Kính chuyển.

From: Liem Nguyen <liemnguyen@yahoo.com> 
Một chuyện đau buồn của quê hương ngày giặc phương Bắc tràn vào... --- On Thu, 6/21/12, NGUYEN VAN LOC <LocNguyen6110@yahoo.com> wrote:

Hải Quân Trung tá HÀ-NGỌC-LƯƠNG, Thủ khoa Khóa 9 - Đệ Nhất NHÂN-MÃ
& Lê thị Kỳ Duyên và các con.

NHA TRANG, NƠI BẠN TÔI NẰM ĐÓNguyễn thị Thể-Lý; 2010/04/13

Kính tặng hương hồn gia đìnhHQ Trung tá Hà Ngọc Lương


Tôi vừa về, từ nhà thầy cô Bùi Ngoạn Lạc. Tôi xuống thăm và hoàn trả cô Lạc quyển Tư Nguyên thi tập III cô cho tôi mượn mấy tuần nay. Khi ra về, thầy Lạc đưa tặng tôi quyển Đặc san Khánh Hòa - Nha
Trang. Một người học trò cũ đã gởi biếu thầy cô hai quyển, thầy tặng lại anh Thể và tôi một quyển khi biết chúng tôi chưa có Đặc san Khánh Hòa - Nha Trang Xuân Quí Mùi 2003 vừa mới phát hành từ Houston, Texas.

Về đến nhà, tôi ra mail box lấy thư vào. Thật là vui khi thấy một Đặc san Khánh Hòa - Nha Trang nữa do một chị bạn gởi tặng, chị Hà Lan Nha. Trước đây một tuần chị Lan Nha phone nói chuyện với tôi . Chị nói sắp đến ngày giỗ người anh đáng kính của chị là Trung tá Hà Ngọc Lương. Chị cảm thấy buồn nên chị gọi phone chia xẻ với tôi. Lại một lần nữa, chị Lan Nha nói lời cảm tạ chúng tôi đã tẩm liệm chôn cất gia đình anh Lương tất cả năm người gồm vợ chồng con cái. Trung tá Lương đã bắn vợ con rồi tự sát tại Trường Sinh Viên Sĩ Quan khi toàn Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang đã di tản vào Sàigòn. Qua phone, tôi biết chị sắp khóc, tôi tế nhị lái câu chuyện sang hướng khác vui hơn.

Nhìn hình bìa in nhiều thắng cảnh Nha Trang trên Đặc san, lòng tôi bâng khuâng xao xuyến nhớ về quê hương ngày cũ. Nha Trang, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nha Trang, nơi đã gói tròn tuổi thơ và tuổi học trò đầy thơ mộng của tôi, với muôn vàn kỷ niệm tuyệt vời. Nha Trang, nơi tôi đã có mối tình tuyệt đẹp với một chàng sinh viên sĩ quan Hải quân Khóa 12, Đệ Nhất Song-Ngư (Hải Quân Thiếu tá Hà Tấn Thể). Trong những chuyến hải hành, nếu chiến hạm bỏ neo tạm nghỉ bến Cầu Đá, chàng Thiếu úy trẻ tuổi mới ra trường phóng nhanh lên Phương Sài gặp tôi, cô nữ sinh đệ 1 ban C đang học tại trường Võ Tánh (lúc đó Nữ Trung Học chưa có lớp đệ nhất). Rồi hai đứa chúng tôi, tay trong tay, dạo chơi trên bãi biển cát trắng phau mịn màng. Chúng tôi nói cho nhau nghe niềm thương nỗi nhớ. Hai năm sau chúng tôi kết hôn và chúng tôi giữ mối tình đẹp đó mãi đến bây giờ.

Tôi đã chứng kiến ngày Nha Trang thất thủ. Tôi có ý nghĩ, Nha Trang ví như cô thiếu nữ hiền lành xinh đẹp đang rơi vào tay tên cướp bạo tàn. Tội nghiệp Nha Trang thơ mộng xinh đẹp của tôi! Tôi yêu mến Nha Trang như yêu mến người tình thủy chung muôn thủa. Nha Trang ơi, làm sao tôi có thể quên NhaTrang được với dường ấy kỷ niệm, dù tôi đã xa Nha Trang tròn 18 năm chưa một lần về thăm.

Sau ngày Nha Trang lọt vào tay bọn cướp, bao nhiêu biến đổi đau thương đến với dân Nha Trang. Tôi cũng trôi giạt theo giòng đời tận cùng đau khổ như mọi người.

Nhìn lại hình bìa với những thắng cảnh Nha Trang thủa nào, tôi xúc động thở dài.

Tôi tưởng tượng đi từ hướng cầu Xóm Bóng, qua Tháp Bà độ hai cây số là đến Đồng Đế. Đồng Đế có nhiều địa danh đáng ghi nhớ. Có Trừơng Hạ Sĩ Quan. Có thắng cảnh Hòn Chồng với biết bao kỷ niệm đẹp in sâu trong lòng tôi. Có Bãi Dương xanh ngắt một màu, suốt ngày reo vui hòa nhạc cùng sóng biển Hòn Chồng.

Đồng Đế có hai nghĩa trang nằm dọc hai bên Quốc Lộ 1 . Dãy bên trái có em trai tôi đang yên nghỉ. Em lìa đời sớm, khi còn rất trẻ. Có con gái của chúng tôi, Hà Tấn Thảo Nguyên, đang yên giấc ngàn thu, gần phần mộ của bác sĩ Hà Thúc Nhơn. Nghĩa trang bên phải có cha chồng tôi nằm yên vĩnh viễn, mặc cho giòng đời trôi chảy. Cách đó vài trăm thước về hướng đông bắc có một dãy năm nắm mộ thấp lè tè hoang vu đầy cỏ daị vì lâu ngày không ai khói hương săn sóc. Nơi an nghỉ ngàn thu của bạn tôi đó, gia đình Hải Quân Trung tá Hà Ngọc Lương & Lê thị Kỳ Duyên và các con.

Trước khi đi vượt biên hai ngày (19/5/84), anh Thể và tôi từ Cam Ranh ra nghĩa trang Đồng Đế thăm viếng và nói lời từ biệt với bạn tôi lần cuối. Nếu hồn anh chị Lương linh thiêng, xin phù hộ cho gia đình tôi đi trót lọt trên bước đường trốn khỏi ngục tù Cộng sản. Chúng tôi phải vất vả tìm kiếm mới nhận ra 5 nấm mộ mà 9 năm trước anh Thể và ông Khánh (anh của chị Lương) chính tay đào huyệt chôn cất họ. Năm nấm mộ giờ đây chỉ là năm nấm đất thấp lè tè hoang vu đầy cỏ dại. Tấm bảng gỗ viết bằng sơn hàng chữ “NƠI AN NGHỈ CỦA GIA ĐÌNH HÀ NGỌC LƯƠNG & LÊ THỊ KỲ DUYÊN” đã ngã xuống mục nát từ bao giờ vì đã trải qua gần một thập niên phong ba bão táp. Thì giờ qúa eo hẹp, phải về CamRanh cho kịp chuyến xe đò, chúng tôi không có thời giờ sửa sang săn sóc chỗ nằm cho anh chị Lương và các cháu được, tôi thương cảm đứng khóc mùi . Anh Thể thì cố nén xúc động, tay cầm nén nhang đứng trước mộ anh Lương thì thầm tâm sư. Tôi tế nhị đứng tránh ra xa. Sau đó, tôi thấy anh Thể đưa tay gạt nhanh hàng nước mắt đang chảy tràn trên má, trước khi cắm nén nhang xuống đầu nấm mộ anh Lương.

Tôi tin có sự phù hộ giúp đỡ của anh Lương nên gia đình tôi đã đi trót lọt. Chúng tôi được định cư ở Mỹ vào tháng 3/85, taị San Jose, California.

Đầu thập niên 1990, tôi được tin từ Việt Nam, bạo quyền Cng sản ra lệnh giải tỏa san bằng 2 khu nghĩa địa Đồng Đế để xây cao ốc. Ai có thân nhân chôn trong 2 khu đất đó phải đào lên cải táng hay hỏa táng.

Tôi biết tất cả họ hàng thân nhân anh Lương đều ở Sàigòn. Sau ngày Sàigòn thất thủ, thân nhân anh chỉ nghe phong phanh gia đình anh đã tự sát taị Nha Trang. Họ tuyệt nhiên không biết anh tự sát bằng cách nào, ai chôn cất và chôn tại đâu. Sau đó vài năm có người em trai anh Lương, ra Nha Trang dò la tin tức về cái chết gia đình người anh ruột mình. Nhưng chú ấy chẳng biết hỏi ai vì vào thời điểm đó anh Thể bị bọn Cộng sản cầm tù tại A30, Tuy Hòa. Còn tôi sau khi sanh cháu bé, đã dọn vào sinh sống tại Cam Ranh. Chú ấy cũng chẳng biết thân nhân của chị Kỳ Duyên ở đâu để mà thăm hỏi. Đó là lý do 9 năm sau, chúng tôi đến viếng mộ anh chị Lương lần cuối , thấy 5 nắm đất thấp lè tè đầy cỏ dại , chứng tỏ đã lâu lắm rồi không người viếng thăm hương khói. Có thể gia đình ông Khánh (anh của chị Kỳ Duyên) đã dời chỗ ở hay bị bắt buộc đi vùng kinh tế mới, không còn ở Nha Trang, nên chẳng săn sóc mộ phần gia đình người em gái được. Hơn nữa, sống dưới chế độ Cộng sản, con người làm quần quật còn không đủ cơm ăn áo mặc thì tiền bạc và thì giờ đâu mà lo cho người đã chết. Thế nên tôi nghĩ hài cốt của gia đình anh chị Lương chắc đã bị san bằng làm nền cao ốc. Tội nghiệp 5 nắm xương tàn của bạn và cháu tôi !

Lui về sáng ngày 1/4/75 tại cư xá Lê văn Duyệt, Nha Trang.

Trung úy Gia đem xe về đón những gia đình nào chưa xuống kịp chuyến chiều hôm qua để di tản vào Sàigòn vì tàu sắp nhổ neo. Chỉ còn sót lại 2 gia đình. Gia đình Trung tá Hà Ngọc Lương và gia đình Thiếu tá Hà Tấn Thể. Với ngôn ngữ nhà binh ngắn gọn, anh Lương đã nói với anh Thể, khi thấy anh Thể và tôi đang đứng buồn bã trước nhà:

- Sao Thiếu tá và chị còn đứng đây chưa lên xe? Túi xách và các cháu đâu ?

- Gia đình tôi ở laị , không di tản, Commandant!

- Taị sao ?

- Như Commandant thấy đó nhà tôi mang bầu sắp đến ngày sanh, sợ chen lấn xuống tàu có thể nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con, không dám đi. Tôi không thể di tản khi không có vợ con tôi cùng đi. Anh Lương nghe xong liền rút chùm chìa khóa trong túi ra quăng về phía anh Thể. Anh Thể chụp lấy. Cả hai không nói một tiếng nào. Trung tá Lương trong bộ quân phục, nhanh nhẹn nhảy lên xe ngồi bên cạnh tài xế. Tôi mang bụng bầu, cố nén xúc động, bước về phía cửa xe, đưa tay nắm tay chị Kỳ Duyên:

- Thôi, anh chị và các cháu đi. Nghe đồn chắc sẽ trung lập. Hy vọng sau này chúng mình sẽ gặp lại nhau.

Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện và siết tay nhau. Tôi đâu có ngờ tối hôm đó (đêm 1/4/75 rạng 2/4/75) gia đình bạn tôi tất cả 5 người đều chết thảm. Trung tá Lương đã bắn vợ con rồi quay súng bắn vào đầu tự sát. Anh Lương đã thề không đội trời chung với Cộng sản thì nay anh đã thực hiện đúng lời hứa. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao gia đình anh Lương lại ở trong phòng làm việc của anh, phòng Văn Hóa Vụ, trong khi Trung úy Gia lại có mặt ở Sàigòn.

Mãi đến sáng ngày 5/4/75 chúng tôi mới được một người lính Hải quân làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang tới nhà nói cho biết có gia đình một sĩ quan cấp tá tự sát tại phòng Văn Hóa Vụ. Anh Thể nghe vậy cấp tốc xuống đó xem ai. Anh Thể về, mặt còn in nét kinh hoàng:

Gia đình anh chị Lương, em ạ!

Tôi òa lên khóc:

- Trời ơi! Sao laị chết thảm thế này! Anh chị Lương và các cháu ơi!

Sau một hồi ôm đầu suy nghĩ, anh Thể ôn tồn nói với tôi:

- Chúng ta phải chôn cất gia đình anh Lương thôi em ạ. Xác đang sình lên, sắp rửa thối ra, phải chôn ngay thôi. Anh biết thân nhân anh Lương đều ở Sàigòn. Nhưng bên chị Lương, có ai ở NhaTrang không em ?

Nghe đến đây mắt tôi sáng lên , tôi đáp nhanh:

- A, có! Ông ta tên là Khánh, đang dạy học ở Võ Tánh . Có lần chị Lương đã nói với em như vậy.

- Vậy thì tốt qúa! Em lo đi liên lạc với ông Khánh xem sao. Để ông Khánh cùng anh lo việc mai táng. Anh đi đặt mua 5 cái hòm đây!

Sau khi anh Thể phóng xe Vespa ra cổng, tôi cũng lên chiếc xe đạp mini phóng nhanh đi tìm nhà ông Khánh, quên mình đang mang thai gần đến ngày sanh.

Giáo sư Lê Quốc Khánh là một người đàn ông thể chất ốm yếu, nhưng tình cảm thì chứa chan. Sau khi nghe tôi tóm tắt trình bày vụ tự sát, ông Khánh òa lên khóc nức nở. Ông ôm đầu rên rỉ :

Kỳ Duyên ơi, sao em lại bị chết thảm như vầy! Các cháu tôi có tội tình gì hở trời ! Chú Lương ơi, tuần trước chú chở vợ con đến thăm tôi. Chú nói nếu Cọng sản tràn vào, chú sẽ bắn vợ con rồi tự sát. Nhất quyết, chú không đội trời chung với Cng sản. Cây Colt của chú, chú đã nạp đạn. Tưởng chú nói là nói vậy, ai ngờ chú làm thật! Thảm thiết qúa chú Lương ơi!

Tôi gạt nước mắt ôn tồn khuyên nhủ :

- Dù ông có than khóc đến đâu, anh chị Lương và các cháu cũng không sống laị được. Hãy nhìn vào thực tại, các thi hài cần được chôn cất ngay. Ông nên xuống ngay Trung Tâm Huấn Luyện, phối hợp với nhà tôi lo việc chôn cất. Anh Thể tôi đang đi mua hòm chở xuống.
Trung tá Hà Ngọc Lương là một sĩ quan hào hoa, tuấn tú và tài giỏi. Anh là 
thủ khoa khóa 9 Sĩ quan Hải quân Nha Trang (
Hải Quân Trung tá HÀ-NGỌC-LƯƠNG, Thủ khoa Khóa 9 - Đệ Nhất NHÂN-MÃ). Anh gốc người Bắc, giọng nói ngọt ngào trầm ấm. Sau khi được chính phủ gởi đi du học tại Mỹ hai năm về, anh được điều về Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân giữ chức Trưởng Phòng Văn Hóa Vụ.Thiếu tá Hà Tấn Thể (Khóa 12, Đệ Nhất Song-Ngư) vào thời điểm đó, giảng dạy 2 môn Hàng hải và Thiên văn. Anh Lương cùng họ Hà với anh Thể nhưng không cùng chung một huyết thống. Hai anh chỉ là bạn cùng binh chủng, cùng đơn vị, nhà ở gần nhau, nên hai anh thân nhau. Anh Thể thươnganh Lương vì nết, trọng anh vì tài. Anh Lương thương mến anh Thể như thương mến một người bạn thân, như anh em trong nhà.

Chị Lương nhũ danh là Lê thị Kỳ Duyên. Chị là một phụ nữ xinh đep, thân hình chị mãnh mai cân đối. Chị dong dõng cao, duyên dáng như cô Kỳ Duyên trong cặp MC Nguyễn Ngọc Ngạn & Nguyễn Cao Kỳ Duyên mà chúng ta thường thấy trên video Paris By Night. Trong cư xá, chị và tôi chơi thân với nhau. Chúng tôi thỉnh thoảng sang nhà nhau chơi, tâm tình đủ thứ chuyện. Buổi chiều, sau khi làm xong bữa cơm chiều, chị em chúng tôi đem ghế ra trước hiên nhà, nói chuyện chợ búa thời tiết trong lúc chờ đónanh Lương và anh Thể đi làm về. Đám con chị và lũ con tôi chơi đùa với nhau bên cạnh các bà mẹ. Thật là hình ảnh hạnh phúc vui tươi đẹp tuyệt vời!

Lúc anh Thể chở 5 cái hòm tới Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân thì anh thấy căn phòng trống trơn. Hỏi ra mới biết bọn bộ đội tưởng xác chết vô thừa nhận, sợ dơ dáy truyền nhiễm nên đã đem chôn sơ sài trên mô đất cạnh bờ biển. Anh Thể bàn với ông Khánh đào xác lên, tẩm liệm rồi bỏ vào áo quan đem ra Đồng Đế chôn để anh chị Lương có được nấm mồ nằm cho ấm áp. Ông Khánh thấy anh Thể hết lòng với bạn như vậy, mừng lắm đồng ý ngay.

Bà Khánh là một người đàn bà quyền biến khôn ngoan, lanh lẹ. Bà đi tìm thuê người đến giúp, nhưng chẳng ai nhận lời. Vậy là việc tẩm liệm chôn cất chỉ có anh Thể, ông bà Khánh và một cậu thanh niên nhỏ tuổi . Chắc hẳn là con hay cháu gì của họ.

Lúc đào xác lên để tẩm liệm, anh Thể thương mến và kính trọng bạn, nên anh quyết định chôn bạn mình theo nghi thức của một vị anh hùng chết vì bất khuất. Lúc bạn anh sống, chiến đấu cho lá cờ nào, binh chủng nào thì khi bạn anh nằm xuống phải được chôn theo màu cờ, sắc áo đó. Anh Thể về mở tủ nhà anh Lương, lấy bộ đại lễ trắng của binh chủng Hải quân đem xuống mặc cho bạn. Nhưng lúc đó xác anh Lương đã sình lên, quần thì mặc được nhưng cúc quần cài không được. Chiếc áo đại lễ có gắn nhiều huy chương trên ngực áo, anh Thể mặc vào cho niên trưởng anh cũng không vừa . Anh Thể đành đắp chiếc áo đó lên thi thể chiến hữu anh. Chiếc mũ “cát” cấp tá, anh trang trọng đội lên đầu người bạn cùng binh chủng với anh. Lúc đó Nha Trang đã rơi vào tay Cng sản nên anh Thể không tìm ra đâu được lá cờ vàng ba sọc đỏ để phủ lên quan tài bạn.

Hôm đi chôn, năm mộ huyệt đào chiều hôm trước, đã đầy nước vì trận mưa tối hôm qua. Quan tài bỏ xuống cứ nổi lềnh bềnh. Anh Thể phải khấn vái anh chị Lương rồi đứng lên quan tài để quan tài thấm nước chìm xuống rồi mới lấp đất.

Trên dãy mộ mới lấp đất, anh Thể đóng tấm gỗ mang hàng chữ “NƠI AN NGHỈ CỦA GIA ĐÌNH HÀ NGỌC LƯƠNG & LÊ THỊ KỲ DUYÊN”. Trời gần tối công việc tạm xong, họ gạt nhanh những giọt nước đọng trên mặt. Họ chẳng cần biết đó là những giọt mồ hôi hay nước mắt. Chắc là cả hai. Mọi người buồn bã lủi thủi ra về.

Tập hồi ký “Lối Thoát Cuối Cùng” tôi viết từ năm 1985 sau chỉ vài tháng sau ngày định cư trên đất Mỹ. Nhưng vì nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn gởi đăng đâu cả. Cho mãi đến giữa năm 2002 tôi mới gởi đăng trên tập san Đệ nhất Song Ngư kỷ niệm 40 năm thành lập khóa, để phổ biến cái chết anh hùng niên trưởng của phu quân tôi. Một chị thuộc gia đình Hải quân, gởi “Lối Thoát Cuối Cùng” in trên Đặc san Lướt Sóng cho chị Hà Lan Nha đọc vì chị ấy biết chị Hà Lan Nha là em gái anh Hà Ngọc Lương. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi không hề gởi “Lối Thoát Cuối Cùng” cho Lướt Sóng. Tôi đoán chắc các anh Song Ngư muốn phổ biến rộng rãi cái chết dũng cảm của Trung tá Hà Ngọc Lương nên gởi cho đăng trên tập san Lướt Sóng. Điều này cũng tốt thôi. Chị Hà Lan Nha sau khi đọc “Lối Thoát Cuối Cùng”, chị mới biết tường tận gia đình người anh ruột chị tự sát như thế nào, ai chôn cất và chôn ở đâu. Chị Hà Lan Nha xúc động quá, lên World Net tìm chúng tôi để nói lời cảm tạ. Sau đó chị Hà Lan Nha và chúng tôi đã gặp nhau.

Lần đầu gặp chị Lan Nha, tôi nhận biết chị là em gái anh Lương ngay vì chị rất giống anh Lương. Khuôn mặt chị tròn phúc hậu, nụ cười tươi tắn và giọng nói dịu dàng ấm áp như người anh.

Trước khi đọc “Lối Thoát Cuối Cùng”, chị Lan Nha chỉ nghe mơ hồ về cái chết gia đình người anh, vì chị rời Việt Nam khi Saigòn chưa thất thủ, ngày 28/4/75. Chị Lan Nha đã và đang làm cho Bank of America tại Saigòn, nên gia đình chị được chính phủ Hoa Kỳ bốc ưu tiên sang Mỹ. Phu quân chị, Thiếu tá Không quân Vũ Ngô Dũng, cũng được đi cùng vợ con. Nếu không, kẹt lại , chắc cũng phải 10 năm trong ngục tù Cọng sản vì anh là “giặc lái” chuyên lái F5. Anh Dũng vóc dáng cao lớn, mặt mũi trông rất “ngầu” như mấy tay cao bồi trong phim Mỹ. Khi đó biết đâu bọn “cái nồi ngồi trên cái cốc” chẳng ngứa mắt “bonus”cho anh 2 năm nữa cho tròn một giáp!

Nha Trang, nghĩa trang Đồng Đế, nơi bạn tôi nằm đó yên giấc nghìn thu. Ngày đêm tiếng xe chạy trên Quốc lộ 1 chắc đã làm cho bạn tôi bớt quạnh quẻ trong nhiều năm. Nay thì năm nắm xương tàn đó chắc đã bị san bằng để làm nền cao ốc. Nghĩ đến đây tôi không cầm được nước mắt.

Nha Trang ơi, gia đình bạn tôi đã gởi nắm xương tàn tại đó. Xin đất mẹ Nha Trang thương yêu ấp ủnhững nắm xương đó cho đến khi tan biến vào lòng đất nghe. Xương thịt những người tôi thương mến này từ cát bụi mà có, nay hòa tan trong lòng đất cũng là điều tự nhiên thôi . Nhưng mà sao tôi cũng thấy buồn !

Với tâm trạng buồn thương tiếc nuối đó, tôi viết bài này coi như một nén nhang thắp muộn cho bạn tôi, nhân ngày giỗ thứ 28. Anh cũng là chiến hữu của phu quân tôi, anh đã tìm cái chết để khỏi phải sống chung với bọn Cọng sản tàn ác, thật là nghĩa khí anh hùng! Tôi thật lòng kính phục anh. Thôi nhé, anh chị và các cháu nằm yên an nghỉ. . . . Mắt tôi lại cay cay đây rồi.

1 Attached file| 103KB