Trung Quốc phản đối luật biển của VN
Cập nhật: 09:10 GMT - thứ năm, 21 tháng 6, 2012
Trung Quốc lần đầu xác nhận thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển.
Việt Nam cũng lên tiếng đáp trả, nói rằng Trung Quốc "chỉ trích vô lý".
Chủ đề liên quan
Tin về quyết định thành lập Tam Sa từng châm ngòi cho các vụ biểu tình tại Việt Nam năm 2007, nhưng khi đó Trung Quốc phủ nhận.
Nhưng hôm nay, trang web Bộ Dân chính Trung Quốc đưa tin về việc “Quốc vụ viện phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa".
“Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây phê chuẩn dỡ bỏ Văn phòng quần đảo Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa tỉnh Hải Nam.”
Thông báo viết Trung Quốc đã thành lập “thành phố cấp địa khu Tam Sa, quản lý các đảo, bãi ngầm và vùng biển của quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.
Trụ sở của chính quyền theo cấp mới này đặt trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, nằm trong quần đảo Hoàng Sa nhưng vẫn thuộc sự quản lý của thành phồ́ Tam Á, trên đảo Hải Nam.
Theo BBC Tiếng Trung tại London, danh từ dùng để chỉ cấp hành chính này là 'chuyên khu', dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện, và cho thấy cấp hành chính 'quản lý' Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có thẩm quyền và ngân sách lớn hơn.
Cấp 'khu', mà các văn bản tiếng Anh hoặc dịch là 'prefecture', hoặc lớn hơn là 'autonomous region' (tự trị khu) cũng được dùng để quản lý nhiều vùng thuộc sắc tộc Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên ở biên giới của Trung Quốc.
Tin này đưa ra ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển trong ngày 21/6.
Báo chí Việt Nam cho hay ngay Điều 1 của Luật Biển đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.
Với 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Việt Nam đáp trả
Từ Hà Nội, người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói Luật Biển Việt Nam thông qua là "hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
"Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam."
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị
Thông cáo trên trang mạng Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: "Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam."
"Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'".
Ông Nghị nói tiếp: "Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông."
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm '16 chữ' và tinh thần '4 tốt' vì lợi ích của nhân dân hai nước," ông tuyên bố.
Thành phố?
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Dân chính Trung Quốc tuyên bố hôm nay rằng Trung Quốc “phát hiện sớm nhất, đặt tên và liên tục thi hành quản lý chủ quyền đối với các đảo, bãi ngầm và vùng biển của quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.
“Việc thành lập thành phố Tam Sa lần này là sự điều chỉnh và hoàn thiện thể chế quản lý hành chính các đảo, bãi ngầm và vùng biển quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa của tỉnh Hải Nam,” người này nói.
Trước đây, có tin nói Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố Tam Sa tháng 11/2007.
Khi tin này loan ra, một loạt các cuộc biểu tình diễn ra tại Việt Nam để phản đối cuối năm 2007.
Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận kế hoạch thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa để quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Lời văn phản đối trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Tây Sa hải đảo và Nam Sa hải đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo này và vùng phụ cận thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc.
"Bất cứ nước nào đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và theo đó áp dụng bất cứ hành động nào đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là phi pháp và vô hiệu."
Trong khi đó Luật Biển của Việt Nam cũng khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
Mặc dù vậy Luật cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Báo chí trong nước nói Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với sự đồng ý của 99,2% đại biểu.
Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, đã chứng kiến nhiều sự cố trong thời gian gần đây.
Trong đó các vụ bắt ngư dân đánh cá giữa các nước ngày càng tăng kèm theo những sự cố như vụ chạm trán gần đây giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough hay trước đó là vụ Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment