng tôi ngừng dùng tên gọi 'biển Nhật Bản' mà họ muốn chúng tôi dùng tên 'Biển Đông."
Chọn Mỹ hay TQ?
"Có những người giáo điều ý thức hệ và lo ngại về những biến đổi về xã hội và chính trị nếu bang giao quá mật thiết với Hoa Kỳ"
Trong buổi gặp gỡ cộng đồng, có một vị trong cử tọa hỏi về cách đảm bảo thăng bằng của giới lãnh đạo Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông gọi đó là đi một đường mỏng manh ("a delicate line"), và Đại sứ David Shear trả lời:
"Ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về Hoa Kỳ rất là phức tạp. Có những người từng tham chiến trong chiến tranh, và họ chưa hoàn toàn thân thiện với Hoa Kỳ. Có những người giáo điều ý thức hệ và lo ngại về những biến đổi về xã hội và chính trị nếu bang giao quá mật thiết với Hoa Kỳ.
"Có những người muốn cải tổ kinh tế và họ cho Hoa Kỳ là nước tốt nhất có thể giúp Việt Nam trong cải tổ kinh tế. Lại có người muốn thân thiện với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc. Cho nên, vâng, họ đang đi một đường rất mong manh, mà phía chúng ta cũng vậy." Đại sứ Hoa Kỳ nói thêm
TPP gắn liền nhân quyền
"Tôi nói điều này [tiến bộ về nhân quyền] với các viên chức cao cấp của Việt Nam. Tôi nói với Chủ tịch Sang, tôi nói với Thủ tướng Dũng, tôi nói với Tổng bí thư Trọng, tôi nói với Bộ trưởng Ngoại giao Minh."
Trong cuộc họp báo ngắn theo sau buổi gặp gỡ cộng đồng, Đại sứ Shear trích dẫn một báo cáo kinh tế của cơ quan nghiên cứu Peter G. Peterson Institute for International Economics, trong đó Hiệp định TPP được tiên đoán là sẽ gia tăng mức xuất khẩu của Việt Nam 26%, và gia tăng GDP của Việt Nam 11%.
Tuy nhiên, nhắc lại nhiều lần, ông nói Việt Nam phải có những “tiến bộ chứng minh được” trong lãnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo nếu muốn gia nhập TPP hay muốn có những bước hợp tác chặt chẽ hơn về ngoại giao và quốc phòng.
“Tôi nói điều này với các viên chức cao cấp của Việt Nam. Tôi nói với Chủ tịch Sang, tôi nói với Thủ tướng Dũng, tôi nói với Tổng bí thư Trọng, tôi nói với Bộ trưởng Ngoại giao Minh. Tôi và các nhân viên ngoại giao đoàn nói điều này với tất cả các viên chức Việt Nam nào mà chúng tôi có cơ hội gặp.”
Ông đưa thí dụ những điều Hoa Kỳ đã đòi hỏi ở Việt Nam: Thả tù chính trị, tăng cường tự do ngôn luận, tự do hội họp, tăng cường tự do tôn giáo và công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, thông qua Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Một số thành tựu mà ông gọi là “rất khiêm tốn” trong lãnh vực này là việc thả Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, thả Luật sư Lê Công Định, và vào tháng Hai, Hà Nội tiếp giám đốc văn phòng Washington DC của Ân xá Quốc tế.
Tôn giáo & CPC
Đã có những buổi cầu nguyện của cộng đồng công giáo cho ông Đoàn Văn Vươn.
Mặt khác, Hà Nội vẫn còn giới hạn tự do tôn giáo. Ông kể về một chuyến đi Vinh gặp Giám mục Nguyễn Thái Hợp vào tháng Chín 2012.
Chuyến đi dự trù kéo dài hai ngày trong đó có cuộc gặp Đức cha Hợp. Nhưng khi đến nơi, ông được cho biết là cuộc gặp sẽ không diễn ra được. Ông đã rút ngắn chuyến đi, chỉ vào gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An “để nói là tôi rất thất vọng với việc không được gặp Giám mục Hợp,” và sau đó về thẳng Hà Nội.
“Tôi cũng chẳng chờ tới chuyến máy bay nữa, tôi lên xe và lái thẳng về.
“Nhân viên ngoại giao chúng tôi gặp gỡ và giữ liên lạc thường xuyến với các nhân vật các tôn giáo tại Việt Nam, vì đây là vấn đề quan trọng.”
Khi một phóng viên so sánh là ở Việt Nam người ta đi nhà thờ, đi chùa rất tự do, Đại sứ Shear cũng công nhận. “Như khi tôi đến Phát Diệm, người ta đi lễ Nhà thờ Chính tòa rất đông,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn có nhiều rào cản trong việc thờ phượng, “nhiều cơ sở tôn giáo chưa được công nhận.” Đại sứ Shear kể chuyện đi gặp hai cộng đoàn tôn giáo tại gia ở Điện Biên, một Tin Lành và một Công Giáo. “Họ nói với tôi là khi chúng tôi quan tâm tới họ thì chính quyền địa phương bớt làm khó dễ họ hơn.”
"Họ nói với tôi là khi chúng tôi quan tâm tới họ thì chính quyền địa phương bớt làm khó dễ họ hơn"
Nhưng cũng trong lãnh vực tôn giáo, nhiều người trong cử tọa lên tiếng muốn Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào lại danh sách CPC, tức danh sách “nước cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo. CPC là một danh sách thiết lập theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IFRA).
Trong khi nhiều người đặt vấn đề CPC, Đại sứ Shear nói Việt Nam nói đạo luật IFRA có những điều khoản rất hẹp và rất cụ thể để đặt một nước nào đó vào danh sách CPC, và Việt Nam được đưa ra khỏi CPC năm 2006 vì Mỹ cho rằng mức đàn áp ở Việt Nam “chưa tới mức của IFRA.”
Tuy nhiên, không lên danh sách CPC “không có nghĩa là tự do tôn giáo không phải là vấn đề cực kỳ quan trọng.” Ông nói “chúng tôi đặt vấn đề này ở mức ngoại giao với những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất.”
Buổi gặp gỡ cộng đồng và họp báo liên tục xoay quanh những vấn đề nhân quyền, tôn giáo và Biển Đông.
Một đại diện của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam trao cho Đại sứ Shear bản Báo cáo Nhân quyền. Một nhà báo đặt vấn đề áp lực Việt Nam cho truyền thông hải ngoại được phát về Việt Nam. Nhiều người muốn biết vụ gian lận visa ở Sài Gòn và ảnh hưởng tới việc xét thị thực (“tôi không nghĩ sẽ ảnh hưởng tới mức độ bác đơn thị thực,” ông trả lời).
Giáo dục, y tế và môi trường
"Chẳng việc gì tôi làm trong lãnh vực nhân quyền có thể ảnh hưởng với Việt Nam nhiều bằng những gì các sinh viên này sẽ thực hiện trong vòng 15 tới 30 năm nữa."
Về giáo dục, Đại sứ Shear nói hiện có trên 15,000 du học sinh và sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, và ông khẳng định “Chẳng việc gì tôi làm trong lãnh vực nhân quyền có thể ảnh hưởng với Việt Nam nhiều bằng những gì các sinh viên này sẽ thực hiện trong vòng 15 tới 30 năm nữa.”
Ngược lại, nhiều sinh viên và trí thức Mỹ cũng qua Việt Nam học và nghiên cứu theo chương trình Fulbright. Ngoài ra, mỗi năm chương trình Fulbright đưa 20 người qua Việt Nam để huấn luyện cho thầy cô giáo Việt Nam phương pháp dạy tiếng Anh tốt hơn.
Về môi trường, Đại sứ Shear cũng cho biết Việt Nam đang lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Sông Cửu Long hiện đang bị tấn công từ hai phía,” ông nói. Một phía là những đập thủy điện ở thượng nguồn, và một phía là địa cầu đang bị hâm nóng khiến mực nước biển dâng và đất canh tác bị mặn thêm.
Trong lãnh vực y tế, Đại sứ Shear nhắc đến những phần trợ giúp chống HIV, chống cúm gia cầm, cũng như những trường lớp, phòng y tế, được tu sửa bằng viện trợ USAID.
Đưa hình chụp Phó Đại sứ Claire Pierangelo trong một trường tiểu học và phòng khám nha khoa ở Kontum, ông nói thêm, “Chúng tôi rất quan tâm tới vùng Tây nguyên và nhân sự ngoại giao đoàn đến thăm vùng đó nhiều lần.”




--
http://www.youtube.com/watch?v=4tAAmSSzy4U
 http://www.youtube.com/watch?v=GnyjWuPHlmg&list=UUzUUt5im_vAsqzLG04q7_iQ&index=2&feature=plcp

http://www.youtube.com/watch?v=ZMTlFn4x7c8
www.nguyenkinhdoanh.com
www.nguyenkinhdoanh.net

No comments:

Post a Comment